Luật sư Hồ Ngọc Diệp - Đoàn Luật sư Thành Phố Hồ Chí Minh

Ảnh hưởng của tư tưởng pháp trị đối với các quy định về hoà giải trong Quốc Triều Hình Luật

30/09/2016, 10:42

Quốc triều hình luật được khởi soạn từ vua Lê Thái Tổ, rồi được bổ sung qua các đời vua Lê Thái Tông, Lê Nhân Tông và được hoàn thiện vào niên hiệu Hồng Đức thời kì Lê Thánh Tông.

1. Khát quát các quy định về hòa giải trong Quốc triều hình luật

Pháp luật phong kiến Việt Nam đã trải qua quá trình hình thành và phát triển từ nhà nước đầu tiên của Việt Nam là nhà nước Văn Lang -  Âu Lạc, đến thời kì đấu tranh chống đồng hóa của phong kiến Trung quốc (179 TCN – 938) đến các nhà nước phong kiến Đại Việt (từ thế kỉ X đến cuối thế kỉ XIX), bao gồm các nhà nước thời kì Đinh – Tiền Lê, các triều Đại Lý – Trần – Hồ, nhà nước phong kiến quân chủ tập quyền thời Lê Sơ (thế kỉ XV – thế kỉ XVI) đến nhà nước trong thời kì nội chiến phân liệt (thế kỉ XVI – thế kỉ XVIII)([1]) và cuối cùng là nhà nước trong nền quân chủ chuyên chế triều Nguyễn (1802 – 1884) đã đạt được những thành tựu phát triển rực rỡ và đã để lại cho chúng ta một hệ thống pháp luật khá đồ sộ.

Trong đó, đặc biệt là hệ thống pháp luật thời kì Hậu Lê từ thế XV đến thế kỉ XVIII, hệ thống pháp luật thời kì này không những đồ sộ về khối lượng, mà còn phong phú về hình thức văn bản và đa đạng về lĩnh vực điều chỉnh. Những thành tựu trong pháp luật thời kì này, nhất là thời kì Lê Sơ mà đỉnh cao là thời kì vua Lê Thánh Tông đã trở thành mẫu mực, mà các triều đại trước đó chưa hề đạt tới, và là cơ sở để nhiều triều đại sau này làm theo. Các luật lệ nhà Lê được ban hành trong thế kỉ XV dưới các đời vua Lê Thái Tổ, Lê Thái Tông, Lê Nhân Tông và Lê Thánh Tông (1428 – 1497) không những thể hiện được sự phong phú, đa dạng về các vấn đề liên quan mà còn thể hiện các điểm đặc sắc của các chế định Việt Nam. So với các bộ luật Trung Quốc, như bộ luật nhà Đường mà có ảnh hưởng ở Phương Đông rất lớn, thì nền pháp chế triều Hậu Lê còn tiến bộ hơn cả về mặt kỹ thuật lập pháp([2]). Đồng thời, pháp luật triều Hậu Lê còn là một phản ánh trung thực xã hội Việt Nam, vì nó phù hợp với các điều kiện xã hội và tôn giáo thời kì đó, các bộ luật thời đó có ảnh hưởng rất lớn đối với dân tộc. Ngày nay, một số lớn các tục lệ nước ta về hôn nhân, gia đình… vẫn còn phản chiếu các điều khoản đó.

Pháp luật phong kiến Việt Nam thời kì Hậu Lê đã đạt được những thành tựu to lớn, mà đỉnh cao của nó là dưới triều vua Lê Thánh Tông, đã bao gồm khá đầy đủ các quy phạm điều chỉnh các quan hệ xã hội trong đời sống xã hội đương thời từ hình sự đến dân sự, hôn nhân gia đình, tố tụng, thậm chí cả các vấn đề liên quan đến luật hành chính. Trong đó có các quy định về giải quyết mâu thuẫn, các xung đột xã hội, đem lại cho nhân dân cuộc sống hòa thuận, ấm no, hạnh phúc, tinh thần đoàn kết được phát huy cao độ, đó là các quy định về thể chế hòa giải.

