Luật sư Hồ Ngọc Diệp - Đoàn Luật sư Thành Phố Hồ Chí Minh

Vướng mắc trong việc thụ lý yêu cầu phản tố, yêu cầu độc lập trong vụ án hôn nhân và gia đình

20/07/2016, 11:56

Theo quy định của pháp luật tố tụng dân sự, sau khi Tòa án thụ lý yêu cầu của nguyên đơn, trong quá trình giải quyết vụ án, bị đơn có quyền đưa ra yêu cầu phản tố, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan có quyền đưa ra yêu cầu độc lập. Để được Tòa án thụ lý, giải quyết trong cùng vụ án thì yêu cầu của bị đơn, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan phải đáp ứng những điều kiện nhất định.

 

Tuy nhiên, để đánh giá đúng các điều kiện mà pháp luật tố tụng dân sự quy định khi thụ lý yêu cầu phản tố, yêu cầu độc lập không hề đơn giản. Đối với các vụ án hôn nhân, việc vừa tồn tại quan hệ tranh chấp liên quan đến nhân thân (về hôn nhân, về con chung) còn tồn tại quan hệ tranh chấp liên quan đến tài sản. Cho nên, việc đánh giá các điều kiện để thụ lý yêu cầu phản tố, yêu cầu độc lập càng khó khăn hơn. Trong phạm vi bài viết này, chúng tôi xin nêu lên những quan điểm khác nhau khi Tòa án thụ lý yêu cầu phản tố, yêu cầu độc lập trong các vụ án hôn nhân và gia đình mà người khởi kiện không tranh chấp tài sản chung của vợ chồng qua 02 vụ án cụ thể.

Vụ án thứ nhất đối với trường hợp thụ lý yêu cầu phản tố

Ông Lê Văn H (cư trú: tổ 3, ấp T, xã H, huyện T, tỉnh A) được gia đình hai bên tổ chức lễ cưới với bà Trần Thị T (cư trú cùng tổ với ông Hùng) vào tháng 3/2012, có đăng ký kết hôn. Thời gian đầu vợ chồng chung sống hạnh phúc. Đến tháng 6/2013, vợ chồng phát sinh mâu thuẫn do tính tình không phù hợp, thường xuyên cãi vã. Vì vậy, ông H khởi kiện xin ly hôn với bà T; về tài sản chung, nợ chung và con chung thì không có nên không yêu cầu Tòa án giải quyết.

Ngày 07/11/2013, Tòa án nhân dân huyện T, tỉnh A thụ lý yêu cầu kiện của ông H.

Trong quá trình giải quyết vụ án, ngày 13/11/2013, bà T đồng ý ly hôn theo yêu cầu của ông Hùng và có yêu cầu chia tài sản chung của vợ chồng là số nữ trang được cha mẹ hai bên cho chung vợ chồng trong ngày cưới gồm: bông  tai, dây chuyền, vòng đeo cổ, lắc tay. Tất cả số nữ trang nêu trên do bà Võ Thị Th (mẹ chồng bà T) đang quản lý.

Ngày 13/12/2013, Tòa án đã thụ lý yêu cầu phản tố của bà T về việc chia tài sản chung của vợ chồng. Cũng trong ngày 13/12/2013, Tòa án đưa bà Th vào tham gia tố tụng với tư cách người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan. Tuy nhiên, bà Th, ông H cùng xác định, bà Th không giữ tài sản như ý kiến, yêu cầu của bà T.

Việc Tòa án nhân dân huyện T thụ lý yêu cầu phản tố của bà T đã tồn tại nhiều ý kiến khác nhau.

Ý kiến thứ nhất cho rằng, bà T xác định số nữ trang là tài sản chung của vợ chồng hiện đang do bà Th (mẹ chồng bà T) đang giữ nên bà T không được yêu cầu phản tố chia tài sản chung của vợ chồng, vì nếu có cơ sở xác định số vàng hiện đang do bà Th quản lý thì bà T cần kiện đòi bà Th trước (ông H sẽ tham gia tố tụng với tư cách đồng nguyên đơn hoặc người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan trong vụ án đòi tài sản). Khi có bản án buộc bà Th trả lại tài sản cho bà T, ông H thì bà T mới được quyền yêu cầu chia tài sản chung.

Ý kiến thứ hai cho rằng, việc Tòa án thụ lý yêu cầu phản tố của bà T là đúng quy định của pháp luật. Bởi vì, sau khi thụ lý yêu cầu phản tố, Tòa án đã đưa bà Th vào tham gia tố tụng với tư cách người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan. Nếu bà Th thừa nhận có giữ vàng của vợ chồng bà T thì Tòa án tiến hành chia theo quy định của pháp luật. Ngược lại, Tòa án sẽ bác yêu cầu của bà T.

