Thủy Kính tiên sinh: Sự ẩn hiện huyền cơ trong Tam Quốc. Bài 2: Một kỳ nhân đầy bí ẩn
Khác với nhiều nhân vật trong Tam Quốc, hình ảnh của Thủy Kính tiên sinh dường như bị lịch sử che mờ bởi một màng sương kỳ ảo.
Về ngoại hình, người ta chỉ biết đó là một con người có “dáng tùng, vóc hạt” mang phong thái thanh thoát như một tiên ông hay đạo sĩ thoát tục. Về lai lịch, bản quán, sách “Tam quốc chí” của Trần Thọ, phần nói về Bàng Thống, có đề cập đến Thủy Kính tiên sinh (tên thật là Tư Mã Huy) nhưng cũng hết sức sơ lược. Trần Thọ chỉ cho biết:
“Tư Mã Huy người quận Dĩnh Xuyên là hạng thanh nhã biết xét người, lúc Thống hai mươi tuổi qua gặp Huy, Huy hái dâu ở trên cây, Thống ngồi ở dưới gốc cùng nói chuyện từ sáng đến tối. Huy rất lấy làm lạ, khen Thống là kẻ sĩ hàng đầu ở Nam Châu lúc bấy giờ, bởi thế tiếng của Thống dần nổi…”
Có lẽ khi viết “Tam quốc diễn nghĩa”, La Quán Trung đã căn cứ vào nguồn sử liệu này nên mới có đoạn đối thoại dưới đây giữa Huyền Đức và chú bé mục đồng.
Huyền đức hỏi: Thầy cháu là ai?
Chú bé đáp: Thầy cháu là Tư Mã Huy, tự là Đức Tháo, người ở Dĩnh Châu, đạo hiệu là Thủy Kính tiên sinh.
Huyền Đức lại hỏi: Thầy cháu hay kết bạn với ai?
Chú bé đáp: Thầy cháu thường chơi với hai người ở Tương Dương là Bàng Đức Công và Bàng Thống.
Huyền Đức hỏi: Bàng Đức Công và Bàng Thống là người thế nào?
Chú bé đáp:
Là hai chú cháu. Bàng Đức Công, tự Sơn Dân hơn thầy cháu mười tuổi; Bàng Thống, tự là Sĩ Nguyên, kém thầy cháu năm tuổi. Một hôm, thầy cháu đương hái dâu ở trên cây, gặp Bàng Thống lại thăm, hai người ngồi chơi nói chuyện dưới gốc cây, cả ngày không biết mệt. Thầy cháu yêu Bàng Thống lắm, gọi là anh em…
Hành tung đã bí ẩn như thế, cách nói chuyện của Thủy Kính tiên sinh lại càng làm cho người ta ngạc nhiên hơn. Có khi ông đoán việc như thần, ngồi trong “am trúc” mà biết Lưu Huyền Đức chạy nạn đến đây. Nhưng cũng có khi, mọi chuyện ông cứ úp mở, nói năng ưỡm ờ, làm cho người ta không tài nào hiểu nỗi.
Khi nghe Thủy Kính nói: Nay những bật kỳ tài trong thiên hạ đều ở miền này. Huyền Đức nóng lòng vội hỏi: Kỳ tài ở đâu?
Thủy kính đáp: Phục long, Phượng sồ, chỉ cần một trong hai người ấy cũng đủ bình định thiên hạ.
Nhưng khi Huyền Đức gặng hỏi:
Phục long, Phượng sồ là người thế nào, thì chỉ nhận được tiếng vỗ tay cười rộ của Thủy Kính cùng với câu trả lời: Được! Được!
Sau đó, ông lảng sang chuyện khác, bảo Huyền Đức: Bây giờ tối rồi, xin tướng quân hãy tạm nghỉ chân ở đây, ngày mai tôi sẽ nói chuyện.
Đêm đó, Huyền Đức ngủ lại “thảo am” của Thủy Kính và nửa đêm ông tình cờ nghe được cuộc nói chuyện giữa Thủy Kính tiên sinh với Từ Thứ. Huyền Đức cứ đinh ninh rằng, Từ Thứ chính là một trong hai người: Phục Long hoặc Phượng Sồ mà Thủy Kính nhắc đến.
Sáng hôm sau, Huyền Đức đem chuyện ấy hỏi Thủy Kính, ông lại cười ồ lên và nói: Được! Được!.
Huyền Đức quay sang hỏi đến chuyện của Phục Long, Phượng Sồ thì quái lạ thay, Thủy Kính tiên sinh cũng chỉ cười ồ và nói: Được! Được!
Đọc Tam Quốc đến những đoạn này, người ta có cảm giác Thủy Kính Tiên Sinh vừa như muốn nói ra, lại vừa như muốn che giấu một điều gì. Phải chăng, đó là sự lần lữa của ông trong việc tiến cử hiền tài – những người mà theo ông, có thể “xoay chuyển càn khôn”, đổi dời thế cuộc, nhưng huyền cơ thì như đang mách bảo với ông một điều gì…
(Bài 3: Những mặc khải đầu tiên)