Luật sư Hồ Ngọc Diệp - Đoàn Luật sư Thành Phố Hồ Chí Minh

Ủy quyền định đoạt tài sản vẫn có quyền khởi kiện.

18/12/2017, 09:57

Việc Tòa án nhân dân (TAND) huyện Long Điền cho rằng, bà Trinh chỉ là người đại diện theo ủy quyền của bà Linh nên không có quyền khởi kiện là có sự nhầm lẫn giữa quyền của chủ sở hữu tài sản và quyền khởi kiện

Báo Pháp luật TP.HCM ngày 16/12 có bài “Người đại diện theo ủy quyền được khởi kiện?” phản ánh trường hợp bà Nguyễn Thị Trinh được chủ sử dụng đất là bà Văng Thị Hoài Linh ủy quyền (có công chứng) thay mặt và nhân danh mình thực hiện các quyền của chủ sử dụng đất, trong đó có quyền chuyển nhượng, bán hoặc tặng cho quyền sử dụng đất.

Sau đó, bà Trinh đã ký hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất nêu trên cho ông L. Nhưng do hai bên mua bán phát sinh mâu thuẫn nên bà Trinh làm đơn khởi kiện đến TAND huyện Long Điền để tranh chấp hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất với ông L.

Sau khi thụ lý vụ án, TAND huyện Long Điền cho rằng, bà Trinh chỉ là người đại diện theo ủy quyền của bà Linh nên không có quyền khởi kiện. Vì vậy cơ quan này đã ra quyết định đình chỉ việc giải quyết vụ án theo quy định tại Điều 186 và điểm g khoản 1 Điều 217 BLTTDS năm 2015.

Như vậy, vấn đề đặt ra ở đây là, bà Trinh có quyền khởi kiện hay không? quyền khởi kiện của bà Trinh được xác định dựa trên cơ sở nào?

Trước hết có thể nhận thấy, Bà Trinh được chủ sử dụng đất là bà Văng Thị Hoài Linh ủy quyền hợp pháp để thực hiện việc mua bán, chuyển nhượng quyền sử dụng đất mà bà Linh là người đứng tên sử dụng. Thực hiện công việc được ủy quyền, Bà Trinh đã ký hợp đồng chuyển nhượng phần đất trên cho ông L.

Như vậy, giữa bà Trinh và ông L. phát sinh quan hệ “Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất ”, trong đó bà Trinh  là một bên chủ thể của hợp đồng (bên bán). Vì vậy khi có tranh chấp, bà Trinh hoàn toàn có quyền khởi kiện để yêu cầu ông L thực hiện nghĩa vụ trong quan hệ hợp đồng mua bán, chuyển nhượng quyền sử dụng đất mà hai bên đã ký kết.

Ngoài ra, về mặt lý luận cũng như thực tiễn, việc Tòa án nhận định bà Trinh chỉ là người được bà Linh ủy quyền định đoạt tài sản (chứ không phải chủ sở hữu tài sản) nên không có quyền khởi kiện là có sự nhầm lẫn giữa quyền của chủ sở hữu tài sản và quyền khởi kiện.

Theo đó, quyền của chủ sở hữu tài sản và quyền khởi kiện là hai tố quyền không hoàn toàn đồng nhất với nhau. Một người không phải là chủ sở hữu tài sản, nhưng trong một quan hệ pháp luật nào đó, họ hoàn toàn có quyền khởi kiện đối với các tranh chấp liên quan đến tài sản đó.

Chẳng hạn A cho B thuê toàn bộ căn nhà, B cho C thuê lại một phần căn nhà. Đến hạn thanh toán tiền thuê nhà, C không trả tiền cho B. Trong trường hợp này, B hoàn toàn có đủ tư cách khởi kiện yêu cầu C thanh toán tiền thuê nhà cho mình, mặc dù B không phải là chủ sở hữu căn nhà.

Đã từng có kháng nghị của TAND Tối cao.

