Luật sư Hồ Ngọc Diệp - Đoàn Luật sư Thành Phố Hồ Chí Minh

Trích dẫn tác phẩm thế nào là hợp lý?

18/11/2016, 08:13

Trích dẫn tác phẩm là một phần của quyền sở hữu trí tuệ, thế nhưng các hoạt động nghiên cứu, kế thừa, sử dụng ý tưởng của tác giả trước đó đều có liên quan đến việc trích cứu hợp lý tác phẩm, nhất là trong thời đại kỹ thuật số, môi trường internet thì mọi thông tin đều có thể truy cập và trích dẫn một cách dễ dàng.

Do đó, việc trích dẫn này như thế nào để đảm bảo không vi phạm các quy định của pháp luật về sở hữu trí tuệ, không làm sai lệch ý tưởng của tác giả và đúng được ý đồ của người trích dẫn là việc không đơn giản.

1. Khái niệm quyền sở hữu trí tuệ

Quyền sở hữu trí tuệ là quyền của chủ sở hữu đối với sản phẩm trí tuệ được pháp luật bảo hộ. Quyền sở hữu trí tuệ được định nghĩa là tập hợp các quyền đối với tài sản vô hình là thành quả lao động sáng tạo hay uy tín của các chủ thể, được pháp luật bảo hộ [1].
2. Khái niệm quyền tác giả

Quyền tác giả là quyền của tổ chức, cá nhân đối với tác phẩm do mình sáng tạo ra hoặc sở hữu[2].
3. Khái niệm trích dẫn hợp lý tác phẩm

Là sự tái tạo chính xác một đoạn văn bản mà không có sửa chữa gì, phân biệt với đoạn văn bản xung quanh bằng dấu trích dẫn hoặc các yếu tố định dạng, dựa theo một nguồn đáng tin cậy[3].
Trích dẫn tài liệu là phương pháp được chuẩn hóa trong việc ghi nhận những nguồn tin và ý tưởng mà người viết đã sử dụng trong bài viết của mình trong đó người đọc có thể xác định rõ từng tài liệu được trích dẫn, tham khảo. Các trích dẫn nguyên văn, các số liệu và thực tế, cũng như các ý tưởng và lý thuyết lấy từ các nguồn đã được xuất bản hoặc chưa được xuất bản đều cần phải được trích dẫn[4]

4. Những quy định về trích dẫn hợp lý tác phẩm

4.1. Quy định về trích dẫn hợp lý tác phẩm theo Công ước Berne năm 1886

Điều 10 Công ước Berne năm 1886 quy định một số trường hợp sử dụng tự do tác phẩm: 1. Trích dẫn; 2. Minh hoạ phục vụ giảng dạy; 3. Chỉ dẫn nguồn gốc và tác giả.
Được coi là hợp pháp những trích dẫn rút từ một tác phẩm đã được phổ cập tới công chúng một cách hợp pháp, miễn là sự trích dẫn đó phù hợp với những thông lệ đúng đắn và không vượt quá mục đích trích dẫn, kể cả những trích dẫn các bài báo và tập san định kỳ dưới hình thức điểm báo[5].

