Luật sư Hồ Ngọc Diệp - Đoàn Luật sư Thành Phố Hồ Chí Minh

Một số vần đề về áp dụng biện pháp “Phong toả tài sản" theo quy định của BLTTDS 2005.

18/06/2016, 11:46

Phong toả tài sản của người có nghĩa vụ là một trong những biện pháp khẩn cấp tạm thời (BPKCTT ) được quy định tại khoản 11 điều 102 và điều 114 Bộ luật Tố tụng dân sự (BLTTDS) năm 2005 (đã được sửa đổi, bổ sung năm 2011).

Theo đó, phong toả tài sản của người có nghĩa vụ được áp dụng nếu trong quá trình giải quyết vụ án có căn cứ cho thấy người có nghĩa vụ có tài sản và việc áp dụng biện pháp này là cần thiết để bảo đảm cho việc giải quyết vụ án hoặc bảo đảm cho việc thi hành án.

Thế nhưng, từ nhiều năm qua, một số Toà án cấp quận, huyện tại tỉnh Gia Lai, mà điển hình là TAND TP. Pleiku đã áp dụng không đúng tinh thần của các điều luật trên, ra quyết định phong toả cả những tài sản đã được các bên đương sự thế chấp hợp pháp tại ngân hàng với một khái niệm pháp lý hết sức kỳ lạ và mơ hồ: “ phong toả giá trị còn lại của tài sản” (?)

Phải hiểu đúng nội dung của điều luật.

Theo tinh thần quy định tại các Điều 113,114 Bộ luật Tố tụng dân sự (BLTTDS) thì việc áp dụng biện pháp phong tỏa tài sản là hình thức ngăn chặn được tòa án áp dụng đối với chính bản thân đối tượng tài sản, chứ không phải trị giá hay giá trị của tài sản  đó.

Chẳng hạn, khi Tòa án áp dụng biện pháp phong tỏa tài sản đối với căn nhà X thuộc sở hữu của ông A; hay nhà máy Y thuộc sở hữu của Công ty B, thì đối tượng tài sản bị phong tỏa chính là căn nhà X hay nhà máy Y, chứ không phải giá trị tài sản của căn nhà X hay nhà máy Y. Bởi lẽ, việc phong tỏa tài sản, chỉ có thể áp dụng đối với các tài sản là vật thể hữu hình chứ không thể áp dụng đối với một khái niệm vô hình như khái niệm giá trị tài sản trong trường hợp này.

Chính vì vậy, BLTTDS chỉ quy định về việc phong tỏa tài sản chứ  hoàn toàn không có quy định nào về việc phong tỏa giá trị tài sản, và càng không có khái niệm “ phong tỏa giá trị còn lại của  tài sản” như một số toà án địa phương đã vận dụng.

Mặt khác, theo tinh thần hướng dẫn tại tiểu mục 7.3 Mục 7 Nghị quyết số 02/2005 ngày 27/4/2005 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cao (HĐTP TANDTC) về việc thi hành một số quy định tại chương VIII “ Các biện pháp khẩn cấp tạm thời” của BLTTDS thì:

“ …Trong trường hợp tài sản bị yêu cầu phong tỏa là tài sản không thể phân chia được (không thể phong tỏa một phần tài sản đó) có giá trị cao hơn nghĩa vụ tài sản mà người bị áp dụng BPKCTT có nghĩa vụ phải thực hiện theo đơn khởi kiện, thì tòa án giải thích cho người yêu cầu biết để họ làm đơn yêu cầu áp dụng phong tỏa tài sản khác hoặc áp dụng BPKCTT khác. Nếu họ vẫn giữ nguyên đơn yêu cầu, thì tòa án căn cứ vào khoản 4 điều 117 của BLTTDS không chấp nhận đơn yêu cầu áp dụng BPKCTTcủa họ.

Vậy, đối tượng tài sản nào được xem là “vật chia được” và loại hình tài sản nào là “vật không chia được”?

Điều 177 Bộ luật Dân sự (BLDS) định nghĩa về “vật chia được” và “vật không chia được” như sau:

1/ “Vật chia được” là vật khi bị phân chia vẫn giữ nguyên tính chất và tính năng sử dụng ban đầu.

 Các loại tài sản như: gạo, muối, bột mỳ, xăng dầu… được xem là vật chia được, vì có thể phân chia thành nhiều phần mà vẫn giữ nguyên được tính chất và tính năng sử dụng của nó. Đối với loại tài sản này, việc phong tỏa một phần tài sản, không ảnh hưởng đến giá trị cũng như công năng của phần tài sản còn lại.

Chẳng hạn Công ty B có tài sản là 10. 000 tấn gạo trong kho. Tòa án ra quyết định phong tỏa 2.000 tấn (phong tỏa một phần tài sản) thì việc phong tỏa này vẫn không ảnh hưởng đến phần tài sản còn lại. Công ty B vẫn có thể mua bán, chuyển nhượng 8.000 tấn gạo còn lại theo đúng giá cả thị trường mà hoàn toàn không bị ảnh hưởng bởi quyết định phong tỏa (một phần) tài sản của Tòa án.  

2/ “Vật không chia được” là vật khi bị phân chia thì không giữ nguyên được tính chất và tính năng sử dụng ban đầu.

Các loại tài sản như: giường, tủ, xe hơi, xe máy… là những loại tài sản (vật) không chia được. Vì nếu phân chia thì các đối tượng tài sản này sẽ không giữ nguyên được tính chất và tính năng sử dụng của nó. Đối với loại tài sản này, việc phong tỏa một phần tài sản sẽ ảnh hưởng đến tính năng và giá trị chung của tài sản. Chẳng hạn, ông A có tài sản là chiếc xe tải, khi áp dụng biện pháp phong tỏa tài sản, tòa án không thể phong tỏa một phần chiếc xe tải.

