Luật sư Hồ Ngọc Diệp - Đoàn Luật sư Thành Phố Hồ Chí Minh

Thảm án Bình Phước và vai trò của Trần Đình Thoại

05/05/2016, 21:58

Việc xác định đúng vai trò của bị cáo Trần Đình Thoại trong vụ thảm án giết 6 người ở Bình Phước, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc xem xét trách nhiệm hình sự của bị cáo.

Không thuộc trường hợp miễn trách nhiệm hình sự?

Vấn đề bị cáo Trần Đình Thoại có thuộc trường hợp được miễn trách nhiệm hình sự (TNHS) theo quy định tại điều 19 BLHS về tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội hay không, đã từng được đặt ra trên một số diễn đàn. Bên cạnh các ý kiến ủng hộ việc xem xét miễn TNHS cho bị cáo, cũng có nhiều ý kiến cho rằng, hành vi của bị cáo không thuộc trường hợp được miễn TNHS theo quy định tại điều 19 BLHS.

Theo các ý kiến này, Trần Đình Thoại tham gia vụ án với vai trò là người giúp sức cho Nguyễn Hải Dương. Trong khi đó, theo tinh thần hướng dẫn tại Nghị quyết số 01/1989 của Hội đồng Thẩm phán toà án nhân dân Tối cao (Nghị quyết 01/1989) thì, để được miễn trách nhiệm hình sự theo Điều 19 BLHS, người đồng phạm giúp sức phải thuyết phục, khuyên bảo, đe dọa để người thực hành không thực hiện tội phạm hoặc phải báo cho cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, báo cho người sẽ là nạn nhân biết về tội phạm đang được chuẩn bị thực hiện để cơ quan Nhà nước hoặc người sẽ là nạn nhân có biện pháp ngăn chặn tội phạm.

Trường hợp, những việc họ đã làm không ngăn chặn được việc thực hiện tội phạm, hậu quả của tội phạm vẫn xảy ra, thì họ có thể vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự…

Thế nhưng, điều quan trọng ở đây là, nội dung hướng dẫn nêu trên của nghị quyết 01/1989 chủ yếu điều chỉnh đối với những trường hợp người tham gia vụ án giữ vai trò là người tổ chức, người giúp sức hoặc người người xúi dục.

Riêng đối với người thực hành (là người trực tiếp thực hiện hành vi tội phạm) thì nội dung của nghị quyết không bắt buộc họ phải có những động thái như đã nêu trên, mà tuỳ trường hợp, có thể xem xét việc miễn TNHS đối với họ. Theo đó, nếu họ không làm gì hoặc những việc mà họ đã làm trước khi từ bỏ ý định phạm tội, không giúp gì cho những người đồng phạm khác trong việc tiếp tục thực hiện tội phạm, thì họ vẫn có thể được xem xét miễn trách nhiệm hình sự về tội định phạm.

Về điểm này, Nghị quyết 01/1989 đã có những giải thích cụ thể như sau:

Thực tiễn xét xử cho thấy, trong một số vụ án, nhiều người thực hành tội phạm đã có người tự ý nửa chừng từ bỏ ý định phạm tội, có người không từ bỏ ý định phạm tội. Trong trường hợp này, người tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội được miễn trách nhiệm hình sự theo điều 16 BLHS (Điểu 19 BLHS năm 1999)  nếu họ đã không làm gì hoặc những việc mà họ đã làm trước khi từ bỏ ý định phạm tội không giúp gì cho những người đồng phạm khác trong việc tiếp tục thực hiện tội phạm.

Thí dụ: 3 người rủ nhau đến ga xe lửa để trộm cắp, nhưng không bàn bạc gì cụ thể cả; trên đường đi một người đã bỏ về vì không muốn phạm tội nữa; hai người còn lại vẫn tiếp tục đến ga xe lửa và lợi dụng sự sơ hở của một số hành khách đã trộm cắp được một số hành lý.

Còn nếu những việc mà họ đã làm, được những người đồng phạm khác sử dụng để thực hiện tội phạm, thì họ cũng phải có những hành động tích cực để ngăn chặn việc thực hiện tội phạm đó, thì họ mới có thể được miễn trách nhiệm hình sự theo điều 16 BLHS (điều 19 BLHS 1999).

