Luật sư Hồ Ngọc Diệp - Đoàn Luật sư Thành Phố Hồ Chí Minh

Giải quyết tranh chấp quốc tế: Người Á Đông không mặn mà với chế tài pháp lý?

08/08/2016, 06:47

Sau khi có phán quyết của Tòa Trọng tài Quốc Tế về vụ kiện biển Đông, Trung Quốc ngay lập tức đã lên tiếng phản đối.

Tiếp theo, trong những ngày gần đây, khối ASEAN đối mặt với việc khó tìm kiếm được sự đồng thuận giữa các nước thành viên để có thể đưa ra tuyên bố chung về vấn đề biển Đông vì vướng phải sự đối kháng từ Cambodia. Xem ra chiến lược “viễn giao-cận công” và thế liên hoành chống hợp tung từ thời Chiến quốc vẫn được Trung Quốc sử dụng trên biển Đông bằng việc đưa ra quyền lợi với Cambodia và tăng cường việc gây hấn với Việt Nam trong vùng tranh chấp, cũng như tìm mọi cách phá vỡ sự hợp tác của các quốc gia ASEAN có liên quan.

Hình ảnh mà Trung Quốc đang cố tạo dựng ra trong vụ việc chủ quyền trên biển Đông là một Châu Á, nơi mà các quốc gia không hề muốn sử dụng các thủ tục pháp lý quốc tế để giải quyết các tranh chấp với nhau. Tuy nhiên, đó có thực sự là một hình ảnh phản ánh chính xác cách mà các quốc gia Châu Á xử sự trong những hồ sơ tranh chấp chủ quyền trong lịch sử cận đại hay không? Tác giả Tommy Koh* có một cái nhìn rất khác về cái mà ông gọi là “Giải quyết tranh chấp kiểu Á Đông” trong bài viết sau đây.

* * *

Trung Quốc luôn kiên định lập trường không tham gia vào vụ kiện tranh chấp trên biển Đông với Philippines. Nhật Bản không chấp nhận là giữa họ và Trung Quốc có những tranh chấp liên quan đến đảo Điếu Ngư (Senkaku/Diaoyu). Nam Hàn từ chối lời đề nghị giải quyết tranh chấp về đảo Dokdo/Takeshima của Nhật Bản thông qua Toà Công Lý Quốc Tế (International Court of Justice – ICJ) và cho rằng giữa hai nước chả có gì để tranh chấp. Tất cả những diễn biến ấy khiến cho nhiều người có suy nghĩ là người châu Á hình như không hứng thú gì với việc sử dụng các chế tài pháp lý dựa trên luật quốc tế để giải quyết các vấn đề tranh chấp giữa họ với nhau. Nhưng thật ra suy nghĩ đó là vô cùng sai lầm.

Tình hình Đông Nam Á

Những nước Đông Nam Á vốn có một bảng thành tích khá tích cực trong việc sử dụng các thủ tục pháp lý quốc tế để giải quyết các vấn đề tranh chấp giữa họ. Người viết có thể kể ra một số hồ sơ có tầm quan trọng nhất sau đây.

  • Hồ sơ Preah Vihear

Vụ kiện tụng đầu tiên giữa hai nước Đông Nam Á thông qua việc sử dụng thủ tục tố tụng của Toà Công Lý Quốc Tế ICJ là hồ sơ về ngôi chùa Preah Vihear nằm giữa biên giới hai nước Cambodia và Thailand. Cambodia đã nộp hồ sơ kiện Thailand vào năm 1959 và đến năm 1962, Toà Công Lý Quốc Tế đã tuyên bố Cambodia thắng kiện, cũng như trao chủ quyền của ngôi chùa cho Cambodia.

Nhưng ngặt một nỗi, đơn kiện của Cambodia không đòi hỏi tòa đưa ra phán quyết về một vấn đề rất liên quan, đó là chủ quyền của những lằn ranh giới và lãnh thổ xung quanh ngôi chùa. Và vì thế, đã không có kết luận gì từ phía Tòa Công Lý Quốc Tế về vấn đề pháp lý đó sau khi họ đưa ra phán quyết. Việc thiếu sót này đã dẫn đến những hiểu lầm cũng như xung đột biên giới giữa hai đất nước, Thailand và Cambodia, trong nhiều năm.

