Luật sư Hồ Ngọc Diệp - Đoàn Luật sư Thành Phố Hồ Chí Minh

Hiểu thế nào là tiền giả ?

26/06/2016, 08:17

Điều 180 BLHS năm 1999 cũng như điều 207 BLHS năm 2015 (có hiệu lực từ ngày 01/7/2016) chỉ quy định: người nào làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả… thì bị phạt tù từ ba năm đến bảy năm… mà không nói rõ, tiền giả là tiền Việt Nam đồng giả hay kể cả ngoại tệ giả.

Tuy nhiên, theo tinh thần hướng dẫn tại điểm 3 Mục I Nghị quyết số 02/2003/NQ – HĐTP ngày 17/4/2003 của Hội đồng Thẩm phán toà án nhân dân Tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định của BLHS thì tiền giả bao gồm tiền Việt Nam đồng giả và ngoại tệ giả.

Trong khi đó, theo quy định tại điều 3 Thông tư số 28/2013 ngày 5/12/2013 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về việc Giám định tiền giả, tiền nghi giả, thì khái niệm tiền giả được Thông tư này giải thích cụ thể như sau:

1. Tiền giả là những loại tiền làm giống như tiền Việt Nam nhưng không phải do Ngân hàng Nhà nước tổ chức in, đúc, phát hành.

2. Tiền giả loại mới là loại tiền giả chưa được Ngân hàng Nhà nước (hoặc Bộ Công an) thông báo bằng văn bản.

Như vậy, rõ ràng đã có sự mâu thuẫn trong nội dung hướng dẫn giữa Nghị quyết số 02/2003/NQ – HĐTP ngày 17/4/2003 của Hội đồng Thẩm phán toà án nhân dân Tối cao và Thông tư số 28/2013 ngày 5/12/2013 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về khái niệm “tiền giả”. Theo đó, với tư cách là cơ quan có nhiệm vụ thực hiện chức năng quản lý nhà nước về tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ xem “tiền giả” là tiền Việt Nam đồng. Trong khi đó, nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán toà án nhân dân Tối cao lại xem tiền giả bao gồm cả tiền Việt Nam đồng giả lẫn ngoại tệ giả.

Vậy, đâu là cách hiểu đúng?

Từ quan điểm cá nhân, chúng tôi cho rằng, việc Hội đồng Thẩm phán toà án nhân dân Tối cao giải thích khái niệm tiền giả theo theo hướng mở rộng, bao gồm cả ngoại tệ giả, có vẻ như không phù hợp với tinh thần của điều 180 BLHS. Bởi lẽ, để có căn cứ điều tra, truy tố, xét xử bị can (bị cáo) về hành vi lưu hành tiền giả, việc đầu tiên là phải có kết luận giám định của cơ quan chuyên môn đối với số tiền bị can, bị cáo đang lưu hành, là tiền giả.

Trong khi đó, xuất phát từ lý do an ninh tiền tệ, khó có thể quốc gia nào đồng ý cung cấp bộ tiền mẫu cho một quốc gia khác để thực hiện công tác giám định. Và, một khi đã không thực hiện được công tác giám định thì cũng không có căn cứ để kết luận số ngoại tệ bị can, bị cáo đang lưu hành là tiền thật hay giả, để từ đó xem xét trách nhiệm hình sự đối với họ về hành vi “Lưu hành tiền giả”. (Thực tế, đã có những vụ án, cơ quan tiến hành tố tụng thực hiện việc trưng cầu giám định, nhưng cơ quan giám định đã có công văn từ chối giám định vì lý do không có bộ tiền mẫu đối với loại ngoại tệ đó nên không thể tiến hành việc giám định.)

 Mặt khác, khách thể của tội “Lưu hành tiền giả” là trật tự quản lý kinh tế, mà cụ thể là các quy định của Nhà nước trong lĩnh vực quản lý tiền tệ quốc gia. Do vậy, chỉ có những hành vi làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả là tiền Việt Nam đồng, mới có thể gây tác động xấu, ảnh hưởng đến vấn đề an ninh tiền tệ nói chung. Còn đối với việc mua bán, trao đổi ngoại tệ giả trong đời sống xã hội, xét cho cùng, cũng không ảnh hưởng đến vấn đề an ninh tiền tệ quốc gia, mà chỉ những cá nhân, tổ chức đứng ra thu mua hoặc nhận đổi ngoại tệ giả, là người bị thiệt hại về tài sản. Do vậy, hành vi  bán hoặc đổi ngoại tệ giả này, có thể cấu thành tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo quy định tại điều 139 BLHS.

Tất nhiên, những quan điểm trên đây, cũng chỉ là ý kiến chủ quan của người viết, còn trên thực tế, để có một cách hiểu thống nhất về khái niệm “tiền giả”, thiết nghĩ các cơ quan chức năng cần sớm  ban hành một Thông tư liên tịch nhằm giải thích, hướng dẫn cụ thể về khái niệm “tiền giả”, làm cơ sở cho việc điều tra, truy tố và xét xử đối với loại tội phạm này.

 

Luật sư HỒ NGỌC DIỆP

Thích và chia sẻ bài viết này

Tin tức khác