Vụ Phương Nga và vấn đề bí mật chứng cứ.
Trong phiên tòa xét xử hoa hậu Trương Hồ Phương Nga can tội lừa đảo, tính đến thời điểm này ít nhất có ba lần những người tham gia tố tụng đề nghị được giữ bí mật nguồn cung cấp chứng cứ.
Lần thứ nhất xảy ra vào cuối buổi làm việc tại phiên xử ngày 22-6, LS bên bị cáo đã đề nghị HĐXX cho mình cung cấp thêm chứng cứ nhưng cần phải được giữ bí mật.
Tiếp đến, tại phiên tòa ngày 23-6, trả lời LS về mối quan hệ tình cảm với Nga, ông Mỹ khai cô hoa hậu có hai người bạn trai lớn tuổi và khẳng định có bằng chứng là các đoạn ghi âm nhưng nếu công bố sẽ ảnh hưởng đến danh dự người khác nên đã không đồng ý công bố khi được LS yêu cầu cung cấp chứng cứ này.
Ở một trường hợp khác, trong phần thẩm vấn, LS bào chữa cho bị cáo Nga đã trưng ra một chứng cứ mới nhưng cũng lại đề nghị không cung cấp thông tin cá nhân của nhân chứng cũng như nội dung chứng cứ này...
Vậy, pháp luật quy định về vấn đề này ra sao?
Luật: phải công khai chứng cứ.
Điều 214 BLTTHS quy định: các tài liệu đã có trong hồ sơ vụ án hoặc mới đưa ra khi xét hỏi đều phải được công bố tại phiên tòa.
Như vậy, trong mọi trường hợp, khi luật sư hoặc những người tham gia tố tung khác cung cấp thêm những tài liệu, chứng cứ mới tại phiên tòa, HĐXX có trách nhiệm công khai các chứng cứ này theo quy định của pháp luật.
Ngoài ra, theo tinh thần quy định tại khoản 2 điều 65 BLTTHS về thu thập chứng cứ thì, những người tham gia tố tụng, cơ quan, tổ chức hoặc bất cứ cá nhân nào đều có thể đưa ra tài liệu, đồ vật và trình bày những vấn đề có liên quan đến vụ án.
Từ quy định nêu trên, cho thấy, mặc dù điều luật không có sự hạn chế về đối tượng cung cấp chứng cứ. Tuy nhiên, để một tài liệu nào đó được xem là nguồn chứng cứ của vụ án, và được các cơ quan tiến hành tố tụng xem xét, đánh giá trong quá trình giải quyết vụ án thì tài liệu đó trước hết phải được cung cấp bởi một cá nhân, cơ quan hay tổ chức nhất định.
Điều đó cũng có nghĩa, đối với các tài liệu không rõ nguồn gốc xuất xứ, không xác định được do ai cung cấp hoặc có xác định được nhưng lại không tiết lộ thông tin về người cung cấp thì về nguyên tắc, không được xem là tài liệu, chứng cứ có liên quan đến vụ án. Vì không thể làm rõ được tính xác thực của nguồn chứng cứ này.
Thông tư: có thể bí mật thông tin về nhân chứng.
Theo tinh thần hướng dẫn tại khoản 3 điều 6 Thông tư liên tịch số 13/2013 ngày 16/12/2013 của Bộ công an, Bộ quốc phòng, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn về bảo vệ nhân chứng thì: tùy từng vụ án cụ thể mà tòa án áp dụng các hình thức để bảo đảm việc giữ bí mật cho người được bảo vệ như cấm ghi hình, ghi âm, chụp ảnh tại phiên tòa; không công bố họ tên, lai lịch của người được bảo vệ; cách ly người được bảo vệ và thực hiện việc hỏi kín đối với người được bảo vệ ...”
Như vậy, nội dung của hướng dẫn trên, liệu có trái với các quy định của BLTTHS về thu thập và công khai chứng cứ?
Từ góc độ phạm vi và đối tượng điều chỉnh, có thể nhận thấy, nội dung hướng dẫn tại Thông tư số 13/2013 chỉ quy định về việc giữ bí mật đối với nhân thân của người cung cấp chứng cứ, chứ không phải giữ bí mật hay không được công bố nội dung của chứng cứ. Vì vậy, nội dung của hướng dẫn này, không trái với quy định của BLTTHS về thu thập và công bố chứng cứ.
Tuy nhiên, như trên đã phân tích, để một tài liệu nào đó được xem là nguồn chứng cứ của vụ án, thì tài liệu đó trước hết phải được cung cấp bởi một cá nhân, cơ quan hay tổ chức nhất định. Vì vậy, nếu giữ bí mật về nhân thân của người cung cấp chứng cứ thì không thể làm rõ được tính xác thực của nguồn chứng cứ mà họ cung cấp.
Mặt khác, trong vụ án hình sự, việc xem xét, đánh giá chứng cứ không chỉ thuộc thẩm quyền của cơ quan tiến hành tố tụng mà những người tham gia tố tụng (trong đó có luật sư) cũng có quyền xem xét, đánh giá chứng cứ để bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho thân chủ cũng như xác định sự thật khách quan của vụ án.
Vì vậy, nếu không công bố họ tên, lai lịch của người cung cấp chứng cứ thì những người tham gia tố tụng sẽ không biết nguồn chứng cứ đó có từ đâu, do ai cung cấp? Và như vậy, sẽ không đảm bảo được tính khách quan trong việc điều tra, truy tố và xét xử vụ án hình sự. Đó là chưa nói đến những thủ tục tố tụng khác tại phiên tòa đòi hỏi phải có sự hiện diện trực tiếp của người làm chứng, như xét hỏi, đối chất hay nhận dạng… khi cần thiết thực hiện cũng sẽ không thực hiện được.
Luật sư HỒ NGỌC DIỆP