Đến năm 2011, Cambodia đã khiến cho cả thế giới kinh ngạc khi họ nộp đơn lên Tòa Công Lý Quốc Tế để yêu cầu tòa đưa ra lời diễn giải cho phán quyết năm 1962 của họ. Một cách chi tiết, Cambodia đã yêu cầu tòa phán quyết rằng Cambodia có chủ quyền với khu vực địa lý xung quanh ngôi chùa. Tòa Công Lý Quốc Tế đã đồng ý nhận đơn và đưa ra phán quyết, trao chủ quyền của khu vực địa lý xung quanh ngôi chùa cho Cambodia. Phán quyết của Tòa Công Lý Quốc Tế đã có được sự chấp nhận của cả hai nước có tranh chấp và hòa bình đã trở lại trên vùng biên giới giữa Cambodia và Thailand.

  • Hồ sơ Sipadan và Ligitan

Indonesia và Malaysia từng có tranh chấp về chủ quyền của hai hòn đảo Sipada và Ligitan.

Vào năm 1998, chính phủ của cả hai nước đã đồng ý sử dụng Tòa Công Lý Quốc Tế để giải quyết tranh chấp này. Đến năm 2002, tòa đã tuyên phán hai hòn đảo đó là lãnh thổ thuộc chủ quyền của Malaysia. Tuy nhà nước Indonesia đã rất thất vọng trước kết quả, họ đã chấp nhận tuân thủ phán quyết của tòa.

  • Hồ sơ Pedra Branca/Pulau Batu Puteh

Năm 1847, nhà nước bảo hộ Anh Quốc ở Singapore đã chiếm giữ một hòn đảo với tên gọi Pedra Branca (trong tiếng Bồ Đào Nha), và còn được gọi là Pulau Batu Puteh trong tiếng Malay. Chính phủ Anh Quốc đã xây một ngọn hải đăng trên hòn đảo này và khánh thành nó vào năm 1851.

Từ đó cho đến năm 1979, chủ quyền của hòn đảo Pedra Branca được mặc định là của Singapore (là quốc gia có quyền thừa kế từ Anh Quốc) và không ai lên tiếng phản đối điều đó. Thế nhưng, vào năm 1979, Malaysia đã cho xuất bản một tấm bản đồ mới, trong đó có thêm vào hòn đảo ấy như là một phần của lãnh thổ Malaysia.

Tuy Singapore lúc đó đang có chủ quyền đối với hòn đảo Pedra Branca, chính phủ nước này đã đồng ý là thực chất đang có một tranh chấp về chủ quyền đối với nó, cũng như đã chủ động đề nghị các bên liên quan sử dụng Tòa Công Lý Quốc Tế để giải quyết tranh chấp.

Đến năm 2003, chính phủ hai nước Malaysia và Singapore đã đồng đệ đơn lên Tòa Công Lý Quốc Tế. Vào năm 2008, tòa đã tuyên phán chủ quyền của hòn đảo tranh chấp, Pedra Branca/Pulau Batu Puteh, thuộc về Singapore và đá Middle Rocks thuộc về Malaysia. Còn bãi đá nằm dưới mặt nước biển khi thuỷ triều thấp (low-tide elevation), South Ledge, thì thuộc chủ quyền của quốc gia nào có lãnh hải ở đó.

  • Hồ sơ Myanmar – Bangladesh

Hai quốc gia Đông Nam Á khác cũng có tranh chấp với nhau về chủ quyền trên biển là Myanmar và Bangladesh.

