Thủy Kính tiên sinh: Sự ẩn hiện huyền cơ trong Tam Quốc. Bài 2: Một kỳ nhân đầy bí ẩn
Một số vấn đề cần sửa đổi, bổ sung trong pháp luật Thi hành án dân sự trên cơ sở rà soát BLDS 2015
Bộ luật dân sự sửa đổi năm 2015 (BLDS) đã được thông qua tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIII ngày 24-11-2015, gồm 27 chương, 689 điều.
Trong điều kiện hiện nay, khi bên cạnh BLDS đã và đang tồn tại ngày càng nhiều các đạo luật điều chỉnh các lĩnh vực hoạt động đặc thù như Luật doanh nghiệp, Luật đầu tư, Luật đất đai, Luật nhà ở, Luật kinh doanh bất động sản, Luật hôn nhân và gia đình, Luật Thi hành án dân sự… Như vậy, trong mối quan hệ với các luật chuyên ngành, BLDS đứng ở vị trí trung tâm với tư cách là luật gốc. Trên cơ sở đạo luật gốc này, qua quá trình rà soát văn bản quy phạm pháp luật trong thi hành án dân sự, có một số vấn đề trong pháp luật thi hành án dân sự cần phải nghiên cứu sửa đổi, bổ sung cho phù hợp.
Qua rà soát sơ bộ cho thấy có 16 vấn đề liên quan tại 91 điều của BLDS 2015 so với các văn bản về thi hành án dân sự (THADS). Trong số 16 vấn đề được rà soát cho thấy có 11/16 vấn đề quy định của pháp luật THADS phù hợp với quy định của BLDS 2015 được đề nghị giữ nguyên và tiếp tục thực hiện, nhưng cũng có 05 vấn đề chưa phù hợp với quy định của BLDS 2015 cần sửa đổi, bổ sung. Cụ thể:
1. Các quy định của pháp luật THADS phù hợp với BLDS 2015
(1) Quy định về thỏa thuận thi hành án: Điều 3 BLDS 2015; Điều 6 Luật Thi hành án dân sự đã được sửa đổi, bổ sung năm 2014 ( Luật THADS); Điều 5 Nghị định 62/2015/NĐ-CP của Chính phủ ngày 18/7/2016 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Thi hành án dân sự ( Nghị định 62);
(2) Quy định về hợp nhất, sáp nhập, chia, tách, giải thể pháp nhân: Điều 88, Điều 89, Điều 90, Điều 91, Điều 92, Điều 93 BLDS 2015; Khoản 1 Điều 54 Luật THADS;
(3) Quy định về chuyển giao quyền và nghĩa vụ thi hành án: Điều 365, Điều 366, Điều 367, Điều 368, Điều 369, Điều 370, Điều 371, Điều 615 BLDS 2015; Điều 54 Luật THADS; Điều 15 Nghị định số 62;
(4) Quy định về xác định, phân chia, xử lý tài sản chung để thi hành án: Điều 102, Điều 212, Điều 219, Điều 213 BLDS 2015; Điều 74 Luật THADS; Điều 24 Nghị định 62;
(5) Quy định về thời hiệu yêu cầu thi hành án: Điều 149, Điều 156 BLDS 2015; Điều 30 Luật THADS; Điều 4 Nghị định 62;
(6) Quy định về xử lý tài sản để thực hiện nghĩa vụ của chủ sở hữu và quy định tài sản không được kê biên: Điều 241 BLDS 2015; Điều 71, Điều 87 Luật THADS;
(7) Quy định về bán đấu giá tài sản và xử lý kết quả bán đấu giá tài sản thi hành án: Điều 451, Điều 218 BLDS 2015; Điều 101 Luật THADS; Điều 27 Nghị định 62;
(8) Quy định về đại diện theo pháp luật của pháp nhân: Điều 137 BLDS 2015; Điều 41 Luật THADS; Điều 20 Nghị định 62;
(9) Quy định về ủy quyền: Điều 562, Điều 563, Điều 564, Điều 565, Điều 566, Điều 567, Điều 568 BLDS 2015; Điều 7, Điều 42, Điều 31, Điều 88, Điều 129 Luật THADS; Điều 51 Nghị định 62;
(10) Quy định về đăng ký, chuyển quyền sở hữu, sử dụng tài sản: Điều 221, Điều 235, Điều 241, Điều 503 BLDS 2015; Điều 106 Luật THADS; Điều 28 Nghị định 62;
(11) Quy định về kê biên, xử lý tài sản đang cầm cố, thế chấp: Điều 299, Điều 300 BLDS 2015; Điều 90 Luật THADS.
