Luật sư Hồ Ngọc Diệp - Đoàn Luật sư Thành Phố Hồ Chí Minh

Những tình tiết, sự kiện không phải chứng minh theo quy định của BLTTDS 2015.

06/07/2016, 12:46

Về nguyên tắc, trong vụ án dân sự, các đương sự phải có nghĩa vụ chứng minh đối với các tài liệu, chứng cứ do mình đưa ra để khẳng định tính hợp pháp cũng như giá trị pháp lý của các tài liệu, chứng cứ đó.

Tuy nhiên, có những tình tiết, sự kiện mà khi đưa ra, các đương sự không cần thiết phải chứng minh giá trị pháp lý của nó. Vì bản thân các sự kiện, tình tiết này đã hàm chứa trong nó tính hợp pháp của chứng cứ, và giá trị chứng minh của nó được mọi người thừa nhận. Luật tố tụng dân sự xác định đó là, những tình tiết, sự kiện không phải chứng minh.

Trước đây, theo quy định tại Điều 80 BLTTDS năm 2005 (đã được sửa đổi bổ sung năm 2011) những tình tiết, sự kiện không phải chứng minh bao gồm:

a/ Những tình tiết, sự kiện rõ ràng mà mọi người đều biết và được Tòa án thừa nhận.

Ví dụ: Các sự kiện về thiên tai, hoả hoạn....

b/ Những tình tiết, sự kiện đã được xác định trong các bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật hoặc quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đã có hiệu lực pháp luật.

Ví dụ: Sự kiện A chết được xác định trong một bản án đã có hiệu lực pháp luật thì khi nêu ra sự kiện này, các đương sự không cần phải chứng minh nữa.

c/ Những tình tiết, sự kiện đã được ghi trong văn bản và được công chứng, chứng thực hợp pháp;

Ví dụ: “Hợp đồng mua bán nhà ở” giữa các bên đã được cơ quan, tổ chức có thẩm quyền công chứng, chứng thực hợp pháp.

Hoặc, trong các vụ án tranh chấp quyền sử dụng đất, để chứng minh mình có quá trình sử dụng đất ổn định , lâu dài và đã thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thuế đối với nhà nước, đương sự làm đơn yêu cầu cơ quan có thẩm quyền xác nhận thời điểm sử dụng đất hoặc xác nhận đã đóng đầy đủ các khoản thuế liên quan đến việc sử dụng đất…

Những văn bản xác nhận của cơ quan có thẩm quyền trong trường hợp này, được xem là chứng cứ để giải quyết vụ án. Và đương sự mặc nhiên được miễn trừ nghĩa vụ chứng minh đối với các tình tiết, sự kiện ghi trong các văn bản này.

d/ việc một bên đương sự thừa nhận hoặc không phản đối những tình tiết, sự kiện mà bên đương sự kia đưa ra thì bên đương sự đó cũng không phải chứng minh.

đ/ Đương sự có người đại diện tham gia tố tụng thì sự thừa nhận của người đại diện được coi là sự thừa nhận của đương sự.

Có thể nói, việc nhà làm luật quy định một số trường hợp miễn trừ nghĩa vụ chứng minh theo quy định tại Điều 80 BLTTDS 2005 đã phần nào giảm bớt gánh nặng dẫn chứng cho các bên đương sự, đồng thời cũng tạo điều kiện thuận lợi hơn trong việc xác định giá trị chứng minh của chứng cứ.

Tuy nhiên, nhìn từ một phương diện khác, việc áp dụng các quy định này, phần nào đã giới hạn phạm vi xem xét và đánh giá chứng cứ nhằm xác định sự thật khách quan của vụ án. Thậm chí trong một số trường hợp, việc xét xử của Tòa án gần như phụ thuộc hoàn toàn vào nội dung các văn bản, quyết định của cơ quan nhà nước khác, lảm ảnh hưởng đến việc đánh giá chứng cứ trong công tác xét xử nói chung.

Chẳng hạn, trong nhiều vụ án tranh chấp quyền sử dụng đất, một bên đương sự có đầy đủ giấy tờ kê khai, đăng ký sử dụng đất, các biên lai thu thuế nhà đất hàng năm…nhưng Ủy ban nhân dân phường (xã) nơi có đất lại xác nhận cho bên đương sự khác là người có quá trình sử dụng đất trên thực tế, và nhiều Tòa án đã phải căn cứ vào các văn bản xác nhận này để công nhận quyền sử dụng đất cho bên đương sự được xác nhận. Mặc dù việc xác nhận này, không dựa trên bất kỳ một tài liệu hay chứng cứ nào.

