Luật sư Hồ Ngọc Diệp - Đoàn Luật sư Thành Phố Hồ Chí Minh

Trao đổi nghiệp vụ: các vấn đề về Kinh doanh – Thương mại, Lao động (kỳ cuối)

26/09/2016, 09:29

Vấn đề Luật Công chứng có được áp dụng cho văn bản chứng thực của UBND cấp xã hay không, tính hiệu lực của hợp đồng thế chấp tài sản nhà đất thuộc sở hữu chung của hộ gia đình… là những nội dung trao đổi, giải đáp về nghiệp vụ trong kỳ này.

Câu hỏi 10. Trong vụ án tranh chấp hợp đồng tín dụng có liên quan đến việc xử lý tài sản của bên vay là xe ô tô đã thế chấp cho ngân hàng để vay vốn. Tại thời điểm Tòa án thụ lý vụ án, tài sản này đã bị bên vay giao cho người khác sử dụng và người này đã bán cho người khác không rõ địa chỉ. Người được giao sử dụng xe ô tô cố tình không đến Tòa án để khai báo. Giấy tờ đăng ký xe ngân hàng vẫn đang giữ. Khi xét xử,  quyết định xử lý tài sản thế chấp này như thế nào?

Trả lời:

Theo quy định tại Điều 348 BLDS, bên thế chấp tài sản có quyền cho thuê, cho mượn tài sản thế chấp nhưng phải thông báo cho bên thuê, bên mượn biết về việc tài sản cho thuê cho mượn đang được sử dụng để thế chấp và phải thông báo cho bên nhận thế chấp biết. Trong tình huống này, bên vay giao tài sản cho người khác sử dụng mà không thông báo cho Ngân hàng biết là giao dịch trái pháp luật.

Người được giao sử dụng chiếc ô tô không có quyền định đoạt tài sản này, do đó hợp đồng mua bán ô tô không có hiệu lực pháp luật. Tòa án phải đưa người được giao sử dụng ô tô và người mua ô tô vào tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền và nghĩa vụ liên quan và tuyên bố hợp đồng mua bán vô hiệu; người đang chiếm hữu chiếc ô tô phải trả lại cho người vay để người này thực hiện nghĩa vụ thế chấp.

Trong trường hợp, Tòa án đã áp dụng mọi biện pháp mà không tìm được người mua ô tô thì được xem như tài sản thế chấp không còn. Nếu ô tô đã bị kê biên thì những người tham gia vào việc vi phạm kê biên có thể bị xử lý về hình sự theo Điều 310 BLHS.

Câu hỏi 11.

Trong vụ án tranh chấp hợp đồng tín dụng có hợp đồng thế chấp tài sản là quyền sử dụng đất của người thứ ba được chứng thực của Chủ tịch UBND cấp xã. Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là bên có tài sản thế chấp yêu cầu Tòa án xem xét tuyên bố hợp đồng thế chấp tài sản do Chủ tịch UBND xã chứng thực vô hiệu vì không đúng trình tự, thủ tục. Tòa án có được phép cùng với việc giải quyết buộc bị đơn trả nợ vay đồng thời giải quyết luôn việc tranh chấp liên quan yêu cầu tuyên bố hợp đồng thế chấp vô hiệu trong cùng vụ án?

Khi giải quyết các tranh chấp liên quan đến yêu cầu tuyên bố văn bản do Chủ tịch UBND cấp xã chứng thực vô hiệu có được coi văn bản chứng thực như là văn bản công chứng để áp dụng các quy định của Luật công chứng và quy định tại khoản 9 Điều 25 BLTTDS không hay phải áp dụng các quy định khác của pháp luật?

