Vấn đề chứng minh trong vụ án dân sự. Kỳ 1: Đối tượng chứng minh
Trong vụ án dân sự, các đương sự có nghĩa vụ chứng minh để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình. Để hoạt động chứng minh được tập trung và đúng hướng, các đương sự cũng như các chủ thể chứng minh khác cần phải hướng hoạt động chứng minh vào một số vấn đề, được gọi là đối tượng chứng minh hay những vấn đề cần phải chứng minh trong vụ án.
Ví dụ: Trong vụ kiện đòi bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng, cơ sở để xác định trách nhiệm bồi thường thiệt hại là việc phải có thiệt hại thực tế xảy ra, bao gồm thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, các quyền, lợi ích hợp pháp khác của cá nhân. Thiệt hại danh dự, uy tín, tài sản của pháp nhân và của các chủ thể khác. Thiệt hại này là kết quả của hành vi vi phạm pháp luật do lỗi cố ý hoặc lỗi vô ý gây ra. Làm sáng tỏ được các yếu tố này nhằm xác định trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng chính là yêu cầu của việc chứng minh.
Tương tự như thế, trong một vụ kiện tranh chấp thừa kế, các đương sự cần phải hướng việc chứng minh vào những vấn đề căn bản của vụ án như thời điểm mở thừa kế, thừa kế được giải quyết theo pháp luật hay di chúc? Nếu có di chúc thì cần phải xem xét di chúc đó có hợp pháp hay không? Ngoài ra còn phải xác định những người được hưởng thừa kế không phụ thuộc vào nội dung di chúc.
Trường hợp không có di chúc hoặc di chúc không hợp pháp thì việc thừa kế sẽ được giải quyết theo pháp luật. Nếu chia thừa kế theo pháp luật thì ai là người có quyền thừa kế. Đây là việc xác định diện và hàng thừa kế theo quy định của pháp luật. Về di sản thừa kế cũng cần phải xác định một cách đầy đủ. Đó là tài sản do người chết để lại, bao gồm tài sản thuộc sở hữu riêng của người đó cũng như tài sản của người đó nằm trong khối tài sản thuộc sở hữu chung với người khác. Vấn đề nghĩa vụ tài sản do người chết để lại và trách nhiệm của các thừa kế đối với nghĩa vụ này, cũng cần phải được xem xét một cách toàn diện.
Nói chung, mỗi loại vụ án đều có một đối tượng chứng minh chung. Việc xác định đối tượng chứng minh cho mỗi loại vụ án, sẽ là điều kiện quan trọng để có thể giải giải quyết bất kỳ vụ án nào trong loại vụ án đó. Tuy nhiên, trên thực tế việc xác định một quan hệ tranh chấp cụ thể, thuộc loại vụ án nào, nhiều khi không đơn giản.
Chẳng hạn, trong các giao dịch mua bán, chuyển nhượng nhà đất hiện nay, người dân thường tự ký kết hợp đồng với nhau mà không có sự chứng nhận, chứng thực của cơ quan nhà nước có thẩm quyền (ta quen gọi là giấy tay hay hợp đồng tay) tiêu đề của loại hợp đồng này có khi là “Hợp đồng đặt cọc mua bán nhà đất”; có khi là “Hợp đồng mua bán nhà đất”. Nhưng dù tiêu đề được ghi như thế nào thì dạng hợp đồng này cũng có điểm chung là: bên cạnh các điều khoản cơ bản của hợp đồng như giá cả, phương thức thanh toán, thời hạn thanh toán … các bên thường có điều khoản về đặt cọc và phương thức xử lý đối với khoản tiền đặt cọc. Như vậy, khi có tranh chấp đối với dạng hợp đồng này, chúng ta cần xác định đây là “Hợp đồng đặt cọc” trong quan hệ mua bán nhà, hay “Hợp đồng mua bán nhà” có điều khoản về đặt cọc?