Đặc biệt, trong các thành tựu mà pháp luật phong kiến Việt Nam thời kì Hậu Lê đạt được là về việc pháp điển hóa các văn bản pháp luật, đã để lại cho thế giới và Việt Nam một bộ luật cổ khá toàn diện về mọi mặt đó là Quốc triều hình luật hay còn gọi là Bộ luật Hồng Đức, đó là bộ luật xưa nhất còn lưu giữ đầy đủ cho đến ngày nay. Quốc triều hình luật – là bộ luật được coi là quan trọng nhất và chính thống nhất của triều Lê và trong lịch sử pháp luật Việt Nam, nó được đánh giá là "Một thành tựu có giá trị đặc biệt, nó không chỉ là đỉnh cao so với thành tựu pháp luật của các triều đại trước đó, mà còn cả với bộ luật được biên soạn vào đầu thế kỉ XIX: Hoàng Việt Luật Lệ do Gia Long ban hành năm 1812"([3])

Quốc triều hình luật được khởi soạn từ vua Lê Thái Tổ, rồi được bổ sung qua các đời vua Lê Thái Tông, Lê Nhân Tông và được hoàn thiện vào niên hiệu Hồng Đức thời kì Lê Thánh Tông. Xét về khía cạnh đối tượng tác động, Quốc triều hình luật là một bộ luật tổng hợp điều chỉnh tất cả những quan hệ xã hội phát sinh và tồn tại trong xã hội phong kiến lúc bấy giờ, đó là những quan hệ xã hội căn bản nhất, rường cột nhất tạo nên chế độ chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của chế độ Nhà Lê. Với Quốc triều hình luật, Lê Thánh Tông đã xác lập được một trật tự pháp luật cần thiết và đầy hiệu lực. Trật tự pháp luật đó vừa để củng cố và bảo vệ trật tự nhà nước, trật tự xã hội của chế độ phong kiến tập quyền, vừa mở đường an toàn cho sự phát triển lâu bền của chế độ tập quyền ấy. Đánh giá Quốc triều hình luật, sử gia Phan Huy Chú có nhận định: "Hình luật Hồng Đức, các đời đều tuân theo, dùng làm phép sẵn, dù các điều mục nhỏ nhặt có thêm bớt, song đại cương chế độ bao giờ cũng vẫn theo đó, thực là cái mẫu mực để trị nước, cái khuôn phép để buộc dân"([4])

Với 722 điều luật nằm trong 13 chương với các tên chương như Danh lệ, Cấm vệ, Vi chế, Quân chính, Hộ hôn, Điền sản, Thông gian, Đạo tặc, Đấu trọng, Trá ngụy, Tạp luật, Bộ vong, Đoán ngục, Quốc triều hình luật bao gồm những quy định về hình sự, dân sự, đất đai, hôn nhân gia đình, về tố tụng và thậm chí cả những quy định về luật hành chính. Đồng thời, Quốc triều hình luật cũng đã ghi nhận được các quy định về giải quyết tranh chấp, xung đột xã hội đó là các quy định về thế chế hòa giải, mặc dù sự ghi nhận này chỉ là sơ khai, và gián tiếp các một số quy định có liên quan, nhưng chính sự ghi nhận đó đã phản ánh được nhu cầu cần thiết của xã hội phong kiến Việt Nam về việc giải quyết các tranh chấp, mâu thuẫn xã hội, cũng như đã thể hiện được sự quan tâm đến đời sống của nhân dân lao động của các triều vua nhà Lê trong chính sách cai trị của mình.

Các quy định về thể chế hòa giải mặc dù đã được ghi nhận trong Quốc triều hình luật, tuy nhiên, qua khảo cứu nhận thấy các quy định được ghi nhận đó chủ yếu mới chỉ dừng lại ở việc ghi nhận thẩm quyền hòa giải ở cấp quan xã; các trường hợp không được hòa giải và thường đi kèm với các biện pháp cưỡng chế trong các chế tài hình sự, chưa thể hiện được các nội dung cơ bản về thể chế hòa giải trong pháp luật hiện nay, cụ thể như sau:

Điều 672 quy định về thẩm quyền tố tụng của các cấp chính quyền như sau: "Chư lộ huyện nhân hữu tranh tụng giả, tối tiểu sự tựu quan xã, tiểu sự tựu quan lộ, trung sự tựu phủ quan, khám bình như phát; đại sự phó kinh. Tức xã quan bất vi lý, tắc cáo huyện quan; huyện quan bất vi lý, tắc cáo quan lộ; lộ quan bất vi lý, nhiên hậu phó kinh thân tấu; vi giả dĩ trượng biếm luận. Cáo mưu phản bạn nghịch sự, bất tại thử luật"([5]) (Những nhân dân trong lộ, trong huyện kiện nhau, việc rất nhỏ thì kiện ở xã quan; việc nhỏ thì kiện ở lộ quan; việc trung bình thì kiện ở quan phủ; các quan kể trên phải xét xử cho công bằng đúng pháp luật; còn việc lớn thì phải đến kinh; Nếu việc gì mà xã quan không chịu xử đoán, thì được thưa đến quan huyện; quan huyện không chịu xử đoán, thì được thưa đến quan lộ; quan lộ không chịu xử đoán, thì mới đến kinh tâu bầy; Nếu trái luật này, thì phải tội trượng hoặc tội biếm. Cáo tố những việc mưu phản và bạn nghịch, thì không theo luật này).

