Luật sư Hồ Ngọc Diệp - Đoàn Luật sư Thành Phố Hồ Chí Minh

Khái niệm công bằng trong triết học pháp quyền Arthur Kaufmann (tiếp theo)

16/05/2017, 16:34

Khái niệm công bằng của Kaufmann có ý nghĩa nhân văn sâu sắc bởi nó khẳng định rằng mục đích của pháp quyền là công bằng xã hội, và sự bình đẳng, an toàn pháp lý là những yếu tố quan trọng để có thể đảm bảo được mục đích trên.

3. Công bằng xã hội

Theo Kaufmann, nguyên tắc bình đẳng thể hiện con người là chủ thể ban hành luật. Nguyên tắc đó nhằm ngăn ngừa sự độc đoán, lạm dụng quyền lực của những cá nhân cụ thể. Tuy nhiên mục đích pháp quyền là làm thế nào để đảm bảo quyền con người cùng với những “giá trị tối cao” của nó, mà “giá trị tối cao” này lại liên quan đến đạo đức học. Ở mọi thời đại, các nhà triết học đều đi tìm cái “giá trị tối cao”, là cái phải là mục đích của tất cả hành vi đạo đức như Aristote với “đạo đức học Nikomachus” (“Nikomachische Ethik”), I. Kant với “Siêu hình học đạo đức” (“Metaphysik der Sitten”), J. S. Mill với “Chủ nghĩa vị lợi” (“Utilitarism”), J. Ralws với “Học thuyết về công bằng” (“A Theory of Justice”)…

Với Aristote hạnh phúc là “giá trị tối cao” của mọi hành vi, và để có được hạnh phúc cần phải có đức hạnh. Ông xem đức hạnh là phương tiện để đạt được hạnh phúc. Nhưng với Kant, sự hợp nhất giữa hạnh phúc và đức hạnh mới là “giá trị tối cao”, bởi con người không chỉ là một "thực thể cảm tính" – mong muốn có được hạnh phúc – mà còn là một "thực thể tư duy" – luôn hướng tới một cuộc sống đức hạnh. Jeremy Bentham (1748 – 1852)John Stuart Mill (1806 – 1873) lại cho rằng, hạnh phúc tối đa cho phần đông đa số (“The greatest happiness of the greatest number”) mới là mục đích của mọi hành vi. Mặc dù quan điểm này nhận được sự ủng hộ từ nhiều phía bởi nó đề cập đến hạnh phúc tối đa của cộng đồng, nhưng trong những trường hợp cụ thể, nguyên tắc này khó có thể được chấp nhận bởi hạnh phúc của những thành phần yếm thế trong xã hội có thể bị xâm phạm vì hạnh phúc của phần đông đa số. Chính ở điểm này học thuyết công bằng của John Rawls (1921 – 2002) đã vượt qua chủ nghĩa vị lợi. Rawls không đứng về phía những người thiệt thòi trong xã hội hay phần đông đa số, mà ông quan tâm đến hạnh phúc của từng người. Đối với ông thì công bằng đòi hỏi sự không thiên vị (Justice as Fairneß) (Rawls, 2003, tr. 72).

Từ những lập luận trên, Kaufmann cho rằng khó có thể đưa ra một khái niệm cụ thể về nội dung của công bằng xã hội, bởi "cái tốt nhất" hay "giá trị tối cao" được hiểu rất khác nhau. Tuy nhiên có thể hiểu công bằng xã hội là sự kết hợp của công bằng về cơ hội, công bằng trong việc phân chia phúc lợi xã hội cũng như cùng nhau chia sẻ gánh nặng, đảm bảo quyền cơ bản của mọi thành viên trong xã hội. 

4. Công bằng là an toàn pháp lý

Kaufmann đã đưa ra những ý tưởng về sự công bằng như là kết hợp hài hòa giữa hình thức, nội dungchức năng của nó. Công bằng là bình đẳng, được các ông hiểu là hình thức của công bằng theo nghĩa rộng của nó, công bằng xã hội là nội dung và an toàn pháp lý (Rechtssicherheit) là chức năng của công bằng. Tuy nhiên ông cũng cho rằng, sự phân biệt ba khía cạnh hình thức, nội dung và chức năng của công bằng (theo nghĩa rộng) chỉ là tương đối và chỉ để đáp ứng nhu cầu hệ thống hóa các khía cạnh của nó mà thôi. Còn sự thật thì công bằng luôn là hình thức, nội dung và chức năng.

