Luật sư Hồ Ngọc Diệp - Đoàn Luật sư Thành Phố Hồ Chí Minh

Sổ tay hướng dẫn Thẩm phán và Thư ký Toà án tại Hoa Kỳ trong soạn thảo văn bản tố tụng (1)

10/10/2016, 19:01

Lời nói đầu: Mối liên hệ giữa Tòa án và người dân được thể hiện bằng những gì được viết ra dưới dạng văn bản, đó là những văn bản tố tụng mà tòa án muốn trao đổi với các bên tranh tụng, luật sư, các tòa án khác và với người dân nói chung. Cho dù hiến định và luật định về thẩm quyền của tòa án là gì đi chăng nữa thì cuối cùng văn bản do tòa án viết ra vẫn là khởi nguồn và là thước đo thẩm quyền của tòa án.

Chính vì vậy, một quyết định chính xác của tòa án vẫn là chưa đủ – quyết định đó phải công bằng, hợp lý và dễ hiểu. Một phán quyết mà tòa đưa ra phải được giải thích, thuyết phục và làm cho cả thế giới hài lòng vì quyết định đó là quyết định đúng đắn và có cơ sở. Tòa án viết gì và viết như thế nào là những vấn đề quan trọng không kém so với những gì tòa án quyết định. Điều này không chỉ quan trọng đối với người đọc mà cả đối với người soạn thảo văn bản. Bởi vì đây là văn bản do chính tòa án viết ra thể hiện tư duy sâu xa của tòa án. Đúng như Ambrose Bierce đã nói trong tác phẩm Viết cho Đúng cách (Write It Right) của mình: “Soạn thảo văn bản đúng cách, về cơ bản, là sự hiện hữu hóa tư duy mạch lạc”

Nhằm phục vụ cho việc soạn thảo văn bản tư pháp, Trung tâm Tư pháp Liên bang đã soạn thảo cuốn sổ tay này. Đây không phải là một công bố chính thống về phương thức soạn thảo đúng cách – vốn là một nội dung đã được đề cập trong nhiều văn bản. Thực chất, đây là sự chắt lọc những kinh nghiệm và thể hiện quan điểm của một nhóm các thẩm phán có kinh nghiệm với sự hỗ trợ của một ban biên tập có chuyên môn. Cuốn sổ tay này không tiếp cận vấn đề soạn thảo một văn bản tố tụng đúng đắn cũng như sẽ không mô tả một cách chính xác về quy trình soạn thảo này giống như cách mà những người khác đã làm, bởi quy trình này là một quy trình mang đậm dấu ấn cá nhân của từng thẩm phán. Tuy nhiên, những quy tắc và nguyên tắc đã được mọi người cùng chấp nhận trong việc soạn thảo một văn bản tố tụng đúng đắn sẽ được thể hiện và được nêu trong tài liệu này.

Chúng tôi hy vọng rằng Cuốn sổ tay này sẽ có tác dụng đối với các thẩm phán và thư ký tòa án.

William W Schawarzer

LỜI CÁM ƠN

Trung tâm Tư pháp Liên bang và ban biên tập xin trân trọng cám ơn các thẩm phán sau – những người đã tham gia trả lời phỏng vấn qua điện thoại để trao đổi với chúng tôi về những kinh nghiệm cũng như chia sẻ quan điểm của mình về quy trình soạn thảo các văn bản tố tụng. Những ý kiến đóng góp của họ đã góp phần cơ bản tạo nên Cuốn sổ tay này.

