Luật sư Hồ Ngọc Diệp - Đoàn Luật sư Thành Phố Hồ Chí Minh

Hoa trong tiểu thuyết võ hiệp của Kim Dung.

10/08/2016, 14:55

Văn chương tiểu thuyết, kể cả văn chương tiểu thuyết võ hiệp, luôn có những đoạn tả cảnh. Cảnh quan thiên nhiên hiện ra trong văn chương đã trở thành một thứ quy luật tất yếu, không thể thiếu được. Vả chăng, người Trung Hoa đã quan niệm “Vạn vật đồng nhất thể” mà con người cũng là một vật trong vạn vật cho nên con người không thể tự tách mình ra khỏi thiên nhiên, ra khỏi cảnh quan và môi trường sống.

Văn chương tiểu thuyết võ hiệp Kim Dung cũng vậy. Con người trong tiểu thuyết của ông luôn luôn gắn liền với thiên nhiên, sống giữa thiên nhiên và hoạt động với thiên nhiên.

Nhưng vượt lên trên tất cả cung cách mô tả thiên nhiên, Kim Dung đã dành cho hoa nhiều cảm tình nhất. Hoa xuất hiện trongg 12 bộ tiểu thuyết võ hiệp của ông như là biểu tượng cho bốn mùa. Hoa tiêu biểu cho chiều sâu trí tuệ và tâm hồn của người trồng hoa và chơi hoa. Hoa là sản phẩm đặc trưng của từng vùng đất mà đất Trung Hoa vô cùng rộng lớn nên hoa cũng cực kỳ phong phú về chủng loại, đặc sắc về ngoại hình. Ở một chừng mực nào đó, ta có thể thấy Kim Dung đã thể hiện kiến thức của một nhà hoa học trong những bộ tiểu thuyết của mình.

Trong Thiên Long bát bộ, theo gót chân lãng du của vương tử Đại Lý Đoàn Dự, tác giả đưa chúng ta đi về vùng Giang Nam nước Tống. Mùa xuân về trên Thái Hồ, Giang Nam, ta bắt gặp hoa sen và hoa hồng lăng khoe sắc thắm, thoang thoảng hường đưa trong gió. Rồi tác giả đưa chúng ta về Mạn Đàn sơn trang của Vương phu nhân, thưởng thức hoa trà. Đoạn lý luận về hoa trà của Đoàn Dự có thể coi là một chương hoa học kỳ thú trong Thiên Long bát bộ.

Hoa trà - tiếng Phạn là Mạn đà la – là một loài hoa nổi tiếng được trồng phổ biến khắp vùng Vân Nam. Lúc bấy giờ, Vân Nam thuộc nước Đại Lý. Hoa trà trở thành quốc hoa của Đại Lý. Vân Nam có khí hậu ấm, mưa nhiều quanh năm, dân dã bình thường cũng biết trồng hoa trà để thưởng ngoạn. Thế nhưng,Vương phu nhân lại đem hoa trà từ Vân Nam (Đại Lý) về trồng ở Giang Nam (Tống) mà lại thiếu kinh nghiệm chăm sóc khiến cái gọi là Mạn đà sơn trang của phu nhân dưới mắt Đoàn Dự chẳng đáng một xu.

Vốn ghét tính cách tàn bạo, ngang ngược của Vương phu nhân, Đoàn Dự thẳng thừng phê phán sự dốt nát của bà khi trồng trà: “Tỷ như khóm trà hoa này chắc phu nhân cho là quý lắm? Cái lan can bên cạnh mới thực là đẹp.”. Khen như vậy khác nào khen quyển sách in đẹp mà nội dung rỗng tuếch. Những kiến thức về hoa trà của Đoàn Dự khiến Vương phu nhân vừa kinh hãi, vửa thẹn thùng. Chậu hoa mà phu nhân gọi là “Ngũ sắc trà hoa” (hoa tra năm màu) thì Đoàn Dự gọi là “Lạc đệ tú tài” (tú tài thi hỏng).

