Thủy Kính tiên sinh: Sự ẩn hiện huyền cơ trong Tam Quốc. Bài 2: Một kỳ nhân đầy bí ẩn
Trao đổi nghiệp vụ: Các vấn đề về dân sự, hôn nhân & gia đình (kỳ 1)
luatsuhongocdiep.vn tiếp tục giới thiệu đến bạn đọc những nội dung trao đổi nghiệp vụ của Học viện Toà án liên quan đến các vấn đề về dân sự, hôn nhân & gia đình.
Câu hỏi 1. Anh A làm đơn yêu cầu Tòa án chia thừa kế quyền sử dụng đất của ông B nhưng giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) lại mang tên ông X. Trong trường hợp này, Tòa án thụ lý vụ án dân sự hay vụ án hành chính? Nếu thụ lý vụ án dân sự thì có thể chia thừa kế của ông B trong khi GCNQSDĐ vẫn mang tên ông X được không?
Trả lời:
Vụ án dân sự hay vụ án hành chính là phụ thuộcvào quan hệ tranh chấp là quan hệ dân sự hay quan hệ hành chính. Quan hệ tranh chấp xác định bởi đối tượng tranh chấp và chủ thể tranh chấp; nói cách khác là ai khởi kiện? kiện ai? Yêu cầu khởi kiện là gì?
Nếu việc khởi kiện để bảo vệ quyền dân sự thì đó là vụ án dân sự (ví dụ: yêu cầu chia thừa kế). Nếu việc khởi kiện là yêu cầuphán quyết về một quyết định hành chính, hành vi hành chính và đối tượng khởi kiện là cá nhân, tổ chức có thẩm quyền thực hiện các công vụ hành chính thì đó là vụ án hành chính (ví dụ: khởi kiện yêu cầu hủy GCNQSDĐ ).
Trong trường hợp khởi kiện vụ án dân sự như xin chia thừa kế của ông B thì Tòa án vẫn có quyền giải quyết việc chia thừa kế trong khi GCNQSDĐ vẫn mang tên ông X. Đất tranh chấp đã có GCNQSDĐ là căn cứ xác định thẩm quyền giải quyết tranh chấp vụ án dân sự là của Tòa án. Khi đã xác định thẩm quyền thuộc về Tòa án thì Tòa án có quyền hạn xác định thực chất đất đó là của ai chứ không phụ thuộc vào giấy chứng nhận đã được cấp cho ai. Khi Tòa án giải quyết vụ án dân sự mà xác định tài sản đó là của ai và chia thừa kế thì căn cứ vào quyết định của Tòa án, cơ quan hành chính có nghĩa vụ thay đổi giấy chứng nhận theo quyết định của Tòa án căn cứ vào Điểm đ Khoản 5 Điều 41 Nghị định 181/2004/NĐ-CP ngày 29/10/2004 của Chính phủ về thi hành Luật Đất đai (sau đây viết tắt là Nghị định 181/2004/NĐ-CP).
Khoản 5 Điều 41 nêu trên quy định:
“ Trong quá trình sử dụng đất, những trường hợp sau đây phải được cấp mới giấy chứng nhận quyền sử dụng đất:
...
đ) Ranh giới thửa đất bị thay đổi khi thực hiện kết quả hòa giải thành về tranh chấp đất đai được Uỷ ban nhân dân cấp có thẩm quyền công nhận; thực hiện quyết định của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền về việc chia tách hoặc sáp nhập tổ chức; thực hiện văn bản về việc chia tách hoặc sáp nhập tổ chức kinh tế phù hợp với pháp luật; thực hiện việc xử lý nợ theo thỏa thuận trong hợp đồng thế chấp, bảo lãnh; thực hiện quyết định hành chính giải quyết khiếu nại, tố cáo về đất đai, thực hiện bản án hoặc quyết định của Tòa án nhân dân, quyết định thi hành án của cơ quan thi hành án; thực hiện văn bản công nhận kết quả đấu giá quyền sử dụng đất phù hợp pháp luật; thực hiện việc chia tách quyền sử dụng đất theo văn bản phù hợp với pháp luật đối với hộ gia đình hoặc nhóm người có quyền sử dụng đất chung…”.
