Thủy Kính tiên sinh: Sự ẩn hiện huyền cơ trong Tam Quốc. Bài 2: Một kỳ nhân đầy bí ẩn
Trao đổi nghiệp vụ: Các vấn đề về dân sự, hôn nhân & gia đình (kỳ 3)
Tư cách tham gia tố tụng của đương sự trong vụ án ly hôn, thời hiệu khởi kiện và xác định quan hệ tranh chấp liên quan đến quyền sử dụng đất, tính hợp pháp của di chúc… là những nội dung trao đổi, giải đáp về nghiệp vụ trong kỳ này.
Câu hỏi 11. Ông C kết hôn với bà V năm 1975, có đăng ký kết hôn tại Ủy ban nhân dân xã T. Năm 1978, ông C kết hôn với bà H cũng có đăng ký kết hôn. Năm 2012, bà H nộp đơn yêu cầu xin ly hôn với ông C và bà V cũng yêu cầu Tòa án giải quyết về tài sản. Vậy bà V tham gia tố tụng với tư cách gì? Đây là vụ án ly hôn hay là việc hủy hôn nhân trái pháp luật?
Trả lời:
Ông C kết hôn lần đầu vào năm 1975 theo đúng quy định của pháp luật nên hôn nhân giữa ông C và bà V là hợp pháp.
Năm 1978 là thời điểm luật Hôn nhân gia đình năm 1959 đã có hiệu lực thi hành trong cả nước (từ 25/3/1977) nên việc ông C đang có vợ lại đăng ký kết hôn với bà H là trái pháp luật.
Tuy nhiên, hiện nay bà H không yêu cầu hủy hôn nhân giữa bà và ông C mà yêu cầu xin ly hôn, có nghĩa là yêu cầu xác định quan hệ hôn nhân giữa bà và ông C là hợp pháp và được giải quyết vấn đề tài sản như quan hệ hôn nhân hợp pháp thì Tòa án phải thụ lý vụ án ly hôn theo khởi kiện của nguyên đơn chứ không phải thụ lý vụ án về việc hủy hôn nhân trái pháp luật.
Như vậy, trong vụ án, bà H đã là nguyên đơn, ông C là bị đơn nên bà V có yêu cầu giải quyết về tài sản thì tư cách tham gia tố tụng của bà C là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.
Khi giải quyết vụ án thì căn cứ vào các quy định của pháp luật, nếu xác định là quan hệ hôn nhân trái pháp luật thì Tòa án xử hủy quan hệ hôn nhân trái pháp luật và giải quyết tài sản theo tính chất của từng mối quan hệ hôn nhân (quan hệ giữa ông C và bà V là quan hệ hôn nhân hợp pháp thì giải quyết quan hệ tài sản được hình thành từ quan hệ hôn nhân hợp pháp; quan hệ giữa ông C và bà H là quan hệ hôn nhân không hợp pháp thì chia tài sản chung giữa những người không có quan hệ hôn nhân, không được công nhận quan hệ vợ chồng).
Điều 17 Luật Hôn nhân và gia đình quy định về hậu quả của việc hủy việc kết hôn trái pháp luật là:
“1. Khi việc kết hôn trái pháp luật bị hủy thì hai bên nam, nữ phải chấm dứt quan hệ như vợ chồng.
2. Quyền lợi của con được giải quyết như trường hợp cha mẹ ly hôn.
3. Tài sản được giải quyết theo nguyên tắc tài sản riêng của ai thì vẫn thuộc quyền sở hữu của người đó; tài sản chung được chia theo thỏa thuận của các bên; nếu không thỏa thuận được thì yêu cầu Tòa án giải quyết, có tính đến công sức đóng góp của mỗi bên; ưu tiên bảo vệ quyền lợi chính đáng của phụ nữ và con.”
Cũng lưu ý là: Bà V có quan hệ hôn nhân hợp pháp với ông C nên quan hệ tài sản giữa hai người là quan hệ tài sản theo quy định của hôn nhân hợp pháp. Bà V có quyền xin ly hôn và chia tài sản chung và cũng có thể không yêu cầu ly hôn nhưng vẫn có quyền yêu cầu chia tài sản chung (chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân theo quy định tại Điều 29 Luật Hôn nhân và gia đình).
Câu hỏi 12.
Ông A và bà B sinh được 5 người con là C, D, H, E và G. Cả 5 người con đều đã có gia đình riêng. Năm 2002, bà B chết. Năm 2006, ông A chết. Năm 2004, ông A có di chúc để lại tài sản cho người con gái út là chị G. Bản di chúc này do chị G viết theo lời của ông A. Hai ngày sau, chị G đưa cho chị D và chị H ký và hai mươi ngày sau đưa bản di chúc cho chính quyền địa phương xác nhận.