Đoàn Dự cho biết loại hoa trà quý nhất là “Thập bát học sĩ” (18 vị học sĩ) gồm 18 bông, màu sắc không bông nào giống bông nào (toàn hồng, toàn trắng, toàn tía...không hỗn tạp), cùng nở một lúc và cùng tàn một giờ. Sau “Thập bát học sĩ” là “Bát tiên quá hải” (8 vị tiên qua biển) chỉ có một gốc, nở ra cùng lúc 8 bông với 8 màu khác nhau. Sau “Bát tiên quá hải” là “Thất tiên nữ” (7 tiên nữ) chỉ có một gốc nở ra 7 bông. Sau “Thất tiên nữ” là “Phong trần tam hiệp” (3 hiệp khách phong trần) chỉ có 1 gốc nở ra đúng 3 bông. Rồi “Nhị Kiều” (hai nàng họ Kiều), rồi chia hạng chánh, phó... đủ kiểu chơi.

Vương phu nhân còn khen ngợi loại trà “Mãn nguyệt” (trăng tròn). Đoàn Dự bác ngay và lý luận đó phải là loại “Ỷ lan Kiều’ (nàng Kiều e thẹn dựa vào lan can). Trồng “Ỷ lan Kiều” phải chọn nơi nửa kín nửa hở để xứng với câu thơ:

E thẹn ôm đàn che nửa mặt
Ai kêu ai gọi cũng làm thinh.

Viết đến đâu, Kim Dung trích dẫn thơ ca đến đó:

Xuân câu thuỷ động trà hoa bạch
Hạ cốc vân sinh lệ tử hồng
(Dòng xuân nước gợn hoa trà trắng
Non hạ mây vương trái vải hồng)

Hoặc:

Thanh quần ngọc diện như tương thức
Cửu nguyệt trà hoa mãn độ khai
(Quần xanh vóc ngọc như từng gặp
Tháng chín, hoa trà rợp lối đi)

Thật sự, Trung Quốc đã từng có tác phẩm Điền trung Trà hoa ký, nghiên cứu về hoa trà trong đó có đoạn: “Đại Lý trà hoa tối giáp hải nội, chủng loại thất thập nhị, đại ư mẫu đơn. Nhất vọng nhược hỏa tề vân cẩm, thước nhật chưng hà.” (Hoa trà Đại Lý đứng đầu thiên hạ, gồm 72 loại khác nhau, có loại lớn hơn cả hoa mẫu đơn, khiến ta đứng xa vẫn trông đỏ rõ một góc trời như mây gấm hoà vào cho màu trắng ban mai thêm rực rỡ). Thật ít có nhà văn nào đạt được kiến thức hoa học và vận dụng kiến thức ấy - vốn thuộc phạm vi sinh học – vào văn chương một cách nhuần nhuyễn như Kim Dung.

Đúng là Kim Dung đã đưa hoa vào tác phẩm văn chương võ hiệp của mình, dùng hình ảnh tươi đẹp của hoa để chế ngự bớt tính chất căng thẳng và đôi khi tàn nhẫn của thế giới võ hiệp. Hoa là biểu tượng cho một dạng công lực thượng thừa, Kẻ luyện nội công đến mức cao siêu nhất được gọi là “Tam hoa tụ đỉnh”. Hoa được dùng để đặt tên cho các pho võ công: Niêm hoa chưởng, Niêm hoa chỉ của phái Thiếu Lâm; Thiên Sơn thiết Mai thủ của phái Tiêu Dao; Lạc Anh chưởng pháp của Đào hoa đảo. Hoa trở thành mệnh lệnh tấn công như khi bang chúng Cái bang hát bài Liên hoa lạc (cánh sen rơi) thì có nghĩa là họ đã kết thành  “Đã cẩu trận” để chống lại kẻ địch, bao vây kẻ địch.