Một cách tổng quát, có thể thấy rằng, đối với vật (tài sản) không chia được, việc phong tỏa một phần tài sản cũng đồng nghĩa với phong tỏa toàn bộ khối tài sản. Vì phần tài sản còn lại, mặc dù không bị phong tỏa, nhưng vẫn không thể đem ra giao dịch. Không ai có thể mua bán, chuyển nhựợng ½ chiếc xe tải hay ½ hệ thống máy móc, dây chuyền sản xuất... Vì ngoài các lý do như: không đảm bảo về công năng sử dụng; không xác định được phần tài sản nào bị phong tỏa, phần tài sản nào không bị phong tỏa, còn một lý do quan trọng khác về phương diện pháp lý, đó là sự liên quan đến các giấy tờ về quyền sở hữu, quyền sử dụng đối với các tài sản này. 

Như vậy, đối với các tài sản thuộc loại không thể phân chia (không thể phong tỏa một phần tài sản đó) thì,  hoặc là Tòa án áp dụng biện pháp phong tỏa toàn bộ khối tài sản (nếu tài sản bị phong tỏa có giá trị bằng hoặc thấp hơn nghĩa vụ tài sản mà người bị áp dụng BPKCTT phải thực hiện); hoặc là không áp dụng biện pháp này (nếu như tài sản bị phong tỏa có giá trị cao hơn nghĩa vụ tài sản mà người bị áp dụng BPKCTT phải thực hiện). Ngoài ra, không có quy định nào cho phép tòa án “ phong tỏa giá trị còn lại” hay “một phần giá trị” đối với các tài sản thuộc loại không thể phân chia nói chung.

Tài sản đã thế chấp hợp pháp thì không được phong toả.

Trước thực trạng nhiều Toà án địa phương tại tỉnh Gia Lai ra quyết định phong toả tài sản một cách “loạn xạ”, không đúng với tinh thần của các điều 102, 114 BLTTDS 2005 (đã được sửa đổi, bổ sung năm 2011), ngày 30/5/2013, TAND Tối cao đã có công văn số 170/ TANDTC – KT gửi Chánh án TAND tỉnh Gia Lai, với nội dung hướng dẫn và giải thích việc áp dụng BPKCTT phong toả tài sản của người có nghĩa vụ như sau:

Theo quy định tại khoản 11 điều 102 và điều 114 BLTTDS (đã được sửa đổi bổ sung năm 2011) thì “ phong toả tài sản của người có nghĩa vụ” là một trong các BPKCTT. Tuy nhiên, BLTTDS không có quy định nào về việc “ phong toả tài sản đang thế chấp” hay “ phong toả giá trị còn lại của tài sản thế chấp” ở Ngân hàng hay tổ chức tín dụng. Nghị quyết số 02/2005/NQ – HĐTP ngày 27/4/2005 của Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao  hướng dẫn thi hành một số quy định tại chương VIII của BLTTDS cũng không hướng dẫn về vấn đề này.

Luật Thi hành án dân sự và các văn bản hướng dẫn ( Nghị định số 58/2009/NĐ – CP ngày 13/7/2009 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật thi hành án dân sự về thủ tục thi hành án dân sự; Thông tư liên tịch số 14/2010/TTLT – BTP – TANDTC – VKSNDTC ngày 26/7/2010 của Bộ tư pháp, Toà án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao hướng dẫn một số vấn đề về thủ tục thi hành án dân sự và phối hợp liên ngành trong thi hành án dân sự, cũng không có quy định hay hướng dẫn về việc phong toả tài sản đang thế chấp cũng như phong toả giá trị còn lại của tài sản thế chấp ở Ngân hàng và tổ chức tín dụng. Ngoài ra, tham khảo quy định tại khoản 4 điều 4 Nghị định 163/2006/NĐ – CP ngày 29/12/2006 của Chính phủ về giao dịch bảo đảm thì thấy: “ trong trường hợp giao dịch bảo đảm được giao kết hợp pháp và có giá trị pháp lý với người thứ ba thì Toà án, cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác không được kê biên tài sản bảo đảm để thực hiện nghĩa vụ khác của bên bảo đảm, trừ trường hợp có quy định khác”

Với các lý do nêu trên, việc TAND TP. Pleiku căn cứ điều 114 BLTTDS đề áp dụng BPKCTT “ phong toả giá trị còn lại của các tài sản” của người có nghĩa vụ, mà các tài sản này của họ đang thế chấp ở Ngân hàng là không đúng pháp luật; quyết định áp dụng BPKCTT này không thể thi hành được vì không thể xác định được “ giá trị còn lại của tài sản” đang được thế chấp tại tổ chức tín dụng là bao nhiêu…

Như vậy, qua nội dung hướng dẫn nêu trên, có thể thấy, quan điểm của TANDTC là, đối với tài sản đã được các bên đương sự thế chấp hợp pháp tại Ngân hàng hay tổ chức tín dụng, thì trong mọi trường hợp, Toà án đều không được phép phong toả hay kê biên các tài sản này để đảm bảo việc thực hiện bất kỳ một nghĩa vụ nào khác của đương sự. Và đây cũng chính là tinh thần quy định tại khoản 4 điều 4 Nghị định 163/2006/NĐ – CP ngày 29/12/2006 của Chính phủ về giao dịch bảo đảm nói chung.  

Luật sư HỒ NGỌC DIỆP 

Thích và chia sẻ bài viết này

Tin tức khác