"Quyền im lặng" hay quyền không đưa ra lời khai?
Khởi đi từ quá trình dự thảo Bộ luật Tố tụng hình sự (BLTTHS) 2015, thuật ngữ quyền im lặng được nhiều người nhắc đến trên các phương tiện truyền thông cũng như trên các diễn đàn của Quốc Hội.
Gần đây, cụm từ này lại tiếp tục được nói đến khi cựu hoa hậu Trương Hồ Phương Nga luôn giữ thái độ im lặng trong suốt quá trình điều tra, truy tố và xét xử vụ án “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” mà cô là bị cáo đầu vụ.
Nguồn gốc của định chế “Quyền im lặng”.
Thuật ngữ "Quyền im lặng" (cũng được gọi là cảnh báo Miranda - Miranda warning) bắt nguồn từ một án lệ của Mỹ có tên là án lệ Miranda. Theo đó, người bị bắt giữ, trước khi thẩm vấn, phải được cho biết rõ ràng rằng, họ có quyền giữ im lặng và bất cứ điều gì họ nói ra, rất có thể sẽ là chứng cứ chống lại họ ở tòa án.
Theo luật pháp Hoa Kỳ, lời cảnh báo Miranda là một lời cảnh báo được cảnh sát thông báo cho nghi phạm hình sự ngay lúc bị bắt giữ, hay khi đang ở tình trạng giam giữ, trước khi nghi phạm bị thẩm vấn hoặc lấy cung liên quan đến hành vi phạm tội. Một bản cung có tính chất buộc tội bởi lời khai của nghi phạm sẽ không tạo thành chứng cứ, trừ phi nghi phạm đó đã được thông báo cho biết các quyền Miranda của mình.
Tuy nhiên, cảnh sát có thể yêu cầu cung cấp các thông tin về nhân thân như: tên gọi, ngày sinh, địa chỉ mà không cần đọc các cảnh báo Miranda này cho nghi phạm.
Như vậy, khái niệm quyền im lặng trong luật pháp Hoa Kỳ không đơn giản chỉ là việc thừa nhận quyền không trình bày lời khai của nghi phạm, mà nó còn là một định chế pháp lý liên quan đến một thủ tục tố tụng mang tính bắt buộc. Theo đó, quyền giữ im lặng hay không trình bày lời khai của nghi phạm phải được thực hiện song hành với nội dung cảnh báo Miranda của cảnh sát. Một bản cung hay biên bản lấy lời khai có tính chất buộc tội bởi lời trình bày của nghi phạm, sẽ không có giá trị chứng cứ nếu cảnh sát không thực hiện thủ tục cảnh báo Miranda này cho họ.
Luật tố tụng của ta có quy định “quyền im lặng”?
Trước hết có thể khẳng định rằng, nếu hiểu quyền im lặng với tính chất là một định chế pháp lý liên quan đến một thủ tục tố tụng bắt buộc như đã nêu trên, thì pháp luật tố tụng hình sự của ta hiện nay không có điều khoản nào quy định về quyền im lặng theo đúng nghĩa của thuật ngữ này.
Khảo sát các quy định từ điều 58 đến điều 61 BLTTHS 2015 về các quyền cơ bản của nghi can trong vụ án (gồm người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can, bị cáo) có thể nhận thấy, trong số các quyền của nghi can thì quyền “không buộc phải đưa ra lời khai chống lại chính mình” là mang nhiều ý nghĩa và có nét tương đồng với thuật ngữ quyền im lặng.
Tuy nhiên, khác với quyền im lặng, việc nghi phạm không trình bày lời khai phải được thực hiện song hành với nội dung cảnh báo Miranda của cảnh sát, và quyền này cũng chỉ được thực hiện ở giai đoạn nghi can bị bắt giữ hoặc bị thẩm vấn, chứ không đặt ra trong phiên tòa xét xử vụ án hình sự. Trái lại, quyền “không buộc phải đưa ra lời khai chống lại chính mình” theo quy định của BLTTHS 2015 có thể được thực hiện ở bất kỳ giai đoạn nào trong quá trình tố tụng vụ án. Mặt khác, pháp luật tố tụng của ta cũng không bắt buộc cơ quan điều tra phải cảnh báo nghi phạm như nội dung cảnh báo Miranda trong pháp luật Hoa Kỳ.
Như vậy, mặc dù BLTTHS 2015 có mở rộng hơn các quyền của bị can, bị cáo so với BLTTHS 2003, nhưng việc mở rộng các quyền này, đặc biệt là quyền “không buộc phải đưa ra lời khai chống lại chính mình”, cũng chỉ hàm chứa các yếu tính của quyền im lặng. Còn bản thân các quyền này, chưa phải là quyền im lặng với tính chất là một định chế pháp lý liên quan đến một thủ tục tố tụng mang tính bắt buộc như tinh thần của luật pháp nơi khai sinh ra định chế này.
Luật sư HỒ NGỌC DIỆP.