Theo các quy định hiện hành như nêu ở trên thì Tòa án có thể giải quyết vụ án dân sự và có phán quyết về quyền sử dụng đất khác với GCNQSDĐ đã được cấp mà không phải hủy giấy này. Người được giao quyền sử dụng đất theo bản án dân sự cũng không cần phải khởi kiện vụ án hành chính để yêu cầu hủy giấy chứng nhận cũ; họ có quyền yêu cầu cơ quan hành chính cấp giấy chứng nhận mới theo bản án dân sự, và nếu không được cấp theo đúng quy định thì họ có quyền khởi kiện vụ án hành chính yêu cầu phải cấp GCNQSDĐ mới.
Câu hỏi 2. Tòa án nhận được đơn khởi kiện của ông T yêu cầu giải quyết vụ án chia thừa kế, nhưng tài liệu chứng cứ kèm theo đơn chưa đủ. Tòa án đã yêu cầu ông T bổ sung đơn khởi kiện và gia hạn thời hạn bổ sung đơn khởi kiện, nhưng ông T vẫn không nộp đủ. Tòa án trả lại đơn khởi kiện. Sau đó, ông T khởi kiện lại nhưng thời hiệu khởi kiện đã hết. Trong trường hợp này có thể tính thời hiệu khởi kiện kể từ ngày nộp đơn khởi kiện lần đầu hay không?
Trả lời:
Nếu Tòa án quyết định trả lại đơn khởi kiện và quyết định trả lại đơn khởi kiện đã có hiệu lực (nếu có khiếu nại thì cũng đã được giải quyết khiếu nại) thì việc khởi kiện lần đó đã chấm dứt. Do vậy thời hiệu khởi kiện tính từ lần nộp đơn sau, không được tính từ lần nộp đơn trước.
Cần phải phân biệt nghĩa vụ nộp tài liệu, chứng cứ kèm theo đơn khởi kiện với việc bổ sung đơn khởi kiện. Đơn khởi kiện chưa đầy đủ về mặt nội dung thì phải bổ sung, nếu không bổ sung đầy đủ nội dung thì đơn đó chưa hợp lệ, Tòa án không thể nhận đơn đó để thụ lý. Còn tài liệu, chứng cứ là những căn cứ chứng minh cho yêu cầu của người khởi kiện thì họ có quyền xuất trình trong suốt quá trình giải quyết vụ án và ngay cả tại phiên tòa chứ không đòi hỏi phải xuất trình ngay trước khi thụ lý vụ án.
Hình thức, nội dung đơn khởi kiện được quy định cụ thể tại Điều 164 Bộ luật tố tụng dân sự (BLTTDS).
Theo quy định tại Điều 6 Nghị quyết số 05/2012/NQ-HĐTP ngày 3/12/2012 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao thì:
Về nguyên tắc, khi gửi đơn khởi kiện cho Toà án, người khởi kiện phải gửi kèm theo tài liệu, chứng cứ để chứng minh họ là người có quyền khởi kiện và những yêu cầu của họ là có căn cứ và hợp pháp. Tuy nhiên, trong trường hợp vì lý do khách quan nên họ không thể nộp ngay đầy đủ các tài liệu, chứng cứ, thì họ phải nộp các tài liệu, chứng cứ ban đầu chứng minh cho việc khởi kiện là có căn cứ. Các tài liệu, chứng cứ khác, người khởi kiện phải tự mình bổ sung hoặc bổ sung theo yêu cầu của Toà án trong quá trình giải quyết vụ án.”
Như vậy, không phải cứ không đủ chứng cứ kèm theo thì Tòa án trả lại đơn khởi kiện. Ngay từ khi chưa thụ lý vụ án thì Tòa án không thể đã có kết luận người khởi kiện không xuất trình đủ tài liệu, chứng cứ để trả lại đơn khởi kiện. Do đó, việc trả lại đơn khởi kiện với lý do không xuất trình đủ tài liệu, chứng cứ là không đúng.
Câu hỏi 3.