Qua nội dung hướng dẫn nêu trên, có thể thấy, đối với người đồng phạm giữ vai trò thực hành, khi họ tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội, pháp luật chỉ bắt buộc họ phải có những hành động tích cực để ngăn chặn việc thực hiện tội phạm khi và chỉ khi, họ biết được những việc mà họ đã làm trước đó, được những người đồng phạm khác sử dụng để thực hiện tội phạm. Nếu trên thực tế họ không biết, thì cũng không đặt ra vấn đề tích cực ngăn chặn tội phạm đối với họ.  

Người giúp sức hay người thực hành?

Theo tinh thần quy định tại khoản 2 điều 20 BLHS thì, người giúp sức là người tạo những điều kiện tinh thần hoặc vật chất cho việc thực hiện tội phạm. Hành vi tạo những điều kiện về tinh thần thường được biểu hiện dưới dạng hứa hẹn sẽ che giấu hành vi phạm tội hoặc bày vẽ cách thức cho việc thực hiện tội phạm. Hành vi tạo điều kiện về vật chất cho việc thực hiện tội phạm là hành vi cung cấp phương tiện, công cụ phạm tội để cho người phạm tội thực hiện tội phạm nói chung.

Tuy nhiên, dù tạo điều kiện về tinh thần hay vật chất cho việc thực hiện tội phạm, thì hành vi đó cũng chỉ có ý nghĩa tạo điều kiện cho việc thực hiện tội phạm được dễ dàng hơn, chứ người giúp sức không phải là người trực tiếp thực hiện tội phạm. Đây cũng chính là điểm khác nhau cơ bản giữa người người giúp sức và người thực hành trong một vụ án có đồng phạm.

Như vậy, để xác định vai trò của Trần Đình Thoại trong vụ án này (là người giúp sức hay người thực hành) trước hết, cần nghe lại mẫu đối thoại, trao đổi giữa Thoại và Dương (được các báo trích dẫn lại từ nội dung của Cáo trạng), như sau:  

Khi gặp nhau vào trưa ngày 4-7-2015, Dương nói với Thoại rằng mình có hùn 700-800 triệu đồng mua gỗ cao su với một gia đình ở Bình Phước nhưng họ không chịu trả nên nhờ Thoại giúp cướp lại số tiền.

Nguyễn Hải Dương cho biết: “Em lấy đủ số tiền của em thôi, còn bao nhiêu em đưa anh hết. Em lên kế hoạch hết rồi, khi mình lên đến đó, điện thằng nhóc ra mở cửa rồi xử thằng nhóc luôn”.

Thoại hỏi vì sao phải “xử thằng nhóc” (Dư Minh Vỹ - 14 tuổi, cháu ông Mỹ), Dương trả lời rằng chỉ có “xử” thì mới vào nhà được, rồi cả hai sẽ đi vào bằng đường Vỹ đi ra.

Đến 21g45 cùng ngày, đang chở Thoại tìm quán nhậu, Dương tiết lộ kế hoạch: “Tối lên em điện thằng nhóc ra mở cửa rồi mình xử nó luôn. Khi vào nhà, mình khống chế 2 đứa con gái đang ngủ trên lầu, khống chế, đe dọa 2 vợ chồng để cướp tiền rồi giết từng người. Sau đó quay lên lầu giết hai đứa kia rồi về”.

Thoại nói: “Thù tức ai thì giết người đó” nhưng Dương cắt lời: “Phải giết hết, anh không giết thì em giết”.

Trên đường đến nhà ông Mỹ, Thoại hỏi: “Lỡ bị phát hiện rồi sao?”. Dương trả lời: “Anh yên tâm, em có kế hoạch hết rồi, không bị phát hiện đâu, lỡ bị phát hiện thì sẽ xử luôn”. Thoại nói: “Ừ, để chút nữa lên coi sao”.

 Khi đến nhà ông Mỹ, Dương nhiều lần gọi Vỹ nhưng không ai nghe máy. Thoại nói: “Thôi đi về, mai đi tiếp”. Trên đường về, Thoại có mua một con dao để ngày mai đi tiếp.

