Luật sư Hồ Ngọc Diệp - Đoàn Luật sư Thành Phố Hồ Chí Minh

Thảm Án Bình Phước: Trần Đình Thoại Phạm Tội Thuộc Trường Hợp Nào?

04/05/2016, 13:04

Sau khi Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bình Phước công bố Cáo trạng truy tố ba bị can: Nguyễn Hải Dương (24 tuổi, quê An Giang), Vũ Văn Tiến (tên gọi khác là Bé, 24 tuổi, quê Bình Phước) và Trần Đình Thoại (27 tuổi, quê Vĩnh Long) về hai tội giết người và cướp tài sản, dư luận đã có những ý kiến trái chiều, liên quan đến việc xác định hành vi phạm tội của bị can Trần Đình Thoại trong vụ án này.

Phạm tội chưa đạt?

Chế định “phạm tội chưa đạt” được quy định tại Chương III, Điều 18 của Bộ luật Hình sự (BLHS) năm 1999. Theo đó, phạm tội chưa đạt là cố ý thực hiện tội phạm nhưng không thực hiện được đến cùng vì những nguyên nhân ngoài ý muốn của người phạm tội.

 Không thực hiện được tội phạm đến cùng, là trường hợp người phạm tội đã thực hiện hành vi khách quan đúng theo mô tả của cấu thành tội phạm, nhưng họ không thực hiện được hành vi phạm tội đến cùng, là vì những nguyên nhân khách quan, ngoài ý muốn của họ. Ví dụ, một người có ý định dùng dao nhọn đâm nhiều nhát vào một người để tước đoạt tính mạng của người đó, nhưng chỉ mới đâm được một nhát (đã thực hiện hành vi khách quan) thì bị người khác giữ tay lại, không đâm tiếp được nữa, và nạn nhân chỉ bị thương chứ không chết như mong muốn của người phạm tội.

Trong vụ án này, sở dĩ Dương và Thoại không thực hiện được hành vi phạm tội ngay trong lần đầu tiên đến nhà ông Mỹ, là vì cháu của ông Mỹ là Dư Minh Vỹ (đã chết trong vụ thảm án) không nghe điện thoại của Dương, nên đã không xuống nhà mở cửa như đã giao hẹn trước đó với Dương.

Tuy nhiên, không thể xem đây là nguyên nhân ngoài ý muốn, thuộc trường hợp phạm tội chưa đạt. Bởi lẽ, “sự cố” không nghe điện thoại và không mở cửa của Vỹ đã làm cho Dương và Thoại không có cơ hội để thực hiện hành vi phạm tội ngay từ đầu, chứ không phải Dương và Thoại đã thực hiện được hành vi khách quan của tội phạm, nhưng vì nguyên nhân Vỹ không mở cửa, mà các bị cáo đã không thực hiện được hành vi phạm tội đến cùng như nội dung của điều luật đã mô tả.

Vũ Văn Tiến, Nguyễn Hải Dương và Trần Đình Thoại.

Hay chuẩn bị phạm tội?

Điều 17 BLHS quy định, chuẩn bị phạm tội là hành vi tìm kiếm, sửa soạn công cụ, phương tiện hoặc tạo ra những điều kiện khác để thực hiện tội phạm. Người chuẩn bị phạm một tội rất nghiêm trọng hoặc một tội đặc biệt nghiêm trọng, thì phải chịu trách nhiệm hình sự về tội định thực hiện. 

Chuẩn bị phạm tội là một giai đoạn trong quá trình thực hiện tội phạm, nhưng khác với trường hợp phạm tội chưa đạt, ở giai đoạn này, người phạm tội chưa thực hiện hành vi thuộc mặt khách quan của cấu thành tội phạm. Ví dụ, một người có ý định đột nhập vào nhà người khác để trộm cắp tài sản nên đã chuẩn bị các vật dụng cho việc phá khoá, đồng thời quan sát, tìm hiểu kỹ quy luật đi lại của chủ nhà, nhưng sự việc bị người khác phát hiện. Vì vậy, người phạm tội đã không thực hiện được hành vi trộm cắp tài sản theo kế hoạch ban đầu.

Như vậy, từ quy định nêu trên của điều luật, có thể thấy, hành vi phạm tội của Trần Đình Thoại trong vụ án này, hoàn toàn thoả mãn các dấu hiệu thuộc trường hợp chuẩn bị phạm tội theo quy định tại Điều 17 BLHS.

Điểm cơ bản và mấu chốt để xác định hành vi của Thoại thuộc trường hợp chuẩn bị phạm tội, chính là, tại thời điểm các bị cáo gặp trở ngại khách quan (do Vỹ không mở cửa), cả Dương và Thoại đều chưa thực hiện hành vi thuộc mặt khách quan của tội giết người theo quy định tại Điều 93 BLHS.

Việc xác định đúng đắn hành vi phạm tội của Trần Đình Thoại trong vụ án này (thuộc trường hợp nào trong các giai đoạn thực hiện tội phạm) có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc xem xét trách nhiệm hình sự cũng như căn cứ để quyết định hình phạt đối với bị cáo nói chung.

Luật sư HỒ NGỌC DIỆP

(Bài viết đã đăng trên báo điện tử Người đưa tin và ấn phẩm Công lý & xã hội của TAND Tối cao)

Thích và chia sẻ bài viết này

Tin tức khác