Stephen Breyer, Chánh Tòa Khu vực Hoa Kỳ

Gerald, B. Tioflat, Chánh Tòa Khu vực Hoa Kỳ

Patricia M. Wald, Chánh Tòa Khu vực Hoa Kỳ

Ruggero J. Aldisert, Chánh Tòa Khu vực Hoa Kỳ

Richard S. Arnold, Chánh Tòa Khu vực Hoa Kỳ

Frank S. Arnold, Chánh Tòa Khu vực Hoa Kỳ

Wilfred Feinberg, Chánh Tòa Khu vực Hoa Kỳ

John J. Gibbons, Chánh Tòa Khu vực Hoa Kỳ, đã nghỉ hưu

Ruth Bader Ginsburg, Chánh Tòa Khu vực Hoa Kỳ

Frank M. Johnson, Jr., Chánh Tòa Khu vực Hoa Kỳ

James K. Logan, Chánh Tòa Khu vực Hoa Kỳ

Monroe G McKay, Chánh Tòa Khu vực Hoa Kỳ

James Dickson Phillips, Jr., Chánh Tòa Khu vực Hoa Kỳ

Richard A.Posner, Chánh Tòa Khu vực Hoa Kỳ

Joseph T. Sneed, Chánh Tòa Khu vực Hoa Kỳ

J. Clifford Wallace, Chánh Tòa Khu vực Hoa Kỳ

John Minor Wisdom, Chánh Tòa Khu vực Hoa Kỳ

Robert E. Keeton, Chánh Tòa Khu vực Hoa Kỳ

Prentice H. Marshall, Chánh Tòa Khu vực Hoa Kỳ

Louis H. Pollak, Chánh Tòa Khu vực Hoa Kỳ

William W Schawarzer, Chánh Tòa Khu vực Hoa Kỳ

Jack B. Weistein, Chánh Tòa Khu vực Hoa Kỳ

Lloyd King, Chánh Tòa Phá sản Hoa Kỳ

Robert E. Ginsberg, Thẩm phán Phá sản Hoa Kỳ

Chúng tôi cũng xin chân thành cám ơn Chị Carol Krafka, cán bộ của Bộ phận Nghiên cứu – người đã tiến hành phỏng vấn và biên tập các bản viết do Bộ phận Nghiên cứu của Trung tâm soạn thảo và xin cảm ơn Ông David Marshal và Scot Filderman vì đã giúp hiệu đính tài liệu này.

PHẦN 1. DẪN NHẬP

Văn bản tố tụng có 3 chức năng. Chức năng thứ nhất là truyền đạt các kết luận của tòa và lý do dẫn tới các kết luận đó tới cho các bên đương sự và luật sư của họ. Chức năng thứ hai là khi được đăng tải, các văn bản tố tụng góp phần công bố luật pháp áp dụng tới các luật sư, thẩm phán, học giả và những đối tượng quan tâm khác. Chức năng thứ ba là làm rõ các lập luận của Tòa án và thể hiện mức độ hỗ trợ đầy đủ của các án lệ.

Ý kiến của tòa án phải rõ ràng, chính xác và khách quan. Ý kiến này phải phản ánh được toàn bộ các tình tiết quan trọng và các quy tắc có liên quan của pháp luật, đồng thời những tình tiết và các quy tắc này phải được thể hiện thông qua việc phân tích một cách hợp lý đối với những kết luận được đưa ra. Việc trình bày sai các tình tiết hoặc kết luận thể hiện sự cẩu thả, hơn nữa sự cẩu thả này hủy hoại uy tín của Tòa án. Một văn bản tố tụng được soạn thảo không rõ ràng hoặc mơ hồ thể hiện sự thiếu tư duy rành mạch của người viết và ảnh hướng xấu tới chức năng và mục đích của một văn bản tố tụng.

Mục đích của Cuốn sổ tay này là khuyến khích các thẩm phán và thư ký suy nghĩ nghiêm túc về quy trình soạn thảo các văn bản tố tụng của mình. Vấn đề đặt ra là không chỉ đưa nội dung gì vào văn bản hoặc loại trừ nội dung gì ra khỏi văn bản tố tụng mà còn làm thế nào để soạn thảo một văn bản tố tụng cho đúng cách văn bản đó. Chúng tôi hy vọng các thẩm phán và các thư ký của tòa án mới được bổ nhiệm sẽ là người sử dụng chủ yếu Cuốn sổ tay này. Vì vậy, cách tiếp cận của chúng tôi đối với vấn đề này chủ yếu đứng từ góc độ mô tả các nội dung cần cân nhắc ở mỗi giai đoạn soạn thảo và biên tập văn bản; khuyến nghị các kỹ năng về tổ chức, cấu trúc và văn phong; đồng thời giải thích các lý do đưa ra khuyến nghị.