Theo tinh thần Nghị quyết số 01/2003/NQ – HĐTP ngày 16 – 4 – 2003 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cao hướng dẫn áp dụng pháp luật trong việc giải quyết một số loại tranh chấp dân sự, hôn nhân gia đình, thì việc tranh chấp hợp đồng dân sự có đặt cọc được hướng dẫn như sau:
“ Theo quy định tại Điều 130 BLDS (năm 1995) thì thỏa thuận về đặt cọc là một giao dịch dân sự; do đó việc đặt cọc chỉ có hiệu lực khi có đủ điều kiện quy định tại Điều 131 BLDS và phải được lập thành văn bản (có thể lập thành văn bản riêng hoặc ghi trong hợp đồng chính). Trong trường hợp có tranh chấp về đặt cọc mà các bên không có thỏa thuận khác về việc xử lý đặt cọc, thì việc xử lý được thực hiện như sau:
a/ Trong trường hợp đặt cọc chỉ để đảm bảo cho việc giao kết hợp đồng hoặc chỉ để đảm bảo cho việc thực hiện hợp đồng hoặc vừa để đảm bảo cho việc giao kết hợp đồng vừa để đảm bảo cho việc thực hiện hợp đồng thì bên nào có lỗi làm cho hợp đồng không được giao kết hoặc không được thực hiện hoặc bị vô hiệu, thì phải chịu phạt cọc theo quy định tại khoản 2 Điều 363 BLDS.
b/ Trong trường hợp đặt cọc chỉ để đảm bảo cho việc giao kết hợp đồng, nếu trong quá trình thực hiện hợp đồng mới có sự vi phạm làm cho hợp đồng không thực hiện hoặc mới phát hiện hợp đồng bị vô hiệu thì không phạt cọc. Việc giải quyết tranh chấp về vi phạm hợp đồng hoặc xử lý hợp đồng vô hiệu được thực hiện theo thủ tục chung.
c/ Trong trường hợp các bên có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định điều kiện nếu đặt cọc bị vô hiệu, là hợp đồng cũng bị vô hiệu, thì hợp đồng đương nhiên bị vô hiệu khi đặt cọc đó bị vô hiệu. Việc xử lý đặt cọc bị vô hiệu và hợp đồng bị vô hiệu được thực hiện theo quy định tại Điều 146 BLDS.”
Mặc dù nội dung hướng dẫn trên thừa nhận việc đặt cọc có thể được ghi nhận ngay trong hợp đồng chính và tùy từng trường hợp mà có những phương thức xử lý khác nhau đối với khoản tiền đặt cọc. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là, đối với dạng hợp đồng như chúng tôi vừa nêu, trong trường hợp nào được xem là hợp đồng đặt cọc; trong trường hợp nào được xem là hợp đồng mua bán, thì nội dung của Nghị quyết này vẫn chưa phân biệt rõ. Trong khi đó, về mặt lý luận cũng như thực tiễn, việc xác định đúng quan hệ tranh chấp đối với dạng hợp đồng này có ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc vận dụng pháp luật để giải quyết đúng đắn vụ án. Bởi vì nếu xem đây là “Hợp đồng đặt cọc” thì về nguyên tắc, các quy định pháp luật về chế định đặt cọc phải được áp dụng để giải quyết vụ án. Theo đó, nếu bên bán vi phạm sẽ phải bồi thường gấp đôi số tiền đã đặt cọc. Trái lại, nếu bên mua vi phạm sẽ phải mất khoản tiền đã đặt cọc.
Thế nhưng, nếu xem đây là “Hợp đồng mua bán nhà đất” có điều khoản về đặt cọc thì việc xử lý khoản tiền đặt cọc theo hướng phạt cọc như trên sẽ không được đặt ra. Bởi vì loại giao dịch này thuộc trường hợp giao dịch vô hiệu do vi phạm hình thức.
Theo quy định tại Điều 137 BLDS 2005 thì: “giao dịch dân sự vô hiệu không làm phát sinh, thay đổi, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của các bên kể từ thời điểm xác lập.” Điều đó cũng có nghĩa là khi hợp đồng bị vô hiệu thì mọi điều khoản của hợp đồng (kể cả điều khoản về phạt cọc) cũng sẽ bị vô hiệu. Do đó trong trường hợp này, các bên chỉ có thể khôi phục lại tình trạng ban đầu, hoàn trả cho nhau những gì đã nhận. Vấn đề phạt cọc theo quy định của pháp luật cũng như theo sự thỏa thuận của các bên trong hợp đồng sẽ không được áp dụng.
Nói chung, việc xác định đối tượng chứng minh của vụ án là nhiệm vụ của Tòa án. Tuy nhiên, đối tượng chứng minh lại được xác định trên cơ sở yêu cầu hoặc phản đối yêu cầu của đương sự. Do vậy, các đương sự cũng cần phải tự mình xác định đối tượng chứng minh trong vụ án để có thể thu thập và cung cấp những chứng cứ cần thiết cho Tòa án.
(còn tiếp…)
Luật sư HỒ NGỌC DIỆP