Trả lời:

Khi giải quyết về hợp đồng tín dụng thì Tòa án có quyền giải quyết về hợp đồng thế chấp bảo đản cho việc thực hiện hợp đồng tín dụng. Tòa án phải phán quyết hợp dồng thế chấp đó có hợp pháp hay vô hiệu để xác định việc bảo đảm thực hiện cho hợp đồng tín dụng. Pháp luật quy định có vụ việc yêu cầu tuyên bố văn bản công chứng vô hiệu và giải quyết thành vụ án dân sự hoặc việc dân sự riêng là trường hợp chỉ có yêu cầu tuyên bố văn bản công chứng vô hiệu mà không có tranh chấp nào khác.

Khi giải quyết các tranh chấp liên quan đến yêu cầu tuyên bố văn bản do Chủ tịch UBND cấp xã chứng thực vô hiệu không thể coi văn bản chứng thực như là văn bản công chứng để áp dụng các quy định của Luật công chứng và quy định tại khoản 9 Điều 25 BLTTDS. Công chứng và chứng thực là hai hoạt động pháp lý riêng biệt được điều chỉnh bằng các quy phạm pháp luật khác nhau. Hoạt động công chứng được điều chỉnh bởi Luật công chứng năm 2006. Khi có tranh chấp hoặc yêu cầu tuyên bố văn bản công chứng vô hiệu, các bên liên quan có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết bằng vụ việc dân sự theo quy định tại Điều 25 và Điều 26 BLTTDS. Còn thẩm quyền chứng thực của cơ quan hành chính nhà nước và người có thẩm quyền của cơ quan đó được quy định cụ thể tại Nghị định số 79/2007/NĐ-CP ngày 18/5/2007 của Chính phủ. Tòa án có thể  tuyên bố văn bản do Chủ tịch UBND cấp xã chứng thực vô hiệu khi giải quyết một tranh chấp hay yêu cầu khác (như yêu cầu tuyên bố hợp đồng vô hiệu…) chứ Tòa án không có thẩm quyền giải quyết việc chứng thực vô hiệu  bằng một vụ việc riêng như yêu cầu tuyên bố văn bản công chứng vô hiệu.

Câu hỏi 12. Hộ gia đình vay vốn của ngân hàng để kinh doanh và có ký hợp đồng thế chấp tài sản là quyền sử dụng đất của hộ gia đình, nhưng các thành viên trong hộ gia đình là các con không ký vào hợp đồng thế chấp (chỉ có vợ và chồng ký), các con không biết việc vợ chồng thế chấp tài sản. Đến hạn, hộ gia đình không trả được nợ, ngân hàng khởi kiện. Khi giải quyết vụ án này, Tòa án xử lý tuyên hợp đồng thế chấp đó có vô hiệu không?

Trả lời:

Theo quy định tại Điều 109 BLDS, việc định đoạt tài sản là tư liệu sản xuất, tài sản chung có giá trị lớn của hộ gia đình phải được các thành viên từ đủ mười lăm tuổi trở lên đồng ý; đối với các loại tài sản chung khác phải được đa số thành viên từ đủ mười lăm tuổi trở lên đồng ý.

Quyền sử dụng đất của hộ gia đình có thể là quyền sử dụng đất nông nghiệp hoặc quyền sử dụng đất ở. Quyền sử dụng đất nông nghiệp được xác định là tư liệu sản xuất của hộ gia đình, quyền sử dụng đất ở được xác định là tài sản chung có giá trị lớn. Do đó, việc thế chấp quyền sử dụng đất để vay vốn ngân hàng phải được sự đồng ý của tất cả các thành viên từ đủ 15 tuổi đồng ý. Khi xem xét hợp đồng thế chấp quyền sử dụng đất, Tòa án phải xem xét độ tuổi của các con, nếu các con đã đủ 15 tuổi mà không được biết việc cha mẹ thế chấp quyền sử dụng đất, không ký tên vào hợp đồng thế chấp thì Tòa án tuyên bố hợp đồng thế chấp vô hiệu. Nếu các con đều chưa đủ 15 tuổi thì hợp đồng thế chấp vẫn có hiệu lực pháp luật.

