Luật sư Hồ Ngọc Diệp - Đoàn Luật sư Thành Phố Hồ Chí Minh

Vụ kiện đòi tài sản: huỷ án vì xét xử… nửa vời.

18/06/2016, 11:51

Kể từ ngày 18/6/2016  www.luatsuhongocdiep.vn sẽ giới thiệu đến bạn đọc chuyên mục Bình Luận Án. Đây là chuyên mục mới, giới thiệu những bài viết, bài bình luận về một số vụ án dân sự, hình sự, kinh tế… mà chính tác giả là người trực tiếp tham gia.

Tất cả những quan điểm hay nội dung bình luận của tác giả đối với các vụ án này đều căn cứ trên kết quả của bản án, quyết định có hiệu lực của Toà án. 

Nguyên đơn khởi kiện yêu cầu bị đơn trả nhà. Tòa bác yêu cầu của nguyên đơn nhưng cũng không công nhận cho bị đơn mà… kiến nghị Ủy ban nhân dân quận xem xét quản lý căn nhà theo diện tài sản không có người thừa kế.

Tuy nhiên, điều đáng nói trong vụ án này là khi tuyên xử hợp đồng vô hiệu, Tòa án lại không giải quyết hậu quả pháp lý của hợp đồng vô hiệu mà “bỏ lửng”cho các đương sự tự giải quyết. Nếu không tự giải quyết được thì khởi kiện bằng một vụ án khác (?)

Với cách xét xử “nửa vời” như thế, Tòa Dân sự - Tòa án nhân dân Tối cao đã có Quyết định Giám đốc thẩm số 452/2010/ DS – GĐT ngày 23/7/2010, tuyên hủy toàn bộ bản án dân sự phúc thẩm số 1478/2008/DSPT ngày 12/12/2008 của Tòa án nhân dân Thành phố H. Giao hồ sơ về cấp sơ thẩm để xét xử lại theo thủ tục chung.

1. SƠ LƯỢC NỘI DUNG VỤ ÁN.

Ngày 22/8/2001 tại Phòng Công chứng nhà nước Số 2, Thành phố H, bà Trần Tú Anh (tên đương sự trong vụ án đã được thay đổi) lập di chúc để lại căn nhà số 60A đường Nguyễn Thái Sơn, phường 5, Quận G. Thành phố H thuộc sở hữu của mình cho bà Lê Thị Thanh Hằng và ông Nguyễn Văn Hùng thừa hưởng khi bà qua đời.

Ngày 15/10/2003, bà Trần Tú Anh ký hợp đồng ủy quyền cho ông Nguyễn Ngọc Khảm được thay mặt bà quản lý, sử dụng, chuyển nhượng căn nhà số 60A Nguyễn Thái Sơn, phường 5, Quận G. thuộc sở hữu của bà Anh. Thời hạn ủy quyền là 5 năm kể từ ngày ký. Hợp đồng ủy quyền được công chứng cùng ngày tại Phòng Công chứng Số 4, Thành phố H.

Ngày 17/11//2004 tại Phòng Công chứng nhà nước Số 2, bà Trần Tú Anh đã ký văn bản hủy bỏ tờ di chúc ngày 22/8/2001 về việc để lại di sản thừa kế cho ông Hùng và bà Hằng.

Ngày 22/6/2006, nhân danh bà Trần Tú Anh, ông Nguyễn Ngọc Khảm đã ký hợp đồng tặng cho căn nhà số 60A Nguyễn Thái Sơn cho ông Nguyễn Văn Nam. Hợp đồng được công chứng cùng ngày tại Phòng Công chứng Số 5 Thành phố H.

Ngày 27/7/2006 bà Trần Tú Anh qua đời.

Ngày 01/8/2006 ông Nam thực hiện việc đăng ký quyền sở hữu đối với căn nhà 60A  Nguyễn Thái Sơn.

Ngày 07/6/2007 ông Nam ký hợp đồng bán căn nhà số 60A Nguyễn Thái Sơn cho bà Nguyễn Thị Kim Vân. Hợp đồng được công chứng cùng ngày tại Phòng Công chứng Số 5 . Bà Vân đã nộp lệ phí trước bạ, đăng ký việc mua bán và được Ủy ban nhân dân quận G. cấp Giấy chứng nhận Quyền sở hữu nhà ở và Quyền sử dụng đất ở số 1043/2007/UB – GCN ngày 10/7/2007.

