Luật sư Hồ Ngọc Diệp - Đoàn Luật sư Thành Phố Hồ Chí Minh

Triển khai thực hiện “Hợp đồng theo mẫu – Điều kiện giao dịch chung” trong cung ứng dịch vụ Ngân hàng.

02/12/2016, 08:48

Việc Chính phủ ban hành các văn bản quy định Danh mục các loại hình dịch vụ thiết yếu phải đăng ký hợp đồng theo mẫu/điều khoản giao dịch chung nhằm cụ thể hóa hơn quyền lợi của người tiêu dùng theo Luật Bảo vệ người tiêu dùng ngày 17/11/2010 là rất cần thiết và có ý nghĩa thực tiễn cao. Quan tâm bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng cũng là một xu thế tất yếu thể hiện sự ưu việt của nền kinh tế thị trường hiện đại theo định hướng xã hội chủ nghĩa mà nước ta đã lựa chọn, do vậy, toàn ngành Ngân hàng nói chung, các ngân hàng thương mại (NHTM) nói riêng hoàn toàn ủng hộ chủ trương bảo vệ người tiêu dùng của Chính phủ.

BLDS NĂM 2015:
Điều 405.Hợp đồng theo mẫu

… Hợp đồng theo mẫu phải được công khai để bên được đề nghị biết hoặc phải biết về những nội dung của hợp đồng.

Trình tự, thể thức công khai hợp đồng theo mẫu thực hiện theo quy định của pháp luật….

Điều 406. Điều kiện giao dịch chung trong giao kết hợp đồng (bổ sung)

… Điều kiện giao dịch chung chỉ có hiệu lực với bên xác lập giao dịch trong trường hợp điều kiện giao dịch này đã được công khai để bên xác lập giao dịch biết hoặc phải biết về điều kiện đó.

Trình tự, thể thức công khai điều kiện giao dịch chung thực hiện theo quy định của pháp luật.

CIVILLAWINFOR

Ngày 20/8/2015, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định số 35/2015/QĐ-TTg về việc sửa đổi, bổ sung Quyết định số 02/2012/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành danh mục hàng hóa, dịch vụ thiết yếu phải đăng ký hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung (Quyết định 35), các NHTM nghiêm túc tuân thủ theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện Quyết định 35, các NHTM đã gặp một số khó khăn, phát sinh thêm một số thủ tục hành chính, ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh ngân hàng.

1. Một số khó khăn của NHTM trong quá trình triển khai thực hiện Quyết định 35

Khoản 2 Điều 2 Quyết định số 35/2015/QĐ-TTg quy định “Phát hành thẻ ghi nợ nội địa, mở và sử dụng tài khoản thanh toán (áp dụng cho khách hàng cá nhân), vay vốn cá nhân (nhằm mục đích tiêu dùng)” thuộc danh mục hàng hóa, dịch vụ thiết yếu khi phải đăng ký hợp đồng theo mẫu (HĐTM), điều kiện giao dịch chung (ĐKGDC).

Trong thực tiễn, việc triển khai thực hiện quy định trên đã làm gia tăng thủ tục hành chính, gây khó khăn cho các NHTM, cụ thể như sau:

– Phạm vi đăng ký HĐTM, ĐKGDC còn dàn trải ra tất cả các sản phẩm, dịch vụ cụ thể, chưa tập trung vào ba mẫu HĐTM/ĐKGDC khung cơ bản cho ba loại dịch vụ đã quy định trong Quyết định 35. Trên thực tế, tất cả các hợp đồng của NHTM để cung cấp 3 loại dịch vụ nói trên về cơ bản phải phù hợp với quy định của pháp luật về hoạt động ngân hàng. Thêm vào đó, việc thỏa thuận giao kết hợp đồng cụ thể theo Luật Dân sự hoàn toàn dựa trên cơ sở tự nguyện giữa NHTM và khách hàng, khách hàng có quyền lựa chọn NHTM phù hợp, cạnh tranh nhất để ký kết hợp đồng. Ngoài ra, để đảm bảo cạnh tranh, các NHTM luôn chủ động giản tiện tối đa các điều khoản hợp đồng để đáp ứng nhu cầu và nguyện vọng của khách hàng. Như vậy, việc quy định tất cả sản phẩm, dịch vụ cụ thể thuộc 3 loại dịch vụ đã quy định trong Quyết định 35 đều phải đăng ký HĐTM/ĐKGDC là không cần thiết, chưa đúng với chủ trương đơn giản hóa thủ tục hành chính của Nhà nước. Tùy đặc thù của từng NHTM, số lượng các sản phẩm, dịch vụ cụ thể cần đăng ký HĐTM/ĐKGDC của tất cả các NHTM gộp lại có thể lên tới hàng trăm sản phẩm dịch vụ, gây quá tải cho chính cán bộ tiếp nhận và xử lý việc đăng ký tại Cục Quản lý cạnh tranh (QLCT) – Bộ Công thương. Sự quá tải này lại kéo dài thêm thời gian xử lý việc đăng ký tại Cục QLCT làm tăng thêm các khó khăn, khiến cho các NHTM khó có thể hoàn thành việc đăng ký HĐTM/ĐKGDC theo đúng thời hạn 15/01/2016 như đã quy định tại Quyết định 35.

– Thời gian đăng ký HĐTM, ĐKGDC còn kéo dài: Theo quy định tại Điều 14, Nghị định số 99/2011/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng thì chậm nhất hai mươi (20) ngày làm việc kể từ ngày nhận hồ sơ hợp lệ, cơ quan có thẩm quyền đăng ký có trách nhiệm ra thông báo về việc chấp nhận hoặc không chấp nhận việc đăng ký HĐTM, ĐKGDC. Tuy nhiên, thời gian xử lý hồ sơ thực tế tại Cục QLCT – Bộ Công thương đôi khi dài hơn so với quy định nêu trên là chưa kể độ trễ về thời gian xử lý trong trường hợp các NHTM phải điều chỉnh lại nội dung mẫu đăng ký theo yêu cầu của Cục QLCT.

Mặt khác, các NHTM cũng cần phải được áp dụng HĐTM/ĐKGDC khi chưa hoàn thành thủ tục đăng ký trong thời hạn chuyển tiếp chờ Cục QLCT chấp nhận việc đăng ký: Theo quy định tại Khoản 1 Điều 15 Nghị định 99/2011/NĐ-CP ngày 27/10/2011 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, các NHTM phải đăng ký lại HĐTM/ĐKGDC khi HĐTM/ĐKGDC phải thay đổi theo yêu cầu của pháp luật, của tổ chức, cá nhân. Như vậy, trong giai đoạn nộp hồ sơ chờ đăng ký lại HĐTM/ĐKGDC, nếu các NHTM không được áp dụng ngay mẫu hợp đồng mới sẽ gặp khó khăn, gián đoạn việc cung ứng dịch vụ, cũng như bị rủi ro pháp lý. Nhìn chung, hoạt động ngân hàng có mức độ rủi ro cao, NHTM phải luôn năng động đổi mới sản phẩm dịch vụ, linh hoạt điều chỉnh ngay HĐTM/ĐKGDC để phòng tránh rủi ro, đồng thời, cũng để đáp ứng xu hướng phát triển của thị trường, xã hội, nhu cầu của khách hàng và đảm bảo tính cạnh tranh về chất lượng dịch vụ cung cấp cho khách hàng. Trong thực tế, việc thay đổi quy định pháp luật cũng diễn ra khá thường xuyên và hiệu lực cũng khá nhanh. Ngay khi quy định pháp luật liên quan thay đổi thì các NHTM phải điều chỉnh ngay HĐTM/ĐKGDC nhằm phù hợp với quy định mới của pháp luật, vừa là thể hiện việc tuân thủ nghiêm pháp luật của NHTM, đồng thời nhằm hạn chế rủi ro pháp lý do không tuân thủ pháp luật cho chính NHTM và cho cả khách hàng đã ký kết hợp đồng với NHTM. 