Cũng cần lưu ý là quyền tham gia giao dịch với quyền tham gia tố tụng không phải là đồng nhất; khi tham gia tố tụng thì chủ hộ là đại diện đương nhiên của hộ gia đình (đại diện theo pháp luật) mà không cần có những thành viên khác tham gia.

Câu hỏi 13.

Công ty A và công ty B mua bán hàng hóa (sắt, thép) thông qua đơn đặt hàng (không có hợp đồng mua bán hàng hóa). Đến ngày 31/12/2008, hai bên tiến hành lập biên bản đối chiếu công nợ, trong biên bản thể hiện đến ngày 31/12/2008 công ty B còn nợ công ty A số tiền 200 triệu đồng. Đến ngày 02/6/2009, công ty B có chuyển trả cho công ty A 50 triệu đồng. Sau đó nhiều lần công ty A có văn bản yêu cầu công ty B trả số nợ còn lại (trong văn bản yêu cầu của công ty A không thể hiện đến ngày tháng năm nào sẽ phải trả). Đến ngày 15/7/2011, công ty A có văn bản yêu cầu công ty B thanh toán số tiền còn lại như trên và gửi trực tiếp cho Công ty B. công ty B đã có xác nhận (trong văn bản lần này cũng không ghi rõ đến ngày tháng năm nào sẽ phải trả cho công ty A số tiền trên).

Trường hợp như nêu ở trên thì thời hiệu khởi kiện tính từ ngày  nào? Tính lãi chậm thanh toán từ ngày nào?

Trả lời:

Khi giải quyết vụ án này, Tòa án phải căn cứ vào yêu cầu khởi kiện của công ty A để xác định thời hiệu khởi kiện.

*Trường hợp công ty A khởi kiện yêu cầu công ty B thanh toán tiền mua hàng hóa, thì xác định là tranh chấp thương mại về hợp đồng mua bán hàng hóa. Thời hiệu khởi kiện áp dụng đối với các tranh chấp thương mại là hai năm, kể từ thời điểm quyền và lợi ích hợp pháp bị xâm phạm (Điều 319 Luật Thương mại).

Thời hiệu khởi kiện được tính từ ngày quyền và lợi ích hợp pháp bị xâm phạm, cụ thể trong vụ án này là kể từ ngày công ty B vi phạm nghĩa vụ thanh toán. Điều 50 Luật thương mại quy định bên mua có nghĩa vụ thanh toán tiền mua hàng và nhận hàng theo thỏa thuận. Trong tình huống, các bên không thỏa thuận thời hạn thanh toán, do đó bên mua có nghĩa vụ thanh toán cho bên bán vào thời điểm bên bán giao hàng hoặc giao chứng từ liên quan đến hàng hoá (Điều 55 Luật Thương mại). Nghĩa là, sau khi công ty A giao hàng mà công ty B không thanh toán là công ty B đã vi phạm nghĩa vụ thanh toán. Việc hai bên đối chiếu xác nhận nợ vào ngày 31/12/2008, mà không đề cập đến thời hạn thanh toán thì ngày này cũng không được xác định là ngày vi phạm nghĩa vụ thanh toán.

Tuy nhiên, công ty B mua hàng hóa của công ty A nhiều lần do đó hành vi xâm phạm xảy ra ở nhiều thời điểm khác nhau. Theo hướng dẫn tại Nghị quyết số 03/2012/NQ-HĐTP ngày 03/12/2012 của Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao thì thời điểm bắt đầu thời hiệu khởi kiện được tính từ thời điểm cuối cùng xảy ra hành vi vi phạm, tức là ngày cuối cùng công ty B nhận được hàng. Mặc dù công ty A đã nhiều lần có văn bản yêu cầu công ty B thanh toán, nhưng trong văn bản không quy định thời hạn thanh toán, nghĩa là không có việc thỏa thuận gia hạn thanh toán, do đó thời điểm vi phạm nghĩa vụ vẫn được xác định là ngày cuối cùng công ty A nhận được hàng, chứ không phải là ngày bên A nhận được văn bản yêu cầu thanh toán cuối cùng của công ty B.