Sau khi có chủ quyền, ngày 10/10/2007 bà Nguyễn Thị Kim Vân làm thủ tục thế chấp căn nhà số 60A Nguyễn Thái Sơn cho Ngân hàng Thương mại Cổ phần N.V để vay số tiền: 3.150.000.000đ theo “Hợp đồng tín dụng” số 02/10/07/HĐTD – PGD 13, ngày 10/10/2007. Sau đó, bà Vân yêu cầu các ông bà Nguyễn Thị Thiết, Nguyễn Văn Hùng, Mai Văn Bé, Lê Thị Thanh Hằng, Trần Thị Thu Trang  - là những người đang ở trong căn nhà số 60A Nguyễn Thái Sơn giao trả nhà, nhưng các ông bà trên không trả.

Ngày 24/9/2007 bà Vân có đơn khởi kiện yêu cầu Tòa án buộc các ông bà Nguyễn Thị Thiết, Nguyễn Văn Hùng, Mai Văn Bé, Lê Thị Thanh Hằng, Trần Thị Thu Trang phải giao trả căn nhà 60A Nguyễn Thái Sơn cho bà Vân.

2. NHẬN ĐỊNH VÀ QUYẾT ĐỊNH CỦA ÁN SƠ THẨM.

Tại Bản án dân sự sơ thẩm số 569/2008/DSST ngày 25/9/2008, Tòa án nhân dân quận G. Thành phố H nhận định:

“…xét, vào thời điểm bà Anh ủy quyền cho ông Khảm toàn quyền quản lý, sử dụng, chuyển nhượng (bán, tặng cho) đối với căn nhà bà Anh sở hữu, bà Anh còn minh mẫn, hợp đồng ủy quyền được công chứng, chứng thực hợp pháp. Về ý chí các bên đã thỏa thuận trong hợp đồng ủy quyền, không có ai tranh chấp. Bà Anh chết ngày 27/6/2006 không có chồng con, không để lại di chúc. Ông Hùng và các bị đơn chỉ là người ở nhờ trong căn nhà trên, không phải là người thừa kế của bà Anh nên không đủ tư cách, không có quyền tranh chấp đối với hợp đồng ủy quyền của bà Anh.

Hợp đồng mua bán nhà giữa ông Nam và bà Vân về mặt pháp luật được chuyển dịch mua bán hợp pháp, đúng trình tự quy định của pháp luật. Hiện nay bà Vân đang là chủ sở hữu của căn nhà trên. Do đó yêu cầu đòi nhà của bà Vân là có cơ sở nên được Tòa chấp nhận.

Đối với yêu cầu phản tố của ông Hùng cho rằng ông Minh (bố ông Hùng) có công sức đóng góp và bỏ vào 25 lượng vàng để xây nhà. Ngày 18/8/2008 Tòa đã ra thông báo yêu cầu ông Hùng giao nộp chứng cứ, nhưng cho đến hôm nay ông Hùng vẫn chưa xuất trình được chứng cứ chứng minh việc đóng góp của ông Minh vào căn nhà trên, nên Hội đồng xét xử không chấp nhận yêu cầu phản tố của ông Hùng.”

Từ nhận định trên, Tòa án nhân dân quận G. đã tuyên xử:

Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của bà Nguyễn Thị Kim Vân

Buộc các ông, bà Nguyễn Thị Thiết, Nguyễn Văn  Hùng, Mai Văn Bé, Lê Thị Thanh Hằng, Trần Thị Thu Trang phải giao trả căn nhà 60A  Nguyễn Thái Sơn, phường 5, quận G. cho bà Nguyễn Thị Kim Vân.

Sau khi xét xử sơ thẩm, các bị đơn có đơn kháng cáo yêu cầu Tòa án cấp trên xem xét lại vụ án theo trình tự phúc thẩm.

3/ NHẬN ĐỊNH VÀ QUYẾT ĐỊNH CỦA ÁN PHÚC THẨM.