Những người con khác không đồng ý với bản di chúc nên đã khởi kiện yêu cầu Tòa án chia thừa kế theo pháp luật. Hỏi bản di chúc như trên có hợp pháp không?
Trả lời:
Di chúc được lập vào năm 2004 nên việc xác định di chúc hợp pháp phải căn cứ vào pháp luật có hiệu lực thi hành ở thời điểm lập di chúc là BLDS năm 1995. Trong trường hợp di chúc của ông A có đủ các điều kiện hợp pháp nhưng quyết định cả về di sản của bà B thì di chúc của ông A cũng chỉ có hiệu lực với phần di sản của ông A.
Khoản 1 Điều 655 BLDS năm 1995 quy định:
“1. Di chúc được coi là hợp pháp phải có đủ các điều kiện sau đây:
a) Người lập di chúc minh mẫn, sáng suốt trong khi lập di chúc; không bị lừa dối, đe doạ hoặc cưỡng ép;
b) Nội dung di chúc không trái pháp luật, đạo đức xã hội; hình thức di chúc không trái quy định của pháp luật.”
Khoản 1 trên đây là quy định về điều kiện hợp pháp của bản di chúc nói chung.
Từ Khoản 2 đến Khoản 5 Điều 655 BLDS năm 1995 là quy định về việc lập di chúc hợp pháp đối với một số trường hợp đặc biệt.
Di chúc của ông A được làm vào năm 2004, năm 2006 ông A mới chết. Khoản 2 Điều 654 BLDS năm 1995 về di chúc miệng quy định: “Sau ba tháng, kể từ thời điểm di chúc miệng mà người di chúc còn sống, minh mẫn, sáng suốt thì di chúc miệng mặc nhiên bị huỷ bỏ”. Do đó, di chuc của ông A lập năm 2004 không được công nhận là di chúc miệng hợp pháp.
Điều 659 BLDS năm 1995 về di chúc bằng văn bản có người làm chứng quy định: “ Trong trường hợp người lập di chúc không thể tự mình viết bản di chúc thì có thể nhờ người khác viết, nhưng phải có ít nhất là hai người làm chứng. Người lập di chúc phải ký hoặc điểm chỉ vào bản di chúc trước mặt những người làm chứng; những người làm chứng xác nhận chữ ký, điểm chỉ của người lập di chúc và ký vào bản di chúc”.Trong trường hợp này có hai người làm chứng nhưng hai người này lại thuộc trường hợp pháp luật quy định không được làm chứng vì là người hưởng thừa kế nên đây cũng không được coi là di chúc bằng văn bản có người làm chứng hợp pháp.
Đối với trường hợp di chúc có chứng thực thì Khoản 1 Điều 661 BLDS năm 1995 quy định:
“Việc lập di chúc tại cơ quan công chứng hoặc Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn phải tuân theo thủ tục sau đây:
1. Người lập di chúc tuyên bố nội dung của di chúc trước công chứng viên hoặc người có thẩm quyền chứng thực của Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn. Công chứng viên hoặc người có thẩm quyền chứng thực phải ghi chép lại nội dung mà người lập di chúc đã tuyên bố. Người lập di chúc ký hoặc điểm chỉ vào bản di chúc sau khi xác nhận bản di chúc đã được ghi chép chính xác và thể hiện đúng ý chí của mình. Công chứng viên hoặc người có thẩm quyền chứng thực của Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn ký vào bản di chúc.”
Như vậy, di chúc có chứng thực được coi là hợp pháp khi người lập di chúc là người trực tiếp thể hiện ý chí, thể hiện nội dung bản di chúc trước người có thẩm quyền chứng thực. Trường hợp này bản di chúc lại do chị G mang đến chính quyền địa phương để xác nhận nên đây cũng chưa phải là bản di chúc hợp pháp.
Ngoài ra, hình thức của di chúc này cũng không phù hợp với một loại di chúc nào khác được quy định trong BLDS năm 1995 nên nó không đủ điều kiên công nhận hợp pháp.
Câu hỏi 13. Trong vụ án tranh chấp quyền sử dụng đất, người anh có tên trong sổ mục kê và bản đồ địa chính nhưng không sử dụng đất mà người em đã sử dụng đất đó và làm nhà ở từ năm 1980 cho đến nay. Người em đã có tên trong bản đồ địa chính được lập năm 1994-1995. Đến năm 2007, người em được nhà nước cấp GCNQSDĐ. Năm 2012, người anh mới khởi kiện yêu cầu người em trả lại đất. Tòa án có cơ sở chấp nhận yêu cầu của người anh không?
Trả lời:
Quyền sử dụng đất của cá nhân được hình thành do được Nhà nước giao quyền sử dụng đất, được thừa kế quyền sử dụng đất, được chuyển nhượng quyền sử dụng đất, và còn được hình thành do được Nhà nước công nhận quyền sử dụng đất.