Qua nội dung vụ án trên và các quan điểm trên, chúng tôi cho rằng, theo quy định của Điều 176 BLTTDS, yêu cầu phản tố của bị đơn phải đảm bảo các căn cứ:

Thứ nhất, đối tượng mà yêu cầu này hướng đến chỉ có thể là nguyên đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập.

Thứ hai, yêu cầu này phải đáp ứng một trong các điều kiện: (1) Yêu cầu phản tố để bù trừ nghĩa vụ với yêu cầu của nguyên đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập; (2) Yêu cầu phản tố được chấp nhận dẫn đến loại trừ việc chấp nhận một phần hoặc toàn bộ yêu cầu của nguyên đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập; (3) Giữa yêu cầu phản tố và yêu cầu của nguyên đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập có sự liên quan với nhau và nếu được giải quyết trong cùng một vụ án thì làm cho việc giải quyết vụ án được chính xác và nhanh hơn.

Thứ ba, thời điểm đưa ra yêu cầu phản tố là trước khi Toà án ra quyết định đưa vụ án ra xét xử sơ thẩm.

Ngoài ra, theo Điều 178 BLTTDS thì “Thủ tục yêu cầu phản tố … được thực hiện theo quy định của Bộ luật này về thủ tục khởi kiện của nguyên đơn”. Cho nên, việc thụ lý yêu cầu phản tố còn phải đảm bảo các điều kiện: phải làm đơn theo đúng hình thức, nội dung được quy định tại Điều 164 BLTTDS; đồng thời, cùng với việc nộp đơn yêu cầu phản tố, bị đơn phải cung cấp tài liệu, chứng cứ chứng minh yêu cầu của mình là có căn cứ hợp pháp theo 165 BLTTDS….

Đối chiếu các quy định này với yêu cầu của bà T thấy rằng, yêu cầu của bà T được đưa ra trong giai đoạn chuẩn bị xét xử nên đảm bảo về thời gian. Bà T yêu cầu chia tài sản của vợ chồng và bà Th không có yêu cầu độc lập trong vụ án nên yêu cầu của bà T chỉ có thể đối với ông H. Về điều kiện, yêu cầu của bà T không phải để bù trừ nghĩa vụ với nguyên đơn; không thể dẫn đến loại trừ việc chấp nhận một phần hoặc toàn bộ yêu cầu của nguyên đơn nếu được chấp nhận (vì ông H chỉ yêu cầu ly hôn). Cho nên, chỉ có thể thụ lý yêu cầu này theo điều kiện được quy định tại điểm c khoản 2 Điều 176 BLTTDS. Đó là, yêu cầu của bà T “có sự liên quan” với yêu cầu ly hôn của ông H và nếu được giải quyết trong cùng một vụ án thì làm cho việc giải quyết vụ án được chính xác và nhanh hơn.

Theo khoản 5 Điều 12 Nghị quyết số 05/2012 thì “có sự liên quan” giữa yêu cầu phản tố và yêu cầu khởi kiện “là trường hợp hai yêu cầu này có mối quan hệ với nhau và nếu được giải quyết trong cùng một vụ án, thì làm cho việc giải quyết vụ án được chính xác và nhanh chóng hơn.” Tuy nhiên, do ông H yêu cầu ly hôn, trong khi bà T yêu cầu chia tài sản của vợ chồng. Cho nên, hai yêu cầu này không đáp ứng điều kiện “có sự liên quan” với nhau.

Có ý kiến cho rằng, theo khoản 1 Điều 27 BLTTDS thì Tòa án có quyền thụ lý, giải quyết cả 03 yêu cầu ly hôn, tranh chấp về nuôi con, chia tài sản khi ly hôn trong cùng vụ án. Mặc dù, khi khởi kiện ông H không yêu cầu tranh chấp tài sản chung nhưng bà T hoàn toàn có quyền yêu cầu phản tố chia tài sản chung.

Theo chúng tôi, cách hiểu này không phù hợp, quy định về thẩm quyền của Tòa án tại Điều 27 BLTTDS để xác định thẩm quyền của Tòa án khi thụ lý yêu cầu kiện của người khởi kiện. Trong trường hợp thụ lý yêu cầu phản tố thì yêu cầu của bị đơn phải đáp ứng các điều kiện của yêu cầu phản tố.