Tại Bản án dân sự phúc thẩm số 1478/2008/DSPT ngày 12/12/2008, Tòa án nhân dân Thành phố H. nhận định:

“… ngày 22/6/2006 thừa ủy quyền của bà Trần Tú Anh, ông Nguyễn Ngọc Khảm đã ký hợp đồng tặng căn nhà số 60A Nguyễn Thái Sơn cho ông Nguyễn Văn Nam. Hợp đồng được công chứng cùng ngày tại Phòng Công chứng Số 5 Thành phố H. Tuy nhiên, ngày 27/7/2006 bà Trần Tú Anh chết. Theo quy định tại khoản 4 Điều 589 BLDS năm 2005 kể từ ngày này hiệu lực của hợp đồng ủy quyền giữa bà Anh và ông Khảm đã chấm dứt. Vào thời điểm này hợp đồng tặng cho nhà giữa ông Khảm và ông Nam chưa được đăng ký.

Theo quy định tại khoản 2 Điều 467 BLDS năm 2005 hợp đồng tặng cho căn nhà 60A giữa ông Khảm và ông Nam chưa có hiệu lực pháp luật. Theo quy định tại Điều 634 BLDS năm 2005 nhà 60A trở thành di sản do bà Anh để lại. Việc ông Khảm và ông Nam tiếp tục thực hiện giao dịch tặng cho căn nhà trên và đăng ký việc tặng cho căn nhà khi bà Anh đã chết là không phù hợp với quy định của pháp luật.

Đồng thời căn cứ lời khai của ông Nam tại biên bản hòa giải ngày 18/8/2008 của Tòa án cấp sơ thẩm “ ngày 22/6/2006 ông Khảm ủy quyền lại cho tôi, ngày 27/7/2006 bà Anh mất”, có cơ sở để xác định giao dịch tặng cho nhà ký giữa ông Nguyễn Ngọc Khảm và ông Nguyễn Văn Nam ngày 22/6/2006 là giao dịch giả tạo, thực chất người nhận tặng cho nhà ngày 22/6/2006 là ông Nguyễn Ngọc Khảm còn ông Nguyễn Văn Nam chỉ là người được ủy quyền…

Từ nhận định trên, Tòa án nhân dân Thành phố H đã quyết định:

Sửa bản án sơ thẩm, xử:

Tuyên bố hợp đồng tặng cho căn nhà số 60A Nguyễn Thái Sơn ký giữa ông Nguyễn Ngọc Khảm và ông Nguyễn Văn Nam ngày 22/6/2006 và hợp đồng mua bán căn nhà số 60A Nguyễn Thái Sơn ký giữa ông Nguyễn Văn Nam và bà Nguyễn Thị Kim Vân  ngày 7/6/2007 là các hợp đồng dân sự vô hiệu.

Việc giải quyết các hậu quả của các hợp đồng vô hiệu trên do các ông bà Khảm, Nam, Vân tự giải quyết, nếu có tranh chấp có quyền khởi kiện theo quy định của pháp luật.

Kiến nghị Ủy ban nhân dân Quận G. thu hồi lại Giấy Chứng nhận Quyền sở hữu nhà ở và Quyền sử dụng đất ở  số 1043/2007/UB – GCN ngày 10/7/2007 và xem xét việc quản lý nhà số 60A Nguyễn Thái Sơn, phường 5, quận G. theo quy định về việc quản lý Nhà nước đối với tài sản không có người thừa kế.

Sau khi xét xử phúc thẩm, bà Nguyễn Thị Kim Vân và Ngân hàng Thương mại Cổ phần N.V đều có đơn khiếu nại.

Tại Quyết định Kháng nghị số 243/2010, ngoài việc nêu ra những sai sót khác về tố tụng, văn bản kháng nghị cũng chỉ rõ:

“ …nếu phải hủy hợp đồng mua bán nhà thì phải giải quyết hậu quả hợp đồng vô hiệu và đảm bảo quyền lợi của bà Vân trong cùng vụ án này. Tòa án cấp phúc thẩm hủy hợp đồng mua bán nhà giữa bà Vân với ông Nam nhưng lại không giải quyết hậu quả hợp đồng vô hiệu là chưa đảm bảo quyền lợi của bà Vân…”

Tại Quyết định Giám đốc thẩm số 452/2010/ DS – GĐT ngày 23/7/2010, Tòa Dân sự - Tòa án nhân dân Tối cao đã chấp nhận nội dung kháng nghị, tuyên hủy toàn bộ bản án dân sự phúc thẩm số 1478/2008/DSPT ngày 12/12/2008 của Tòa án nhân dân Thành phố H.

