Tranh chấp dân sự: Cấm xuất cảnh trong trường hợp nào?
Báo pháp luật TP. Hồ Chí Minh, số ra ngày 6/3 có bài “ Con bị kiện, tòa cấm cha xuất cảnh” nêu trường hợp ông Hùng bị Tòa án nhân dân (TAND) tỉnh Khánh Hòa áp dụng Biện pháp khẩn cấp tạm thời (KCTT) “Cấm xuất cảnh” vì liên quan đến một vụ án dân sự mà tòa này đang thụ lý giải quyết.
Cần hiểu đúng tinh thần điều luật.
Điều 128 Bộ luật tố tụng dân sự (BLTTDS) 2015 quy định: cấm xuất cảnh đối với người có nghĩa vụ được áp dụng nếu có căn cứ cho thấy, việc giải quyết vụ án có liên quan đến nghĩa vụ của họ đối với Nhà nước, cơ quan, tổ chức, cá nhân khác và việc xuất cảnh của họ ảnh hưởng đến việc giải quyết vụ án, lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác hoặc để bảo đảm việc thi hành án.
Từ quy định nêu trên, cho thấy, trong quá trình giải quyết vụ án, không phải bất kỳ một trường hợp nào Tòa án xét thấy đương sự có liên quan đến nghĩa vụ đối với Nhà nước, cơ quan, tổ chức hay cá nhân khác, thì đều có thể áp dụng biện pháp KCTT cấm xuất cảnh đối với họ, mà biện pháp này chỉ có thể được áp dụng khi (và chỉ khi) việc xuất cảnh của họ có ảnh hưởng đến việc giải quyết vụ án, lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác hoặc để bảo đảm cho việc thi hành án.
Như vậy, vấn đề cần làm rõ ở đây là, trong vụ án này, việc xuất cảnh của ông Hùng có làm ảnh hưởng đến việc giải quyết vụ án hay gây khó khăn cho công tác thi hành án sau này hay không?
Trên thực tế, cụm từ “Có ảnh hưởng đến việc giải quyết vụ án” theo quy định tại điều 128 BLTTDS, thường được hiểu, là những trở ngại do chính đương sự cố tình tạo ra, nhằm gây khó khăn cho tòa án trong quá trình giải quyết vụ án, như: cố tình vắng mặt khi tòa án triệu tập, cản trở việc đo đạc, định giá tài sản, hay tìm mọi cách để né tránh việc tống đạt các văn bản tố tụng của tòa án…
Tuy nhiên, đây là cách hiểu không đúng. Bởi lẽ, điều luật quy định " có ảnh hưởng" chứ không phải " gây cản trở, khó khăn" đến việc giải quyết vụ án. Mặt khác, quy trình tố tụng đối với vụ án dân sự nói chung, đã được quy định khá chặt chẽ trong BLTTDS. Tòa án hoàn toàn có thể tiến hành việc giải quyết vụ án đúng theo trình tự, thủ tục do pháp luật quy định (kể cả trong trường hợp có đương sự vắng mặt) mà không nhất thiết phải phụ thuộc vào việc hợp tác hay không hợp tác của đương sự. Vì vậy, cụm từ “Có ảnh hưởng đến việc giải quyết vụ án” theo quy định tại điều 128 BLTTDS không áp dụng cho những trường hợp này.
Từ quan điểm cá nhân, chúng tôi cho rằng, “ Có ảnh hưởng đến việc giải quyết vụ án” theo quy định tại điều 128 BLTTDS là những trường hợp mà nếu đương sự xuất cảnh thì việc xác minh, thu thập chứng cứ để giải quyết vụ án sẽ bị ảnh hưởng, thậm chí không thể thực hiện được. Vì việc xác minh, thu thập chứng cứ này, có liên quan trực tiếp đến nhân thân của họ hoặc liên quan đến quyền lợi đối với con cái chưa thành niên của họ.
Chẳng hạn, theo quy định tại khoản 2 điều 81 Luật hôn nhân và Gia đình 2014 thì khi ly hôn, trường hợp cha , mẹ không thỏa thuận được về việc nuôi con thì Tòa án quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con; nếu con từ đủ 07 tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của con.