*Trường hợp đã hết thời hiệu khởi kiện về tranh chấp hợp đồng mua bán hàng hóa mà công ty A khởi kiện yêu cầu công ty B trả số tiền 150 triệu còn nợ:

Tòa án phải xác định rằng, việc hai bên đã lập biên bản đối chiếu công nợ là khẳng định công ty B còn nợ công ty A 200 triệu đồng chứ không đơn thuần là có nghĩa vụ thanh toán theo hợp đồng. Ngày 02/9/2013 công ty B đã trả được 50 triệu đồng. Công ty A kiện đòi 150 triệu đồng được xác định là kiện đòi lại tài sản do người khác quản lý, chiếm hữu, áp dụng Điều 159 BLTTDS và hướng dẫn tại Nghị quyết số 03/2012/NQ-HĐTP thì không hạn chế thời hiệu khởi kiện với tranh chấp này.

Về tính lãi chậm thanh toán, Điều 306 Luật Thương mại quy định trường hợp bên vi phạm hợp đồng chậm thanh toán tiền hàng hay chậm thanh toán thù lao dịch vụ và các chi phí hợp lý khác thì bên bị vi phạm hợp đồng có quyền yêu cầu trả tiền lãi trên số tiền chậm trả đó theo lãi suất nợ quá hạn trung bình trên thị trường tại thời điểm thanh toán tương ứng với thời gian chậm trả, trừ trường hợp có thoả thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác. Lãi chậm thanh toán được tính từ ngày vi phạm nghĩa vụ thanh toán.

Câu hỏi 14. Khi giải quyết tranh chấp lao động cá nhân về bồi thường thiệt hại giữa người lao động và người sử dụng lao động, hòa giải viên lao động đã hòa giải thành; các bên đã thực hiện đúng theo biên bản hòa giải thành nhưng sau đó người lao động thấy không thỏa đáng nên đã khởi kiện ra Tòa án, yêu cầu người sử dụng lao động bồi thường thêm. Trường hợp này, Tòa án có thụ lý đơn khởi kiện để giải quyết hay không?

Trả lời:

Theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 201 Bộ luật lao động (BLLĐ) năm 2012 và điểm b khoản 1 Điều 31 BLTTDS thì tranh chấp lao động cá nhân về bồi thường thiệt hại giữa người lao động và người sử dụng lao động không phải thông qua thủ tục hòa giải của Hòa giải viên lao động trước khi yêu cầu Tòa án giải quyết. Trong trường hợp này, pháp luật cho phép các bên quyền lựa chọn giải quyết tranh chấp bằng con đường hòa giải của Hòa giải viên lao động hoặc khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết. Tuy nhiên, các bên đã lựa chọn phương án giải quyết tranh chấp thông qua thủ tục hòa giải và Hòa giải viên lao động đã hòa giải thành; các bên đã thực hiện đúng theo biên bản hòa giải thành. Như vậy, có đủ cơ sở xác định tranh chấp lao động đó đã được giải quyết.

Tại khoản 4 Điều 201 BLLĐ năm 2012 quy định:  “Trường hợp ... một trong hai bên không thực hiện các thỏa thuận trong biên bản hòa giải thành ... thì mỗi bên tranh chấp có quyền yêu cầu Toà án giải quyết”.

Tại khoản 1 Điều 31 BLTTDS quy định những tranh chấp về lao động thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án là: Tranh chấp lao động ...mà ... hòa giải viên lao động ... hòa giải thành nhưng các bên không thực hiện hoặc thực hiện không đúng…”

Căn cứ vào các quy định nêu trên thì người lao động có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết khi một hoặc các bên không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nội dung đã thỏa thuận trong biên bản hòa giải thành. Người lao động khởi kiện đòi bồi thường thêm, thì yêu cầu đó vượt quá phạm vi nội dung mà các bên đã thỏa thuận và cần xác định người lao động không có quyền khởi kiện đòi bồi thường thêm. Căn cứ vào điểm a khoản 1 Điều 168 BLTTDS, Tòa án trả lại đơn khởi kiện.