A là nguyên đơn khởi kiện đòi lại nhà ở của mình do B đang chiếm hữu, sử dụng. Tòa án cấp sơ thẩm giải quyết không chấp nhận yêu cầu của A. Sau đó, A kháng cáo. Tòa án cấp phúc thẩm xét xử chấp nhận yêu cầu khởi kiện của A, buộc B phải trả lại ngôi nhà đó cho A (Bản án đã được cưỡng chế thi hành). Vụ án bị kháng nghị giám đốc thẩm. Quyết định giám đốc thẩm đã hủy toàn bộ bản án phúc thẩm và bản án sơ thẩm để xét xử lại từ đầu theo thủ tục sơ thẩm.
Vụ án được chuyển lại cho Tòa án cấp sơ thẩm. Tòa sơ thẩm đã thông báo gọi A đến Tòa ánđể tiếp tục thụ lý giải quyết vụ án, nhưng A không đến (vì A đã được sử dụng, quản lý ngôi nhà).
Trường hợp này Tòa án phải giải quyết như thế nào? Nếu B làm đơn khởi kiện yêu cầu A phải trả nhà cho mình (trở thành nguyên đơn) thì Tòa án có thụ lý vụ án mới hay chỉ cần thay đổi địa vị tố tụng giữa nguyên đơn và bị đơn và tiếp tục giải quyết vụ án ?
Trả lời:
Đây là trường hợp có quyết định giám đốc thẩm sau khi bản án đã được đưa ra thi hành xong, nguyên đơn trong vụ kiện đã được giao tài sản. Như vậy, khi thụ lý sơ thẩm lại thì tình trạng tranh chấp đã khác với tình trạng tranh chấp khi xử sơ thẩm trước đây. Tòa án giải quyết sơ thẩm lại phải giải quyết vụ án mới với tất cả những tình tiết mới.
Ví dụ: Khi xét xử sơ thẩm lần đầu, nhà đang do B sử dụng nên khi chấp nhận yêu cầu đòi nhà của A thì Tòa án phải quyết định buộc B giao nhà cho A. Khi xét xử sơ thẩm lại thì người sử dụng nhà là A và A đã có sửa chữa lại nhà thì Tòa án có thể vẫn chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn A nhưng không có việc buộc B phải giao nhà cho A; nếu bác yêu cầu của A thì Tòa án phải giải quyết định cả việc A phải giao lại nhà cho B và cả việc thanh toán chi phí sửa chữa (nếu A có yêu cầu).
Tuy nhiên, khi thụ lý lại vụ án, địa vị tố tụng của các đương sự vẫn xác định theo vụ án cũ nên A vẫn là nguyên đơn. Nguyên đơn được triệu tập đếnlần thứ hai mà vẫn vắng mặt thì Tòa án phải ra quyết định đình chỉ việc giải quyết vụ án theo quy định tại Điểm e Khoản 1 Điều 192 BLTTDS.
Trường hợp B làm đơn khởi kiện đòi lại nhà thì B là nguyên đơn của vụ án mới mà A là bị đơn. Đây không phải là trường hợp thay đổi địa vị tố tụng quy định tại Điều 219 BLTTDS vì yêu cầu của B không phải là yêu cầu phản tố (phản tố phải là yêu cầu về một quan hệ tranh chấp khác). Việc Đình chỉ giải quyết vụ án dân sự do A là nguyên đơn không cản trở quyền khởi kiện của B và thụ lý vụ án mới (theo quy định tại Điều 193 BLTTDS) và cũng không phải là trường hợp “sự việc đã được giải quyết…” quy định ở Điểm c Khoản 1 Điều 168 BLTTDS.
Câu hỏi 4. Anh A nộp đơn đến Tòa án huyện X xin ly hôn với chị B, đồng thời yêu cầu chia tài sản chung là quyền sử dụng đất tại huyện X. Nguồn gốc đất là do bà C (mẹ của chị B) lập văn bản cho anh A và chị B có xác nhận của anh trai của chị B nhưng bà C vẫn chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Quá trình giải quyết vụ án, Tòa án xác định các anh, chị, em của chị B là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan (trong đó có một người chị của chị B đã định cư ở nước ngoài trước khi Tòa án thụ lý vụ án). Trường hợp này Tòa án huyện X có tiếp tục giải quyết hay không?
