Nghĩa vụ chứng minh trong vụ án dân sự. Kỳ 3: Đối với bị đơn.
Khác với nguyên đơn, trong vụ án dân sự, nghĩa vụ chứng minh của bị đơn chỉ thực sự bắt đầu khi Tòa án đã thụ lý vụ kiện và có thông báo cho bị đơn biết nội dung các yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn.
Như vậy, kể từ thời điểm nhận được thông báo của Tòa án về việc khởi kiện của ngưyên đơn, nếu bị đơn cho rằng việc khởi kiện là không có căn cứ và phản đối toàn bộ hoặc một phần yêu cầu khởi kiện đó của nguyên đơn thì bị đơn phải có nghĩa vụ chứng minh sự phản đối đó là có căn cứ.
Cũng như quá trình chứng minh của nguyên đơn, ở giai đoạn này việc chứng minh của bị đơn chủ yếu là cung cấp các tài liệu, chứng cứ có nội dung phản đối các yêu cầu của nguyên đơn. Qua đó nhằm khẳng định yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn là không có cơ sở pháp luật.
Tuy nhiên, cần lưu ý rằng: ngoài quyền phản đối yêu cầu, bị đơn còn có quyền phản tố (hay còn gọi là kiện ngược) đối với nguyên đơn và quyền đưa ra yêu cầu độc lập đối với người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, nếu yêu cầu độc lập này có liên quan đến việc giải quyết vụ án (điều 72 BLTTDS năm 2015). Do vậy, trong trường hợp bị đơn có yêu cầu phản tố hoặc có yêu cầu độc lập thì bên cạnh việc đưa ra chứng cứ để phản đối yêu cầu của nguyên đơn, bị đơn còn phải đưa ra chứng cứ để chứng minh cho yêu cầu phản tố hoặc yêu cầu độc lập của mình là có căn cứ và hợp pháp.
Để thực hiện quyền phản tố, quyền yêu cầu độc lập, trước hết bị đơn cần phải biết thời điểm để thực hiện các tố quyền này được pháp luật quy định như thế nào?
Theo quy định tại khoản 1 điều 199 BLTTDS năm 2015 thì, trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được thông báo, bị đơn, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan phải nộp cho toà án văn bản ghi ý kiến của mình đối với yêu cầu của nguyên đơn và tài liệu, chứng cứ kèm theo, yêu cầu phản tố, yêu cầu độc lập (nếu có).
Trường hợp cần gia hạn thì bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan phải có đơn đề nghị gia hạn gửi cho toà án nêu rõ lý do; nếu việc đề nghị gia hạn là có căn cứ thì toà án phải gia hạn nhưng không quá 15 ngày.
Khoản 3 điều 200 BLTTDS năm 2015 quy định cụ thể về thời điểm bị đơn có quyền đưa ra yêu cầu phản tố như sau:
Bị đơn có quyền đưa ra yêu cầu phản tố trước thời điểm mở phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hoà giải. Như vậy, theo tinh thần của điều luật, sau thời điểm công khai chứng cứ và hoà giải, bị đơn sẽ không còn quyền đưa ra yêu cầu phản tố nữa.
Theo quy định tại khoản 2 điều 200 BLTTDS năm 2015 thì, yêu cầu phản tố của bị đơn đối với nguyên đơn, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập được chấp nhận khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:
a/ Yêu cầu phản tố để bù trừ nghĩa vụ với yêu cầu của nguyên đơn; người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập.
Ví dụ: A yêu cầu B bồi thường thiệt hại do hành vi gây thương tích làm tổn hại đến sức khoẻ, B phản tố yêu cầu A trả nợ
b/ Yêu cầu phản tố được chấp nhận dẫn đến loại trừ việc chấp nhận một phần hoặc toàn bộ yêu cầu của nguyên đơn, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập
Ví dụ: người lao động yêu cầu người sử dụng lao động bồi thường do việc đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật. Người sử dụng lao động phản tố yêu cầu người lao động bồi thường phí đào tạo vì người lao động không thực hiện đúng cam kết trong hợp đồng đào tạo. Nếu Tòa án chấp nhận yêu cầu phản tố của người sử dụng lao động thì sẽ loại trừ được yêu cầu khởi kiện của người lao động.
c/ Giữa yêu cầu phản tố và yêu cầu của nguyên đơn, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập có sự liên quan với nhau và nếu được giải quyết trong cùng một vụ án thì làm cho việc giải quyết vụ án được chính xác và nhanh hơn.