Cuốn sổ tay này cũng sẽ có tác dụng giúp các thẩm phán có kinh nghiệm nhìn nhận lại từ góc độ mới cách thức soạn thảo một văn bản tố tụng của mình. Giáo sư Robert Leflat đã viết như sau:

Thái độ tự mãn của người viết không phải lúc nào cũng xấu. Chính thái độ này có thể giúp con người làm việc chăm chỉ và cẩn thận hơn. Những văn bản tố tụng được soạn thảo nghèo nàn thường là “tác phẩm” của những thẩm phán không biết tự hào về sản phẩm của mình, họ coi đây chỉ là những công việc chán phèo tẻ nhạt. Niềm tự hào đối với công việc được hoàn thành một cách chỉn chu là điều dễ gặp trong mọi lĩnh vực kể cả luật pháp. Nếu một tài liệu được soạn thảo mà người viết không tự hào về nó thì đó là một điều không tốt”.

Mục đích của Cuốn sổ tay này không phải là để tuyên bố về một cách thức đúng đắn duy nhất để soạn thảo một văn bản tố tụng. Có thẩm phán đã từng nói “Tôi có một quy tắc rất hay. Đó là không nên đặt ra bất cứ quy tắc nào hết”. Quả thật, trong một tài liệu hàng đầu bàn về cách thức soạn thảo văn bản đúng đắn, E.B.White đã công nhận rằng “các quy tắc về văn phong là vấn đề mang tính cá nhân, ngay cả những quy tắc ngữ pháp thành văn cũng đều có thể bị nghi vấn”.

Thay vào đó, mục đích của Cuốn sổ tay này là để khuyến khích các thẩm phán (dù có đồng ý hay không đồng ý với những gì được viết ra ở đây – và chắc chắn là có những điều không phải ai cũng đồng ý) tư duy về việc soạn thảo các văn bản tố tụng của mình một cách có hệ thống như thể họ làm với công tác xét xử. Các thẩm phán nên tự hỏi: mình đang viết theo cách này có phải vì đây là cách mình thường làm không, hay có thể có cách viết khác hay hơn? Việc soạn thảo văn bản tố tụng theo cấu trúc này vì có lý do gì? Có lý do gì để đưa vào văn bản tố tụng này các tình tiết cụ thể? Nên bàn đến chi tiết vụ việc này ra sao? Viện dẫn vụ việc này như thế nào? Bản án này đã rõ ràng hay chưa? Tất cả những từ ngữ sử dụng trong văn bản đã chính xác chưa?

Trong những phần tiếp theo, Sổ tay sẽ hướng dẫn người đọc tìm hiểu toàn bộ quá trình soạn thảo một văn bản tố tụng. Phần 2 sẽ đưa ra một số ý kiến đề xuất mà các thẩm phán cần xem xét khi soạn thảo văn bản tố tụng, để họ quyết định xem có nên trình bày toàn bộ ý kiến của mình đối với một biên bản ghi nhớ hoặc một ý kiến chưa được công bố hay không và khi nào thì cần trình bày ngắn gọn và khi nào thì không nên. Phần 3 bàn về các bước mà thẩm phán cần làm trước khi chắp bút cho văn bản tố tụng của mình trong đó bao gồm cả việc lập dàn ý và phương thức sử dụng hiệu quả sự hỗ trợ của các thư ký tòa án. Phần 4 bàn v bố cục, kết cấu và nội dung của văn bản tố tụng. Phần 5 đề xuất về văn phong, từ ngữ và hiệu đính đối với văn bản tố tụng. Phần 6 bàn về những nội dung cần cân nhắc khi nhiều thẩm phán cùng nhau soạn thảo một văn bản tố tụng hoặc nhận xét của một người về ý kiến của các đồng nghiệp khác tại tòa, hoặc bày tỏ sự phản đối hoặc đồng thuận đối với các nhận xét đó. Phần 7 bao gồm một thư mục về những cuốn sách và bài báo nên đọc dành cho những ai muốn tham khảo chi tiết hơn về vấn đề xây dựng một văn bản tố tụng. Các phụ lục đi kèm trình bày một số ví dụ về những nội dung được bàn tới trong tài liệu này.