Trả lời:
Khoản 4 Điều 56 BLTTDS quy định: “Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án dân sự là người tuy không khởi kiện, không bị kiện, nhưng việc giải quyết vụ án dân sự có liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của họ nên họ được tự mình đề nghị hoặc các đương sự khác đề nghị và được Toà án chấp nhận đưa họ vào tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.”
Anh A có yêu cầu chia tài sản chung là quyền sử dụng đất trong vụ án ly hôn. Đất đã đượcbà C lập văn bản cho nhưng bà C chưa được cấp GCNQSDĐ nên việc cho đất chưa hoàn tất về thủ tục. Tòa án phải giải quyết việc cho đất đã hợp pháp và hoàn thành chưa. Do vậy, việc Tòa án giải quyết yêu cầu chia tài sản là quyền sử dụng đất có liên quan trực tiếp tới quyền tài sản của các thừa kế của bà C. Tòa án xác định các anh chị em của chị B là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là đúng.
Khoản 1 Điều 56 Bộ luật tố tụng dân sự quy định: “Đương sự trong vụ án dân sự là cá nhân, cơ quan, tổ chức bao gồm nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan”. Theo quy định tại Khoản 3 Điều 33 BLTTDS thì những tranh chấp “ có đương sự hoặc tài sản ở nước ngoài…không thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân cấp huyện”. Do vậy , vụ án nêu trên không thuộc thẩm quyền giải quyết của TAND huyên X. Đây là trường hợp thụ lý sai thẩm quyền, Tòa án đã thụ lý không đúng thẩm quyền phải căn cứ vào khoản 1 Điều 37 BLTTDS ra quyết định chuyển hồ sơ vụ án cho Tòa án có thẩm quyền và xóa tên vụ án đó trong sổ thụ lý.
Cũng cần lưu ý là trường hợp nêu trên khác với trường hợp “Không thay đổi thẩm quyền giải quyết của Tòa án” quy định tại Điều 412 BLTTDS và Khoản 5 Điều 7 Nghị quyết 03/2012/NQ-HĐTP ngày 03/12/2012 của Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao. Đó là trường hơp Tòa án đã thụ lý đúng thẩm quyền, trong quá trình giải quyết mới xuất hiện những yếu tố mới (như có đương sự ra nước ngoài hay từ nước ngoài trở về Việt Nam…) thì Tòa án đã thụ lý vẫn tiếp tục giải quyết vụ án đó.
Câu hỏi 5. Những trường hợp ly hôn có yêu cầu chia tài sản chung là quyền sử dụng đất mà các bên đã có hợp đồng chuyển nhượng (có công chứng hoặc chưa công chứng) nhưng vì những lý do khác nhau mà chưa đề nghị cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì Tòa án phải giải quyết như thế nào? Có cần phải tách yêu cầu chia tài sản bằng một vụ án khác để giải quyết hay không?
Trả lời:
Trong vụ án ly hôn, đương sự có quyền yêu cầu chia tài sản chung, tài sản chung có thể bao gồm: tiền, vật, quyền tài sản.
Trong vụ án ly hôn, đương sự cũng có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết toàn bộ tài sản chung hoặc một phần tài sản chung, còn một phần tài sản chung họ cũng có quyền yêu cầu chưa giải quyết hoặc tách ra giải quyết trong vụ án khác.
Đối với việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất thì đây là một giao dịch của vợ chồng về tài sản. Nếu có yêu cầu giải quyết trong cùng vụ án ly hôn (hoặc vợ, hoặc chồng, hoặc người tham gia giao dịch) thì Tòa án phải giải quyết và việc giải quyết thì như các hợp đồng chuyển nhượng khác, cụ thể là:
- Hợp đồng đã được công chứng là hợp đồng đã có hiệu lực pháp luật thì giải quyết theo các quy định của pháp luật về hợp đồng đã có hiệu lực.
- Hợp đồng chưa được công chứng là hợp đồng vô hiệu do vi phạm về hình thức thì được giải quyết theo các quy định của pháp luật về hợp đồng vô hiệu.
( còn tiếp)
Nguồn: TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ HỌC VIỆN TOÀ ÁN