Luật sư Hồ Ngọc Diệp - Đoàn Luật sư Thành Phố Hồ Chí Minh

Thu Thập Chứng Cứ Và Quyền Khiếu Nại Của Đương Sự

04/05/2016, 12:28

Việc giao nộp chứng cứ để chứng minh cho các yêu cầu trong vụ án dân sự, vừa là quyền, vừa là nghĩa vụ của các đương sự. Tuy nhiên, trên thực tế có nhiều trường hợp, đương sự không xác định được các tài liệu, chứng cứ nào cần phải cung cấp cho Tòa án, dẫn đến việc giao nộp không đầy đủ chứng cứ. Cũng có trường hợp các tài liệu, chứng cứ mà đương sự có nghĩa vụ cung cấp, hiện đang do cá nhân, cơ quan, tổ chức khác lưu giữ nhưng họ không thể yêu cầu hoặc đã yêu cầu nhưng cá nhân, cơ quan, tổ chức đó không cung cấp. Trong trường hợp này, đương sự có quyền yêu cầu Tòa án thu thập các tài liệu, chứng cứ đó.

Trách nhiệm thu thập chứng cứ của Toà án.

Điều 85 BLTTDS quy định về việc thu thập chứng cứ như sau:

Trong trường hợp xét thấy chứng cứ có trong hồ sơ vụ việc dân sự chưa đủ cơ sở để giải quyết thì Thẩm phán yêu cầu đương sự giao nộp bổ sung chứng cứ.

Trong trường hợp đương sự không thể tự mình thu thập được chứng cứ và có yêu cầu thì Thẩm phán có thể tiến hành một hoặc một số biện pháp sau đây để thu thập chứng cứ:

  • Lấy lời khai của đương sự, người làm chứng
  • Trưng cầu giám định
  • Quyết định định giá tài sản
  • Xem xét thẩm định tại chỗ
  • Ủy thác thu thập chứng cứ
  • Yêu cầu cá nhân, cơ quan, tổ chức cung cấp tài liệu đọc được, nghe được, nhìn được hoặc hiện vật khác liên quan đến việc giải quyết vụ việc dân sự…”

Đây là một quy định hoàn toàn mới, thể hiện việc đề cao trách nhiệm của đương sự trong việc thu thập chứng cứ, thực hiện nghĩa vụ chứng minh của mình. Đồng thời giảm bớt trách nhiệm điều tra, thu thập chứng cứ của Tòa án. Tạo điều kiện để Tòa án thực sự trở thành cơ quan tài phán độc lập, đảm bảo tính khách quan trong quá trình giải quyết vụ việc dân sự.

Tuy nhiên, theo tinh thần quy định tại khoản 2 Điều 85 nêu trên thì Tòa án chỉ tiến hành thu thập chứng cứ thay cho đương sự khi: đương sự không thể tự mình thu thập được chứng cứ, và đương sự phải có yêu cầu Tòa án thu thập chứng cứ.

Như vậy, vấn đề ở đây cần được hiểu như thế nào? Trong trường hợp nào thì được xem là đương sự không thể tự mình thu thập được chứng cứ? có phải nếu đương sự viết trong đơn hoặc trực tiếp trình bày với Tòa án là mình không tự thu thập được chứng cứ và yêu cầu Tòa án thu thập thì trách nhiệm thu thập chứng cứ đã được chuyển sang Tòa án?

Khoản 1, Điều 94 BLTTDS quy định:

Trong trường hợp đương sự đã áp dụng các biện pháp cần thiết để thu thập chứng cứ mà vẫn không thể tự mình thu thập được thì có thể yêu cầu Tòa án tiến hành thu thập chứng cứ nhằm bảo đảm cho việc giải quyết vụ việc dân sự đúng đắn …”

Từ quy định trên đây chúng tôi cho rằng, chỉ khi nào đương sự chứng minh một cách rõ ràng họ đã làm hết sức mình nhưng do những khó khăn khách  quan như cá nhân, cơ quan, tổ chức… đang lưu giữ tài liệu đó cố tình gây khó khăn, không cung cấp cho họ thì Tòa án mới có trách nhiệm thu thập chứng cứ.