PHẦN THỨ 2. XÁC ĐỊNH PHẠM VI NỘI DUNG CỦA MỘT VĂN BẢN TỐ TỤNG 

Văn bản tố tụng là tài liệu có chức năng thông báo cho các bên liên quan về kết quả giải quyết vụ việc. Trong đó người viết nêu ra các quy tắc pháp lý cơ bản làm tiền đề để đưa ra ý kiến và kết luận đối với vụ việc nhằm cung cấp thông tin cho những người có liên quan như tòa án, luật sư, giới học thuật và công chúng. Vì những quyết định thành văn mang cả hai chức năng (chức năng giải quyết vụ án và chức năng làm luật) nên các quyết định này có thể được trình bày dưới nhiều hình thức khác nhau. Quyết định này có thể là một bản án hoặc các lệnh ban hành theo thủ tục tố tụng ngắn gọn không được công bố hoặc là văn bản tố tụng theo mẫu đã được quy định. Trước khi viết, các thẩm phán cần xác định mục đích của một văn bản tư pháp để từ đó có cách viết cho phù hợp.

Cuốn sổ tay này sẽ đề cập tới 3 loại ý kiến thành văn: Ý kiến đầy đủ, biên bản ý kiến và các lệnh tóm tắt.

Ý kiến đầy đủ được thể hiện trong văn bản tố tụng là các ý kiến được trình bày và được phân tích theo một cấu trúc nhất định về các tình tiết, các nguyên tắc pháp lý và thẩm quyền quyết định. Tầm quan trọng hoặc số lượng vấn đề trình bày, tính mới của vấn đề và sự phức tạp của các tình tiết là một trong những yếu tố quyết định liệu những ý kiến này có được xem là loại ý kiến đầy đủ để đưa vào văn bản tố tụng hay không.

Biên bản ý kiến là hình thức áp dụng phù hợp trong trường hợp không cần phải có sự giải thích toàn diện đối với quyết định đưa ra song vẫn cần phải giải thích về lý do. Các văn bản tố tụng thể hiện các ý kiến này nhìn chung thường ngắn gọn và không chính thức. Ý kiến này có thể được công bố hoặc không được công bố. Các ý kiến theo tòa (per curiam) cũng được liệt vào dạng này. Phụ lục A có đưa ra ví dụ về một biên bản ý kiến.

Lệnh tóm tắt là hình thức chỉ đơn giản trình bày về kết quả giải quyết vụ việc, đôi khi có thể sẽ trình bày tóm lược về các quyết định và kết luận của tòa. Ở hình thức này thường có rất ít hoặc không có nội dung mang tính giải thích. Nhìn chung các lệnh tóm tắt sẽ không được công bố. Một ví dụ mẫu về lệnh tóm tắt được nêu trong Phụ lục B.

Tiếp theo là một số yếu tố các thẩm phán cần cân nhắc trước khi quyết định hình thức đối với văn bản tố tụng mà mình sẽ soạn thảo.

Các yếu tố cần cân nhắc

Có 3 yếu tố tác động tới phạm vi và văn phong của một văn bản tố tụng đó là tính phức tạp của các tình tiết và bản chất vấn đề; đối tượng độc giả; và liệu ý kiến đó có được công bố hay không. Mặc dù tài liệu này coi 3 yếu tố này khá độc lập song giữa chúng có sự tác động qua lại với nhau.

Tình tiết và các vấn đề

Sự phức tạp của các tình tiết và bản chất của các vấn đề pháp lý là các yếu tố cơ bản quyết định hình thức của một văn bản tố tụng sẽ được soạn thảo. Nếu các án lệ đã rõ ràng và các tình tiết cơ bản không phức tạp thì có thể giới hạn lại phạm vi của văn bản tố tụng này. Nếu luật điều chỉnh vẫn chưa chắc chắn hoặc các tình tiết cơ bản phức tạp hơn, thì cần phải có những giải trình và phân tích để giải thích lý do mà tòa án ra quyết định. Một số vụ án có tình tiết phức tạp hơn, thì phần giải thích về các tình tiết cần dài hơn mặc dù luật áp dụng chỉ là vấn đề đơn giản. Đối với những vụ án phát sinh các vấn đề pháp lý mới thì văn bản tố tụng cho những vụ án này cần phân tích rộng hơn về quy định pháp luật và chính sách.