Ví dụ: A đòi B trả nhà thuê, B phản tố yêu cầu A trả tiền thế chân.
Cũng như việc thay đổi, bổ sung yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, việc thay đổi, bổ sung yêu cầu phản tố của bị đơn theo mọi chiều hướng chỉ được chấp nhận trong giai đoạn chuẩn bị xét xử sơ thẩm. Tại phiên tòa, việc thay đổi, bổ sung yêu cầu phản tố không được vượt quá phạm vi yêu cầu phản tố ban đầu (không làm “xấu” hơn tình trạng pháp lý của nguyên đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập).
Ngoài ra, liên quan đến khái niệm phản tố hay quyền phản tố của bị đơn trong vụ kiện, một vấn đề khác cũng hết sức quan trọng, đó là sự phân biệt yêu cầu phản tố với nội dung phản đối của bị đơn trong một vụ kiện.
Nghị quyết số 02/2006/NQ – HĐTP đã hướng dẫn cụ thể vấn đề này như sau:
“ Được coi là yêu cầu phản tố của bị đơn đối với nguyên đơn nếu yêu cầu đó độc lập, không cùng về yêu cầu mà nguyên đơn yêu cầu Tòa án giải quyết. Trường hợp bị đơn có yêu cầu cùng về yêu cầu của nguyên đơn (như yêu cầu Tòa án không chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn hoặc chỉ chấp nhận một phần yêu cầu của nguyên đơn) thì đây là ý kiến của bị đơn đối với yêu cầu của nguyên đơn.”
Thế nhưng, trên thực tế không ít đương sự, và ngay cả Tòa án cũng vấp phải sai lầm.
Vụ án “Tranh chấp hợp đồng gia công” dưới đây, có thể xem là một ví dụ về sự nhầm lẫn này.
Nguyên đơn - Doanh nghiệp Tư nhân T.L khởi kiện bị đơn - ông T.V.H yêu cầu thanh toán số tiền gia công hàng hóa còn nợ là 176.424.806 đồng.
Phía bị đơn cho rằng, do nguyên đơn gia công hàng hóa bị hư hỏng, gây thiệt hại cho bị đơn. Cụ thể là số hàng không đảm bảo chất lượng này đã bị khách hàng của bị đơn trừ đi số tiền là 162.247.800 đồng, nên bị đơn chỉ đồng ý thanh toán số tiền 14.177.006 đồng còn lại trong tổng số tiền 176.424.806 đồng theo yêu cầu của nguyên đơn (tức là chấp nhận một phần yêu cầu của nguyên đơn). Và để chứng minh cho ý kiến phản đối này, bị đơn đã làm đơn yêu cầu Tòa án tiến hành việc xem xét, thẩm định tại chỗ và cho định giá lô hàng bị hư hỏng (tại thời điểm xét xử, lô hàng này vẫn đang lưu kho) để làm căn cứ giải quyết vụ án.
Như vậy, đây là ý kiến của bị đơn đối với yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn chứ không phải yêu cầu phản tố. Thế nhưng, do nhầm lẫn giữa ý kiến của bị đơn với yêu cầu phản tố của bị đơn trong vụ án, nên Tòa án quận G. Thành phố H. đã xác định đây là yêu cầu phản tố của bị đơn và không xem xét các yêu cầu này vì thời hiệu phản tố đã hết (?)
Ngoài ra, trong nhiều vụ kiện tranh chấp quyền sử dụng đất, bị đơn có yêu cầu Tòa án không chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn. Vì cho rằng phần đất tranh chấp thuộc quyền quản lý, sử dụng hợp pháp của mình. Thế nhưng, nhiều Tòa án vẫn xác định đây là yêu cầu phản tố của bị đơn trong vụ kiện.
Rõ ràng, cách hiểu về khái niệm phản tố như trên là không phù hợp với nội dung hướng dẫn tại Nghị quyết số 02/2006 của Hội đồng Thẩm phán.
(còn tiếp…)
Luật sư HỒ NGỌC DIỆP