Khoản 3 Điều 4 Luật Đất đai quy định: “Nhà nước công nhận quyền sử dụng đất đối với người đang sử dụng đất ổn định là việc Nhà nước cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lần đầu cho người đó”
Trong trường hợp này, người em đã sử dụng đất liên tục, lâu dài, ổn định và đã được Nhà nước cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nên đã hình thành quyền sử dụng đất hợp pháp. Người anh tuy có tên trong sổ mục kê nhưng không quản lý, sử dụng, không thực hiện các nghĩa vụ của người sử dụng đất nên quyền sử dụng của người anh đối với diện tích đất này đã không còn tồn tại.
Khi kiện đòi lại tài sản, người kiện đòi tài sản phải chứng minh được mình là chủ sở hữu của tài sản; đối với đất thì phải chứng minh được mình là người sử dụng hợp pháp. Người anh không còn quyền sử dụng đất nữa nên Tòa án phải bác yêu cầu đòi lại đất của người anh.
Câu hỏi 14. Ông A chuyển nhượng cho ông B 100 m2 đất ở. Hợp đồng chuyển nhượng chỉ do hai bên ký nhận với nhau mà không được công chứng, chứng thực. Theo thỏa thuận, ông A đã giao giấy tờ về đất cho ông B và ông B đã thanh toán đủ tiền cho ông A. Nhưng khi ông B làm thủ tục sang tên thì bị anh C cản trở (anh C là con trai của ông A, được ông A cho làm xưởng mộc trên đất). Ông B làm đơn khởi kiện tại Tòa án. Trong quá trình giải quyết vụ án, ông A và ông B đã thỏa thuận trả lại tiền, trả lại đất cho nhau và đề nghị Tòa án công nhận sự thỏa thuận này? Tòa án có ra quyết định công nhận sự thỏa thuận của đương sự được không?
Trả lời:
Trước hết phải xác định được ông B khởi kiện là khởi kiện với nội dung gì? Từ đó mới xác định quan hệ tranh chấp có phải là quan hệ tranh chấp dân sự và có thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án hay không.
Trong trường hợp ông B yêu cầu công nhận hợp đồng chuyển nhượng hợp pháp hay là yêu cầu tuyên bố hợp đồng vô hiệu thì đều là tranh chấp dân sự. Tuy nhiên, có thuộc thẩm quyền của Tòa án hay không thì còn căn cứ vào Điều 136 Luật đất đai 2003.
Điều 136 về thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai quy định:
“1. Tranh chấp về quyền sử dụng đất mà đương sự có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc có một trong các loại giấy tờ quy định tại các khoản 1, 2 và 5 Điều 50 của Luật này và tranh chấp về tài sản gắn liền với đất thì do Toà án nhân dân giải quyết”.
Như vậy, nếu ông A có một trong những loại giấy tờ quy định tại khoản 1 Điều 50 Luật đất đai thì tranh chấp này thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án.
Đây là hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất chưa có công chứng, chứng thực nên là hợp đồng chưa có hiệu lực. Tuy nhiên, không có ai yêu cầu tiếp tục hoàn thiện việc ký kết và thực hiện hợp đồng mà chỉ thỏa thuận về giải quyết hậu quả của hợp đồng vô hiệu thì thỏa thuận này không trái pháp luật và Tòa án có thể ra quyết định công nhận sự thỏa thuận theo quy định tại Điều 187 BLTTDS.
Theo quy định tại Điều 187 BLTTDS về việc công nhận sự thỏa thuận khi có đương sự vắng mặt khi hòa giải thì: “thỏa thuận đó chỉ có giá trị đối với những người có mặt và được Thẩm phán ra quyết định công nhận nếu không ảnh hưởng đến quyền, nghĩa vụ của đương sự vắng mặt”.
Trong vụ án nêu trên, nếu ông B khởi kiện yêu cầu buộc ông A hoàn thiện và thực hiên hợp đồng chuyển nhượng đất thì ông B là nguyên đơn, ông A là bị đơn, và anh C là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Tuy nhiên, thỏa thuận trả lại tiền, trả lại đất của ông A và ông B không ảnh hưởng gì đến quyền, nghĩa vụ của anh C nên dù anh C không tham gia thỏa thuận thì Tòa án vẫn có thể công nhận thỏa thuận của ông A và ông B.
Trong trường hợp ông B khởi kiện chỉ yêu cầu tuyên bố hợp đồng vô hiệu và giải quyết hậu quả tuyên bố vô hiệu thì khởi kiện này không có liên quan đến quyền, nghĩa vụ của anh C nên anh C không phải tham gia tố tụng với tư cách người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.
(còn tiếp…)
Nguồn: CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ HỌC VIỆN TOÀ ÁN