4.2. Những quy định của pháp luật Việt Nam về trích dẫn hợp lý tác phẩm

Luật Sở hữu trí tuệ nghiêm cấm các hành vi xâm phạm đến các quyền sở hữu trí tuệ và quy định các trường hợp khi sử dụng tác phẩm đã công bố thì phải xin phép, trả nhuận bút và thù lao, thế nhưng cũng có trường hợp ngoại lệ, đó là trích dẫn hợp lý tác phẩm. Điểm b Khoản 01 Điều 25 Luật Sở hữu trí tuệ 2005, sửa đổi, bổ sung năm 2009 quy định về việc trích dẫn hợp lý tác phẩm:
Trích dẫn hợp lý tác phẩm mà không làm sai ý tác giả để bình luận hoặc minh họa trong tác phẩm của mình”[6] thì không phải xin phép, không phải trả tiền nhuận bút, thù lao.
Điều 24 Nghị định số 100 ngày 21 tháng 9 năm 2006 của Chính phủ hướng dẫn thi hành một số quy định của Bộ luật Dân sự và Luật Sở hữu trí tuệ về quyền tác giả và quyền liên quan, trong đó, trích dẫn hợp lý phải là:
1. Trích dẫn hợp lý tác phẩm mà không làm sai ý tác giả để bình luận hoặc minh hoạ trong tác phẩm của mình quy định tại điểm b khoản 1 Điều 25 của Luật Sở hữu trí tuệ phải phù hợp với các điều kiện sau:
a. Phần trích dẫn chỉ nhằm mục đích giới thiệu, bình luận hoặc làm sáng tỏ vấn đề được đề cập trong tác phẩm của mình;
b. Số lượng và thực chất của phần trích dẫn từ tác phẩm được sử dụng để trích dẫn không gây phương hại tới quyền tác giả đối với tác phẩm được sử dụng để trích dẫn; phù hợp với tính chất, đặc điểm của loại hình tác phẩm được sử dụng để trích dẫn[7].
Như vậy, việc trích dẫn ngoài việc không làm sai ý của tác giả, không gây phương hại đến quyền tác giả và phù hợp với đặc điểm của tác phẩm được sử dụng để trích dẫn thì việc trích dẫn đó phải không nhằm mục đích thương mại.
Ngoài ra, những thông tin được xem là kiến thức phổ quát thì không cần trích dẫn, tuy nhiên làm thế nào để nhận ra đâu là kiến thức phổ quát vì kiến thức phổ quát là vấn đề mà hầu như được nhiều người biết đến và rất dễ nhầm lẫn giữa kiến thức phổ quát và kiến thức cần trích dẫn. Ví dụ, tại Giáo trình của một tiến sĩ có đoạn trích dẫn “Khái niệm về bản quyền, sáng chế xuất hiện từ thế kỷ 17 và thế kỷ 18” và ghi chú đầy đủ nguồn thông tin được trích dẫn. Mặc dù qua việc nghiên cứu, truy cập thông tin, tác giả của Giáo trình trên cũng có thể kết luận nội dung này và đây cũng có thể được xem là kiến thức phổ quát vì thông tin đó không thuộc của riêng ai và cũng không phải ý tưởng của bất kỳ tác giả nào. Thế nhưng việc trích dẫn và giữ nguyên giá trị của tài liệu được trích dẫn thể hiện sự tôn trọng và quá trình nghiên cứu nghiêm túc của tác giả đối với tác phẩm được trích dẫn. Đồng thời tuân theo những tiêu chuẩn của việc nghiên cứu, thể hiện tính chính xác của nguồn thông tin dựa trên các luận cứ trước đó.
Chính việc trích dẫn nghiêm túc tác phẩm sẽ hạn chế được vấn đề đạo văn. Vấn đề đạo văn ở Việt Nam là vấn đề thời sự. Tháng 10 năm ngoái xảy ra một vụ tai tiếng về một nhóm tác giả với 3 bài báo khoa học bị rút lại sau khi đã công bố trên một tập san quốc tế.  Nạn đạo văn ở nước nào cũng khá phổ biến, nhưng ở nước ta cường độ thì có lẽ cao hơn nhiều so với các nước khác[8].
Nhằm bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ đối với tài sản trí tuệ, Luật sở hữu trí tuệ quy định các biện pháp xử lý hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ gồm: Biện pháp dân sự, hành chính hoặc hình sự tùy theo tính chất, mc độ của hành vi xâm phạm. Tuy nhiên, trên thực tế, để xác định loại vi phạm pháp luật nào được áp dụng và áp dụng như thế nào đối với những hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ còn gặp nhiều khó khăn[9].
Bên cạnh đó, hiện nay chưa có quy định rõ ràng về cách trích dẫn ra sao, và việc chú thích trích dẫn đó như thế nào cho phù hợp, tên tác giả trước hay tên tác phẩm trước; trường hợp trích dẫn liên quan đến số trang thì ghi trang tài liệu được trích dẫn trước (trang số mấy) hay ghi số trang sau cùng, sử dụng bao nhiêu từ thì phải trích dẫn…
Từ các vấn đề trên cần phải có các chế tài đủ mạnh và xử lý thật nghiêm túc các trường hợp sử dụng tác phẩm của người khác mà không trích dẫn hoặc trích dẫn nhưng làm sai ý nghĩa của tác phẩm được trích dẫn để có sự răn đe và để mọi người thấy được sự nghiêm túc trong nghiên cứu khoa học, và giá trị của tài sản vô hình này.
Cần hoàn thiện những quy định của pháp luật liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ.
Nâng cao năng lực chuyên môn cho đội ngũ chuyên trách. Hiện nay để giải quyết các tranh chấp liên quan đến sở hữu trí tuệ thì chủ yếu do các thẩm phán của của Tòa dân sự đảm nhận, tuy nhiên đội ngũ này lại ít được đào tạo chuyên sâu về sở hữu trí tuệ, do đó cần mở các khóa đào tạo, tập huấn chuyên sâu về lĩnh vực sở hữu trí tuệ cho đội ngũ Thẩm phán, Điều tra viên về sở hữu trí tuệ, để giải quyết để giải quyết các vụ việc đúng pháp luật và hiệu quả. Bên cạnh đó, cần định hướng trong tương lai sắp tới nên thành lập tòa chuyên trách về sở hữu trí tuệ, nhằm đảm bảo nhu cầu bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ ngày càng cao.
Cần từng bước nâng cao dân trí, làm cho toàn dân hiểu được tác hại của việc xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ hiểu được quyền lợi và nghĩa vụ của cá nhân, đơn vị, tổ chức mình[10].
Phải luyện kĩ năng để tự diễn giải thông tin gốc. Có 3 cách để diễn giải thông tin hay câu văn gốc: thay đổi cấu trúc câu văn, dùng những từ đồng nghĩa, và thay đổi dạng của câu văn[11]. Có như vậy mới đảm bảo việc trích dẫn các thông tin mà không làm sai ý tác giả, không gây phương hại đến quyền tác giả.

