Luật sư Hồ Ngọc Diệp - Đoàn Luật sư Thành Phố Hồ Chí Minh

Tín lực của chứng cứ (kỳ 2)

25/07/2016, 04:05

Thông thường, trong quá trình tố tụng vụ án, người ta chia chứng cứ (bằng chứng) ra làm hai loại: bằng chứng lập trước khi có phiên toà, còn gọi là bằng chứng tiên lập và bằng chứng tại phiên tòa, còn gọi là bằng chứng hậu lập

Bằng chứng tại phiên tòa là loại bằng chứng xuất hiện trong quá trình giải quyết vụ án tại Tòa án, bằng chứng thuộc loại này bao gồm: người làm chứng, sự thừa nhận và sự suy đoán.

1. Người làm chứng (nhân chứng)

Nhân chứng là người đứng ra làm chứng, nói lại, thuật lại việc xảy ra của một sự kiện pháp lý hay hành vi pháp lý mà mình đã trực tiếp chứng kiến.

Theo quy định tại Điều 77 BLTTDS về người làm chứng thì:

Người biết các tình tiết có liên quan đến nội dung vụ việc được đương sự đề nghị, Tòa án triệu tập tham gia tố tụng với tư cách là người làm chứng. Người mất năng lực hành vi dân sự không thể là người làm chứng.

Như vậy, người làm chứng phải là người trực tiếp chứng kiến và biết rõ sự việc. Người nghe lại nội dung sự việc qua lời kể của người khác, không thể xem là nhân chứng của vụ án.

Ví dụ: A là người trực tiếp chứng kiến vụ tai nạn giao thông xảy ra tại đoạn đường S. A kể lại toàn bộ nội dung sự việc cho B nghe. Trong trường hợp này, B không được xem là nhân chứng của vụ án.

Nói chung, lời khai của nhân chứng trong vụ án (nhất là đối với các vụ án dân sự) có tín lực tương đối thấp. Tòa án thường phải chú trọng đến tư cách nhân chứng, tuổi tác, vị trí xã hội, uy tín của nhân chứng để xem xét mức độ tin cậy đối với lời khai của nhân chứng.

Trên nguyên tắc, lời khai của nhân chứng không thể có giá trị hơn chứng cứ bằng văn tự. Tức là không thể lấy lời khai của nhân chứng để chứng minh khác hoặc chống lại chứng cứ bằng văn tự.

Ví dụ: Một hợp đồng vay tiền ghi số tiền vay là 5.000.000 đồng thì không thể dùng nhân chứng để chứng minh rằng, trên thực tế hai bên thỏa thuận số tiền vay là 10.000.000 đồng.

Một ví dụ khác.

Hợp đồng mua bán nhà ghi đã thanh toán tiền xong. Nếu về sau có tranh chấp xảy ra, không thể dùng nhân chứng để nói rằng người mua nhà chưa trả tiền.

2. Sự thừa nhận

Sự thừa nhận là lời khai của một bên đương sự xác nhận về một sự kiện pháp lý, một hành vi pháp lý đã xảy ra hoặc xác nhận lời khai của người khác là đúng, dù sự xác nhận đó có thể sẽ gây bất lợi cho họ.

Bộ luật tố Tụng dân sự của ta hiện nay xem sự thừa nhận hoặc không phản đối của một bên đương sự là một trong những tình tiết, sự kiện không phải chứng minh (khoản 2 Điều 92 BLTTDS). Điều đó có nghĩa là, khi một bên đương sự thừa nhận hoặc không phản đối những tình tiết, sự kiện mà bên đương sự kia đưa ra thì bên đương sự đó không phải chứng minh. Và sự thừa nhận hoặc không phản đối đó đương nhiên được xem là chứng cứ.

Sự thừa nhận có thể phân làm hai loại là sự thừa nhận trước Tòa và sự thừa nhận ngoài Tòa.

Sự thừa nhận trước Tòa là lời khai nhận của đương sự trước Tòa án. Lời khai nhận này có tín lực tuyệt đối. Ví dụ, trước Tòa, A thừa nhận có vay tiền của B thì không có một bằng chứng nào có thể “đánh đổ” được lời khai nhận này.