Sau nhiều năm đàm phán song phương bất thành giữa hai quốc gia, hai chính phủ Myanmar và Bangladesh quyết định sử dụng các thủ tục pháp lý của Tòa Trọng tài Quốc Tế về Luật biển (International Tribunal for the Law of the Sea – gọi tắt là ITLOS) để giải quyết tranh chấp giữa họ. Hai quốc gia này đã yêu cầu Tòa ITLOS vẽ cho họ đường biên giới trên biển liên quan đến lãnh hải, khu vực kinh tế đặc quyền (EEZ) và thềm lục địa giữa hai nước. Vào năm 2012, Tòa ITLOS đã đưa ra phán quyết về vụ kiện và cả hai quốc gia đều chấp nhận các tuyên phán của tòa.

Đông Nam Á: gương “điển hình” của thế giới?

Thái độ tích cực của những quốc gia trong khối ASEAN (trong việc giải quyết các tranh chấp của họ) đã được các nước Nam Á chia sẻ và học tập. Tác giả có thể nêu ra một vài ví dụ như sau.

Như đã nói ở trên, Bangladesh đã giải quyết tranh chấp về chủ quyền trên biển với Myanmar qua thủ tục của Tòa ITLOS. Vào năm 2009, Bangladesh cũng đã tiến hành thủ tục sử dụng Tòa Trọng tài để giải quyết tranh chấp về ranh giới đường biển với Ấn Độ (India) dựa theo Công Ước Quốc Tế về Luật biển (UNCLOS), và Ấn Độ đã đồng ý. Vào năm ngoái, 2015, Tòa Trọng tài đã đưa ra phán quyết cho hồ sơ này và chính phủ của cả hai quốc gia đều đồng ý tuân thủ.

Còn giữa Ấn Độ và Pakistan lâu nay vốn có những quan hệ ngoại giao không được tốt đẹp lắm vì những quá khứ đầy chia cắt từ thời thuộc địa của Anh Quốc, đặc biệt là việc chia phần lại lãnh thổ 2 nước bởi chính quyền thuộc địa vào năm 1947.

Một trong những điểm bế tắc cho cuộc thương thảo giữa hai đất nước này là việc làm cách nào để có thể cùng nhau chia sẻ nguồn nước của sông Indus.

Dưới sự hướng dẫn của Ngân hàng Quốc Tế (World Bank), thủ tướng đầu tiên của Ấn Độ, ông Pandit Nehru, và Đại tướng Ayub Khan, tổng thống của Pakistan lúc ấy đã đồng ý ký kết một hiệp ước về sông Indus. Theo đó, chính phủ hai nước đồng ý sẽ sử dụng tòa trọng tài quốc tế để giải quyết tất cả các tranh chấp có liên quan đến con sông này khi không thể đàm phán được nữa.

Năm 2010, Pakistan đã đòi hỏi thực thi hiệp ước này khi xảy ra tranh chấp với Ấn Độ về các công trình thủy điện mà Ấn Độ đã xây dựng, và đã mở hồ sơ với Tòa Trọng tài. Đến năm 2013, Tòa Trọng tài đã đưa ra phát quyết rằng Ấn Độ có chủ quyền với sông Kishenganga và do đó cũng có cả thẩm quyền điều chỉnh dòng chảy của con sông này. Chính vì thế Ấn Độ có nghĩa vụ phải tuân thủ việc tạo ra một lượng nước tối thiểu đổ vào nó.

Những ví dụ kể trên, về những phương pháp giải quyết đa dạng để giải quyết các tranh chấp giữa các quốc gia, cho phép chúng ta nhìn nhận rằng người dân châu Á, đặc biệt là ở các nước trong vùng Đông Nam Á và Nam Á, đã xem các thủ tục của các tòa trọng tài và tòa án quốc tế là những phương pháp khả thi để giải quyết vấn đề. Năm quốc gia Á Đông, bao gồm Cambodia, Ấn Độ, Nhật Bản, Philippines và Đông Timor, đã chấp nhận quyền tài phán bắt buộc (compulsory jurisdiction) của Tòa Công Lý Quốc Tế (ICJ). Hầu hết tất cả các quốc gia ở Châu Á là thành viên của UNCLOS.

