Luật sư Hồ Ngọc Diệp - Đoàn Luật sư Thành Phố Hồ Chí Minh

Nghĩa vụ chứng minh trong vụ án dân sự. Kỳ cuối: Đối với người liên quan

14/07/2016, 06:13

Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án dân sự là người tuy không khởi kiện, không bị kiện, nhưng việc giải quyết vụ án dân sự có liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của họ.

Ví dụ: Trong thời kỳ hôn nhân, vợ chồng A. có mượn bà C. một khoản tiền để xây nhà. Nay vợ chồng A. ly hôn và có yêu cầu toà án phân chia khối tài sản chung của vợ chồng.

Trong trường hợp này, bà C. được xác định là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án.

Theo tinh thần quy định tại điểm b khoản 1 điều 73 BLTTDS năm 2015 (từ đây gọi chung là BLTTDS) thì, trong vụ án dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có thể tham gia tố tụng với một trong ba tư cách sau:

1/ Tham gia tố tụng độc lập. Tức là không đứng về phía nguyên đơn hay bị đơn, mà chỉ đề nghị toà án xem xét giải quyết đối với yêu cầu độc lập của mình trong vụ án.

2/ Tham gia tố tụng theo nguyên đơn, là trường hợp người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan không có yêu cầu độc lập, mà đứng về phía nguyên đơn, tham gia tố tụng vụ án theo nội dung và yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn.

3/ Tham gia tố tụng theo bị đơn, là trường hợp người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan không có yêu cầu độc lập, mà đứng về phía bị đơn, cùng tham gia tố tụng vụ án theo yêu cầu phản tố hoặc ý kiến phản đối của bị đơn đối với nguyên đơn.

Theo tinh thần quy định tại khoản 2 điều 73 và điều 201 BLTTDS thì,  người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, có quyền đưa ra yêu cầu độc lập khi có các điều kiện sau đây:

a/ Việc giải quyết vụ án có liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của họ;

b/ Yêu cầu độc lập của họ có liên quan đến vụ án đang giải quyết;

c/ Yêu cầu độc lập của họ được giải quyết trong cùng một vụ án làm cho việc giải quyết vụ án được chính xác và nhanh hơn.

Thời điểm người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có quyền đưa ra yêu cầu độc lập được xác định là: trước thời điểm mở phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp nhận, công khai chứng cứ và hoà giải.

Điều đó cũng có nghĩa, sau thời điểm này, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan sẽ mất đi quyền đưa ra yêu cầu độc lập, mà chỉ có thể yêu cầu toà án giải quyết yêu cầu độc lập của mình bằng một vụ án khác.

Cũng như việc chứng minh của nguyên đơn hay bị đơn có yêu cầu phản tố, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập phải chứng minh để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình.

Tuỳ thuộc vào nội dung yêu cầu mà người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan xác định phạm vi và trách nhiệm chứng minh của mình trong vụ án.

Ví dụ: A khởi kiện B trong vụ án tranh chấp tài sản sau ly hôn. Theo đó A cho rằng, phần nhà đất hiện đang tranh chấp là tài sản chung của vợ chồng nên yêu cầu Tòa án chia đôi.

C. là mẹ của B. khẳng định, phần đất gắn liền với nhà ở của vợ chồng A. thuộc sở hữu của C, và C. chỉ cho vợ chồng A. xây nhà để ở tạm. Nay vợ chồng A. ly hôn và có yêu cầu chia tài sản thì chỉ được chia phần giá trị xây dựng nhà, còn phần giá trị đất phải hoàn trả lại cho C.

Trong vụ án này, C. được xác định là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập. Do vậy, C. phải có trách nhiệm chứng minh phần đất này thuộc quyền quản lý, sử dụng hợp pháp của C. và C. chỉ cho vợ chồng A. xây nhà tạm để ở, chứ không chuyển giao quyền sở hữu bằng bất kỳ một giao dịch tặng cho hay mua bán, chuyển nhựơng nào.

Ở đây cũng cần lưu ý rằng, theo tinh thần quy định tại điều 202 BLTTDS thì thủ tục yêu cầu phản tố của bị đơn cũng như yêu cầu độc lập của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, được thực hiện như thủ tục khởi kiện của nguyên đơn.

Vì vậy, để yêu cầu độc lập của mình được toà án xem xét giải quyết trong cùng vụ án, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập, phải có “Đơn yêu cầu” gửi đến toà án, kèm theo các tài liệu, chứng cứ, chứng minh cho yêu cầu đó là có căn cứ và hợp pháp

 

                                                                      Luật sư HỒ NGỌC DIỆP

Thích và chia sẻ bài viết này

Tin tức khác