Hoa trở thành đòn thức, chiêu thế của người sử dụng võ công, và khi sử dụng, giới võ lâm phải thể hiện cho được yếu tính của đòn thức, chiêu thế mang tên hoa đó. Nhà sư Thổ Phồn Cưu Ma Trí khi đánh chiêu Niêm hoa vi tiếu trong Niêm hoa chỉ vẫn giữ được khuôn mặt tươi cười, tư thế ung dung của khái niệm niêm hoa (cánh hoa chưa nở). Nhà sư Hư Trúc sử dụng Thiên Sơn Thiết mai thủ với phong cách nhẹ nhàng, khuôn mặt trầm tĩnh đúng như người đang bẻ cành mai trên núi Thiên Sơn mà kình lực có thể làm tan bia, vỡ đá. Phái Thiếu Lâm có chiêu Hoa khai kiến Phật (Hoa nở thấy Phật) bó buột đệ tử Thiếu Lâm chấp hai tay lên trước ngực, vừa hàm ý chào kính kẻ địch, vừa thể hiện đức từ bi của nhà Phật: đấu tranh là phải đấu chứ không muốn giết hại lẫn nhau. Ta bắt gặp trong tiểu thuyết Kim Dung những tên gọi Lạc hoa lưu thủy (hoa rụng nước trôi), Mãn thiên hoa vũ (mưa hoa đầy trời), Liên hoa phất huyệt thủ (đánh huyệt như phất hoa sen), Hồ điệp xuyên hoa (bướm len giữa khóm hoa), Thiên nữ tán hoa (tiên nữ rắc hoa)...

Hoa muôn đời là biểu tượng của người phụ nữ đẹp, là biểu tượng của cô gái trong trắng thơ ngây. Kinh Thi có câu: “Xước ước như xử nữ” (mềm mại như gái trinh) và từ “xước ước” cũng đồng thời là từ diễn tả dáng thanh lịch của ngàn hoa. Những nhân vật nữ của Kim Dung như Nhậm Doanh Doanh, Nhạc Linh San, Nghi Lâm, Lam Phượng Hoàng (Tiếu ngạo giang hồ), Hoàng Dung, Quách Tương, Tiều Long Nữ (Thần điêu hiệp lữ), Hân Tố Tố, Triệu Minh, Chu Chỉ Nhược, Tiểu Siêu (Ỷ thiên Đồ long ký)... đều có “khuôn mặt đẹp như hoa nở, nụ cười tươi như hoa nở”. Những cô gái trinh bạch, xinh đêp ấy được gọi là Hoàng hoa khuê nữ (cô gái trong phòng khuê dịu dáng như hoa cúc) nhưng lĩnh vực hoạt động của họ không phải là phòng khuê nữa mà là giới giang hồ.

Họ là hào khách võ lâm biết yêu hoa: Vương phu nhân yêu hoa trà, Mộc Uyển Thanh yêu hoa mai côi (hoa hồng) và con người cô cũng toát ra mùi hương tự nhiên của mai côi đến nỗi cô có ngoại hiệu là Hương Dược Xoa (Thiên Long bát bộ), Lăng Sương Hoa, con gái tri phủ Giang Lăng thành Lăng Thoái Tư yêu hoa cúc (Liên thành quyết).

Kẻ nào manh tâm chiếm đoạt trinh tiết người phụ nữ bị Kim Dung gọi là tên Thái hoa dâm tặc (tên dâm tặc chuyên hái hoa). Trong Tiếu ngạo giang hồ, có gã Giang dương đại đạo thái hoa dâm tặc vạn lý độc hành khoái đao Điền Bá Quang. Hắn gớm ghiếc đến nỗi phụ nữ nhà lành cũng bị cha mẹ cấm không được gọi đến tên. Nhà sư Bất Giới đã trừng trị tội dâm dật của hắn bằng cách điểm trọng huyệt, xuyên một cặp tụ tiễn (mũi tên nhỏ) vào bộ phận sinh dục để hắn không thể “hái hoa” được nữa. Ngoại hiệu của nhà sư là Bất Giới (không cấm cản chi hết) nhưng nhà sư buộc Điền Bá Quang phải cạo đầu làm sư, đặt lại ngoại hiệu cho hắn là Bất Khả Bất Giới (không thể không cấm). Cách trừng trị kinh khủng như vậy là nhằm bảo vệ những đời hoa!

