Luật sư Hồ Ngọc Diệp - Đoàn Luật sư Thành Phố Hồ Chí Minh

Đưa tiền để lấy chứng cứ tố tham nhũng, có phạm tội ?

23/04/2016, 22:39

Vụ việc ông Trần Minh Lợi (48 tuổi, trú tại thôn 4, xã Ea Bhốk, Cư Kuin, Đắk Lắk) vừa bị cơ quan công an tỉnh Đăk Nông khởi tố điều tra về hành vi đưa hối lộ đã thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận, trong đó có nhiều ý kiến thắc mắc về tội danh của các bị can trong vụ án này.


Ông Trần Minh Lợi bị Công an khởi tố bắt giam (ảnh minh họa)

Có người “đưa” sao không có người “nhận hối lộ”? 

Theo tinh thần quy định tại điều 279 BLHS thì, được xem là có hành vi nhận hối lộ, khi một người nào đó lợi dụng chức vụ, quyền hạn, trực tiếp hoặc qua trung gian đã nhận hoặc sẽ nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác dưới bất kỳ hình thức nào… để làm hoặc không làm một việc vì lợi ích hoặc theo yêu cầu của người đưa hối lộ.

Như vậy, chỉ khi nào người nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác, là người có thẩm quyền giải quyết vụ việc thì hành vi đó mới cấu thành tội nhận hối lộ. Trong trường hợp này, cùng với việc khởi tố hành vi đưa hối lộ, cơ quan điều tra cũng sẽ khởi tố điều tra đối với người nhận hối lộ.

Trái lại, nếu người nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác là người  không có thẩm quyền giải quyết vụ việc thì họ không thể bị khởi tố về hành vi nhận hối lộ, mà chỉ có thể bị xem xét khởi tố về một tội danh tương ứng nào đó, như tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” chẳng hạn.

Trong vụ việc này, trung uý Bình (trinh sát hình sự) nhận tiền với mục đích giúp cho các bị can được tại ngoại. Tuy nhiên, theo quy định của pháp luật, trình tự thủ tục giải quyết việc tại ngoại phải do Cơ quan Điều tra đề xuất và VKSND cùng cấp phê chuẩn, nên không thuộc thẩm quyền giải quyết của người trực tiếp nhận tiền là trung uý Bình. Vì vậy, Cơ quan Điều tra – Công an tỉnh Đăk Nông không khởi tố người nhận tiền về hành vi nhận hối lộ mà khởi tố về tội “ Lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ, quyền hạn để trục lợi”  là có căn cứ và đúng pháp luật. 

Như vậy, có thể thấy, khi cơ quan chức năng khởi tố một người nào đó về hành vi đưa hối lộ, không phải bao giờ cũng có người bị khởi tố về hành vi nhận hối lộ, mà tuỳ vào tính chất, hành vi phạm tội của bị can, Cơ quan Điều tra sẽ có quyết định khởi tố bị can theo những tội danh tương ứng. 

Đưa tiền để thu thập chứng cứ, có phạm tội đưa hối lộ?

Để trả lời câu hỏi trên, trước hết cần làm rõ các dấu hiệu cơ bản của cấu thành tội phạm.

Điều 289 BLHS về tội “Đưa hối lộ”, chỉ quy định: “ người nào đưa hối lộ…” mà không mô tả cụ thể hành vi khách quan của tội phạm này, tức là không định nghĩa thế nào là hành vi đưa hối lộ.

Tuy nhiên, có thể thấy, hành vi khách quan của tội phạm này đã được nhà làm luật mô tả thông qua cấu thành cơ bản của tội “Nhận hối lộ”, là tội phạm mang tính tương quan và tương tác với hành vi đưa hối lộ.

Theo đó, được xem là có hành vi nhận hối lộ, khi một người nào đó lợi dụng chức vụ, quyền hạn để nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác… với mục đích “để làm hoặc không làm một việc vì lợi ích hoặc theo yêu cầu của người đưa hối lộ”.

Từ cấu thành cơ bản nêu trên, có thể thấy, đối với cả người đưa lẫn người nhận hối lộ, khi thực hiện tội phạm, họ đều có chung một mục đích duy nhất là “để làm hoặc không làm một việc vì lợi ích hoặc theo yêu cầu của người đưa hối lộ”. Ngoài mục đích này ra, không còn bất kỳ một một mục đích nào khác.

   Như vậy, mục đích “để làm hoặc không làm một việc … ” là dấu hiệu bắt buộc không chỉ đối với cấu thành cơ bản của tội “Nhận hối lộ” mà còn đối với cả tội “Đưa hối lộ”, mà nếu thiếu dấu hiệu bắt buộc này thì hành vi sẽ không cấu thành tội phạm.

Trở lại với vụ việc của ông Trần Minh Lợi, có thể nói, hiện nay vẫn còn quá sớm để kết luận hành vi đưa tiền để thu thập chứng cứ của ông Lợi, có cấu thành tội “Đưa hối lộ” hay không, mà cần phải chờ kết luận chính thức từ phía cơ quan điều tra.

Tuy nhiên, dưới góc độ pháp lý, có thể thấy rằng, nếu kết quả điều tra xác định được, ngay từ đầu, những người thực hiện hành vi đưa tiền (trong đó có ông Lợi) cho cán bộ, chiến sĩ công an, đã bàn bạc và thống nhất với nhau, mục đích của việc đưa tiền chỉ nhằm thu thập chứng cứ để tố cáo hành vi tham nhũng, hối lộ… (chứ không phải đưa tiền với mục đích để giúp người thân của họ được tại ngoại), thì hành vi này không thể xem là phạm tội “Đưa hối lộ”. Vì nó không thoả mãn dấu hiệu về mặt mục đích – vốn là yếu tố bắt buộc đối với cấu thành cơ bản của tội phạm này. 

Trái lại, nếu khi đưa tiền, ý thức chủ quan của họ là mong muốn được giúp đỡ cho người thân tại ngoại (làm một việc vì lợi ích của người đưa hối lộ), nhưng sau đó, nhận thấy kết quả này không đạt được, nên đã dùng các chứng cứ thu thập được để tố cáo, thì hành vi này đã cấu thành tội “Đưa hối lộ” theo quy định tại điều 289 BLHS.

Luật sư HỒ NGỌC DIỆP

(Bài viết đã đăng trên báo Lao Động điện tử và ấn phẩm Công lý & Xã hội của TAND Tối cao)

Thích và chia sẻ bài viết này

Tin tức khác