Luật sư Hồ Ngọc Diệp - Đoàn Luật sư Thành Phố Hồ Chí Minh

Đại án Huyền Như giai đoạn 2: Lừa đảo hay tham ô tài sản? (*)

15/02/2017, 08:53

Tháng 2-2015, Tòa phúc thẩm TAND tối cao (nay là TAND cấp cao) tại TP.HCM đã tuyên hủy một phần bản án sơ thẩm của TAND TP.HCM để điều tra lại nhằm làm rõ hành vi tham ô tài sản của Huỳnh Thị Huyền Như và các đồng phạm trong việc chiếm đoạt số tiền 1.085 tỉ đồng.

Tuy nhiên, ngày 13/2 trao đổi với báo Tuổi trẻ, lãnh đạo TAND TP.HCM cho biết, cơ quan này đang thụ lý và chuẩn bị đưa ra xét xử vụ án Huỳnh Thị Huyền Như giai đoạn 2. Theo đó, căn cứ vào kết quả điều tra lại, VKSND Tối cao vẫn tiếp tục bảo lưu quan điểm truy tố Huỳnh Thị Huyền Như về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản chứ không phải về tội tham ô tài sản như quan điểm của bản án phúc thẩm.

Vậy, thực chất việc Huỳnh Thị Huyền Như chiếm đoạt số tiền 1.085 tỉ đồng trong vụ đại án này, là hành vi tham ô hay lừa đảo chiếm đoạt tài sản? Và tại sao các cơ quan tiến hành tố tụng lại có quan điểm khác nhau trong việc xác định tội danh đối với hành vi phạm tội này?

Để trả lời các vấn đề trên, trước hết cần xác định, tài sản mà Huỳnh Thị Huyền Như chiếm đoạt, thực chất là của Ngân hàng hay của những đơn vị, tổ chức, cá nhân đã mở tài khoản hoặc gửi tiền vào ngân hàng này?

Chúng ta đều biết, trên thực tế, cho dù khách hàng có mở tài khoản hay gửi tiền vào bất kỳ một ngân hàng nào, thì bản thân họ cũng không phải là người trực tiếp nắm giữ tài sản là số tiền đó. Trái lại, chính ngân hàng mới là người có quyền quản lý, điều phối và sử dụng số tiền trên trong hoạt động kinh doanh của mình.

Mặt khác, cái gọi là “tài sản” của một cá nhân hay đơn vị tổ chức nào đó khi mở tài khoản tại ngân hàng, thực chất chỉ là một “quyền về tài sản”. Còn trên thực tế, họ hoàn toàn không phải là người trực tiếp chiếm hữu, quản lý hay sử dụng đối với tài sản là số tiền này.

Chẳng hạn, Nguyễn Văn A có tài sản là số tiền một tỷ đồng. A mang số tiền trên đến gửi tại một ngân hàng. Như vậy, kể từ thời điểm A nộp tiền vào tài khoản ngân hàng, số tiền này không còn thuộc quyền sở hữu của A nữa mà đã được chuyển sang ngân hàng. Ngân hàng có toàn quyền chiếm hữu,  sử dụng và định đoạt đối với số tiền trên. Còn bản thân A sẽ được ngân hàng xác nhận bằng một chứng thư, ghi nhận A có số tiền một tỷ đồng gửi tại ngân hàng trên. Chứng thư xác nhận này là cơ sở pháp lý để A thực hiện quyền tài sản của mình, cũng như giấy vay nợ là cơ sở pháp lý để thực hiện quyền đòi nợ trên thực tế.

Như vậy, không thể cho rằng, số tiền của các đơn vị, tổ chức, cá nhân mở tài khoản thanh toán tại Ngân hàng bị Huỳnh Thị Huyền Như chiếm đoạt là tài sản của các tổ chức cá nhân này, để từ đó xác định bị can có hành vi lừa đảo các tổ chức, cá nhân này để chiếm đoạt tài sản, mà cần phải xác định, đây chính là số tiền của Ngân hàng bị Như chiếm đoạt.

