Luật sư Hồ Ngọc Diệp - Đoàn Luật sư Thành Phố Hồ Chí Minh

Vụ con ruồi trong chai Number One: Kháng cáo kêu oan có được xem xét giảm án?

09/09/2016, 06:16

Vấn đề pháp lý đặt ra ở đây là, một khi bị cáo không kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt, mà chỉ kháng cáo kêu oan thì toà án cấp phúc thẩm có xem xét luôn việc giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo hay không?

Tại phiên toà phúc thẩm xét xử bị cáo Võ Văn Minh can tội “Cưỡng đoạt tài sản” của Công ty Tân Hiệp Phát,  đại diện VKSND Cấp cao tại TP.HCM cho rằng, bản án sơ thẩm tuyên phạt bị cáo bảy năm tù là có căn cứ và đã rất chiếu cố. Đúng ra tại phiên tòa này, kiểm sát viên (KSV) sẽ căn cứ vào BLHS 2015 để đề nghị HĐXX giảm cho bị cáo từ hai đến ba năm tù vì nhân thân bị cáo tốt.

Tuy nhiên, tại phiên tòa bị cáo lại kêu oan nên KSV đề nghị HĐXX bác kháng cáo kêu oan và y án sơ thẩm.

Ngay sau đó, trong phần phát biểu tramh luận, luật sư (LS) Phạm Công Hùng (một trong sáu LS bào chữa cho bị cáo Minh) đã lập tức phản đối quan điểm trên của vị đại diện Viện kiểm sát. Theo đó, luật sư cho rằng: “Giảm án hay không phải có căn cứ pháp luật. Làm gì có chuyện kêu oan thì không được áp dụng các tình tiết có lợi cho bị cáo”.

Đồng tình, một LS khác của Minh là Nguyễn Tấn Thi cũng cho rằng, bị cáo đã khai nhận rất rõ sự thật, không quanh co chối tội... Việc bị cáo kêu oan là hợp lý. Đây không phải là lý do làm mất đi quyền được giảm án của bị cáo.

Như vậy, vấn đề pháp lý đặt ra ở đây là, một khi bị cáo không kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt, mà chỉ kháng cáo kêu oan thì toà án cấp phúc thẩm có xem xét luôn việc giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo hay không?

Trước hết có thể thấy rằng, về nguyên tắc, nếu bị cáo chỉ kháng cáo kêu oan mà không có yêu cầu về việc xem xét giảm nhẹ hình phạt, thì toà án cấp phúc thẩm sẽ không xem xét việc giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo. Nguyên tắc này xuất phát từ nội dung quy định tại điều 241 BLTTHS về phạm vi xét xử phúc thẩm, theo đó “ toà án cấp phúc thẩm xem xét nội dung kháng cáo, kháng nghị. Nếu xét thấy cần thiết thì toà án cấp phúc thẩm có thể xem xét các phần khác không bị kháng cáo kháng nghị của bản án”.

Mặc dù hiện nay chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể " các phần khác không bị kháng cáo, kháng nghị" là những phần nào. Tuy nhiên, thực tiễn xét xử cho thấy, “các phần khác” của bản án không bị kháng cáo kháng nghị, nhưng vẫn được toà án cấp phúc thẩm xem xét, thông thường là các vấn đề liên quan đến việc xác định sai tội danh, bỏ lọt tội phạm hoặc xử lý vật chứng… chứ không phải là giảm án cho bị cáo.

Ngoài ra, tại khoản 2 điều 249 BLTTHS cũng có quy định “ nếu có căn cứ, toà án cấp phúc thẩm có thể giảm hình phạt hoặc áp dụng điều khoản BLHS về tội nhẹ hơn, chuyển sang hình phạt khác thuộc loại nhẹ hơn… cho cả những bị cáo không kháng cáo hoặc không bị kháng cáo, kháng nghị”

Tuy nhiên, cần lưu ý là, quy định trên chỉ áp dụng cho những bị cáo “không kháng cáo…” còn đối với các bị cáo có kháng cáo thì theo quy định tại điều 241 BLTTHS toà án cấp phúc thẩm chỉ có thể xem xét, giải quyết trong phạm vi nội dung, yêu cầu kháng cáo của họ mà thôi.

Từ khía cạnh thực tiễn, quy định trên cũng phù hợp với nguyên tắc tranh tụng trong vụ án hình sự. Theo đó, Hôị đồng xét xử (HĐXX) ra bản án dựa trên kết quả tranh tụng tại phiên toà. Vì vậy, chỉ có những nội dung, vấn đề  nào được đưa ra tranh tụng trực tiếp tại phiên toà thì HĐXX mới có căn cứ để xem xét, quyết định đối với nội dung, vấn đề đó.

Chẳng hạn, khi bị cáo kháng cáo kêu oan, nội dung tranh tụng tại phiên toà tất nhiên sẽ tập trung vào các vấn để liên quan đến việc xem xét bị cáo có oan hay không. Chính vì vậy, những tài liệu, chứng cứ của vụ án liên quan đến việc giảm nhẹ hình phạt đối với bị cáo sẽ không được đưa ra xem xét, đánh giá, tranh luận tại phiên toà, nên HĐXX cũng không có cơ sở để quyết định việc giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo.

Như vậy, có thể thấy, một khi bị cáo đã kháng cáo kêu oan thì về nguyên tắc, toà án cấp phúc thẩm sẽ không xem xét việc giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo. Đây cũng là vấn đề mà toà án cấp phúc thẩm trong phạm vi cả nước đã áp dụng từ nhiều năm qua trong công tác xét xử đối với các vụ án hình sự nói chung.

Luật sư HỒ NGỌC DIỆP

Thích và chia sẻ bài viết này

Tin tức khác

Theo Dõi Trên FACEBOOK

Theo Dõi Trên Google Plus

Thống Kê