Như vậy, theo chúng tôi, việc thụ lý yêu cầu phản tố của bà T là không đủ điều kiện thụ lý yêu cầu phản tố theo Điều 176 BLTTDS. Cho nên, việc Tòa án nhân dân huyện T thụ lý yêu cầu của bà T như một yêu cầu phản tố để giải quyết trong cùng vụ án là chưa đúng quy định của pháp luật tố tụng dân sự.

Vụ án thứ hai đối với trường hợp thụ lý yêu cầu độc lập:

Chị Lê Hồng L (cư trú: tổ 09, khóm C, phường B, thị xã C, tỉnh A) và anh Nguyễn Văn K (cư trú: số 47, đường C, khóm V, phường A, thị xã C, tỉnh A) kết hôn vào tháng 01/2009, có đăng ký kết hôn. Trong thời gian chung sống, anh K, chị L có tạo lập được khối tài sản chung. Do vợ chồng thường xuyên phát sinh mâu thuẫn nên ngày 31/7/2012, chị L yêu cầu ly hôn với anh K; không yêu cầu Tòa án xem xét, giải quyết về tài sản chung, nợ chung. Cùng ngày 31/7/2012, Tòa án nhân dân thị xã C thụ lý đơn khởi kiện của chị L. Trong quá trình giải quyết vụ án, anh K không yêu cầu Tòa án giải quyết về tài sản chung, nợ chung.

Sau khi thụ lý vụ án ly hôn, vào ngày 16/10/2012, Tòa án nhận được đơn khởi kiện tranh chấp hợp đồng vay tài sản của ông Trần Văn D và bà Nguyễn Ngọc T. Theo đơn, ông D, bà T cho rằng, ông D, bà T có cho anh K, chị L vay 02 lần với tổng số tiền 250 triệu đồng. Cụ thể, vào ngày 01/8/2011, anh K, chị L vay 200 triệu đồng, thời hạn vay 5 tháng, lãi suất 4%/tháng. Đến ngày 19/12/2011, anh K, chị L vay 50 triệu đồng, thời hạn vay 01 tháng, lãi suất 6%/tháng. Sau khi vay, bà H, anh K không đã trả tiền lãi, tiền vốn. Vì vậy, ông D, bà T yêu cầu Tòa án buộc anh K, chị L trả số nợ vay của 02 khoản là 250.000.000 đồng và khoản tiền lãi theo quy định pháp luật.

Đến ngày 28/3/2013, Tòa án tiếp tục nhận được đơn khởi kiện của ông Nguyễn Văn T và bà Võ Thị Đ (là cha mẹ ruột của anh K). Theo đơn, ông T và bà Đ cho rằng, do K và L mới tốt nghiệp lớp 12 mà cưới nhau nên để tạo điều kiện cho con ruột và con dâu có công ăn việc làm, ông T, bà Đ đã xuất tiền để xây dựng Quán cà phê Th (tọa lạc khóm C, phường B, thị xã C) và mua toàn bộ trang thiết bị phục vụ cho việc kinh doanh cà phê với tổng số tiền 2.100.500.000 đồng. Nay chị L xin ly hôn với anh K nên ông T, bà Đ yêu cầu L và K trả lại số tài sản mà ông T, bà Đ đã đầu tư.

Tòa án không thụ lý yêu cầu của ông D, bà T; ông T, bà Đ để giải quyết bằng các vụ án độc lập mà ban hành Thông báo đưa ông D, bà T và ông T, bà Đ vào tham gia tố tụng với tư cách người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan trong vụ án tranh chấp về hôn nhân và gia đình.

Vào ngày 07/12/2012, Tòa án đã thụ lý yêu cầu độc lập của ông D, bà T và ngày 28/3/2013, Tòa án thụ lý yêu cầu độc lập của ông T, bà Đ.

Xung quanh việc thụ lý 02 yêu cầu độc lập trên, đã xuất hiện nhiều quan điểm khác nhau. Quan điểm thứ nhất, thống nhất với việc thụ lý các yêu cầu độc lập của Tòa án. Bởi vì, khoản nợ mà ông D, bà T kiện đòi là nợ chung của L, K và tài sản mà ông T, bà Đ tranh chấp có nguồn gốc từ số tiền ông T, bà Đ bỏ ra đầu tư tạo công ăn việc làm cho chị L, anh K. Nay chị L, anh K ly hôn nên cần thụ lý các yêu cầu này vào cùng vụ án ly hôn giải quyết nhằm đảm bảo quyền lợi của ông D, bà T, ông T, bà Đ và giải quyết triệt để vụ án. Nếu để chị H, anh K ly hôn xong, Tòa án mời giải quyết các yêu cầu này sẽ gây khó khăn cho công tác giải quyết các yêu cầu đòi nợ, đòi tài sản của Tòa án.