2. Các quy định của pháp luật THADS chưa phù hợp với BLDS 2015 đề nghị sửa đổi, bổ sung
(1) Quy định về bồi thường thiệt hại:
Theo Điều 13 BLDS 2015; Điều 10 Luật THADS: Trách nhiệm bồi thường thiệt hại theo quy định của Luật THADS thì trường hợp cơ quan, tổ chức, cá nhân vi phạm quy định của Luật THADS phải bồi thường theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, trong BLDS 2015, ngoài việc bồi thường thiệt hại còn được thực hiện theo thỏa thuận của các bên đương sự. Đề xuất khi tiến hành sửa đổi, bổ sung Luật THADS nên bổ sung quy định “trừ trường hợp các bên đương sự có thỏa thuận”.
(2) Thanh toán số tiền có được từ việc xử lý tài sản cầm cố, thế chấp:
Theo quy định tại Điều 307, Điều 308 BLDS 2015; Điều 47, Điều 90 Luật THADS: Theo quy định của Luật THADS thì phải ưu tiên khoản án phí của bản án, quyết định của Tòa án, nhưng BLDS 2015 không quy định ưu tiên khoản án phí của bản án, quyết định của Tòa án mà chỉ quy định “thanh toán chi phí bảo quản, thu giữ và xử lý tài sản cầm cố, thế chấp” trước khi ưu tiên thanh toán cho bên nhận cầm cố, thế chấp hoặc bên có nghĩa vụ được bảo đảm. Do đó, quy định về thanh toán của Luật THADS chưa phù hợp với quy định của BLDS 2015. Đề xuất trong quá trình sửa đổi, bổ sung Luật THADS cần nghiên cứu đảm bảo quy định phù hợp với BLDS về nội dung thanh toán số tiền có được từ việc xử lý tài sản cầm cố, thế chấp theo Điều 47 Luật THADS.
(3) Bảo vệ quyền lợi của người thứ 3 ngay tình:
Theo Điều 133 BLDS 2015; Điều 103 Luật THADS; Điều 24 Nghị định 62; Điều 6 TTLT số 14/2010/ TTLT-BTP-TANDTC-VKSNDTC ngày 26/7/2010 hướng dẫn một số vấn đề về thủ tục thi hành án dân sự và phối hợp liên ngành trong thi hành án dân sự (TTLT số 14): Quy định tại Luật THADS và Nghị định 62 đã phù hợp với BLDS 2015 theo hướng bảo vệ quyền lợi của người thứ ba ngay tình trong trường hợp mua tài sản đã kê biên, bán đấu giá. Tuy nhiên, quy định tại Khoản 1 Điều 6 TTLT số 14 còn chưa phù hợp “Kể từ thời điểm có bản án, quyết định sơ thẩm mà người phải thi hành án bán, chuyển đổi, chuyển nhượng, tặng cho, thế chấp, bảo lãnh, cầm cố tài sản của mình cho người khác, không thừa nhận tài sản là của mình mà không sử dụng khoản tiền thu được để thi hành án thì tài sản đó vẫn bị kê biên để thi hành án”. Do đó, đề xuất sửa đổi, bổ sung Điều 6 TTLT số 14 cho phù hợp với BLDS 2015, Luật THADS và Nghị định 62. Hiện nay, Tổng cục THADS đang xây dựng Thông tư liên tịch thay thế TTLT số 14 và Điều 6 tại Dự thảo đã được sửa đổi, bổ sung theo hướng như trên.