Giao hồ sơ về cấp sơ thẩm để xét xử lại theo thủ tục chung.

4/ BÌNH LUẬN.

A/ Về tố tụng:

Theo quy định tại khoản 1, khoản 4 Điều 56 BLTTDS thì: đương sự trong vụ án dân sự là cá nhân, cơ quan, tổ chức bao gồm nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan.

 Người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan trong vụ án dân sự được xác định: là người tuy không khởi kiện, không bị kiện, nhưng việc giải quyết vụ án dân sự có liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của họ

Trong vụ án này, bà Nguyễn Thị Kim Vân đã thế chấp căn nhà  số 60A Nguyễn Thái Sơn cho Ngân hàng Thương mại Cổ phần N.V để vay số tiền 3.150.000.000đ. Thế nhưng, trong quá trình giải quyết vụ án, Tòa án hai cấp sơ thẩm và phúc thẩm đều không đưa Ngân hàng N.V vào tham gia tố tụng với tư cách người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là bỏ sót người tham gia tố tụng. Nhất là khi tài sản thế chấp để đảm bảo thực hiện nghĩa vụ là căn nhà số 60A Nguyễn Thái Sơn đã bị án phúc thẩm kiến nghị UBND quận G Thành phố H. xem xét quản lý theo diện tài sản không có người thừa kế.

Đây là một sai lầm nghiêm trọng về tố tụng.

B/ Về nội dung:

a/ Cấp phúc thẩm giải quyết vụ án “nửa vời”

Theo tinh thần chung được hướng dẫn tại các Nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cao (TANDTC) về việc giải quyết hợp đồng vô hiệu, thì cùng với việc tuyên bố hợp đồng vô hiệu, Tòa án phải giải quyết hậu quả pháp lý của hợp đồng vô hiệu.

Quan điểm này cũng được thể hiện rõ tại tiểu mục 2.2, Mục 2 Phần 1 của Nghị quyết số 01/2003/NQ – HĐTP ngày 16/4/2003 của Hội đồng Thẩm phán TANDTC hướng dẫn giải quyết một số trường hợp cụ thể của hợp đồng mua bán nhà ở vô hiệu, với nội dung như sau:

…Tùy từng trường hợp Tòa án áp dụng quy định của điều luật tương ứng …để tuyên bố hợp đồng mua bán nhà ở vô hiệu và xử lý hậu quả của hợp đồng mua bán nhà ở vô hiệu.

Như vậy, trong mọi trường hợp, khi tuyên bố hợp đồng vô hiệu, Toà án phải đồng thời giải quyết hậu quả pháp lý của hợp đồng vô hiệu theo quy định của pháp luật.

Trong vụ án này, Tòa án cấp phúc thẩm tuyên bố hợp đồng tặng cho được ký kết giữa ông Khảm và ông Nam cũng như hợp đồng mua bán được ký kết giữa ông Nam và bà Vân đối với căn nhà số 60A Nguyễn Thái Sơn là các hợp đồng dân sự vô hiệu. Nhưng lại không giải quyết hậu quả pháp lý của các hợp đồng vô hiệu này theo quy định của pháp luật mà “bỏ lửng” cho các đương sự tự giải quyết là trái pháp luật, sai lầm về đường lối giải quyết vụ án.

b/ Mơ hồ trong nhận định và đánh giá chứng cứ.

Án phúc thẩm dựa vào biên bản họp gia đình ngày 2/1/1991 do phía các bị đơn cung cấp, kết hợp với lời trình bày của ông Khảm trong bản tự khai ngày 7/8/2008 là “ông Minh có công trông coi thợ giúp bà Anh xây dựng căn nhà này” để từ đó cho rằng “ do có đóng góp trong việc xây dựng căn nhà nên gia đình ông Minh đã được bà Anh cho sử dụng lâu dài nhà 60A làm nơi ở ” (?).