Khắc phục những điểm hạn chế trên, BLTTDS năm 2015 đã có những quy định khá chặc chẽ, và quan trọng hơn là đã “lấy lại” quyền chủ động của Thẩm phán trong việc đánh giá chứng cứ. Theo đó, bên cạnh việc thừa nhận những tình tiết, sự kiện đã được ghi trong văn bản và được công chứng, chứng thực hợp pháp, thuộc trường hợp không phải chứng minh như quy định tại điểm c khoản 1 điều 80 BLTTDS 2005, BLTTDS 2015 còn quy định thêm “ … trường hợp có dấu hiệu nghi ngờ tính khách quan của những tình tiết, sự kiện này hoặc tính khách quan của văn bản công chứng, chứng thực thì thẩm phán có thể yêu cầu đương sự, cơ quan, tổ chức công chứng, chứng thực xuất trình bản gốc, bản chính” (điểm c khoản 1 điều 92)

Như vậy, nếu như trước đây, việc Ủy ban nhân dân phường (xã) nơi có đất, có văn bản xác nhận cho một bên đương sự trong vụ án, là người có quá trình sử dụng đất trên thực tế, được xem là chứng cứ có tín lực tuyệt đối, và toà án phải căn cứ vào đó để giải quyết vụ án, thì nay, nếu thấy nghi ngờ về tính khách quan của loại văn bản này, Thẩm phán có thể yêu cầu Ủy ban nhân dân phường (xã) cung cấp bản chính, bản gốc của các tài liệu, chứng cứ thể hiện đương sự là người có quá trình sử dụng đất trên thực tế, chứ không chỉ đơn thuần dựa vào nội dung xác nhận của văn bản này để giải quyết vụ án.

Ngoài ra, tại các khoản 2, 3 điều 92 BLTTDS 2015 cũng quy định thêm một số nội dung mới, liên quan đến sự thừa nhận của đương sự cũng như người đại diện hợp pháp của đương sự khi họ tham gia tố tụng trong vụ án dân sự. Theo đó, khi một bên đương sự thừa nhận hoặc không phản đối những tình tiết, sự kiện, tài liệu, văn bản, kết luận của cơ quan chuyên môn mà bên đương sự kia đưa ra thì bên đương sự đó không phải chứng minh.

Trường hợp đương sự có người đại diện tham gia tố tụng thì sự thừa nhận của người đại diện được coi là sự thừa nhận của đương sự nếu không vượt quá phạm vi đại diện.  

Nói chung, trong quá trình cung cấp chứng cứ và chứng minh để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình, nếu các tình tiết sự kiện được đưa ra thuộc trường hợp miễn trừ nghĩa vụ chứng minh theo luật định, thì các đương sự không cần thiết phải chứng minh giá trị pháp lý của các tình tiết, sự kiện đó. Tuy nhiên, việc pháp luật quy định không phải chứng minh, cần hiểu là không phải chứng minh đối với bản thân các tình tiết, sự kiện đó, chứ không phải đối với tất cả các vấn đề cần phải chứng minh trong vụ án.

Ví dụ: A là người bỏ tiền ra mua nhà và nhờ B đứng tên giùm. Vì tham lam, B cho rằng, căn nhà thuộc quyền sở hữu của B. Bằng chứng mà B đưa ra là các giấy tờ sở hữu tài sản do B đứng tên.

Trong trường hợp này, B không phải chứng minh về tính hợp pháp của các tài liệu giấy tờ thể hiện quyền sở hữu của B đối với căn nhà (tức là không phải chứng minh quá trình thực hiện các thủ tục liên quan đến việc xác lập quyền sở hữu của B đối với căn nhà như thế nào, hợp pháp hay không hợp pháp. Và, việc miễn trừ nghĩa vụ chứng minh cũng chỉ trong phạm vi đó mà thôi). Do vậy, nếu A đưa ra được bằng chứng (ví dụ như giấy thoả thuận về việc nhờ B đứng tên giùm) thì B phải có nghĩa vụ chứng minh để phản bác lại bằng chứng đó.

Trong trường hợp này, B không thể viện dẫn lý do giấy tờ sở  hữu nhà do B đứng tên, thuộc trường hợp không phải chứng minh để cho rằng tài sản (ngôi nhà) thuộc sở hữu của mình. Trái lại, quyền sở hữu của B sẽ không được thừa nhận, nếu A chứng minh được có sự kiện nhờ B đứng tên giùm.

Tương tự như thế, trong vụ kiện tranh chấp hợp đồng mua bán hàng hoá, nguyên đơn là Công ty A khởi kiện yêu cầu bị đơn là Công ty B phải bồi thường thiệt hại do việc giao hàng chậm, không đúng với thời hạn đã thoả thuận trong hợp đồng. Phía bị đơn nại rằng, việc giao hàng chậm là do trên đường vận chuyển, tàu của bị đơn gặp bão nên không thể tiếp tục đi được, và xem đây là sự kiện bất khả kháng nên không chấp nhận việc bồi thường. Trong trường hợp này, nếu thực tế có bão xảy ra thì Công ty B không phải chứng minh đối với sự kiện này. Tuy nhiên, Công ty B phải có nghĩa vụ chứng minh sự kiện mưa bão đã gây ảnh hưởng trực tiếp đến hải trình của họ. Nếu không chứng minh được vấn đề này thì không thể viện dẫn lý do bất khả kháng để thoái thác trách nhiệm bồi thường.

Như vậy, có thể thấy, về mặt giá trị chứng minh của chứng cứ, những tình tiết, sự kiện thuộc trường hợp miễn trừ nghĩa vụ chứng minh theo luật định, không phải lúc nào cũng có tín lực tuyệt đối. Mặt khác, việc thừa nhận giá trị pháp lý đối với loại chứng cứ này, không đồng nghĩa với việc xác định sự thật khách quan của vụ án.

Luật sư HỒ NGỌC DIỆP

Thích và chia sẻ bài viết này

Tin tức khác

Theo Dõi Trên FACEBOOK

Theo Dõi Trên Google Plus

Thống Kê