Ngoài ra, theo tinh thần hướng dẫn tại Nghị quyết số 04/2005 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cao thì việc đương sự có yêu cầu Tòa án thu thập chứng cứ phải được thể hiện bằng văn bản (có thể làm bằng văn bản riêng, có thể ghi trong bản khai, biên bản đối chất…)

Trường hợp đương sự trực tiếp đến Tòa án yêu cầu thì Tòa án phải lập biên bản ghi rõ yêu cầu của đương sự. Đối với trường hợp đương sự yêu cầu Tòa án tiến hành thu thập chứng cứ bằng biện pháp yêu cầu cá nhân, cơ quan, tổ chức cung cấp chứng  cứ thì  đương sự phải làm đơn yêu cầu.

Khiếu nại về việc thu thập chứng cứ.

Nếu như các đương sự có quyền yêu cầu Tòa án tiến hành các biện pháp để thu thập chứng cứ thì họ cũng có quyền khiếu nại quyết định áp dụng biện pháp thu thập chứng cứ của Tòa án, nếu xét thấy việc ra quyết định đó là không có căn cứ pháp luật.

Khoản 3 Điều 85 BLTTDS quy định:

“…Đương sự có quyền khiếu nại quyết định áp dụng biện pháp thu thập chứng cứ của Tòa án. Khiếu nại của đương sự phải được gửi ngay cho Viện kiểm sát. Viện kiểm sát có quyền yêu cầu Tòa án xác minh, thu thập chứng cứ trên cơ sở khiếu nại của đương sự và xem xét việc tham gia phiên tòa…”

Theo quy định tại Thông tư Liên tịch số 03/2005/TTLT – VKSNDTC – TANDTC ngày 01 – 9 – 2005  của Viện kiểm sát nhân dân Tối cao, Tòa án nhân dân Tối cao hướng dẫn thi hành một số quy định của BLTTDS về kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong tố tụng dân sự và sự tham gia của Viện kiểm sát nhân dân trong việc giải quyết các vụ việc dân sự, thì:

Khiếu nại của đương sự về việc thu thập chứng cứ của Tòa án là khiếu nại đối với quyết định, hành vi của Tòa án trong việc thu thập chứng cứ mà đương sự có căn cứ cho rằng quyết định đó hoặc hành vi đó là không đúng pháp luật, bao gồm các trường hợp sau:

a/ Trong vụ án dân sự mà đương sự có yêu cầu Tòa án thu thập chứng cứ theo quy định tại khoản 2 Điều 85 BLTTDS, nhưng Thẩm phán không tiến hành thu thập chứng cứ theo yêu cầu của đương sự và đương sự khiếu nại;

b/ Trong vụ án dân sự mà đương sự có yêu cầu Tòa án thu thập chứng cứ theo quy định tại khoản 2 Điều 85 BLTTDS, nhưng Thẩm phán đã tiến hành biện pháp để thu thập chứng cứ không đúng với biện pháp mà đương sự yêu cầu và đương sự khiếu nại;

c/ Trong vụ án dân sự mà đương sự có yêu cầu Tòa án thu thập chứng cứ theo quy định tại khoản 2 Điều 85 BLTTDS và Thẩm phán tiến hành biện pháp thu thập chứng cứ theo đúng yêu cầu của đương sự nhưng không đầy đủ hoặc không đúng quy định của BLTTDS về việc tiến hành biện pháp đó và đương sự khiếu nại;

d/ Trong vụ án dân sự mà đương sự khiếu nại về việc Tòa án thu thập chứng cứ theo yêu cầu của đương sự khác;

đ/ Trong vụ án dân sự mà không có đương sự nào có yêu cầu Tòa án thu thập chứng cứ, nhưng Tòa án vẫn tiến hành một hoặc một số biện pháp thu thập chứng cứ theo quy định tại khoản 2 Điều 85 BLTTDS và đương sự khiếu nại;

e/ Trong vụ án dân sự mà đương sự khiếu nại về việc Tòa án tự thu thập chứng cứ không đúng với quy định tại khoản 1 Điều 87, khoản 1 Điều 88 và điểm b khoản 1 Điều 92 BLTTDS.