Nội dung cuộc trao đổi trên cho thấy, cùng với Nguyễn Hải Dương, Trần Đình Thoại là người trực tiếp tham gia vào vụ án với vai trò là người thực hành chứ không phải giữ vai trò là người giúp sức theo quy định tại khoản 2 điều 20 BLHS. Điều này càng thể hiện rõ hơn khi cả Thoại và Dương cùng đến địa điểm chuẩn bị gây án. Và, nếu không có trở ngại khách quan từ việc cháu ông Mỹ là Dư Minh Vỹ không mở cửa, thì các bị cáo đã thực hiện được hành vi phạm tội theo kế hoạch ban đầu.

Khó xác định vai trò đồng phạm trong từng giai đoạn.

Như vậy, ở giai đoạn đầu, nếu xác định hành vi phạm tội của Trần Đình Thoại thuộc trường hợp chuẩn bị phạm tội, thì trong giai đoạn này, bị cáo Thoại đã tham gia vụ án với vai trò là người thực hành chứ không phải người giúp sức. Do đó, cũng không thể căn cứ vào nội dung hướng dẫn tại nghị quyết 01/1989 (đối với trường hợp của người giúp sức) để cho rằng, bị cáo không có những động thái tích cực nhằm ngăn cản việc phạm tội, nên không thuộc trường hợp được miễn trách nhiệm hình sự theo quy định tại điều 19 BLHS.

Ngoài ra, với vai trò là người thực hành trong vụ án, pháp luật cũng chỉ bắt buộc bị cáo phải có những hành động tích cực để ngăn chặn việc thực hiện tội phạm khi và chỉ khi, bị cáo biết được những việc mà bị cáo đã làm trước đó, đang được những người đồng phạm khác sử dụng để tiếp tục thực hiện tội phạm. Nếu trên thực tế bị cáo không biết, thì cũng không đặt ra vấn đề tích cực ngăn chặn tội phạm đối với bị cáo. 

Trong trường hợp cụ thể này, mặc dù trước đó Thoại có hành vi mua dao để cùng Nguyễn Hải Dương thực hiện tội phạm, nhưng sau khi từ chối tham gia vụ án, bị cáo đinh ninh rằng, một mình Dương không thể thực hiện được tội phạm. Và trên thực tế, điều đó đã đúng. Dương không thể tự mình thực hiện tội phạm, mà phải rủ Tiến (thay cho Thoại) cùng tham gia thực hiện hành vi phạm tội như thực tế vụ án đã xảy ra.

Còn nếu xem, việc Thoại mua dao đưa cho Dương, và sau đó Dương đã sử dụng chính con dao này để thực hiện hành vi giết người (cùng với Tiến), đã thể hiện  vai trò đồng phạm giúp sức của Thoại trong vụ án, thì cũng có chỗ không ổn về mặt lý luận.

Bởi lẽ, sau khi lấy lý do bà nội bị bệnh nặng để từ chối tham gia vụ án, bản thân Thoại không nghĩ Dương sẽ tiếp tục thực hiện tội phạm. Và nhất là, Thoại hoàn toàn không biết gì về việc Dương rủ Tiến bàn bạc, trao đổi kế hoạch để tiếp tục thực hiện tội phạm như đã diễn ra trên thực tế. Mà một khi bị cáo đã không biết, thì không thể xem là đồng phạm (với Tiến, Dương), nên cũng không thể đặt vấn đề bị cáo phải có trách nhiệm thuyết phục, khuyên bảo, đe dọa… để Dương không thực hiện tội phạm hoặc phải báo cho cơ quan Nhà nước có thẩm quyền biết để ngăn chặn, như tinh thần hướng dẫn của Nghị quyết 01/1989 nêu trên.

Vì vậy, cũng khó có thể cho rằng, Thoại giữ vai trò đồng phạm với tư cách là người giúp sức trong giai đoạn Dương và Tiến thực hiện tội phạm ở lần sau này. 

Luật sư HỒ NGỌC DIỆP

Thích và chia sẻ bài viết này

Tin tức khác

Theo Dõi Trên FACEBOOK

Theo Dõi Trên Google Plus

Thống Kê