Luật sư Hồ Ngọc Diệp - Đoàn Luật sư Thành Phố Hồ Chí Minh

Trao đổi nghiệp vụ: Các vấn đề về hình sự (kỳ cuối)

14/08/2016, 06:54

Vấn đề xoá án tích, thời hạn chuẩn bị xét xử, án phí dân sự trong vụ án hình sự… là những nội dung trao đổi, giải đáp về nghiệp vụ trong kỳ này.

Câu hỏi 10.

Bị cáo có 05 lần phạm tội trộm cắp tài sản nhưng 01 lần thuộc trường hợp được đương nhiên xóa án tích theo Nghị quyết số 33 của Quốc hội.

Hỏi bị cáo có bị xem là “phạm tội có tính chất chuyên nghiệp” theo hướng dẫn tại Điểm a, Tiểu mục 5.1 và 5.2 Mục 5 Nghị quyết số 01/2006/HĐTP ngày 12/5/2006 của Hội đồng Thẩm phán không?

Trả lời:

Tại Mục 5. Nghị quyết số 01/2006/HĐTP ngày 12/5/2006 của Hội đồng Thẩm phán quy định:

“Chỉ áp dụng tình tiết "phạm tội có tính chất chuyên nghiệp" khi có đầy đủ các điều kiện sau đây:

a. Cố ý phạm tội từ năm lần trở lên về cùng một tội phạm không phân biệt đã bị truy cứu trách nhiệm hình sự hay chưa bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu chưa hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc chưa được xóa án tích;

b. Người phạm tội đều lấy các phạm tội làm nghề sinh sống và lấy kết quả của việc phạm tội làm nguồn sống chính”.

Tại điểm e, khoản 2, Điều 1 của Nghị quyết số 33/2009/NQ-QH12 quy định: “Những người đã chấp hành xong hình phạt hoặc được miễn chấp hành toàn bộ hình phạt hoặc phần hình phạt còn lại quy định tại điểm đ khoản này thì đương nhiên được xoá án tích”.

Như vậy, căn cứ vào các quy định trên thì bị cáo này chỉ tính 4 lần phạm tội (do 1 lần đương nhiên được xóa án tích) nên không áp dụng tình tiết “phạm tội có tính chất chuyên nghiệp”. 

Câu hỏi 11. Người có nghĩa vụ liên quan bị buộc bồi thường cho bị hại hoặc người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan khác trong cùng vụ án có phải chịu án phí dân sự không?

Trả lời:

Theo khoản 3 Điều 22 của Pháp lệnh Án phí, lệ phí Tòa án thì nghĩa vụ chịu án phí dân sự sơ thẩm trong vụ án hình sự được thực hiện theo quy định tại Điều 27 của Pháp lệnh này.

Theo đó, trong mọi trường hợp người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan buộc phải thực hiện bồi thường thiệt hại cho người bị hại, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan khác phải chịu án phí theo quy định tại Pháp lệnh Án phí, lệ phí Tòa án.

Câu hỏi 12.

Điều 177 BLTTHS quy định thời hạn tạm giam không quá thời hạn chuẩn bị xét xử theo Điều 176 ba mươi ngày đối với tội phạm ít nghiêm trọng, bốn mươi lăm ngày đối với tội phạm nghiêm trọng, hai tháng đối với tội phạm rất nghiêm trọng, ba tháng đối với tội phạm đặc biệt nghiêm trọng

Hỏi: Thời hạn chuẩn bị xét xử có bao gồm cả thời hạn để mở phiên tòa (15 ngày) hay không?

Trả lời:

Theo quy định tại Điều 176 BLTTHS thì trong trường hợp thông thường sau khi nhận hồ sơ vụ án, trong thời hạn ba mươi ngày đối với tội phạm ít nghiêm trọng, bốn mươi lăm ngày đối với tội phạm nghiêm trọng, hai tháng đối với tội phạm rất nghiêm trọng, ba tháng đối với tội phạm đặc biệt nghiêm trọng Thẩm phán được phân công chủ tọa phiên tòa phải ra một trong những quyết định: Đưa vụ án ra xét xử hoặc trả hồ sơ để điều tra bổ sung hoặc đình chỉ hoặc tạm đình chỉ vụ án. Đây được coi là thời hạn chuẩn bị xét xử.

Nếu ra quyết định đưa vụ án ra xét xử thì trong thời hạn mười lăm ngày, kể từ ngày có quyết định đưa vụ án ra xét xử, Toà án phải mở phiên toà. Đây được coi là thời hạn mở phiên tòa.

Như vậy, thời hạn chuẩn bị xét xử không bao gồm thời hạn mở phiên tòa.

Câu hỏi 13.

 Trong vụ án vi phạm các quy định về điều khiển các phương tiện giao thông đường bộ, người bị hại là anh A đã bị chết. Cha mẹ anh A không còn, anh A đã ly hôn vợ, chỉ có con trai của anh A là C mới có 9 tuổi. Vậy khi tham gia tố tụng thì con trai của anh A là người duy nhất có thể là người đại diện hợp pháp của anh A, nhưng theo quy định của pháp luật thì người đại diện hợp pháp phải là người đã thành niên.

Hỏi: Trường hợp này phải giải quyết như thế nào để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của anh A cũng như con trai của anh A?