Kết luận

Mục đích của việc bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ không ngoài việc khuyến khích sáng tạo ra ngày càng nhiều tác phẩm phục vụ nhu cầu thưởng thức của cộng đồng, cũng như những lợi ích thiết thực khác thông qua các tác phẩm khoa học[12].
Tôn trọng, bảo vệ và sử dụng hợp lý tác phẩm là việc làm cần thiết và tạo động lực để thúc đẩy việc sáng tạo các tác phẩm khoa học cho xã hội và cho cả người trích dẫn tác phẩm. Sở hữu trí tuệ là phương thức bảo hộ một loại tài sản vô hình, một tài sản có giá trị, dễ bị xâm phạm và khó tự bảo vệ. Sở hữu trí tuệ có thể làm phát sinh độc quyền và các hệ lụy xã hội, tuy nhiên nó có thể là động lực để phát huy tính năng động và sáng tạo, hai động lực không thể thiếu của nền kinh tế thị trường.[13]
Trích dẫn hợp lý tác phẩm còn thể hiện sự tham khảo sâu rộng của người viết đối với tác phẩm có giá trị trước đó và sử dụng chúng phù hợp với mục đích bài viết của mình, thể hiện quá trình nghiên cứu nghiêm túc, khoa học và theo những chuẩn mực nhất định.
Đó chính là một nét văn hóa khoa học chẳng xa lạ gì với người Việt chúng ta: nói có sách, mách có chứng[14].

BÙI KIM TRỌNG


 [1] Đại học Luật TP.HCM, Giáo trình Luật Sở hữu trí tuệ (NXB Hồng Đức, 2015), trang 09.

[2] Khoản 02 Điều 04 Luật Sở hữu trí tuệ 2005, sửa đổi, bổ sung năm 2009.

[3] http://nld.com.vn/20110416094351456p0c1017/bi-hai-luan-an-luoc.htm

[4] https://www.google.com.vn/#q=trich+dan+hop&start=10

[5] Điều 10 Công ước Berne năm 1886.

[6] Điểm b Khoản 1 Điều 25 Luật Sở hữu trí tuệ 2005, sửa đổi, bổ sung năm 2009.

[7] Điều 24 Nghị định số 100 ngày 21 tháng 9 năm 2006 của Chính phủ hướng dẫn thi hành một số quy định của Bộ luật Dân sự và Luật Sở hữu trí tuệ về quyền tác giả và quyền liên quan.

[8] http://nld.com.vn/20110416094351456p0c1017/bi-hai-luan-an-luoc.htm

[9] Tạp Kiểm sát, Một số vấn đề về quyền sở hữu trí tuệ ở Việt Nam hiện nay, số chí 04/02.2016.

[10] Tạp Kiểm sát, Một số vấn đề về quyền sở hữu trí tuệ ở Việt Nam hiện nay, số chí 04/02.2016.  

[11] http://nld.com.vn/20110416094351456p0c1017/bi-hai-luan-an-luoc.htm

[12] Đại học Luật TP.HCM, Giáo trình Luật Sở hữu trí tuệ (NXB Hồng Đức, 2015), trang 92.

[13] Đại học Luật TP.HCM, Giáo trình Luật Sở hữu trí tuệ (NXB Hồng Đức, 2015), trang 22.

[14] http://nld.com.vn/20110416094351456p0c1017/bi-hai-luan-an-luoc.htm

SOURCE: CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỈNH CẦN THƠ

Thích và chia sẻ bài viết này

Tin tức khác