Phạm vi của một văn bản tố tụng phụ thuộc rất nhiều vào mức độ phát triển của luật áp dụng trong lĩnh vực này. Các thẩm phán cần cân nhắc xem liệu trước đây vấn đề này đã bao giờ được quyết định một cách chính thống hay chưa? và liệu đã có một văn bản tố tụng khác đã có nhằm hỗ trợ cho việc phát triển hoặc diễn giải luật hay không? Người soạn thảo văn bản tố tụng cũng cần tự hỏi liệu văn bản tố tụng của mình có nên đề cập tới những gì chưa từng được đề cập trước đây hay không? Nếu một vấn đề nào đó trước đây đã từng được thể hiện rõ ràng trong những văn bản tố tụng thì văn bản tố tụng mới này không cần nhắc lại nguồn gốc của quy tắc mà chỉ tập trung vào nội dung cần được giải thích. Trong một số trường hợp, văn bản tố tụng chỉ cần xác nhận là đủ khi rơi vào trong các trường hợp như: Nếu quyết định của tòa chỉ đơn giản là để xóa bỏ kẽ hở trong pháp luật hiện hành, thì ngoài việc giải thích các quy tắc áp dụng cũng cần phải nêu lý do tại sao tòa án lựa chọn quy tắc này. Nếu quyết định đó góp phần vào việc phát triển pháp luật, thì nên đưa ra một ý kiến dưới hình thức ý kiến ngắn gọn, theo tòa (per curiam) được công bố hoặc chỉ là biên bản ý kiến. Lệnh tạm thời sẽ là hình thức phù hợp trong trường hợp chỉ cần áp dụng một cách đơn giản pháp luật hiện hành đã rất rõ ràng với các tình tiết không bị tranh chấp hoặc chỉ bị tranh chấp khi khiếu nại.

Tuy nhiên, nếu một văn bản tố tụng liên quan tới một lĩnh vực pháp luật chưa phát triển lắm, có tác dụng đặt nền móng cho một quy tắc mới hoặc sửa đổi một quy tắc cũ, thì người soạn thảo cần tư duy không chỉ về việc tại sao mình lại đưa ra quyết định đó mà còn cả về tác động của quyết định này với tư cách là một án lệ. Người soạn thảo văn bản tố tụng cần trình bày và phân tích các án lệ đã có trong lĩnh vực đã nêu, xu hướng mới của luật và hệ quả của quyết định này đối với hệ thống pháp luật hiện hành. Ngay cả khi các đương sự có vẻ như không cần tới một phần giải trình chi tiết về các tình tiết của vụ việc, thì văn bản tố tụng cũng vẫn cần phải nêu đầy đủ các tình tiết để người đọc hiểu được án lệ mà ý kiến tạo ra và phác họa các ranh giới của án lệ đó. Nội dung có liên quan và các chính sách có liên quan cần được phân tích đầy đủ và chi tiết để người đọc hiểu được cơ sở của phán quyết. Một quyết định “… chỉ có thể được chấp nhận là công bằng và khách quan nếu cơ sở lập luận để đưa ra quyết định đó là thỏa đáng và tất cả những nội dung cần xem xét đã được cân nhắc một cách kỹ lưỡng”.

Độc giả

Vì nội dung của các văn bản tố tụng là để xử lý các vụ án nên thường chúng được viết ra để dành cho đối tượng độc giả chính là các đương sự và luật sư của các bên và cho cả các tòa cấp dưới cũng như các cơ quan hữu quan. Nếu một văn bản tố tụng dành cho các bên, thì nội dung của nó phải bao gồm một phần trình bày chính xác và công bằng toàn bộ những gì mà tòa đã có làm cơ sở đưa ra quyết định. Cụ thể là tòa án đã quyết định những gì và lý do gì để đưa ra quyết định đó. Thường thì có thể thực hiện được các mục tiêu trên mà không cần tới một văn bản tố tụng đầy đủ. Trong những trường hợp này, do các bên đã quá quen thuộc với các tình tiết của vụ việc nên sẽ không quan tâm tới những nội dung phân tích pháp luật, mà họ chỉ quan tâm tới những gì được áp dụng đối với bên thua kiện.

