Luật sư Hồ Ngọc Diệp - Đoàn Luật sư Thành Phố Hồ Chí Minh

Nguyễn Hồng V. có phạm tội cướp và cưỡng đoạt tài sản (tiếp theo)

03/07/2016, 18:14

Sự khác nhau cơ bản giữa hành vi “siết nợ” với trường hợp giữ tài sản để đảm bảo cho việc trả nợ, thể hiện ở chỗ, một đằng là nhằm chiếm đoạt chính tài sản đó để cấn trừ vào số tiền nợ, một đằng là chiếm giữ tài sản đó với mục đích “gây sức ép” để con nợ phải thực hiện nghĩa vụ trả nợ.

Như trong phần tóm lược nội dung vụ án ở kỳ trước, trong vụ án này, ngoài việc bị truy tố và xét xử về hành vi cướp tài sản, Nguyễn Hồng V. còn bị toà án cấp sơ thẩm quy kết về hành vi cưỡng đoạt đối với tài sản là chiếc xe máy hiệu Atilla biển số 72C1… của người bị hại là Lê Văn Tiến.

Lý do cơ quan điều tra khởi tố thêm bị cáo về tội danh này là vì, trước khi xảy ra việc đánh nhau và có hành vi giữ xe của người bị hại vào đêm 28/9/2013 (đã bị khởi tồ về tội cướp tài sản) bị cáo và Nguyễn Thị Kim L. trước đó còn có thành vi gây sức ép để Lê Văn Tiến phải giao xe cho bị cáo vào đêm 14/1/2013.

***

Điều 135 BLHS quy định về tội “Cưỡng đoạt tài sản’ như sau:

người nào đe doạ sẽ dùng vũ lực hoặc có thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần người khác nhằm chiếm đoạt tài sản…”

Như vậy, để kết luận bị cáo có hành vi phạm tội hay không, nhất thiết phải làm rõ, bị cáo có hành vi đe doạ dùng vũ lực hoặc thủ đoạn khác có tính chất uy hiếp tinh thần hay không? Có ý thức chiếm chiếm đoạt đối với chính tài sản là chiếc xe máy hiệu ATILLA của người bị hại hay không?

Tại “Biên bản hỏi cung bị can” ngày 25/11/2013 bị cáo khai: “ tôi nói với Ly. mượn tiền mua xe, lâu không trả tiền thì bây giờ phải đưa xe cho tôi tạm giữ. Khi nào có tiền trả thì mới lấy xe…”

Tại “Biên bản hỏi cung bị can” ngày 28/7/2014, bị cáo cũng có lời khai thể hiện sự chủ động trong việc yêu cầu Ly đến trả tiền để lấy lại xe, như sau : “ … sau khi lấy chiếc xe, tôi có gọi điện, nhắn tin cho Ly hỏi sao hứa trả tiền, nhưng không trả. Ly nói với tôi chưa có tiền trả. Tôi hỏi Ly có được bao nhiêu, Ly nói chỉ có 5.000.000 đồng. Tôi bảo với Ly, có bao nhiêu trả bấy nhiêu, còn lại từ từ trả và phải viết giấy nợ, để lại giấy CMND và giấy tờ xe của Tiến. (còn xe thì trả lại). Khi nào trả hết tiền thì tôi sẽ trả lại toàn bộ giấy tờ” .

Tại “Biên bản đối chất” ngày 31/7/2014, người bị hại là Lê Văn Tiến cũng có lời khai phù hợp với bị cáo về quá trình thực hiện việc trả tiền và nhận lại xe như sau: “… tại quán caphe Ruby, do đã nói chuyện qua điện thoại từ trước, nên tôi viết sẵn giấy nợ theo yêu cầu của V. Do không đủ tiền trả nên V. bắt phải viết giấy nợ thì mới trả xe cho tôi…”

Như vậy đã rõ, việc bị cáo giữ xe là nhằm gây áp lực để người bị hại trả nợ, còn bản thân bị cáo thì chưa bao giờ có ý thức chiếm đoạt chính tài sản là chiếc xe máy hiệu Atilla của người bị hại.