Trên thực tế, nhằm đảm bảo tính chặt chẽ của các giao dịch cho vay có tài sản bảo đảm, các tổ chức hội viên thường dẫn chiếu tới tên và số Hợp đồng bảo đảm trong Hợp đồng tín dụng. Theo quan điểm của các NHTM, Quyết định 35 không quy định mẫu Hợp đồng bảo đảm thuộc đối tượng phải đăng ký, việc dẫn chiếu tên và số Hợp đồng bảo đảm trong Hợp đồng tín dụng chỉ để đảm bảo tính chặt chẽ của Hợp đồng và giao dịch vay vốn, Hợp đồng bảo đảm được đăng ký theo quy định pháp luật về đăng ký giao dịch bảo đảm nên việc yêu cầu các ngân hàng đăng ký mẫu Hợp đồng bảo đảm khi đăng ký mẫu hợp đồng tín dụng là chưa được phù hợp.

  – Thủ tục đăng ký lại HĐTM/ĐKGDC còn mất nhiều thời gian: Để đáp ứng xu hướng của thị trường, nhu cầu của khách hàng và đảm bảo tính cạnh tranh về chất lượng dịch vụ cung cấp cho khách hàng, các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng thường xuyên được các NHTM sáng tạo, thay đổi. Do đặc thù của mỗi sản phẩm, dịch vụ nên các mẫu Hợp đồng, điều kiện giao dịch của các sản phẩm, dịch vụ cụ thể cũng thường xuyên được chỉnh sửa, bổ sung cho phù hợp, tuy các nội dung chỉnh sửa, bổ sung thường khá nhỏ và chỉ là các nội dung/điều khoản phản ánh một số đặc thù riêng của các sản phẩm, dịch vụ mới, trong khi đó, theo quy định của Nghị định 99/2011/NĐ-CP thì bất kỳ thay đổi nào trong nội dung HĐTM/ĐKGDC đã đăng ký, các NHTM lại phải thực hiện việc đăng ký mới lại toàn bộ mẫu biểu HĐTM/ĐKGDC. Với các công việc và thời gian để thực hiện đăng ký lại HĐTM/ĐKGDC như đã nêu trên một mặt gây mất thời gian cho các NHTM; mặt khác NHTM dễ mất cơ hội cạnh tranh cung cấp sản phẩm áp dụng công nghệ mới hiện đại cũng như rủi ro lộ bí mật thông tin kinh doanh…

– Còn chồng chéo về chức năng quản lý, giám sát giữa Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và Bộ Công thương: cùng một loại dịch vụ nhưng phải tuân thủ quy định của NHNN, đồng thời phải được Bộ Công thương phê duyệt và phải chịu sự giám sát của cả NHNN và Bộ Công thương. Ngoài ra, việc kiểm tra, giám sát của các Sở Công thương tỉnh, thành phố, Ban quản lý thị trường trên các địa bàn còn làm mất thời gian của các NHTM…

Quy định tại khoản 2 Điều 2 Quyết định 35 đôi khi gây khó khăn cho hoạt động của các NHTM. Ba dịch vụ “phát hành thẻ ghi nợ nội địa, mở và sử dụng tài khoản thanh toán (áp dụng cho khách hàng cá nhân), vay vốn cá nhân (nhằm mục đích tiêu dùng)” phải đăng ký HĐTM, ĐKGDC là chưa được phù hợp với khoản 1 Điều 19 Luật Bảo vệ người tiêu dùng vì các lý do sau:

Thứ nhất, theo định nghĩa tại Từ điển tiếng Việt năm 1992 của Viện ngôn ngữ học, Viện Khoa học Xã hội Việt Nam thì: “Thiết yếu là rất cần thiết, không thể thiếu được”. Chiểu theo Khoản 1 Điều 15 Luật Giá số 11/2012/QH13 thì các dịch vụ trên do ngân hàng cung ứng không phải là dịch vụ thiết yếu cho sản xuất, đời sống của con người, mà thực tế đây là những dịch vụ phục vụ sinh hoạt tiện lợi để người dân có thể lựa chọn sử dụng nâng cao chất lượng cuộc sống. Trường hợp người tiêu dùng vay vốn cá nhân vài tỷ đồng để mua xe ô tô hay mua nhà… trong thời gian 15, 20 năm cũng là vay vốn nhằm mục đích tiêu dùng và cũng không thể coi đây là dịch vụ thiết yếu được. Việc mở và sử dụng tài khoản thanh toán cũng như sử dụng thẻ ghi nợ nội địa cũng là để phục vụ sinh hoạt tiện lợi hơn, nâng cao chất lượng cuộc sống.

Thứ hai, hiện nay, có nhiều NHTM đang hoạt động cùng cung cấp một loại dịch vụ. Các thông tin về sản phẩm dịch vụ (chi phí, lãi suất…) đều được niêm yết công khai. Vì vậy, người tiêu dùng có thể tự do lựa chọn ngân hàng có dịch vụ phù hợp với nhu cầu của mình để giao dịch. Bên cạnh đó, mỗi ngân hàng đều có chính sách khách hàng để thu hút khách hàng nên khách hàng có nhiều cơ hội để nhận được dịch vụ tốt theo nhu cầu. Với “khách hàng là thượng đế”, để duy trì được mối quan hệ với các khách hàng, các ngân hàng phải tự khẳng định được uy tín, thương hiệu của mình thông qua cung cấp dịch vụ, theo đó quyền lợi của khách hàng/người tiêu dùng đương nhiên được ngân hàng bảo vệ. Người tiêu dùng có nhiều cơ hội lựa chọn, sử dụng các dịch vụ ngân hàng phù hợp để nâng cao chất lượng cuộc sống trên cơ sở tự nguyện và tuân thủ các nguyên tắc về giao kết hợp đồng theo luật định.

Thứ ba, sản phẩm, dịch vụ ngân hàng rất đa dạng, nên không có mẫu hợp đồng nào chung cho tất cả các loại sản phẩm, dịch vụ ngân hàng. Mặt khác, khách hàng có quyền đề nghị sửa đổi nội dung thỏa thuận trong hợp đồng theo đúng quy định. Nếu phải đăng ký lại sẽ gây khó khăn cho khách hàng, ngân hàng mất cơ hội kinh doanh, tốn kém chi phí, rủi ro pháp lý, bị khách hàng kiện…

Thứ tư, khi tuân thủ các quy định của NHNN tại các văn bản liên quan như Quyết định 1627, Thông tư 23 và Thông tư 19 các NHTM đã “chủ động tham gia vào việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng” (Khoản 1 Điều 5 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2012) khi ban hành mẫu hợp đồng để việc giao dịch sử dụng dịch vụ được nhanh chóng và khách hàng có quyền đề nghị sửa đổi nội dung thỏa thuận trong hợp đồng. NHTM không áp đặt khách hàng phải chấp nhận toàn bộ nội dung hợp đồng do ngân hàng đưa ra. Đồng thời, theo quy định tại Khoản 4 Điều 4 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2012 thì “Hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng không được xâm phạm đến … quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ và tổ chức cá nhân khác”.

Do đặc thù nêu trên nên dịch vụ “phát hành thẻ ghi nợ nội địa, mở và sử dụng tài khoản thanh toán (áp dụng cho khách hàng cá nhân), vay vốn cá nhân (nhằm mục đích tiêu dùng)” không thuộc nhóm sản phẩm, dịch vụ thiết yếu cho sản xuất và đời sống nên không thuộc đối tượng điều chỉnh của Khoản 1 Điều 19 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, theo đó, 3 loại dịch vụ này không nằm trong Danh mục hàng hóa, dịch vụ thiết yếu do Thủ tướng Chính phủ ban hành phải đăng ký HĐTM, ĐKGDC với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền (không có trong danh mục của Quyết định số 35/2015/QĐ-TTg).