Tuy thế, có một số người Châu Á, đặc biệt là những người sống trong khu vực Đông Bắc Á, thì ngược lại. Họ có vẻ ngần ngại trong việc sử dụng các chế tài pháp lý quốc tế, như tòa trọng tài, để giải quyết các tranh chấp về chủ quyền giữa các nước. Điều khiến cho những người ấy không hài lòng khi sử dụng các thủ tục pháp lý này chính là việc các kết quả của những vụ kiện dựa theo các phương pháp như tòa trọng tài quốc tế thông thường là một bản án theo kiểu một ăn hai thua, nếu thua là thua trắng tay.

Vì lý do đó, tác giả thiết nghĩ nên đề nghị thêm một số phương pháp hầu tìm ra những cách giải quyết khác về những tranh chấp giữa các quốc gia. Trong đó có thể kể đến: 1) tìm hiểu tình tiết vụ kiện (fact-finding), 2) điều đình (mediation), 3) hòa giải (conciliation), và 4) đồng phát triển (joint development).

 * Tìm hiểu tình tiết vụ kiện

Trong một số hồ sơ, sự tranh chấp giữa hai quốc gia thường xuyên xoay quanh những vấn đề liên quan đến tình tiết của vụ việc (facts) chứ không hẳn là vấn đề về luật pháp (law). Hồ sơ về vụ kiện Cải tạo và Lấn đất (Land Reclamation) giữa Malaysia và Singapore là một ví dụ cho điều này.

Theo hồ sơ của vụ kiện, Malaysia cáo buộc những hoạt động cải tạo đất của Singapore đã xâm phạm vào lãnh thổ của Malaysia, gây ra những thiệt hại về môi trường biển cũng như ảnh hưởng bất lợi cho việc sinh kế của những ngư dân Malaysia.

Sau khi tiến hành thủ tục kiện Singapore lên Tòa ITLOS, Malaysia lại tiến hành nộp đơn đòi hỏi thêm một số biện pháp lâm thời đối với Singapore. Trong phán quyết năm 2003, tòa ITLOS đã từ chối yêu cầu đó của Malaysia. Ngược lại, tòa ITLOS đã bắt buộc chính phủ hai nước phải nhanh chóng thành lập một nhóm chuyên gia độc lập gồm 4 người để tìm hiểu hồ sơ sự việc.

Sau một năm nghiên cứu, 4 vị chuyên gia độc lập đã nộp lên một bản báo cáo đồng thuận gửi đến tòa và phần lớn đã “giải oan” cho Singapore. Bản báo cáo đã được chính phủ 2 nước chấp nhận cũng như cả hai đều đã thương thảo và đạt được một thoả thuận êm đẹp cho vụ tranh chấp dựa trên những chi tiết về vụ việc mà báo cáo đã đưa ra.

* Điều đình

Điều đình (mediation) là một hình thức giải quyết vấn đề theo nguyên tắc tự nguyện và kết quả thường là một phương pháp có lợi cho cả đôi bên (win-win outcome).

Một ví dụ cho một cuộc điều đình thành công là hồ sơ hòa giải vụ tranh chấp dai dẳng giữa chính phủ Indonesia và Phong Trào Đòi Tự Do cho ACEH (Free ACEH Movement).

Ngay sau khi cơn sóng thần tàn phá vùng biển Ấn Độ Dương (Indian Ocean) xảy ra vào năm 2004, cả hai phía của vụ tranh chấp này đã tiếp xúc với cựu tổng thống của Phần Lan (Finland), ông Martti Ahtisaari, để yêu cầu ông đứng ra làm người điều phối cho vụ điều đình giữa họ. Và với một biểu hiện xứng đáng được nhận giải Nobel Hòa Bình, ông Ahtisaari đã thành công trong việc thành lập một hòa ước cho vụ tranh chấp này vào năm 2005.

* Hòa Giải

Hòa giải cũng là một phương pháp giải quyết tranh chấp một cách tự nguyện dựa trên nguyên tắc cả hai cùng có lợi.