Câu hỏi 15. Công ty TNHH A chưa nộp tiền bảo hiểm xã hội cho người lao động. Khi có tranh chấp xảy ra, Cơ quan Bảo hiểm xã hội khởi kiện Công ty A  về việc nợ tiền bảo hiểm xã hội. Đây là tranh chấp dân sự hay tranh chấp lao động? Khi Cơ quan Bảo hiểm xã hội khởi kiện có phải nộp tiền tạm ứng án phí và án phí không?

Trả lời:

Xét về bản chất, việc Cơ quan Bảo hiểm xã hội khởi kiện yêu cầu doanh nghiệp thực hiện nghĩa vụ nộp tiền bảo hiểm xã hội là tranh chấp về thực hiện nghĩa vụ dân sự. Tuy rằng việc xác định loại quan hệ tranh chấp trong trường hợp này không ảnh hưởng đến vấn đề giải quyết nội dung yêu cầu khởi kiện, nhưng ngay từ khi thụ lý vụ án, Tòa án phải chỉ rõ: vụ việc có thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án hay không, theo quy định tại điều khoản nào của BLTTDS.

Tranh chấp về bảo hiểm xã hội là loại việc tranh chấp có liên quan trực tiếp đến quan hệ lao động. Điểm d Khoản 1 Điều 201 BLLĐ năm 2012 đã khẳng định:

“1. Tranh chấp lao động cá nhân phải thông qua thủ tục hòa giải của hòa giải viên lao động trước khi yêu cầu tòa án giải quyết, trừ các tranh chấp lao động sau đây không bắt buộc phải qua thủ tục hòa giải:

d) Về bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội, về bảo hiểm y tế theo quy định của pháp luật về bảo hiểm y tế.”

Tại Điểm d Khoản 1 Điều 31 BLTTDS  Những tranh chấp về lao động thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án bao gồm:

“d) Về bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật về lao động”.

Về nội dung này, tại Công văn số 143/TANDTC-KHXX ngày 21/9/2011 của TAND tối cao cũng đã có hướng dẫn. Theo nội dung của Công văn, trong trường hợp Cơ quan Bảo hiểm xã hội khởi kiện cần căn cứ quy định tại Điểm d Khoản 1 Điều 31 của BLTTDS để xác định thẩm quyền của Tòa án. Do đó, có đủ căn cứ để xác định: Tranh chấp giữa cơ quan Bảo hiểm xã hội với Doanh nghiệp A về khoản nợ tiền bảo hiểm xã hội là tranh chấp lao động.

- Về tạm ứng án phí, án phí:

Tại khoản 2 Điều 10 Pháp lệnh án phí, lệ phí Tòa án quy định: “2. Cơ quan, tổ chức khởi kiện vụ án dân sự để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người khác, lợi ích công cộng, lợi ích của Nhà nước”, không phải nộp tạm ứng án phí, án phí.

Tại Công văn số 143/TANDTC-KHXX ngày 21/9/2011 của Tòa án nhân dân tối cao đã hướng dẫn: “Cơ quan Bảo hiểm xã hội khởi kiện vụ án dân sự để bảo vệ lợi ích công cộng, lợi ích của nhà nước theo lĩnh vực mình phụ trách không phải nộp tiền tạm ứng án phí, án phí”.

Như vậy, trong trường hợp này, Cơ quan Bảo hiểm xã hội không phải nộp tiền tạm ứng án phí, án phí.

Nguồn: TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ HỌC VIỆN TOÀ ÁN

Thích và chia sẻ bài viết này

Tin tức khác

Theo Dõi Trên FACEBOOK

Theo Dõi Trên Google Plus

Thống Kê