Một sự việc tương tự đã từng xảy ra tại TP.HCM. Theo đó, vợ chồng ông V, bà L. lập văn bản ủy quyền cho bà H thay mặt mình chuyển nhượng căn nhà thuộc sở hữu chung của vợ chồng.

Ngày 7/3/2003, bà H. lập hợp đồng bán căn nhà nêu trên cho bà M. với giá 191 lượng vàng SJC; bà M. đã thanh toán cho bà H. 171 lượng vàng SJC, còn lại 20 lượng vàng SJC hai bên thỏa thuận thanh toán khi hoàn tất thủ tục sang tên.

Tuy nhiên, do căn nhà này trước đây được xây dựng phần ban công sai với giấy phép xây dựng nên chưa làm được thủ tục hoàn công đối với toàn bộ diện tích (152,46m) nên bà M. đồng ý sang tên nhà theo hiện trạng nhà cũ (có diện tích sử dụng là 62,7m) và bà H. đồng ý bớt cho bà M. 10 lượng vàng SJC.

Ngày 5/8/2005 hai bên đã đến phòng Công chứng ký hợp đồng mua bán nhà theo hiện trạng nhà cũ và đã hoàn tất thủ tục sang tên trước bạ đối với căn nhà nêu trên theo đúng quy định của pháp luật; nhưng sau đó, do bà M. không thanh toán nốt 10 lượng vàng SJC còn thiếu nên bà H. đã khởi kiện vụ việc ra Tòa án nhân dân quận 11 để yêu cầu giải quyết.

Sau khi thụ lý vụ án dân sự “Tranh chấp hợp đồng mua bán nhà” giữa nguyên đơn là bà H. và bị đơn là bà M, ngày 3/4/2006, Tòa án nhân dân Quận 11 đã ra Quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự số 67/2006/QĐ – ĐC với lý do nguyên đơn không phải là chủ sở hữu tài sản, không phải là chủ thể của hợp đồng mua bán nhà nên không có quyền khởi kiện.

Sau khi nhận quyết định đình chỉ vụ án của cấp sơ thẩm, bà H.  có đơn kháng cáo yêu cầu Tòa án cấp trên xem xét lại vụ án theo trình tự phúc thẩm.

Tại Quyết định dân sự phúc thẩm số 587/2006/DS – PT ngày 13/6/2006, Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh quyết định:

Không chấp nhận yêu cầu kháng cáo của bà H.

Giữ nguyên Quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự số 67/2006/QĐ – ĐC ngày 3/4/2006 của Tòa án nhân dân quận 11.

          …

Tại Quyết định Kháng nghị số 49/2008/KN – DS ngày 20/3/2008, Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao đã kháng nghị Quyết định Phúc thẩm số 587/2006 của Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, với nhận định như sau:

Tòa  án cấp sơ thẩm và Tòa án cấp phúc thẩm cho rằng vợ chồng ông V. bà L. chỉ ủy quyền cho bà H. thực hiện giao dịch mua bán căn nhà nêu trên nên bà H. không phải là chủ thể của hợp đồng mua bán nhà và do đó bà H. không có quyền khởi kiện tranh chấp hợp đồng mua bán nhà, từ đó đã quyết định đình chỉ việc giải quyết vụ án tranh chấp hợp đồng mua bán nhà giữa bà H.  và bà M.  là không đúng pháp luật”

Từ nhận định trên, Quyết định kháng nghị đã đề nghị Tòa Dân sự - Tòa án nhân dân Tối cao xét xử giám đốc thẩm hủy quyết định phúc thẩm nêu trên và hủy quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự số 67/2006/QĐ – ĐC ngày 3/4/2006 của Tòa án nhân dân quận 11, Thành phố Hồ Chí Minh. giao hồ sơ cho Tòa án cấp sơ thẩm xét xử lại vụ án theo thủ tục chung.

Luật sư HỒ NGỌC DIỆP

Thích và chia sẻ bài viết này

Tin tức khác

Theo Dõi Trên FACEBOOK

Theo Dõi Trên Google Plus

Thống Kê