Hoa là biểu tượng của tình yêu lứa đôi, và đặc biệt trong võ hiệp tiểu thuyết của Kim Dung, là biểu tượng của tình yêu chung thuỷ. Thời đôi mươi, Vương phu nhân say mê Đoàn Chính Thuần, thất thân với y và sinh ra Vương Ngọc Yến. Đoàn Chính Thuần là hoàng thái đệ của Đoàn Chính Minh, vua Đại Lý; không thể cưới được Vương phu nhân. Tương tư tình lang, Vương phu nhân đem trà Đại Lý về trồng tại Giang Nam, lập nên cái gọi là Mạng đà sơn trang (Thiên Long bát bộ). Còn trong Liên thành quyết, Kim Dung đã thực sự tạo cho hoa cúc một tâm hồn riêng khi ông xây dựng mối tình Đinh Điển – Lăng Sương Hoa.

Đinh Điển luyện thành thần công Thần chiếu kinh, chỉ cần vươn tay ra chộp một cái là kẻ thù phải chết. Anh yêu tiểu thư Lăng Sương Hoa, con gái tri phủ Lăng Thoái Tư thành Giang Lăng, nên ẩn thân vào nhà tù thành Giang Lăng để ngày ngày được ngắm màu hoa cúc vàng trên cửa sổ do chính Lăng Sương Hoa chăm sóc.

Lăng Sương Hoa ra sức chăm bón hoa, giữ cho hoa tươi mãi để tạ lòng người yêu. Tình yêu lặng lẽ giữa người tù và cô tiểu thư diễn ra thật nên thơ những cũng rất mạnh mẽ. Tri phủ Lăng Thoái Tư biết được điều đó; lão cố tìm mọi cách để giết Đinh Điển để chiếm đoạt bộ Liên thành quyết - một bí lục mô tả đường đi nước bước của một kho báu trị giá liên thành. Lão bức tử con gái, đặt cô vào quan tài rồi tẩm thuốc độc lên vỏ quan tài, chờ Đinh Điển sa bẫy.

Quả nhiên một hôm Đinh Điển nhận ra rằng chậu hoa cúc trên cửa sổ của người tình đã héo úa. Biết rằng Lăng Sương Hoa đã gặp điều gì đó chẳng lành, Đinh Điển vượt ngục, thâm nhập vào tư dinh Lăng Thoái Tu. Thấy tấm bài vị đề “Lăng Sương Hoa ái nữ chi linh vị” trên nắp quan tài, anh đau xót ôm lấy quan tài khóc rống lên và lập tức bị trúng độc. Đinh Điển chết, dặn dò lại nghĩa đệ là Địch Vân phải hợp táng xương cốt của anh và Lăng Sương Hoa chung một nơi.

Lăng Sương Hoa được chôn trong nghĩa địa phía tây thành Giang Lăng còn Đinh Điển thì chết ở vùng Quan ngoại. Cuối truyện, chàng Địch Vân mang bọc xương cốt của nghĩa huynh Đinh Điển từ ngàn dặm trở lại Giang Lăng, đào mả Lăng Sương Hoa và hợp táng hai người. Anh còn mua hoa cúc, cuốc đất chung quanh mộ rồi trồng cho hai người mấy cụm với ước mong hương hồn họ nhìn thấy bóng hoa và được sống lại với tình yêu cũ. Liên thành quyết có cái buồn và chất thơ lãng mạn xuyên suốt toát ra từ bóng hoa cúc vàng - mối tình của Đinh Điển và Lăng Sương Hoa.

Người yêu hoa thì rất quý hoa, xem hoa như là bạn; còn kẻ ghét hoa thì rất giận hoa, xem hoa là thù địch. Đó là trường hợp của Vi Tiểu bào, một tiểu lưu manh bất học vô thuật, may mắn trở thành quan lớn triều Khang Hy (Lộc Đỉnh ký). Vua Khang Hy ra lệnh cho Vi Tiểu Bảo làm khâm sai đại thần, trở về quê quán thành Dương Châu xây dựng toà Trung liệt từ.