Để từng bước tháo gỡ khó khăn cho các NHTM, Hiệp hội Ngân hàng đã làm việc với Cục QLCT – Bộ Công thương, đề xuất hướng giải quyết tháo gỡ dần khó khăn, vướng mắc cho các NHTM.

2. Đề xuất giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc

Để tiếp tục tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các NHTM, Bộ Công thương cần có phối hợp chặt chẽ cùng Ngân hàng Nhà nước:

– Tiến hành rà soát, qua đó, đề xuất trình Chính phủ sửa đổi, chỉnh sửa lại quy định tại khoản 2 Điều 2 Quyết định 35 theo hướng: trước mắt tạm thời đưa dịch vụ vay vốn cá nhân (nhằm mục đích tiêu dùng) ra khỏi danh mục hàng hóa, dịch vụ thiết yếu phải đăng ký hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung theo Quyết định 35, tạm hoãn việc đăng ký HĐTM/ĐKGDC đối với dịch vụ vay vốn cá nhân (nhằm mục đích tiêu dùng) vì cho đến nay các NHTM tùy vào đặc thù của từng ngân hàng có số lượng rất lớn sản phẩm dịch vụ cụ thể thuộc loại dịch vụ vay vốn cá nhân (nhằm mục đích tiêu dùng) cần phải đăng ký với Cục QLCT khi chưa có quy định giới hạn hợp lý về phạm vi đăng ký HĐTM/ĐKGDC đối với loại dịch vụ này vừa để giảm tải cho cán bộ xử lý việc đăng ký tại Cục QLCT, đồng thời, để góp phần giảm thiểu thời gian đăng ký, thủ tục hành chính cho các NHTM.

– Trong thời gian chưa kịp sửa đổi khoản 2 Điều 2 Quyết định 35 theo hướng trên, Bộ Công thương cần phối hợp chặt chẽ cùng NHNN thực hiện các biện pháp xử lý trước mắt để tạo điều kiện thuận lợi cho tất cả các bên theo tinh thần đơn giản hóa thủ tục hành chính như sau:

(1) Thống nhất giới hạn lại phạm vi đăng ký HĐTM/ĐKGDC đối với sản phẩm vay vốn cá nhân (nhằm mục đích tiêu dùng), xác định rõ việc đăng ký HĐTM/ĐKGDC chỉ là đăng ký Hợp đồng khung và các NHTM được thỏa thuận với khách hàng bổ sung thêm các điều khoản cam kết đặc thù theo nhóm khách hàng hay sản phẩm đặc thù. Thực tế hiện nay, quan điểm và cách hiểu thế nào là mục đích tiêu dùng trong các hợp đồng vay vốn cá nhân cần được thống nhất. Trong khi đó, sản phẩm cho vay của các NHTM lại rất đa dạng nên để xác định sản phẩm nào thuộc trường hợp phải đăng ký cũng là vấn đề mà các NHTM đang lúng túng. (Theo Cục QLCT, tính đến thời điểm hiện nay, các phản ánh, khiếu nại liên quan đến cho vay tiêu dùng chiếm hơn 80% trong tổng số các phản ánh khiếu nại liên quan đến tài chính – ngân hàng nói chung). Cho đến nay, cơ sở pháp lý đối với cho vay tiêu dùng chủ yếu dựa vào Luật các TCTD năm 2010 mà tính đến thời điểm hiện nay đã có nhiều điểm không còn phù hợp. Trước mắt, khi chưa có thay đổi phù hợp về Luật, trên cơ sở thống nhất quan điểm giữa Bộ Công thương và NHNN, Cục QLCT cần có văn bản hướng dẫn cụ thể giới hạn phạm vi đăng ký HĐTM/ĐKGDC là Hợp đồng khung cho các NHTM cũng như các Sở Công thương có căn cứ xác định khi thực hiện kiểm tra việc đăng ký HĐTM/ĐKGDC của các NHTM trên địa bàn.

