Vụ chai Number One có ruồi: Cần nhìn dưới góc độ khác.
Thực tiễn xét xử vẫn có những trường hợp Hội đồng xét xử (HĐXX) phúc thẩm xem xét giảm án cho cả những bị cáo kháng cáo kêu oan, nhưng số lượng không nhiều và có tính chất “nhiệm ý” chứ không phải là một nguyên tắc (bắt buộc) thuộc phạm vi xét xử phúc thẩm
Khởi đi từ vụ án Võ Văn Minh can tội “ Cưỡng đoạt tài sản” của Công ty Tân Hiệp Phát, vấn đề “bị cáo chỉ kêu oan thì tòa phúc thẩm không giảm án” tiếp tục được các luật sư, chuyên gia pháp lý lên tiếng tranh luận.
Theo đó, phần lớn các ý kiến đều viện dẫn các quy định pháp luật về thẩm quyền của toà án cấp phúc thẩm trong việc sửa bản án sơ thẩm (theo hướng giảm nhẹ hình phạt) để cho rằng, cấp phúc thẩm có quyền sửa bản án sơ thẩm theo hướng giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo, kể cả trong trường hợp bị cáo chỉ kháng cáo kêu oan mà không có yêu cầu xem xét giảm nhẹ hình phạt.
Thế nhưng, trong vụ việc cụ thể này, HĐXX phúc thẩm cho rằng, do bị cáo chỉ kháng cáo kêu oan nên HĐXX không xem xét việc giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo. Vì vậy, vấn đề đặt ra ở đây không phải là cấp phúc thẩm có quyền giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo hay không, mà là HĐXX phúc thẩm có nghĩa vụ xem xét việc giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo hay không.
Từ cách tiếp cận trên, chúng tôi cho rằng, không chỉ riêng vụ án này mà đối với bất kỳ vụ án nào, nếu bị cáo chỉ kháng cáo kêu oan mà không có yêu cầu xem xét giảm nhẹ hình phạt thì về nguyên tắc HĐXX phúc thẩm không có trách nhiệm (hay nghĩa vụ) xem xét việc giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo. Ý niệm này dựa trên những căn cứ pháp lý sau đây:
Thứ nhất, quy định tại điều 241 BLTTHS về phạm vi xét xử phúc thẩm.
Theo đó, toà án cấp phúc thẩm chủ yếu xem xét về nội dung kháng cáo, kháng nghị, chỉ trong những trường hợp cần thiết, cấp phúc thẩm mới xem xét các phần khác không bị kháng cáo kháng nghị của bản án.
Thứ hai, nguyên tắc tranh tụng tại phiên toà.
Theo đó, HĐXX ra bản án dựa trên kết quả tranh tụng, nên chỉ có những nội dung, vấn đề nào bị cáo có kháng cáo và được đưa ra tranh tụng trực tiếp tại phiên tòa thì HĐXX mới có nghĩa vụ xem xét, quyết định đối với nội dung, vấn đề đó. Vì vậy, nếu bị cáo chỉ kháng cáo kêu oan mà không có yêu cầu xem xét giảm nhẹ hình phạt thì toà án cấp phúc thẩm cũng không có nghĩa vụ xem xét vấn đề này.
Ngoài ra, cũng cần lưu ý rằng, trong tất cả các trường hợp giảm nhẹ hình phạt được quy định trong BLTTHS, nhà làm luật bao giờ cũng có cụm từ mang tính giả định là “nếu có căn cứ”, mà để biết có căn cứ hay không thì theo nguyên tắc tranh tụng, các tình tiết, sự kiện liên quan đến tính “có căn cứ” đó, phải được đưa ra xem xét tại phiên toà.
Như vậy có thể thấy, quan niệm về việc HĐXX phúc thẩm phải có trách nhiệm tự mình xem xét, đánh giá các tình tiết giảm nhẹ để quyết định việc giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo mà không thông qua nội dung kháng cáo, kháng nghị cũng như sự đề xuất của bị cáo hay đại diện Viện kiểm sát tại phiên toà, là không hợp lý và có vẻ như trái với các quy định của pháp luật tố tụng hiện hành.
Luật sư HỒ NGỌC DIỆP