Cụ thể như sau:

– Ở cấp xã, xã quan xử những vụ tranh chấp nhỏ nhặt trong làng xã mà thường là nhằmhòa giải giữa các đương sự([6]). Trong chế độ phong kiến, ở các làng xã thường ngày có rất nhiều những vụ tranh chấp nhỏ nhặt. Do đó, các nhà làm luật triều Lê đã rất chú trọng đến việc giải quyết, hòa giải các vụ việc này ở ngay cấp xã thì giảm bớt kiện tụng sinh ra, giảm các chi phí trong tố tụng, loại bỏ gánh nặng không cần thiết cho các quan chức cấp trên. Quy định này trong Quốc triều hình luật có ý nghĩa thực tiễn to lớn.

– Ở cấp huyện, quan huyện xét xử lại những vụ xã quan đã xử nhưng không hợp lẽ và người thưa kiện lại tiếp tục kiện lên cấp huyện.

– Ở cấp lộ và phủ, quan lộ xét xử những vụ việc nhỏ và xét xử lại những vụ mà quan huyện xét xử không hợp lẽ, quan phủ xét xử những vụ việc trung bình.

– Cấp triều đình xét xử những vụ án lớn và xử lại những vụ án mà quan lộ, phủ xử không hợp lẽ.

Sau này, dưới triều vua Lê Thánh Tông, quan xã được thay thế bằng xã trưởng; nhưng các xã trưởng, ngoài các nhiệm vụ mang tính chất hành chính như lập sổ đinh, sổ điền, thu thuế, vẫn có thẩm quyền thỏa xử những vụ tranh tụng nhỏ nhặt trong làng xóm như một thẩm phán hòa giải([7]). Như vậy, pháp luật thời kì này đã ghi nhận khá rõ ràng về thẩm quyền tố tụng trong Quốc triều hình luật, qua đó đã ghi nhận về thẩm quyền hòa giải các vụ tranh chấp, vụ kiện nhỏ trong làng xã thuộc về các xã quan, coi cấp xã là một cấp hòa giải, góp phần giải quyết mâu thuẫn cũng những các tranh chấp ngay tại cộng đồng dân cư. Các vụ tranh chấp nhỏ nhặt, hay còn goi là các tạp tụng bao gồm các việc về hôn nhân, tranh chấp ruộng đất, các vụ ẩu đả nhỏ… sẽ được hòa giải ở các xã trưởng, nếu xã trưởng xét xử không hợp lý mà người thưa kiện không phục tình mới dùng quyền kháng cáo của mình để kiện lên cấp cao hơn. Chính quy định, góp phần hạn chế được việc kiện tụng, cũng như góp phần xây dựng được tình đoàn kết hàng xóm, láng giềng.

Bên cạnh việc ghi nhận về thẩm quyền hòa giải trong thể chế hòa giải, Quốc triều hình luật còn ghi nhận một số trường hợp không được hòa giải cụ thể như sau: Điều 493Quốc triều hình luật có ghi nhận: "Chư cự ẩu quan sai giám giả, dĩ đồ luận; chiết thương dĩ lưu luận; cự ẩu câu tụng trưng thuế giảm giá, biếm tam tư; chiết thương dĩ đồ luận; trí tử giả giai trảm; thường mệnh như luật; kỳ tiền tạ, quan sai nhất bách quan; câu trưng ngũ thập quán; khinh giả luận khảm; mạ giả biếm nhất tư; tiền tạ như luật. Sai câu giám tư hòa giải trượng bát thập, kỳ tạ tiền nhập quan; tức sai câu giả tiên hữu quá thất trí ẩu mạ giả biệt luận"([8]) (Chống cự và đánh người của quan sai đi việc công, cùng người quan cho trông coi, thì phải tội đồ; đánh bị thương què gẫy thì phải tội lưu; chống cự hay đánh những công sai đến bắt người hay thu thuế, thì phải biếm ba tư; đánh bị thương thì phải tội đồ; đánh chết thì phải tội chém; và bắt đền mạng như luật; tiền tạ thì sai quan (đi việc công) 100 quan tiền, sai dịch đi bắt người, hay đi thu thuế, 50 quan; tội nhẹ thì có thể bớt đi; lăng mạ thì phải biếm một tư và nộp tiền tạ như luật. Các người công sai mà lại hòa giải riêng với người phạm tội đánh chửi mình thì phải phạt 80 trượng; tiền tạ phải sung công; nếu vì người công sai có lỗi trước mới sẩy ra việc đánh chửi ấy, thì lại xử khác.). Hay, Điều 718 Quốc triều hình luật có quy định: "Chư cáo cử công sự bất đắc tư tự hòa hưu, hình ngục quan thính lòng giả, xuy ngũ thập biếm nhất tư; tức hiệp tư thụ tải vật giả, dĩ uổng pháp luật"([9])(Những người phát giác việc công, không được hòa hưu riêng([10]) với nhau (với bị cáo). Nếu hình quan và ngục nghe theo sự hòa hưu ấy, thì phải phạt 50 roi, biếm một tư. Nếu hình quan và ngục quan vì tư tâm (tình riêng) hay nhận vật hối lộ về việc hòa hưu này thì phải ghép vào tội uổng pháp).

