Thủy Kính tiên sinh: Sự ẩn hiện huyền cơ trong Tam Quốc. Bài 2: Một kỳ nhân đầy bí ẩn
Chuyện đời tư ít biết của gian hùng Lưu Bị
Chỉ ở phương diện sắc và tình, người ta mới thấy một con người hoàn toàn khác với sử sách lẫn tiểu thuyết của Lưu Bị.
Lưu Bị cũng là người sáng lập nên nhà Thục Hán thời Tam Quốc, sử sách thường gọi là Chiêu Liệt Đế. Sau khi kết nghĩa anh em tại vườn đào, Trương Phi và Quan Vũ đều giết chết vợ của mình rồi bỏ theo Lưu Bị mong dựng nghiệp lớn.
Câu nói nổi tiếng: “Bạn bè như chân tay, vợ con như quần áo” chính là câu nói từ miệng của Lưu Bị mà ra. Có thể nói, trong mắt Lưu Bị, vợ con chẳng qua là một thứ đồ vật tùy lúc có thể mặc vào cởi ra mà thôi…
Lưu Bị tự là Huyền Đức, người quận Trác, nay là tỉnh Hà Bắc, Trung Quốc, hậu duệ một nhánh xa của hoàng tộc nhà Đông Hán. Lưu Bị cũng là người sáng lập nên nhà Thục Hán thời Tam Quốc, sử sách thường gọi là Chiêu Liệt Đế.
Từ nhỏ, nhà nghèo, sau khi lớn lên gia nhập quân đội triều đình trấn áp khởi nghĩa Khăn vàng. Sau đó, nhờ sự giúp sức của Gia Cát Lượng, Lưu Bị hợp lực cùng Tôn Quyền đánh bại quân Tào Tháo ở Xích Bích, chiếm được Kinh Châu, Ích Châu và Hán Trung.
Năm 221, Bị xưng đế, định đô ở Thành Đô. Một năm sau đó, trong trận chiến Ngô Thục, quân Bị thua trận, không lâu sau đó, Bị chết.
Lưu Bị là người huyện Trác, quận Trác, tự xưng là hậu duệ của Trung Sơn Tĩnh vương Lưu Thắng, con của Hán Cảnh đế. Lưu Bị liên tục nói về mình như vậy, cứ gặp người là nói vậy, sử sách cũng cứ như vậy mà ghi về Bị. Còn về chuyện có thực hay không thì chẳng có ai biết. Những người ưa thích “Tam Quốc diễn nghĩa” đều nghe rất quen câu này của Lưu Bị: “Tại hạ Lưu Bị, hậu duệ của Trung Sơn Tĩnh vương Lưu Thắng”. Thực tế, chẳng có ai muốn hỏi Lưu Bị là hậu duệ, con cháu của ai, vì vậy, cách nói đó của Lưu Bị quả thực rất thừa và vô duyên.
Tuy nhiên, đi đâu Lưu Bị cũng chỉ có một cách nói như vậy. Điều này chứng tỏ, xuất thân nghèo khổ đã khiến Lưu Bị phải đau đầu rất nhiều. Lưu Bị từ nhỏ đã mồ côi cha, cùng mẹ đan chiếu bán để sống qua ngày. Bên cạnh căn lều cỏ của mẹ con Lưu Bị ở có một cây dâu, nhìn từ xa trông giống như một chiếc xe có lọng che.
Những người khách đi qua đây nhìn thấy hình dáng của cái cây này đều lấy làm kỳ lạ, nói rằng ở đây hẳn có quý nhân. Khi Lưu Bị chơi với chúng bạn ở dưới gốc cây nói: “Sau này ta sẽ đi một chiếc xe sang trọng như vậy”.
Thời bấy giờ, xe có lọng là loại xe dành cho hoàng đế, vì vậy, chú của Lưu Bị là Lưu Tử Kính mới quát Lưu Bị rằng: “Mày ăn nói lung tung như vậy định hại chết cả gia đình chúng ta hay sao?”. Từ nhỏ, Lưu Bị đã không thích đọc sách, học hành, cả ngày chỉ thích chơi với chó, ngựa, đàn hát và mặc quần áo đẹp.