Mặc khác, đối với tội “Cưỡng đoạt tài sản” điều luật cũng quy định rõ, hành vi đe doạ sẽ dùng vũ lực hoặc có thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần người khác, là nhằm để chiếm đoạt chính  tài sản đó, chứ không phải chỉ đơn thuần là buộc người đang quản lý tài sản phải giao tài sản. Vì vậy, nếu trên thực tế có việc đe doạ, uy hiếp để buộc người đang quản lý tài sản phải giao tài sản, nhưng với mục đích khác, không phải mục đích chiếm đoạt (như lấy lại tài sản mà mình đã cho mượn, hay giữ tài sản của người khác để đảm bảo cho việc trả nợ… ) thì không thể xem đó là hành vi chiếm đoạt.  

Ở đây cũng cần phân biệt sự khác nhau giữa hành vi giữ tài sản để đảm bảo cho việc trả nợ của bị cáo với hành vi “siết nợ” - một hiện tượng khá phổ biến trong đời sống xã hội hiện nay.

Hiểu một cách nôm na, siết nợ nói chung, là hành vi lấy tài sản của người khác để cấn trừ vào số tiền mà họ đang nợ. Vì vậy, ý thức chiếm đoạt đã thể hiện rõ ngay trong hành vi siết nợ.

Sự khác nhau cơ bản giữa hành vi siết nợ với trường hợp giữ tài sản để đảm bảo việc trả nợ, thể hiện ở chỗ, một đằng là nhằm chiếm đoạt chính tài sản đó để cấn trừ vào số tiền nợ, một đằng là chiếm giữ tài sản đó với mục đích gây sức ép để con nợ phải thực hiện nghĩa vụ trả nợ.

Từ cách tiếp cận trên, chúng ta dễ dàng nhận thấy, hành vi siết nợ, tự bản thân nó đã hàm chứa yếu tố chiếm đoạt (lấy tài sản để trừ nợ) cho nên, trong một số trường hợp, hành vi siết nợ đã bị các cơ quan bảo vệ pháp luật khởi tố về tội “ Cưỡng đoạt tài sản” là có căn cứ và phù hợp với quy định của pháp luật. Tuy nhiên, đối với những trường hợp chiếm giữ tài sản với mục đích đảm bảo cho việc trả nợ như hành vi của các bị cáo trong vụ án này, thì không thể quy kết về tội “Cưỡng đoạt tài sản” như bản án sơ thẩm đã tuyên.

Ở một phương diện khác, án sơ thẩm cho rằng: “ Vì Lê Văn Tiến sợ Ly sẽ tiếp tục bị đánh nên buộc phải giao xe mô tô Atilla biển số 72C1… cho bị cáo V…” và xem đây là hành vi khách quan (đe doạ sẽ dùng vũ lực) của cấu thành tội phạm.

Có thể nói, đây là một nhận định không dựa trên chứng cứ của vụ án mà hoàn toàn mang tính chủ quan và suy diễn. Bởi lẽ, việc đe doạ dùng vũ lực hay thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần… là hành vi thuộc mặt khách quan của cấu thành tội phạm. Vì vậy, chỉ khi nào có bằng chứng cụ thể của sự đe doạ dùng vũ lực hay thủ đoạn khác… thì mới xem đó là hành vi khách quan của tội phạm.

Không thể căn cứ vào lời khai của người bị hại cho rằng, vì sợ hãi nên họ mới giao tài sản cho bị cáo, để từ đó kết luận bị cáo có hành vi đe doạ dùng vũ lực hay thủ đoạn khác mang tính chất uy hiếp tinh thần. Trong khi trên thực tế, bị cáo chỉ yêu cầu người vay tiền là Trần Thị Cẩm Ly đi cùng để giải quyết việc nợ nần, hoàn toàn không có bất kỳ một hành vi hay lời nói nào mang tính chất đe doạ cả.

Tâm lý sợ hải là một phạm trù thuộc mặt chủ quan của con người. Một hành động, một việc làm nào đó, có thể gây tâm lý hoang mang, sợ hãi cho người này, nhưng không chắc đã tạo nên sự hoang mang, sợ hãi với người kia.

Vì vậy, không thể căn cứ vào tâm lý chủ quan của người bị hại để đánh giá hành vi khách quan của tội phạm.

Luật sư HỒ NGỌC DIỆP

Thích và chia sẻ bài viết này

Tin tức khác

Theo Dõi Trên FACEBOOK

Theo Dõi Trên Google Plus

Thống Kê