Trả lời:

Theo Khoản 1 Điều 141 BLDS về đại diện theo pháp luật quy định: Cha, mẹ là người đại diện theo pháp luật cho con chưa thành niên.

Trong tình huống này, con trai A là người đại diện hợp pháp của A tham gia tố tụng. Tuy nhiên, vì C là người chưa thành niên nên mẹ C (đã ly hôn A) là người đại diện theo pháp luật để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của con trong vụ án vi phạm các quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ mà A là người bị hại.

Câu hỏi 14.

Bị cáo A là sinh viên Trường Đại học L nghỉ tết về thăm quê và phạm tội trộm cắp tài sản tại huyện C, tỉnh N. Tòa án huyện C, tỉnh N tuyên phạt 06 tháng cải tạo không giam giữ. Bị cáo A vẫn theo học tại Trường Đại học L và Tòa án huyện C ra quyết định thi hành án. Công an huyện C không thi hành án được do bị cáo A không có mặt tại địa phương và thông báo bị cáo A đã đi học 04 năm, chỉ khi nghỉ tết mới về quê. Qua xác minh, bị cáo A vẫn đang học tại Đại học L nhưng thuê nhà trọ.

Hỏi: Tòa án huyện C tuyên giao bị cáo cho cơ quan, tổ chức nào giám sát giáo dục, quản lý trong thời gian chấp hành cải tạo không giam giữ? Nếu Tòa án huyện C đã tuyên giao bị cáo cho cơ quan giám sát giáo dục thì có giao quyết định thi hành án cho cơ quan đó hay không?  Tòa án nhân dân huyện C ra quyết định thi hành án và ủy thác về đâu để thi hành án đối với bị cáo A?

Trả lời:

Khi xét xử Tòa án có trách nhiệm xác định rõ nơi cư trú của bị cáo ở đâu thì tuyên giao bị cáo cho Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người đó cư trú để giám sát, giáo dục trong thời gian chấp hành cải tạo không giam giữ.

Việc giao quyết định thi hành án thực hiện theo quy định tại Điều 72 Luật Thi hành án hình sự: “Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày ra quyết định thi hành án, Tòa án phải gửi quyết định đó cho cá nhân, cơ quan sau đây:

a) Người chấp hành án;

b) Viện kiểm sát cùng cấp;

c) Cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện nơi người chấp hành án cư trú, cơ quan thi hành án hình sự cấp quân khu nơi người chấp hành án làm việc;

d) Sở Tư pháp nơi Tòa án đã ra quyết định thi hành án có trụ sở.”

Sau khi ra quyết định thi hành án Tòa án gửi quyết định đến Cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện nơi người đó cư trú để thi hành theo quy định tại Điều 73 Luật Thi hành án hình sự.

Lưu ý: Theo Luật Thi hành án hình sự không còn thủ tục ủy thác thi hành án hình sự nữa.

Câu hỏi 15.

Bị cáo bị Viện kiểm sát truy tố về tội giết người theo Khoản 2 Điều 93 BLHS, do vậy, trong quá trình điều tra, truy tố, Cơ quan tố tụng đã không yêu cầu cử người bào chữa cho bị cáo, nhưng qua nghiên cứu hồ sơ vụ án, Tòa án thấy hành vi của bị cáo thuộc Khoản 1 Điều 93 BLHS. Tòa án trả hồ sơ cho Viện kiểm sát đề nghị Truy tố bị cáo theo khoản 1 Điều 93 nhưng Viện kiểm sát không chấp nhận điều tra bổ sung, giữ nguyên Quyết định truy tố và cho rằng việc trả hồ sơ của Tòa án không thuộc trường hợp trả hồ sơ để điều tra bổ sung theo Thông tư liên tịch hướng dẫn về các trường hợp trả hồ sơ điều tra bổ sung.

Hỏi: Tòa án xét xử theo Khoản 1 Điều 93 thì có vi phạm thủ tục tố tụng và giới hạn của việc xét xử không.

Trả lời:

Theo quy định tại Điều 196 BLTTHS và Nghị quyết 04/2004/NQ-HĐTP ngày 05 tháng 11 năm 2004 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn một số điều trong phần 3 về xét xử sơ thẩm của BLTTHS thì: “Toà án có thể xét xử bị cáo theo khoản khác với khoản mà Viện kiểm sát đã truy tố trong cùng một điều luật, có nghĩa là với những hành vi mà Viện kiểm sát truy tố, Toà án có thể xét xử bị cáo theo khoản nặng hơn hoặc theo khoản nhẹ hơn so với khoản mà Viện kiểm sát đã truy tố trong cùng một điều luật.

Như vậy, nếu Tòa án xét xử theo khoản nặng hơn trong cùng một điều luật mà Viện Kiểm sát truy tố thì không vi phạm về giới hạn của việc xét xử.

Tuy nhiên, nếu Tòa án áp dụng khoản 1 Điều 93 BLHS (khoản có khung hình phạt có mức cao nhất là tử hình) trong khi Viện Kiểm sát chỉ truy tố khoản 2 Điều 93 BLHS mà bị cáo không có người bào chữa ngay từ giai đoạn điều tra thì vi phạm về thủ tục tố tụng theo khoản 2 Điều 57 BLTTHS.

Nguồn: TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ HỌC VIỆN TOÀ ÁN

Thích và chia sẻ bài viết này

Tin tức khác