Lưu Bị cao 7 thước 5 tấc (hơn 2 mét), tay dài quá đầu gối, ngoảnh đầu lại có thể nhìn thấy tai của mình, không thích nói, vui buồn không ai hay. Lưu Bị là người thích kết giao với những kẻ hào hiệp. Vì vậy, Trương Thế Bình, Tô Song Kha, các thương nhân nổi tiếng ở Trung Sơn đều bị kẻ “hậu duệ của Trung Sơn Tĩnh vương” cuốn hút, cho rằng ông ta là kẻ không hề tầm thường nên đã cung cấp Lưu Bị không ít tiền bạc.
Với số tiền của được cung cấp, Lưu Bị đã mua một đội binh mã, bắt đầu thực hiện kế hoạch tranh đoạt thiên hạ của mình. Thời đại Tam Quốc là thời đại của những kẻ gian hùng. Tuy nhiên, khác với Tào Tháo và Tôn Quyền có sẵn một cơ sở vững chắc do thế hệ trước để lại, Lưu Bị dựng nghiệp từ hai bàn tay trắng. Tất cả gia sản của Lưu Bị chỉ là cái danh “hậu duệ của Trung Sơn Tĩnh vương Lưu Thắng”.
Lưu Bị không phải là một kẻ háo sắc đến cuồng loạn, do vậy trong sử sách rất ít nói đến chuyện tình ái của ông ta. Tuy nhiên, Mạnh Tử có nói: “Thực, sắc, tính dã”, nghĩa là chuyện ham muốn ăn uống và tình dục là bản năng của con người. Lưu Bị cũng không phải ngoại lệ và chỉ ở phương diện sắc và tình, người ta mới thấy một con người hoàn toàn khác với sử sách lẫn tiểu thuyết của Lưu Bị.
Những người thích Tam Quốc hẳn ai cũng nhận thấy rằng, Lưu Bị có một đặc điểm rất xấu đó là đánh được thì đánh, không đánh được ắt chạy thoát thân thục mạng, tính mệnh của vợ, của con đều quên sạch. Riêng nói về trình độ chạy trốn, tần suất và cả sự nhếch nhác thì ngay đến cả tổ tiên của Lưu Bị là Hán Cao Tổ Lưu Bang có sống dậy cũng phải chấp nhận là “hậu sinh khả úy”.
Trong cả sử sách lẫn “Tam Quốc diễn nghĩa” có thể thống kê được ít nhất 4 lần Lưu Bị có hành động không được xứng tầm với một đại anh hùng, vứt bỏ vợ con, chạy lấy thân mình.
Lần thứ nhất là vào năm Kiến An thứ nhất, khi đó Lưu Bị vừa tiếp nhận ấn soái Từ Châu. “Viên Thuật tới tấn công tiên chủ, tiên chủ chống lại ở Hu Di, Hoài Âm,…” Lưu Bị đành để Trương Phi ở lại phòng thủ Hạ Phì còn bản thân mình thì đem quân chống lại Viên Thuật. Kết quả Tào Tháo cấu kết với Lã Bố tấn công Hạ Phì, “Bố bắt vợ con tiên chủ làm tù binh”.
Lưu Bị không còn cách nào, chỉ còn cách đồng ý giảng hòa cùng Lã Bố, “Bố mới thả vợ con (Lưu Bị) về”. Tới năm Kiến An thứ ba, do cuộc tấn công của Lã Bố ở Từ Châu, Lưu Bị chỉ còn biết đóng quân ở đất Tiểu Bái. Trong thời gian này Lưu Bị những muốn tập hợp lực lượng tìm Lã Bố trả thù. Không ngờ rằng lần tái chiến này lại tiếp tục gặp phải thất bại, đành chạy đến chỗ Tào Tháo. Tào Tháo đối đãi ông ta cũng chẳng bạc, phong ông ta làm Dự Châu mục.