Người soạn thảo văn bản tố tụng cần phải tự hỏi xem liệu ngoài các bên đương sự trong vụ án thì văn bản này có nhằm vào các đối tượng khác nữa hay không? Nếu có thì nội dung của văn bản này cần bổ sung thêm phần phân tích pháp lý và diễn biến thực tế gì? Mức độ phân tích ra sao và chi tiết tới đâu là phụ thuộc vào tính chất của vấn đề và đối tượng độc giả. Đối với đối tượng luật sư, thẩm phán có thể giả định mức độ hiểu biết và trình độ chuyên môn của họ ở một mức độ nhất định. Do đó, nếu vụ án liên quan tới một lĩnh vực luật pháp chuyên sâu nào đó như thuế, lao động…v…v…thì sẽ cần được phân tích thêm về cơ sở pháp luật và thực tế đồng thời cần cân nhắc để tránh sử dụng các ngôn ngữ và thuật ngữ chuyên ngành.

Nếu văn bản tố tụng yêu cầu trả lại vụ án cho tòa cấp dưới để điều tra thêm thì nội dung của văn bản đó phải nêu rõ nội dung cần điều tra. Nếu một văn bản tố tụng đưa ra hướng dẫn cho các tòa án xét xử, thì ý kiến đó phải nêu rõ và đầy đủ các cơ sở thực tế, cơ sở pháp lý và cơ sở chính sách cho những nội dung hướng dẫn đó để các thẩm phán xét xử có thể áp dụng đúng.

Các thẩm phán cũng cần cân nhắc xem liệu phần trình bày về các tình tiết và nội dung phân tích pháp lý vốn rất thỏa đáng để giải thích cho các bên về quyết định của tòa đã đầy đủ chưa để giúp tòa cấp trên hiểu rõ cơ sở ban hành quyết định đó. Khi quyết định về các tình tiết phức tạp, cần phải giải thích chi tiết. Hoặc khi một quyết định liên quan tới các vấn đề mới hoặc một lĩnh vực luật pháp đang phát triển, thì cần tra cứu lại tiến triển trước đây của pháp luật để đưa ra các lý lẽ pháp lý và chính sách chi tiết hơn. Tuy nhiên, không nên biến các ý kiến tư pháp này thành hồ sơ rút gọn của vụ kiện hoặc thành các công cụ tuyên truyền.

Người dân bình thường sẽ rất hiếm khi đọc các văn bản tố tụng nhưng nhiều phóng viên của các hãng truyền thông sẽ chuyển tải những gì mà họ cho là nội dung cốt lõi của một văn bản tố tụng và điều này sẽ thu hút sự quan tâm của công luận. Khi một văn bản tố tụng đề cập tới một vấn đề mà công luận quan tâm hoặc có thể sẽ thu hút sự chú ý của báo giới, thì cần phải đảm bảo rằng văn bản tố tụng phải được soạn thảo sao cho dễ hiểu và không được gây nhầm lẫn.

Công bố

Tất cả các tòa phúc thẩm đều có các quy tắc, các quy trình thủ tục nội bộ hoặc các chính sách khác liên quan tới việc công bố hoặc không công bố các văn bản tố tụng. Một số quy định về quy trình thủ tục nêu rất cụ thể các tiêu chí để xác định xem có cần phải công bố một văn bản tố tụng hay không. Chẳng hạn, Quy tắc 14(b) của Tòa án Khu vực D.C quy định như sau:

Một ý kiến, một biên bản hay bất cứ báo cáo nào khác giải trình về cơ sở tiến hành một hành động nào đó của tòa trong quá trình ban hành một lệnh hay ra một phán quyết sẽ phải được công bố nếu đáp ứng các tiêu chí sau:

1) đối với nội dung chủ đạo của nó, đây là vụ việc có ấn tượng đầu tiên hoặc là vụ đầu tiên mà tòa xử lý liên quan tới vấn đề này;