Nghe đồn Vi Tiểu Bảo là một thiếu niên, tưởng gã là người có tài văn học, các quan ở Dương Châu bèn mời gã vào uống rượu ngâm thơ trong chùa Thiền Trí. Mùa ấy, hoa thược dược đang nở mà thược dược ở Dương Châu và chùa Thiền Trí là thứ hoa tươi đẹp nhất thiên hạ. Nhìn thấy thược dược tươi hơn hớn, Vi Tiểu Bảo tức muốn sôi gan. Nguyên lai, lúc mới lên chín mười tuổi, gã đã từng cùng bọn tiểu lưu manh thành Dương Châu đột nhập chùa Thiền Trí hái trộm hoa thược dược. Một nhà sư nào đó đã rượt cả bọn chạy, Vi Tiểu bảo nhỏ con, chạy chậm bị nhà sư nắm áo éo lại, tát cho một cái. “Mối thù” ấy âm ỉ mãi trong lòng gã nên khi quay về Dương Châu, thấy lại thược dược đại đóa nở phô hồng khoe tía trong chùa Thiền Trí là gã nổi nóng.

Gã đặt chuyện nói rằng vua Khang Hy đang nuôi bầy ngựa chiến và ra lệnh cho gã chặt hết thược dược trong thiên hạ để làm thức ăn cho ngựa. Nghe câu nói đó, bá quan văn võ Dương Châu và các nhà sư chùa Thiền Trí đều vỡ mật kinh tâm. May mắn là viên tuần phủ Dương Châu học rộng biết nhiều. Viên tuần phủ phải nịnh Vi Tiểu Bảo rằng thược duợc là tượng trưng cho người đàn ông thành đạt, công danh hiển hách; rằng Vi Tiểu Bảo về Dương Châu đúng mùa thược dược mãn khai là điều tốt lành, ngày sau ắt thăng quan tiến chức cao sang không biết bao nhiêu mà lường. Cho nên việc chặt hoa thược dược cho ngựa ăn là chuyện rất uổng. Viên tuần phủ còn ngắt một đóa hoa thược dược kính cẩn gài lên mũ của Khâm sai đại thần và chúc phúc. Quả nhiên lời nói khôn khéo đó của viên tuần phủ đã làm nguôi cơn giận của Vi Tiểu Bảo, cứu được ngàn hoa của chùa Thiền Trí và thành Dương Châu.

Kiến thức về hoa của Kim Dung thật phong phú. Loại hoa gì, tính năng ra sao, nở mùa nào, có nhiều ở địa phường nào đều được lý giải một cách cặn kẽ. Mỗi mùa hoa, mang theo một loại chướng khí. Chướng khí là hậu quả của cây lá rụng xuống ao chằm, rồi bốc lên, tạo thành những dịch bệnh cho con người. Tháng ba âm lịch có Đào hoa chướng, tháng năm có Lựu hoa chướng, tháng tám có Phù dung chướng. Kim Dung cho biết người Vân Nam vốn yêu hoa trà, coi hoa trà là một loài hoa quý cho nên không lấy tên hoa trà để gọi chướng khí.

Hoa làm đẹp thêm cho tác phẩm võ hiệp của Kim Dung, tạo nên chiều sâu cho tác phẩm. Hoa là nới gửi gắm tâm tình con người. Chất thơ tự có trong hoa biến thành chất thơ cho tác phẩm. Đoc Kim Dung càng nhiều lần, ta càng khám phá ra thêm nhiều vẻ đạp, càng nhận ra làn u hương thuần nhã của hoa.

Giòng xuân nước gợn hoa trà trắng
Non hạ mây vương trái vải hồng.

Có người nói bóng hoa trong tiểu thuyết võ hiệp Kim Dung là hình ảnh của Hạ Mộng, người tình của ông. Hạ Mộng đã xa ông như lạc hoa lưu thủy. Và tiểu thuyết của ông giàu bóng hoa, hương hoa bởi Hạ Mộng vẫn sống trong trái tim ông.

VT (sưu tầm)

Thích và chia sẻ bài viết này

Tin tức khác

Theo Dõi Trên FACEBOOK

Theo Dõi Trên Google Plus

Thống Kê