Nhưng Lưu Bị không cam tâm, chuẩn bị tới huyện Bái để thu thập tàn quân, những mong rửa mối nhục cũ. Tào Tháo cũng ủng hộ, cấp cho Lưu Bị quân lương, phái quân đội theo ông ta tìm Lã Bố phục thù. Kết quả là Lưu Hoàng thúc không chịu thua kém ai lại bị bại dưới tay bộ tướng của Lã Bố là Cao Thuận. Cao Thuận “lại bắt được vợ con tiên chủ đưa về cho Lã Bố”.
Cuối cùng chính Tào Tháo phải thân chinh đánh Lã Bố. Sách “Tam Quốc chí” chép: “Tào công tự mình thân chinh, giúp tiên chủ vây Lã Bố ở Hạ Phì, bắt sống được Bố”. Chỉ tới lúc này, Lưu Bị mới có thể đem vợ con về. Đó là lần thứ hai. Sau đó hai năm, đến năm Kiến An thứ 5, Lưu Bị không cam tâm dưới trướng Tào Tháo, mượn cớ Viên Thuật mâu thuẫn với Tào Tháo mà đánh chiếm Hạ Phì vốn đã thuộc về Tào Tháo.
Tào Tháo không thể tha thứ, bèn đem quân đánh Bị. Hoàng thúc lần này lại thêm một lần mất mặt. Chưa giao chiến, chỉ mới thấy cờ quân Tào đã hoảng sợ không còn con đường lựa chọn nào khác “bỏ dân mà chạy”. Kết quả là Tào Tháo lại “bắt được thê tử của tiên chủ, đồng thời bắt sống cả Quan Vũ”.
Chúng ta đều biết “ba điều kiện” của Quan Vũ với Tào Tháo rồi. “qua 5 cửa chém 6 tướng” chỉ là sự hư cấu của nhà tiểu thuyết. Trong sử sách khi nói về việc Quan Vũ bỏ Tào Tháo đi tìm Lưu Bị không hề nói rõ là có mang theo hai vị phu nhân hay không. Lưu Bị khi ở Kinh Châu là ở cùng gia đình, còn sinh ra A Đẩu. Cứ xem thái độ đối đãi của Tào Tháo với Lưu Bị và Quan Vũ thì đủ rõ, Tào Tháo đã cùng thả Quan Vũ và “vợ con tiên chủ”.
Lần cuối cùng là vào năm Kiến An thứ 13, trong chiến dịch Trường Bản, Lưu Bị “bỏ vợ con, cùng Gia Cát Lượng, Trương Phi, Triệu Vân,… khoảng hơn mười người ngựa bỏ chạy”. Cam phu nhân và A Đẩu may mắn được Triệu Vân bảo vệ mới thoát khỏi kiếp nạn. Trong các sử liệu không thấy nhắc đến Mi phu nhân, rất có thể đã thiệt mạng trong chiến dịch này. Như vậy, Lưu Bị bốn lần li tán cùng gia đình, trong đó, Lã Bố bắt hai lần, Tào Tháo bắt hai lần.
Truy nguyên nguồn gốc của sự tình dường như đều liên quan đến Tào Tháo. Điều đáng nói là, mọi người thường ca ngợi Lưu Bị trăm lần thất bại cũng không khuất phục, chính bản thân Lưu Bị cũng xác nhận như vậy.
Nhưng cách mà Lưu Bị đối xử với vợ con như vậy, hoàn toàn không thể lấy lý do “bỏ cái nhỏ để lấy cái lớn” để biện minh được. Bởi lẽ, nếu không giữ được cái nhỏ thì chắc gì cái lớn đã giữ được. Điều đáng nói là hành động bỏ vợ bỏ con chạy lấy thân mình của Lưu Bị hoàn toàn trái ngược với hành động hy sinh tính mạng để cứu con của Mi phu nhân, dù đứa con được cứu hoàn toàn không phải là con của bà ta. Thực tế, chuyện này phải bắt đầu từ hồi thứ 25 “Đóng Thổ sơn Quan Công giao ước ba điều, Cứu Bạch Mã Tào Tháo giải trùng vây”.
(còn tiếp…)
Theo Hôn nhân & Pháp luật