Sẽ là điều phi lý và không có cơ sở khoa học, khi xác định hành vi chiếm đoạt số tiền 1.085 tỷ đồng của Như là phạm tội lừa đảo, và những đơn vị, tổ chức, cá nhân gửi tiền vào tài khoản của Ngân hàng bị Như chiếm đoạt là người bị hại trong vụ án. Vì trên thực tế, số tiền trên không thuộc quyền sở hữu của họ, cái mà họ đang sở hữu, thực chất chỉ là một quyền về tài sản thuộc phạm vi “trái quyền” (hay còn gọi là quyền đối nhân) . Tức là quyền được yêu cầu ngân hàng tính lãi hay giải ngân vào một thời điểm nhất định, chứ không phải “vật quyền” (hay còn gọi là quyền đối vật) là quyền trực tiếp chiếm giữ và hành sử trên vật (tài sản).

Trong khi đó, khách thể của tội lừa đảo nói riêng và các tội phạm có tính chất chiếm đoạt nói chung, được xác định là chính đối tượng tài sản, chứ không phải quyền về tài sản. Nhất là, đối với các quyền về tài sản thuộc phạm vi quyền đối nhân (như quyền đòi nợ, quyền yêu cầu tính lãi hoặc giải ngân khi mở tài khoản thanh toán tại ngân hàng...), thì lại càng không thể trở thành khách thể hay đối tượng chiếm đoạt của loại tội phạm này.

Ở một phương diện khác, xét về mặt chủ thể của tội phạm thì đối với tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, xuất phát từ hành vi khách quan của tội phạm này là, người phạm tội phải dùng thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt trực tiếp tài sản từ sự quản lý, chiếm hữu của người bị hại, nên chủ thể của tội phạm này là bất kỳ ai.

Trong khi đó, đối với tội tham ô tài sản, để chuyển dịch hay thực hiện được hành vi chiếm đoạt tài sản đang thuộc quyền quản lý, chiếm hữu của cơ quan Nhà nước, tổ chức xã hội… thì chủ thể của tội phạm này đòi hỏi phải là người có chức vụ quyền hạn. Nói khác, người phạm tội đã sử dụng chức vụ, quyền hạn của mình như một phương tiện, một lợi thế để thực hiện hành vi phạm tội mà người khác không thể thực hiện được.

Trong vụ án này, Huỳnh Thị Huyền Như không trực tiếp nhận tiền hay chiếm đoạt tài sản từ các đơn vị, tổ chức, cá nhân, mà chỉ dẫn dụ họ tham gia gửi tiền vào tài khoản thanh toán mở tại ngân hàng. Và, chỉ sau khi họ đã hoàn tất các thủ tục gửi tiền vào ngân hàng này, thì Như mới lập các chứng từ giả, chữ ký giả của chủ tài khoản, sau đó dùng quyền của Trưởng phòng giao dịch để chuyển tiền sang tài khoản của Như. Vì vậy, không có cơ sở để truy tố Như về hành vi lừa đảo chiếm đoạt số tiền 1.085 tỷ đồng của các tổ chức, cá nhân tham gia gửi tiền vào tài khoản thanh toán của ngân hàng.

Việc Huỳnh Thị Huyền Như lợi dụng chức vụ, quyền hạn để trực tiếp chiếm đoạt số tiền 1.085 tỷ đồng đang thuộc quyền quản lý, sử dụng hợp pháp của ngân hàng, hoàn toàn thỏa mãn các dấu hiệu của tội tham ô tài sản theo quy định tại điều 278 BLHS 1999. Vì vậy, cần xem xét trách nhiệm hình sự đối với bị can về tội danh này.

Luật sư HỒ NGỌC DIỆP 

--------------------------------

(*) Bài viết đã đăng trên báo điện tử Vietnamnet dưới tiêu đề " Siêu lừa Huyền Như giai đoạn 2: Đủ yếu tố cấu thành tội"   

Thích và chia sẻ bài viết này

Tin tức khác

Theo Dõi Trên FACEBOOK

Theo Dõi Trên Google Plus

Thống Kê