Để thực hiện quyền khiếu nại của mình, đương sự có thể gửi đơn đến Viện kiểm sát hoặc Tòa án. Nếu đơn khiếu nại được gửi tới Tòa án thì Tòa án có trách nhiệm gửi ngay cho Viện kiểm sát. Viện kiểm sát có quyền yêu cầu Tòa án xác minh, thu thập chứng cứ trên cơ sở đơn khiếu nại của đương sự. Quy định này nhằm đảm bảo tính khách quan trong việc thu thập chứng cứ , đảm bảo cho việc giải quyết vụ kiện đúng pháp luật.

Tuy nhiên, trên thực tế trách nhiệm cung cấp chứng cứ cũng như nguyên tắc đương sự phải tự chứng minh trong các tranh chấp dân sự hiện nay chưa được các Tòa án áp dụng một cách triệt để. Có nhiều trường hợp hồ sơ vụ án đã được thu thập đầy đủ, Toà án cấp sơ thẩm đã đưa vụ án ra xét xử. Nhưng đến cấp phúc thẩm đương sự vẫn nại rằng còn có những chứng cứ khác do nơi này, nơi kia đang lưu giữ. Nhưng lại không tự mình thu thập để bổ sung mà làm đơn yêu cầu Tòa án thu thập, xác minh chứng cứ. Mục đích là nhằm kéo dài vụ kiện, gây khó khăn cho Cơ quan tiến hành tố tụng trong việc đưa vụ án ra xét xử. Thế nhưng,  không ít Tòa án vẫn “chiều” theo ý đương sự, làm cho nhiều vụ kiện vốn đã kéo dài lại càng kéo dài thêm.

Nguyên nhân của tình trạng này trước hết là do các Thẩm phán còn bị ảnh hưởng bởi thói quen làm việc theo các quy định của pháp luật tố tụng cũ. Theo đó, trách nhiệm điều tra, xác minh cũng như thu thập chứng cứ để giải quyết vụ kiện, trước đây chủ yếu là do Tòa án thực hiện. Ngoài ra còn một lý do khác là, xuất phát từ tâm lý e ngại bản án, quyết định của Tòa án cấp dưới bị Tòa án cấp trên huỷ, sửa do việc điều tra, thu thập chứng cứ không đầy đủ, nên nhiều Thẩm phán đã tỏ ra thận trọng quá mức cần thiết, với quan niệm  “thà làm thừa còn hơn bị thiếu”.

Để khắc phục tình trạng này, theo quan điểm của chúng tôi cần phải vận dụng triệt để các quy định của pháp luật tố tụng trong quá trình giải quyết vụ án. Tức là Tòa án tuyệt đối không làm thay việc thu thập chứng cứ cho đương sự, trừ trường hợp họ đã áp dụng các biện pháp cần thiết để thu thập chứng cứ mà vẫn không thể tự mình thu thập được. Và họ có đơn yêu cầu Tòa án thu thập chứng cứ. Ngoài ra, cũng cần quán triệt nguyên tắc: Trong các tranh chấp dân sự, đương sự phải có nghĩa vụ chứng minh và giao nộp chứng cứ cho Tòa án. Nếu đương sự không nộp hoặc nộp không đầy đủ thì phải chịu hậu quả của việc không nộp hoặc nộp không đầy đủ đó.

Như vậy, trong quá trình giải quyết vụ án ở cấp sơ thẩm, nếu đương sự không đưa ra chứng cứ hoặc không có đơn yêu cầu Tòa án thu thập chứng cứ, mà sau đó mới xuất trình chứng cứ hoặc có đơn yêu cầu cấp phúc thẩm thu thập thêm chứng cứ, thì cấp phúc thẩm không chấp nhận đơn yêu cầu cũng như không xem xét chứng cứ mới đó để huỷ bản án sơ thẩm vì lý do việc điều tra, thu thập chứng cứ không đầy đủ. Có như vậy mới thể hiện đúng tinh thần của pháp luật tố tụng hiện nay, là đề cao trách nhiệm của đương sự trong việc thu thập chứng cứ, thực hiện nghĩa vụ chứng minh để bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của mình.

Luật sư HỒ NGỌC DIỆP

(Rút từ sách BÌNH LUẬN ÁN)

Thích và chia sẻ bài viết này

Tin tức khác