Như vậy, qua khảo cứu các quy định của Quốc triều hình luật về thể chế hòa giải, nhận thấy Quốc triều hình luật đã ghi nhận được các trường hợp không được hòa giải cụ thể bao gồm các trường hợp sau:

+ Thứ nhất: Người công sai (người đi làm việc công, việc nhà nước) không được hòa giải riêng với người phạm tội đánh chửi mình, nếu mà làm trái quy định này sẽ bị xử phạt 80 trượng; tiền tạ phải xung công.

+ Thứ hai: Những người phát giác việc công (đó người tố cáo là hình quan và ngục quan) không được hòa giải riêng với bị cáo; nếu làm trái quy định này thì bị xử phạt 50 roi, biếm một tư.

Các trường hợp không được hòa giải trên có liên quan chặt chẽ với việc công, việc nhà nước, liên quan đến những người thực hiện việc công đó. Qua đó, chứng tỏ sự quan trọng của các công việc thuộc về nhà nước, thuộc về công quyền trong pháp thời kỳ này, nghiêm cấm mọi trường hợp hòa giải giữa những người làm việc công với người đã phạm tội đánh chửi chính người làm việc công đó và nghiêm cấm việc hòa giải giữa người tố giác việc công với bị cáo. Quy định cũng nhằm làm cho việc công và việc thực hiện việc công của nhà nước phong kiến triều Lê được tôn trọng và thực hiện có hiệu quả, đáp ứng được yêu cầu trong chính sách cai trị của mình.

Mặc dù còn tồn tại những hạn chế nhất định, tuy nhiên các nhà làm luật triều Lê đã thể chế hóa được các quy định về giải quyết mâu thuẫn, tranh chấp, các xung đột xã hội đó là các quy định về thể chế hòa giải trong một văn bản luật có giá trị pháp lý cao thời kì đó, cũng như trong một trong những bộ luật nổi tiếng của hệ thống pháp luật phong kiến Việt Nam là Quốc triều hình luật. Sự ghi nhận này là hoàn toàn phù hợp với hoàn cảnh chính trị – xã hội khi đó, cũng như phù hợp với xu hướng phát triển của nhà nước phong kiến Việt Nam triều Lê. Thể chế hòa giải được hình thành và ghi nhận trong Quốc triều hình luật xuất phát từ chính cở sở kinh tế, xã hội của nhà Lê, cũng như xuất phát từ chính yêu cầu giải quyết mâu thuẫn, tranh chấp của cuộc sống và từ sự đoàn kết trong nhân dân, đồng thời mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Gắn liền với sự phát triển của lịch sử Việt Nam nói chung, sự phát triển của hệ thống pháp luật Việt Nam nói riêng, quá trình hình thành và phát triển của thể chế hòa giải như một dòng chảy liên tục, mỗi thời đại, mỗi thể chế chính trị đã thừa kế và không ngừng hoàn thiện đáp ứng với yêu cầu của cuộc sống và để lại những dấu ấn của mình trên dòng chảy đó([11]).

Đồng thời, khi nghiên cứu về toàn bộ hệ thống pháp luật của các triều đại phong kiến Việt Nam nói chung, cũng như hệ thống pháp luật phong kiến Việt Nam thời kì Hậu Lê nói riêng, nhận thấy tư tưởng pháp trị, một tư tưởng triết học có giá trị rất lớn của Trung Quốc cổ đại có ảnh hưởng rất lớn, ảnh hưởng không những trong tư tưởng lập pháp của các nhà lập pháp triều Lê, đến chính sách cai trị được thể chế hóa thành các quy định của pháp luật, mà còn ảnh hưởng đến cách thức ghi nhận, thậm chí cả những quy định cụ thể các vấn đề của pháp luật phong kiến ghi nhận, trong đó các quy định của thế chế hòa giải. Thể chế hòa giải trong Quốc triều hình luật, một thành tựu quan trọng nhất của công tác pháp điển hóa của hệ thống pháp luật triều Hậu Lê cũng không nằm ngoài quy luật đó. Các quy định về thể chế hòa giải trong Quốc triều hình luật cũng chịu ảnh hưởng sâu sắc của tư tưởng pháp trị có nguồn gốc từ Trung quốc.

(còn tiếp)

NGÔ THANH XUYÊN

Thích và chia sẻ bài viết này

Tin tức khác