Đây là một nhận định mang nặng tính suy diễn và hoàn toàn không có ý nghĩa về mặt chứng cứ trong việc giải quyết vụ án. Bởi lẽ, nếu chữ ký trong biên bản họp gia đình thật sự là của bà Anh thì biên bản này cũng không có giá trị pháp lý. Vì rằng, với tư cách là chủ sở hữu nhà ở, bà Anh có quyền hủy bỏ cam kết tại biên bản này bất kỳ lúc nào. Và trên thực tế, vào ngày 22/8/2001 bà Anh đã lập di chúc tại Phòng Công chứng Số 2 Thành phố H. về việc để lại di sản thừa kế là căn nhà 60A Nguyễn Thái Sơn cho Lê Thị Thanh Hằng và Nguyễn Văn Hùng. Như vậy, có thể thấy rằng ngay tại thời điểm bà Anh lập di chúc, mọi thỏa thuận trong biên bản họp gia đình trước đó (nếu có) cũng không còn giá trị nữa.

Thế nhưng, sau đó bản di chúc này cũng đã bị bà Anh hủy bỏ theo “tờ hủy bỏ di chúc” lập ngày 17/11/2004 tại Phòng Công chứng Số 2 để lập hợp đồng ủy quyền ngày 17/11/2004 ủy quyền cho ông Nguyễn Ngọc Khảm thay mặt cho bà Anh quản lý, sử dụng, chuyển nhượng…căn nhà 60A Nguyễn Thái Sơn nói trên.

Như vậy, kể từ thời điểm bà Anh lập hợp đồng ủy quyền cho ông Khảm thì mọi giao dịch trước đó  sẽ đương nhiên không còn giá trị pháp lý. Thế nhưng, Tòa án cấp phúc thẩm vẫn sử dụng biên bản họp gia đình - một tài liệu không có giá trị pháp lý để làm chứng cứ của vụ án.

c/ Sai lầm trong vận dụng pháp luật

Án phúc thẩm cho rằng, thời điểm bà Trần Tú Anh chết (ngày 27/7/2006) hợp đồng ủy quyền giữa bà Anh và ông Khảm hết hiệu lực. Tại thời điểm này, hợp đồng tặng cho nhà giữa ông Khảm và ông Nam chưa được đăng ký. Việc ông Khảm và ông Nam tiếp tục thực hiện giao dịch tặng cho nhà và đăng ký quyền sở hữu khi bà Anh đã chết là không phù hợp với quy định của pháp luật. Mặt khác tại biên bản hòa giải ngày 18/8/2008 ông Nam khai: ngày 22/6/2006 ông Khảm ủy quyền lại cho tôi, ngày 27/7/2006 bà Anh mất. Do đó có cơ sở để xác định giao dịch tặng cho nhà giữa ông Nguyễn Ngọc Khảm và ông Nguyễn Văn Nam ngày 22/6/2006 là giao dịch giả tạo. Thực chất người nhận tặng cho nhà là ông Nguyễn Ngọc Khảm còn ông Nguyễn Văn Nam chỉ là người được ủy quyền. Do ông Khảm thực hiện giao dịch với chính mình nên giao dịch tặng cho nhà là vi phạm điều cấm của pháp luật.

Ở đây có hai vấn đề cần phải được minh định một cách rõ ràng.

Thứ nhất, đó là việc bà Anh chết có làm cho hợp đồng tặng cho nhà giữa ông Khảm và ông Nam bị vô hiệu không?

Thứ hai, với tư cách là người nhận ủy quyền của bà Anh, ông Khảm có xác lập giao dịch với chính mình như án phúc thẩm nhận định không?

Theo quy định tại Điều 139 Bộ luật Dân sự thì:

“…người được đại diện có quyền, nghĩa vụ phát sinh từ giao dịch dân sự do người đại diện xác lập

Thực hiện nội dung của hợp đồng ủy quyền đã ký giữa bà Anh và ông Khảm, ngày 22/6/2006 ông Nguyễn Ngọc Khảm ký hợp đồng tặng cho nhà ông Nguyễn Văn Nam. Đến ngày 27/7/2006 (tức là sau hơn một tháng kể từ ngày ký hợp đồng tặng cho nhà) bà Trần Tú Anh mới chết.