Quan điểm thứ hai lại cho rằng, Tòa án thụ lý các yêu cầu độc lập này trong cùng vụ án hôn nhân sẽ làm kéo dài thời gian giải quyết vụ án ảnh hưởng đến quyền lợi của chị L, anh K. Hơn nữa, việc Tòa án thụ lý các yêu cầu độc lập này không đảm bảo các điều kiện về yêu cầu độc lập trong vụ án dân sự được quy định tại Điều 177 BLTTDS.

Qua các quan điểm trên, chúng tôi thống nhất với quan điểm thứ hai. Bởi vì, theo Điều 177 BLTTDS thì việc thụ lý yêu cầu độc lập phải đảm bảo các căn cứ:

Thứ nhất, yêu cầu đó không cùng với yêu cầu của nguyên đơn hoặc cùng với ý kiến của bị đơn.

Thứ hai, yêu cầu phải đáp ứng đầy đủ 03 điều kiện: (1) Việc giải quyết vụ án có liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của họ; (2) Yêu cầu độc lập của họ có liên quan đến vụ án đang được giải quyết và (3) Yêu cầu độc lập của họ được giải quyết trong cùng một vụ án làm cho việc giải quyết vụ án được chính xác và nhanh hơn.

Thứ ba, yêu cầu này phải được đưa ra trước khi Toà án ban hành quyết định đưa vụ án ra xét xử sơ thẩm.

Ngoài ra, cũng giống như yêu cầu phản tố, theo Điều 178 BLTTDS thì thủ tục yêu cầu độc lập được thực hiện theo quy định của BLTTDS về thủ tục khởi kiện của nguyên đơn…

Đối chiếu các quy định này với nội dung vụ án thì yêu cầu của ông D, bà T; ông T, bà Đ đối với cả nguyên đơn và bị đơn nên chúng không cùng với yêu cầu kiện của nguyên đơn cũng như ý kiến của bị đơn. Về thời hạn đưa ra yêu cầu, các yêu cầu này đều được đưa ra trước lúc Tòa án ban hành quyết định đưa vụ án ra xét xử. Đối với điều kiện “có liên quan”, hiểu tương tự như hướng dẫn tại khoản 5 Điều 12 Nghị quyết số 05/2012 thì yêu cầu kiện của chị L với yêu cầu của ông T, bà Đ, yêu cầu ông D, bà T là không có mối quan hệ với nhau. Đối với điều kiện yêu cầu độc lập được giải quyết trong cùng một vụ án làm cho việc giải quyết vụ án được chính xác và nhanh hơn, vụ án hôn nhân đã được Tòa án thụ lý vào ngày 16/10/2012 nhưng đến ngày 07/12/2012, Tòa án mới thụ lý yêu cầu đòi nợ của ông D, bà T và đến ngày 28/3/2013, Tòa án tiếp tục thụ lý yêu cầu của ông T, bà Đ. Đồng thời, 02 yêu cầu này không liên quan đến yêu cầu ly hôn của chị L. Cho nên, việc giải quyết các yêu cầu của ông D, bà T và ông T, bà Đ không thể đảm bảo điều kiện giúp vụ án được nhanh hơn và chính xác hơn.

Hơn nữa, việc giải quyết yêu cầu ly hôn của chị L hoàn toàn không ảnh hưởng đến quyền lợi, nghĩa vụ của ông D, bà T và yêu cầu của ông T, bà Đ nhưng Tòa án lại ban hành Thông báo đưa những người này vào tham gia tố tụng trong cùng vụ án là không đúng quy định tại khoản 4 Điều 56 BLTTDS.

Vì vậy, việc Tòa án nhân dân thị xã C đưa ông D, bà T, ông T, bà Đ vào tham gia tố tụng và thụ lý yêu cầu đòi nợ của ông D, bà T, yêu cầu tranh chấp tài sản của ông T, bà Đ là không đúng quy định tại Điều 56, 177 BLTTDS.

Trên đây là một vài ý kiến về việc thụ lý yêu cầu phản tố, yêu cầu độc lập trong vụ án hôn nhân và gia đình mà người khởi kiện chỉ tranh chấp về quan hệ hôn nhân. Mong nhận được sự trao đổi từ đồng nghiệp.

ThS. Thái Chí Bình - Tòa án nhân dân thành phố Châu Đốc, tỉnh An Giang

Nguồn: Cổng thông tin điện tử TAND Tối cao

Thích và chia sẻ bài viết này

Tin tức khác