Luật sư Hồ Ngọc Diệp - Đoàn Luật sư Thành Phố Hồ Chí Minh

Vụ vợ “qua mặt” chồng bán nhà: xử hình sự có được hủy hợp đồng?

06/06/2017, 18:36

Báo Pháp luật TP.HCM ngày 5-6 có bài “ Vợ qua mặt chồng bán nhà, chưa rõ có lừa không?” phản ánh trường hợp bị cáo Nga làm giấy tờ giả, giấu chồng là ông Nguyễn Văn Dũng để bán căn nhà thuộc sở hữu chung của vợ chồng.

Điều đáng nói là, khi xét xử sơ thẩm vụ án này, TAND TP.HCM ngoài việc tuyên phạt Nga hai năm tù về tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức và tám năm tù về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, bản án còn tuyên hủy cả hợp đồng mua bán nhà và buộc các bên đương sự phải hoàn trả lại cho nhau những gì đã nhận.

Thế nhưng, vấn đề đặt ra ở đây là, khi xét xử vụ án hình sự, tòa án có quyền tuyên hủy các giao dịch dân sự có liên quan đến vụ án hay không? Nếu có thì dựa trên những cơ sở pháp lý nào?

Theo quy định tại điều 28 BLTTHS thì, việc giải quyết vấn đề dân sự trong vụ án hình sự được tiến hành cùng với việc giải quyết vụ án hình sự.

Tuy nhiên, theo tinh thần hướng dẫn tại điểm 1 Mục I Công văn số 121/2003/KHXX ngày 19/9/2003 của TAND Tối cao thì: Phần dân sự trong vụ án hình sự bao gồm: đòi trả lại tài sản bị chiếm đoạt; đòi bồi thường giá trị tài sản do tài sản bị chiếm đoạt, nhưng đã bị mất hoặc bị huỷ hoại; buộc phải sửa chữa tài sản bị hư hỏng; đòi bồi thường thiệt hại về lợi ích gắn liền với việc sử dụng, khai thác tài sản, chi phí hợp lý để ngăn chặn, hạn chế và khắc phục thiệt hại do tài sản bị chiếm đoạt, bị huỷ hoại hoặc bị hư hỏng; đòi bồi thường thiệt hại do tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm.

Như vậy, phần dân sự trong vụ án hình sự, thực chất là việc tòa án giải quyết các yêu cầu của đương sự liên quan đến vấn đề đòi bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng. Phạm vi và thẩm quyền giải quyết của tòa án đối với phần dân sự trong vụ án hình sự theo nội dung hướng dẫn nêu trên, hoàn toàn không có quy định nào về việc xem xét tính hợp pháp của các giao dịch dân sự để công nhận hay hủy bỏ các giao dịch này, mà nó chỉ dừng lại ở việc giải quyết các yêu cầu của đương sự đối với vấn đề bồi thường thiệt hại về vật chất hay tinh thần do tội phạm gây ra mà thôi.

Chẳng hạn, trong vụ án này, khi người bị hại có yêu cầu bồi thường số tiền bị chiếm đoạt thì tòa án sẽ xem xét yêu cầu này để buộc bị cáo bồi thường theo quy định của pháp luật dân sự, còn  việc xem xét tính hợp pháp của các giao dịch dân sự, về nguyên tắc, phải xuất phát từ một vụ án dân sự độc lập, và do chính Tòa dân sự thuộc tòa án các cấp thụ lý, giải quyết theo trình tự, thủ tục do BLTTDS quy định.

Tòa hình sự không có thẩm quyền xem xét tính hợp pháp của các giao dịch dân sự để công nhận hay hủy bỏ các giao dịch này trong quá trình xét xử vụ án hình sự nói chung.

Như vậy, việc TAND TP.HCM, trong quá trình xét xử sơ thẩm vụ án hình sự nói trên, đã tuyên hủy hợp đồng mua bán nhà giữa các bên. Đồng thời buộc các bên đương sự phải hoàn trả lại cho nhau những gì đã nhận là đã làm thay chức năng của Tòa dân sự. Đây là sự vi phạm nghiêm trọng về thẩm quyền giải quyết vụ việc dân sự của tòa án theo quy định của BLTTDS hiện hành.

Luật sư HỒ NGỌC DIỆP

Thích và chia sẻ bài viết này

Tin tức khác