(2) Thống nhất quy trình thẩm định và đăng ký HĐTM/ĐKGDC cần đảm bảo các nguyên tắc sau:

– Yêu cầu giải trình cần nêu rõ căn cứ pháp lý, nội dung cụ thể cần điều chỉnh, không đưa ra yêu cầu chung chung như: đề nghị điều chỉnh cho phù hợp Luật Bảo vệ người tiêu dùng…;

– Sau khi các NHTM đã giải trình lần 01, đề nghị Bộ Công thương chỉ xem xét lại những nội dung giải trình đã phù hợp hay chưa, không yêu cầu giải trình thêm những nội dung khác ngoài yêu cầu lần 01;

– Cung cấp đầu mối liên lạc của Cục QLCT trong quá trình giải quyết để các NHTM trực tiếp trao đổi, phối hợp xử lý;

(3) Bộ Công thương cần chỉ đạo Cục QLCT: bên cạnh việc rút ngắn thời gian xử lý, cần đơn giản hóa thủ tục đăng ký lại để tối giản hóa thủ tục hành chính so với đăng ký lần đầu. Đối với các mẫu hợp đồng đã được đăng ký, trường hợp trong quá trình triển khai NHTM có phát sinh thay đổi một số nội dung tại mẫu biểu hoặc NHTM và khách hàng cùng thống nhất thỏa thuận thay đổi, Cục QLCT cần có hướng dẫn cụ thể những nội dung cơ bản nào của hợp đồng khi thay đổi từ phía NHTM thì phải thực hiện đăng ký lại, những nội dung nào là nội dung thay đổi nhỏ hoặc là điều khoản tùy nghi hoặc do thỏa thuận giữa NHTM và khách hàng sẽ không phải thực hiện đăng ký lại. Cục QLCT cần sớm có hướng dẫn cụ thể vì nội dung này rất quan trọng để tránh tranh chấp phát sinh xảy ra, quyền lợi ngân hàng cho vay không được bảo đảm;

(4) Trong thời gian chưa duyệt HĐTM/ĐKGDC, Bộ Công thương cần chỉ đạo Cục QLCT cần có quy định cụ thể về thời gian chuyển tiếp hợp lý để các NHTM được sử dụng mẫu đã đăng ký đang chờ phê duyệt. Cục QLCT có văn bản trình Lãnh đạo Bộ Công thương để chỉ đạo thống nhất và đồng bộ các Sở Công thương tỉnh, thành phố tạm ngừng việc kiểm tra, kiểm soát các NHTM đến hết 30/9/2016 (tính đến thời điểm hiện nay vẫn còn một số NHTM chưa hoàn tất thủ tục đăng ký HĐTM/ĐKGDC).

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

– Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng số 59/2010/QH12;

– Luật Giá số 11/2012/QH13;

– Nghị định số 99/2012/NĐ-CP ngày 27/10/2011 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng;

– QĐ-TTg ngày 13/01/2012 về việc ban hành danh mục hàng hóa, dịch vụ thiết yếu phải đăng ký hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung.

– Quyết định số 35/2015/QĐ-TTg ngày 20/8/2015 của về việc sửa đổi, bổ sung Quyết định số 02/2012/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành danh mục hàng hóa, dịch vụ thiết yếu phải đăng ký hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung.

TS. DƯƠNG HỒNG PHƯƠNG

SOURCE: TẠP CHÍ NGÂN HÀNG SỐ 19 NĂM 2016

Trích dẫn từ: CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC VIỆT NAM

Thích và chia sẻ bài viết này

Tin tức khác

Theo Dõi Trên FACEBOOK

Theo Dõi Trên Google Plus

Thống Kê