Ở đây cần chú ý rằng, sự thừa nhận trước Tòa không chỉ là lời khai nhận của đương sự tại phiên tòa, mà kể cả những giai đoạn tố tụng trước khi Tòa án chính thức đưa vụ kiện ra xét xử. Chẳng hạn như lời thừa nhận của đương sự trong các biên bản lấy lời khai, hòa giải, đối chất… đều được xem là sự thừa nhận trước Tòa. Và sự thừa nhận này có tín lực tuyệt đối.

Thực tiễn tranh tụng tại các phiên tòa cho thấy, không ít trường hợp, trong quá trình Tòa án lấy lời khai, hòa giải, đối chất… một bên đương sự thừa nhận một vấn đề nào đó, nhưng tại phiên tòa, chính bản thân họ lại phản đối, cho rằng mình không hề thừa nhận vấn đề đó. Và rằng, Tòa án đã ghi lời khai của họ không chính xác…

Xin đơn cử một ví dụ.

Trong vụ kiện tranh chấp tài sản khi ly hôn, giữa nguyên đơn là bà Trần Thị H và bị đơn là ông Nguyễn Văn T, tại các biên bản ghi lời khai do Tòa án quận G. lập, ông T đều khai nhận rằng, ngôi nhà hiện ông đang ở là tài sản chung của vợ chồng.

Thế nhưng tại phiên tòa, ông T lại cho rằng, tài sản chung của vợ chồng chỉ là phần giá trị xây dựng của căn nhà, còn phần đất là tài sản riêng của ông, được cha mẹ cho trước khi kết hôn với bà H.

Để chứng minh cho vấn đề này, ông T đã đưa ra các giấy tờ, tài liệu như: “ Giấy thỏa thuận cho đất” “Tờ khai đăng ký đất” do ông đứng tên. Những giấy tờ này đều được lập trước thời điểm ông T kết hôn với bà H và đều có xác nhận của chính quyền địa phương.

Trả lời câu hỏi vì sao tại các biên bản ghi lời khai trước đây, ông đều thừa nhận đó là tài sản chung của vợ chồng. Ông T giải thích: nguyên nhân là do Tòa án ghi lời khai của ông không chính xác. Vì Cán bộ ghi lời khai chỉ hỏi căn nhà là tài sản chung hay tài sản riêng, chứ không đề cập đến phần đất gắn liền với nhà ở. Trong khi đó các biên bản ghi lời khai của Tòa án lại xác định cả phần nhà, đất đều là tài sản chung của vợ chồng. Điều đó hoàn toàn không đúng thực tế, và cũng không phản ánh đúng ý chí của ông qua việc thừa nhận tại các biên bản ghi lời khai do Tòa án lập trước đó…

Để tránh những trường hợp như đã nêu trên, khi lấy lời khai của đương sự, Thẩm phán cần phải hỏi rõ từng vấn đề, từng đối tượng cụ thể. Đối với những vấn đề, những đối tượng có thể gây cho người ta sự nhầm lẫn, thì cần phải giải thích hoặc hỏi lại nhiều lần.

Về phía đương sự, cần phải đọc kỹ biên bản ghi lời khai. Nếu nội dung của biên bản có điểm nào không thể hiện đúng ý chí của mình thì đề nghị người lập biên bản sửa chữa, bổ sung trước khi ký tên vào biên bản.

Khác với sự thừa nhận trước Tòa, sự thừa nhận ngoài Tòa là lời xác nhận của đương sự thể hiện qua thư tín, giấy tờ gửi cho bên đối tụng. Và bên này đã cung cấp những tài liệu, giấy tờ đó cho Tòa án để chứng minh cho các yêu cầu của mình.

Nói chung, sự thừa nhận ngoài Tòa thuộc loại bằng chứng có tín lực tương đối. Vì đương sự có thể nại ra nhiều lý do để vô hiệu hóa sự thừa nhận này. Chẳng hạn họ cho rằng, sở dĩ họ thừa nhận là do bị lừa dối, cưỡng ép… và nếu họ chứng minh được điều này thì lời thừa nhận đó sẽ không còn giá trị nữa.

Tuy nhiên, trên thực tế khó có thể chứng minh một sự thừa nhận nào đó là do bị lừa dối hay cưỡng ép. Cho nên hầu hết loại bằng chứng này đều có giá trị chứng minh như sự thừa nhận trước Toà

(còn tiếp...)

                                                  Luật sư HỒ NGỌC DIỆP

Thích và chia sẻ bài viết này

Tin tức khác