Theo Kaufmann, yêu cầu trước tiên của an toàn pháp lý là tính xác định của luật (Kaufmann, 1997, tr. 191). Mặt khác, những quy phạm được quy định chi tiết, chẳng hạn bằng cách liệt kê tất cả các trường hợp, cái gì là được phép hay cái gì là không được phép, có thể tạo nên một mức độ an toàn pháp lý cao. Nhưng cũng chính vì vậy, trong những trường hợp cụ thể điều đó có thể gây nên bất công. Đây là một mâu thuẫn nội tại (Antinomie) không hoàn toàn giải quyết được. Bởi vậy, Kaufmann cho rằng, về nguyên tắc người ta phải ưu tiên cho an toàn pháp luật, chính là bởi sự "hòa bình pháp lý". Ví dụ: Một sự việc đã được giải quyết bởi một bản án đã có hiệu lực pháp luật, có nghĩa là không còn có thể tấn công nó bằng quyền kháng án thông thường, chỉ có thể được cho phép xét xử lại khi có những tình huống bây giờ mới phát hiện ra, mà nếu như những tình huống này đã được biết khi tòa án phán quyết thì có thể phán quyết của tòa án sẽ hoàn toàn khác. Còn nếu trên cơ sở những tình tiết mới phát hiện mà phán quyết của tòa án cũng sẽ không thay đổi đáng kể thì luật pháp nhiều quốc gia không cho phép yêu cầu xét xử lại (Kaufmann, 1997, tr. 101 - 192). 

Kaufmann cho rằng, để pháp luật được an toàn nó còn phải đáp ứng một yêu cầu nữa, đó là tính tiện dụng (Kaufmann, 1997, tr. 192). Các sự việc có ý nghĩa pháp lý cấu thành điều kiện của quy phạm (cấu trúc của một quy phạm luật bao gồm: hành vi/sự việc và hậu quả) phải có thể được nhận biết một cách không thể nhầm lẫn như có thể. Cả yêu cầu này cũng có thể dẫn đến việc quy phạm bị hình thức hóa và như vậy trong một số trường hợp cụ thể có thể gây nên bất công. Ví dụ như việc lập di chúc được đòi hỏi phải tuân thủ một thủ tục hình thức nghiêm ngặt, để ý chí của người để lại di chúc có thể được xác định một cách rõ ràng. Tuy nhiên một di chúc chứa đựng ý chí thực sự của người lập di chúc lại có thể không có hiệu lực vì vi phạm quy định về hình thức. Một yếu tố thứ ba của an toàn pháp luật là yêu cầu về tính ổn định (Kaufmann, 1997, tr. 192). Pháp luật không được phép thay đổi một cách quá dễ dàng. Sự lập pháp tùy hứng không đảm bảo cho sự đáng tin cậy của pháp luật. Tuy vậy, Kaufmann cũng cho rằng, một đạo luật có thiếu sót phải được nhanh chóng thay thế bởi một luật tốt hơn. Nhưng mà sự công bằng cũng không chấp nhận sự thay đổi luật thường xuyên, bởi điều đó có thể đến sự áp dụng luật không bình đẳng và dẫn đến sự bất công. 

5. Kết luận 

Kế thừa những tư tưởng về sự công bằng trong lịch sử, Kaufmann đã đưa ra khái niệm về sự công bằng mang tính bao trùm, theo đó công bằng vừa là bình đẳng, vừa là công bằng xã hội và là an toàn pháp lý. Mặc dù quan điểm của Kaufmann về khái niệm công bằng khó có thể thực hiện được bởi trên thực tế dường như không thể có một tiêu chí chung cho việc xác lập tính công bằng của pháp luật cũng như công bằng xã hội. Nó có thể được coi là công bằng cho những nhóm người này, nhưng là không công bằng đối với những nhóm người khác vì tính giai cấp của bản thân pháp luật, và vì ý thức pháp luật là sự phản ánh toàn bộ tồn tại xã hội chứ không chỉ do tính chất của pháp luật quyết định. Tuy nhiên những ý tưởng trên của Kaufmann đã thể hiện tính nhân văn sâu sắc bởi nó khẳng định rằng, con người vừa là thực thể tự quyết (autonomes Wesen - người làm luật), vừa là mục đích của pháp luật (Zweck des Rechts – giá trị tối cao) và là thực thể phụ thuộc (heteronomes Wesen - chịu sự điều chỉnh của pháp luật). 

TS. Ngô Thị Mỹ Dung.

Nguồn: Tạp chí Khoa học xã hội, Viện KHXH vùng Nam bộ, số 05, 2014, tr. 03 -08      

Thích và chia sẻ bài viết này

Tin tức khác