Trong trường hợp này, nếu người cha hoặc mẹ xuất cảnh mang theo cả con đã trên 7 tuổi, thì khi giải quyết vụ án, tòa án sẽ không xác định được nguyện vọng của con. Do vậy, sẽ ảnh hưởng đến việc giải quyết vụ án.
Một ví dụ khác, trong vụ án “Xác nhận cha cho con”, để có cơ sở giải quyết vụ án, tòa án cần phải tiến hành việc trưng cầu giám định ADN đối với người cha. Trong trường hợp này, nếu người cha xuất cảnh thì việc lấy mẫu ADN sẽ không thực hiện được. Vì vậy, tòa án cần phải áp dụng biện pháp KCTT “Cấm xuất cảnh” đối với đương sự để phục vụ cho việc giải quyết vụ án.
Như vậy, nếu việc xuất cảnh của đương sự không thuộc những trường hợp nêu trên (hoặc có tính chất tương tự) thì tòa án không thể lấy lý do “có ảnh hưởng đến việc giải quyết vụ án” để áp dụng biện pháp KCTT cấm xuất cảnh đối với họ.
Đảm bảo thi hành án trong trường hợp nào?
Chúng ta đều biết, mặc dù BLTTDS năm 2015 quy định rất nhiều biện pháp KCTT để đảm bảo cho việc thi hành án, nhưng nghĩa vụ dân sự, tựu trung chỉ có hai loại, một là nghĩa vụ về tài sản, hai là nghĩa vụ "làm hoặc không làm một việc".
Thực tiễn xét xử cho thấy, để đảm bảo cho việc thi hành án đối với các nghĩa vụ về tài sản, tòa án thường áp dụng các biện pháp KCTT liên quan trực tiếp đến tài sản, như: phong tỏa tài khoản tại ngân hàng, phong tỏa tài sản của người có nghĩa vụ hoặc kê biên tài sản đang tranh chấp … mà không áp dụng biện pháp KCTT cấm xuất cảnh đối với người có nghĩa vụ.
Chúng tôi cho rằng, cách làm trên là hợp lý. Bởi lẽ, việc cấm xuất cảnh không phải là cơ sở để đảm bảo cho việc thi hành án liên quan đến các nghĩa vụ về tài sản, mà biện pháp này chỉ có thể đảm bảo cho việc thi hành án đối với các nghĩa vụ thuộc dạng “làm hoặc không làm một việc” và công việc đó, có liên quan trực tiếp đến nhân thân của người có nghĩa vụ.
Chẳng hạn, A khởi kiện yêu cầu B phải xin lỗi công khai vì có hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm của A. Trong trường hợp này, nếu B xuất cảnh sẽ không đảm bảo việc thi hành án (xin lỗi A) nên tòa án cần phải ra quyết định áp dụng biện pháp KCTT cấm xuất cảnh đối với A.
Một ví dụ khác, B khởi kiện yêu cầu C phải trả lại “Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất” do UBND quận X cấp cho B. Vì đối tượng của nghĩa vụ trong trường hợp này là “ làm một việc” và việc làm đó phải do chính C thực hiện, nên để đảm bảo cho việc thi hành án, tòa án phải ra quyết định áp dụng biện pháp KCTT cấm xuất cảnh đối với C.
Trở lại với trường hợp của ông Hùng, có thể thấy, đây là vụ án dân sự về “Tranh chấp quyền sở hữu tài sản” mà bản thân ông Hùng chỉ là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án. Do vậy, nếu nghĩa vụ của ông Hùng được xác định là một nghĩa vụ về tài sản, thì TAND tỉnh Khánh Hòa có thể áp dụng các biện pháp KCTT liên quan trực tiếp đến tài sản của ông Hùng để đảm bảo cho việc thi hành án.
Trường hợp ông Hùng không còn tài sản nào ở Việt Nam thì cũng không vì thế mà áp dụng biện pháp KCTT cấm xuất cảnh đối với ông. Vì như trên đã phân tích, việc áp dụng biện pháp KCTT này không phải là cơ sở để đảm bảo cho việc thi hành án và cũng không thuộc trường hợp “có ảnh hưởng đến việc giải quyết vụ án” theo quy định tại điều 128 BLTTDS.
Luật sư HỒ NGỌC DIỆP