3 người bạn tốt của tác giả, ông Hans Anderson người Iceland, ông Jens Evensen người Norway (Na Uy) và ông Elliot Richard người Mỹ, là thành viên của một ủy ban liên minh giữa Iceland và Na Uy được thành lập để giải quyết tranh chấp giữa hai quốc gia về thềm lục địa.

Ông Richardson đã được cả hai nước Iceland và Na Uy bổ nhiệm làm chủ tịch nhằm đảm bảo tính công bằng cho ủy ban này. Kết quả là ủy ban liên minh giữa hai quốc gia đã đề xuất một giải pháp khả thi cho tranh chấp và đã được các bên liên quan chấp nhận.

* Đồng phát triển

Nhiều năm trước, nhà lãnh đạo của Trung Quốc, Deng Xiaoping (Đặng Tiểu Bình), đã đề nghị các nước hãy gác bỏ những đòi hỏi về pháp lý qua một bên và tập trung vào việc hợp tác để cùng khai thác tài nguyên trong những lãnh thổ có tranh chấp và chia sẻ chúng.

Trên thực tế, những kế hoạch đồng phát triển đã được các nước sử dụng để giải quyết tranh chấp, mà điển hình là ví dụ của Malaysia và Thailand (Thái Lan) khi hai nước đã hợp tác để khai thác khoán sản dầu khí trong khu vực thềm lục địa ở Vịnh Thái Lan (Gulf of Thailand) và chia sẻ lợi ích. Kế hoạch đồng phát triển này đã xúc tiến vào năm 1979 và được cho là thành công rực rỡ.

    Cách giải quyết theo kiểu Châu Á

Để kết luận cho bài viết của mình, tác giả muốn nhấn mạnh 3 điểm.

Đầu tiên, người dân Châu Á mong muốn châu lục của mình được sống trong hòa bình, phát triển, và ổn định. Họ cũng mong muốn có được một xã hội pháp trị mạnh mẽ và tất cả các tranh chấp giữa các quốc gia được giải quyết trong êm đẹp và đúng theo luật pháp chứ không phải dựa trên những thứ mù mờ nhưng lại hay được xem có vẻ như là đúng.

Thứ hai, ngoại trừ Trung Quốc, các quốc gia Châu Á khác cũng như các công dân của họ không hề có những thái độ tiêu cực đối với việc sử dụng các thủ tục pháp lý hay các tòa trọng tài, tòa án quốc tế để giải quyết tranh chấp giữa họ với các nước khác.

Thứ ba và cuối cùng, ngoài thủ tục của các tòa trọng tài và tòa án quốc tế, chúng ta cần phải tìm kiếm và sử dụng các phương pháp tự nguyện và có lợi cho tất cả các bên (win-win) trong việc đưa ra giải pháp cho những tranh chấp, chẳng hạn như các nghiên cứu tìm hiểu tình tiết của hồ sơ, các phiên điều đình, hoà giải, và cả các kế hoạch đồng phát triển.

Từ trước đến nay, các quốc gia ở Châu Á vốn vẫn giải quyết những tranh chấp giữa họ bằng những thủ tục pháp lý quốc tế. Bây giờ là lúc Trung Quốc cũng phải noi gương theo họ và nên bắt đầu chấp nhận một số phương pháp tự nguyện như tham gia vào các cuộc điều đình để giải quyết tranh chấp giữa Trung Quốc và các quốc gia trong khu vực./.

--------------------------

(*)  Tommy Koh là một nhân viên của Bộ Ngoại Giao Singapore và là chủ tịch của Ban điều hành Trung Tâm Luật Quốc Tế tại Đại Học Quốc Gia Singapore

Đoàn Nhã An lược dịch, Tommy Koh The Asian way to settle disputes, The Straits Time, 10 tháng 06 năm 2016

Thích và chia sẻ bài viết này

Tin tức khác

Theo Dõi Trên FACEBOOK

Theo Dõi Trên Google Plus

Thống Kê