2) nội dung của ý kiến, biên bản hay báo cáo đó sửa đổi, thay đổi hoặc giải thích về cơ bản một quy tắc của luật mà trước đây tòa án đã công bố;

3) nội dung của ý kiến, biên bản hay báo cáo đó thu hút sự chú ý tới một quy tắc hiện hành của luật có vẻ như đã bị bỏ qua;

4) ý kiến, biên bản hay báo cáo đó phê phán hoặc hoài nghi về luật pháp hiện hành;

5) nội dung của ý kiến, biên bản hay báo cáo đó là nhằm giải quyết xung đột trong các quyết định trong vùng tài phán hoặc tạo ra xung đột với vùng tài phán khác;

6) ý kiến, biên bản hay báo cáo đó đảo ngược lại một quyết định của tòa án hạt hoặc của một cơ quan nào đó đã được công bố trước đó, hoặc khẳng định lại một quyết định của tòa án hạt trên dựa vào các lý do khác với những ký do nêu trong ý kiến đã được công bố của tòa án hạt đó; và

7) ý kiến, biên bản hay báo cáo đó chứa đựng những yếu tố khác có thể làm cho công luận quan tâm vì thế cần phải công bố.

Rất nhiều các quy tắc của các Tòa án Khu vực khác cũng quy định các tiêu chí tương tự nói trên liên quan tới việc công bố các văn bản tố tụng.

Một số khu vực tài phán khác lại có những hướng dẫn mang tính chung chung để các thẩm phán có thể tự quyết định có hay không công bố các văn bản tố tụng của mình. Chẳng hạn, quy định của Tòa án Khu vực Thứ 3 đề ra chuẩn mực như sau “một văn bản tố tụng sẽ được công bố nếu văn bản đó chứa đựng giá trị tiền án lệ hoặc thể chế” (Những ý kiến mà hội đồng cho rằng không có giá trị tiền án lệ sẽ không được công bố) (“Những ý kiến tư pháp không được công bố là những ý kiến được toàn bộ hội đồng xét xử đồng thuận thống nhất là không bổ sung thêm bất cứ điều gì đáng kể hoặc có giá trị cho luật pháp và không có giá trị sử dụng làm án lệ”).

Ở các tòa án hạt, việc có hay không công bố các văn bản tố tụng trên Hệ thống Đưa tin West hoàn toàn là do thẩm phán quyết định. Vì các quyết định của thẩm phán hạt chỉ đơn thuần là công việc thuộc thẩm quyền – có nghĩa là các quyết định đó không có giá trị án lệ ngay cả trong phạm vi hạt của mình – nên việc công bố sẽ là ngoại lệ. Ngoài ra, sự hạn chế về thời gian cũng cản trở việc soạn thảo các ý kiến có tính chính thống trừ phi quyết định của tòa liên quan tới một vấn đề mới, phức tạp hoặc có ý nghĩa quan trọng đối với công chúng. Các hãng đưa tin khác ngoài West cũng thỉnh thoảng in các cuốn “ý kiến không được công bố”. Tòa án không kiểm soát hoạt động này.

Vì, thông thường, các quyết định không được xuất bản chủ yếu là dành cho các bên đương sự, nên thường các tình tiết trong vụ việc hoặc các nội dung pháp luật không cần phải được soạn thảo công phu. Các ý kiến trong những trường hợp này thường ở dạng biên bản hoặc lệnh tạm thời. Việc có hay không công bố kết quả giải quyết vụ án là vấn đề cần quyết định nhanh, để thẩm phán không phải quá mất nhiều thời gian không cần thiết để soạn thảo văn bản tố tụng trong trường hợp ý kiến đó không cần phải công bố.

(còn tiếp…)

TRUNG TÂM TƯ PHÁP LIÊN BANG (HOA KỲ) – DỰ ÁN USAID STAR-Plus (Dịch từ bản gốc tiếng Anh là Judicial Writing Manual)*

SOURCE: CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TÒA ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO

Thích và chia sẻ bài viết này

Tin tức khác

Theo Dõi Trên FACEBOOK

Theo Dõi Trên Google Plus

Thống Kê