Như vậy, tại thời điểm ông Khảm xác lập hợp đồng tặng cho nhà ông Nguyễn Văn Nam, bà Anh vẫn còn sống. Hợp đồng ủy quyền giữa ông Khảm và bà Anh đương nhiên có hiệu lực. Do vậy, giao dịch tặng cho nhà giữa ông Khảm và ông Nam là hoàn toàn hợp pháp. Nói một cách cụ thể hơn, nội dung công việc mà bà Anh ủy quyền cho ông Khảm (nhân danh mình để xác lập giao dịch) theo hợp đồng ủy quyền, đã được ông Khảm thực hiện xong trước khi bà Anh chết 01 tháng. Việc đăng ký quyền sở hữu nhà của ông Nam sau này được điều chỉnh bởi các quy định pháp luật về đăng ký quyền sở hữu tài sản, hoàn toàn không liên quan gì đến hiệu lực của hợp đồng ủy quyền giữa bà Anh và ông Khảm.

Giả sử bà Anh còn sống thì theo quy định tại khoản 4 Điều 139 BLDS “ người được đại diện có quyền, nghĩa vụ phát sinh từ giao dịch dân sự do người đại diện xác lập”. Theo quy định này, bà Anh vẫn phải thực hiện nghĩa vụ giao tài sản là căn nhà nói trên cho ông Nam.

Trường hợp bà Anh chết mà có thừa kế, thì tài sản là căn nhà nói trên vẫn không được xem là di sản để phân chia cho các thừa kế. Vì tài sản này đã được định đoạt bằng một giao dịch hợp pháp, đúng theo ý chí và nội dung ủy quyền của bà Anh ngay từ khi bà còn sống. Vậy thì không có lý do gì để cho rằng hợp đồng tặng cho nhà giữa ông Khảm và ông Nam là vô hiệu, để từ đó kiến nghị UBND quận G. xem xét quản lý căn nhà như án phúc thẩm đã tuyên.

Vấn đề thứ hai, đó là ông Khảm có thực hiện giao dịch với chính mình như án phúc thẩm đã lập luận hay không?

Theo các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ được nêu lại tại bản án phúc thẩm thì các hợp đồng ủy quyền, hợp đồng tặng cho đều thể hiện một thực tế hết sức rõ ràng là: ông Khảm nhận ủy quyền từ bà Anh, sau đó nhân danh bà Anh ký hợp đồng tặng cho nhà với ông Nam, và tất cả các hợp đồng này đều được công chứng, chứng thực hợp pháp. Vậy thì căn cứ vào đâu mà án phúc thẩm khẳng định rằng “thực chất người nhận tặng cho nhà là ông Nguyễn Ngọc Khảm còn ông Nguyễn Văn Nam chỉ là người được ủy quyền”?

Ở đây thử hỏi ông Nam được ủy quyền của ai? của bà Anh hay của ông Khảm? ủy quyền về vấn đề gì? Văn bản ủy quyền ở đâu? và quan trọng nhất là pháp luật có thừa nhận việc ủy quyền miệng hay không? nếu đã không thừa nhận thì tại sao lại dựa vào lời khai của đương sự (mà đôi khi chỉ là sự nhầm lẫn trong cách dùng từ) để cho rằng ông Nam là người được ủy quyền, còn người nhận tài sản chính thức là ông Khảm? Trong khi theo hợp đồng tặng cho nhà thì ông Nam là người được nhận căn nhà từ bên tặng cho là ông Khảm? 

Rõ ràng đây là một nhận định mang tính võ đoán và hết sức chủ quan, hoàn toàn không phù hợp với các tình tiết khách quan của vụ án cũng như không phù hợp với nguyên tắc nhận định và đánh giá chứng cứ trong quá trình giải quyết vụ án dân sự nói chung.

Luật sư HỒ NGỌC DIỆP

     (Rút từ sách BÌNH LUẬN ÁN)

Thích và chia sẻ bài viết này

Tin tức khác