(4) Quy định về thực hiện nghĩa vụ liên đới:
Tại Điều 288, Điều 289 BLDS 2015; Điều 55 Luật THADS; Điều 6 Nghị định 62; Điều 5 TTLT số 14 quy định về nghĩa vụ liên đới: theo Khoản 1 Điều 288, BLDS 2015 thì bên có quyền có thể yêu cầu “bất cứ ai” trong số những người có nghĩa vụ phải thực hiện toàn bộ nghĩa vụ. Khoản 3, Điều 289 BLDS 2015 quy định “Trường hợp một trong số những người có quyền liên đới miễn cho bên có nghĩa vụ không phải thực hiện phần nghĩa vụ đối với mình thì bên có nghĩa vụ vẫn phải thực hiện phần nghĩa vụ còn lại đối với những người có quyền liên đới khác”. Về nội dung này, trong pháp luật THADS, người có quyền miễn nghĩa vụ cho một trong số những người có nghĩa vụ thì chưa quy định hậu quả pháp lý, do đó, cần bổ sung trong trường hợp người được thi hành án đồng ý cho một hoặc một số người trong số những người phải thi hành án nghĩa vụ liên đới không thi hành phần nghĩa vụ của họ thì phần nghĩa vụ không yêu cầu thi hành án cần phải được đình chỉ theo quy định. Hiện nay, theo TTLT thay thế TTLT số 14, điều này đang được sửa đổi, bổ sung theo hướng bổ sung từ “bất cứ ai” hoặc “bất kỳ ai” trong việc bên có quyền yêu cầu thực hiện nghĩa vụ liên đới đối với nhiều người và quy định về việc đình chỉ trong trường hợp người được thi hành án miễn nghĩa vụ cho một trong số những người phải thi hành án.
(5) Quy định về chấm dứt nghĩa vụ, kết thúc thi hành án:
Điều 372, Điều 373, Điều 374, Điều 375, Điều 376, Điều 377, Điều 378, Điều 379, Điều 380, Điều 381, Điều 382, Điều 383, Điều 384 BLDS 2015; Điều 50, Điều 52 Luật THADS:
Theo quy định về việc chấm dứt nghĩa vụ hay còn gọi là kết thúc trong thi hành án dân sự thì việc chấm dứt nghĩa vụ trong BLDS 2015 ngoài các nội dung tương đồng giữa Luật THADS và BLDS 2015 thì Điều 372 BLDS 2015 còn quy định các căn cứ chấm dứt nghĩa vụ gồm“Bên có quyền và bên có nghĩa vụ hoà nhập làm một”; “Vật đặc định là đối tượng của nghĩa vụ không còn và được thay thế bằng nghĩa vụ khác”.
Trong Luật THADS thì quy định về Vật đặc định là đối tượng của nghĩa vụ không còn là căn cứ xác định việc chưa có điều kiện tại Điều 44a Luật THADS; chưa quy định trong trường hợp bên có quyền và bên có nghĩa vụ hoà nhập làm một thì đình chỉ thi hành án.
3. Đề xuất đối với các vấn đề của pháp luật THADS chưa phù hợp với BLDS 2015
Đối với 05 vấn đề của pháp luật THADS và văn bản hướng dẫn thi hành chưa phù hợp với BLDS như trên, đề xuất sửa đổi, bổ sung cụ thể như sau:
– Sửa đổi, bổ sung vào Điều 10 Luật THADS về quy định bồi thường thiệt hại có thêm nội dung “trừ trường hợp các bên đương sự có thỏa thuận”.
– Sửa đổi, bổ sung Điều 47 Luật THADS về quy định bỏ ưu tiên thanh toán khoản án phí trước khi thanh toán cho bên nhận cầm cố, thế chấp để phù hợp với quy định tại Điều 307 BLDS 2015.
– Sửa đổi, bổ sung Điều 5 TTLT số 14 theo hướng bổ sung từ “bất cứ ai” hoặc “bất kỳ ai” trong việc bên có quyền yêu cầu thực hiện nghĩa vụ liên đới đối với nhiều người và quy định về việc đình chỉ trong việc người được thi hành án miễn nghĩa vụ cho một trong số những người phải thi hành án.
– Sửa đổi, bổ sung Điều 6 TTLT số 14 theo hướng bảo vệ quyền lợi của người thứ ba ngay tình.
– Sửa đổi, bổ sung Điều 50 về Đình chỉ thi hành án, theo đó bổ sung thêm 02 căn cứ đình chỉ thi hành án khi “Bên có quyền và bên có nghĩa vụ hoà nhập làm một”; “Vật đặc định là đối tượng của nghĩa vụ không còn và được thay thế bằng nghĩa vụ khác”.
Nguyễn Nhàn - Vụ nghiệp vụ 1 - Tổng cục Thi hành án dân sự
SOURCE: CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỔNG CỤC THI HÀNH ÁN DÂN SỰ – BỘ TƯ PHÁP – THADS.MOJ.GOV.VN