Luật sư Hồ Ngọc Diệp - Đoàn Luật sư Thành Phố Hồ Chí Minh

Những nhân vật cải cách trong lịch sử : 1 - Họ Khúc

08/09/2016, 09:07

Cải cách, đổi mới để phát triển đất nước là xu thế tất yếu trong lịch sử. Trong lịch sử Việt Nam cũng đã có nhiều cuộc cải cách, đổi mới cả về kinh tế- xã hội, hành chính, chế độ...

Những tài liệu dưới đây được trích từ báo Quảng Nam giới thiệu những nhân vật (và những trào lưu) nổi bật trong lịch sử Việt Nam của GS. sử học Văn Tạo, hầu giúp độc giả ôn lại trang sử cũ, vừa gửi một thông điệp cho những ai quan tâm đến tình hình cải cách, đổi mới hiện nay.

Bên cạnh những bài học quí từ thành công lẫn thất bại trong những cuộc cải cách trong lịch sử nhằm chấn hưng đất nước mà người xưa gửi lại cho hậu thế, còn một điều nhắn gửi đâu đó nữa: đó là vai trò cá nhân của những người trực tiếp nắm giữ vận mệnh của dân tộc. Rằng, quyền lực và danh vọng của mỗi cá nhân mang giữ trọng trách có thể tan biến theo thời gian, nhưng niềm vinh quang hay nỗi ô nhục mà họ đem lại sẽ còn hằn mãi lên gương mặt của cộng đồng.

Cuộc cải cách của họ Khúc

Thời điểm lịch sử thực hiện cải cách là : sau hơn một thiên niên kỷ đấu tranh chống ngoại xâm, đến những năm cuối thế kỷ IX đầu thế kỷ X, lực lượng ta cả về chính trị, quân sự, kinh tế, văn hóa... đã mạnh hơn xưa. Bọn thống trị ngoại xâm đã suy yếu do cuộc khủng hoảng Hậu Đường và sự phản kháng mạnh mẽ của dân tộc ta. Nhân cơ hội đó, Khúc Thừa Dụ đứng lên nắm quyền tự chủ dân tộc.

Họ Khúc nắm được khâu trọng yếu là cải cách cơ cấu hành chính. Trước đó cơ cấu hành chính do bọn xâm lược dựng lên là theo phương thức "nắm từ trên xuống”, từ tiết độ sứ đến quân lệnh... mục đích là để đàn áp, bóc lột. Nay họ Khúc thay bằng cơ cấu hành chính "nắm từ dưới lên", nắm từ cơ sở là cấp xã và trên thì thay chế độ “quận, huyện, hương" của nhà Đường bằng cơ chế mới.

Giao Châu trước chia thành quận, huyện. Dưới huyện là hương và xã. Hương có đại hương (160-540 hộ), tiểu hương (70-150 hộ). Xã có đại xã (40-60 hộ), tiểu xã (10-30 hộ). Nhưng bọn thống trị chưa bao giờ với tay được đến xã và không đặt được chức xã quan. Họ Khúc đã đặt ra các chức "chánh lệnh trưởng” và “tá lệnh trưởng” - tức các xã quan trông coi các xã... Trên xã là "hương" thì Khúc Hạo đã đổi "hương" thành "giáp", mỗi giáp có khoảng gần 10 xã. Lại “định ra hộ tịch”, "lập sổ khai hộ khẩu, kê rõ họ tên, quê quán" nhằm nắm vững dân số và thông hiểu dân tình, điều mà đô hộ nhà Đường không thể nào làm được (biện pháp này cho đến nay chúng ta vẫn còn thực hiện).

Cùng với trọng tâm cải cách hành chính, đã tiến hành cả cải cách kinh tế, văn hóa, xã hội. Về kinh tế, thực hiện chính sách "Bình quân thuế ruộng, tha bỏ lực dịch”. Nếu trước kia bọn đô hộ bóc lột siêu kinh tế, mặc sức vơ vét của dân, nhiều tầng thu và thu nhiều loại thuế, thì nay họ Khúc căn cứ vào cách phân phối ruộng đất theo chế độ công xã (tức toàn bộ ruộng đất đều là công hữu, được phân chia cho các hộ canh tác), đánh thuế một cách bình quân theo ruộng đất mà các hộ được phân chia. Bỏ hẳn thuế đinh. Người thu thuế không phải là xã quan tức chánh lệnh trưởng hay tá lệnh trưởng mà là phó tri giáp, theo mô hình cống nạp liên danh của phương thức sản xuất châu Á, khắc phục được sự phiền hà sách nhiễu của các xã quan cũng như nạn thu thuế nhiều tầng nhiều loại trước đó, tránh cả được nạn thất thu cho ngân sách Giao Châu.

Còn lực dịch trước là một thứ khổ sai, bắt dân đi mò trai lấy ngọc, săn voi lấy ngà... nay họ Khúc thực hiện "tha bỏ lực dịch". Đó là một sự “cởi trói cho dân”, có tác dụng to lớn đến việc thu phục nhân tâm, ổn định xã hội.

Chính lệnh về văn hóa xã hội được ghi vắn tắt là "khoan, giản, an, lạc”. Khoan là khoan sức cho dân. Giản là quản lý giản dị, gần dân sao cho dân dễ hiểu, dễ thấm, dễ thực hành... An là đem lại bình yên cho cuộc sống. Chính quyền nắm sát dân đến tận xã, quản lý hộ khẩu, hộ tịch, giúp ích cho việc giữ vững trật tự trị an... Lạc là hệ quả cuối cùng của các biện pháp trên, nhờ thực hiện cải cách mà "Nhân dân đều được yên vui” bớt được hờn, giận, oán, sầu...

Thành công và hiệu quả lâu dài của cải cách là đem lại sự vững vàng và ổn định cho đất nước. Đối nội là củng cố và phát huy được quyền độc lập tự chủ. Đối ngoại chống lại được mọi kẻ thù, giữ được chính quyền trong mấy chục năm, tạo tiền đề thuận lợi cho các bước phát triển của đất nước.

Nếu sau các cuộc nổi dậy của Hai Bà Trưng, Lý Bôn, Triệu Quang Phục... trước đây, dân tộc ta chỉ giữ được chính quyền trong một thời gian ngắn rồi lại bị bọn xâm lược quay lại thống trị, thì nay cuộc giành chính quyền và cải cách của họ Khúc đã mở đầu cho một quá trình liên tục đấu tranh giành cho kỳ được độc lập dân tộc.

GS. VĂN TẠO
=====

Khúc Thừa Dụ (chữ Hán: 曲承裕; trị vì: 905-907) là người đặt cơ sở cho nền độc lập dân tộc Việt sau gần 1000 năm bị các triều đại Trung Hoa đô hộ.

Ông quê ở Hồng Châu (Ninh Giang, Hải Dương). Là một dòng họ lớn lâu đời. Ông sống khoan hòa, hay thương người, được dân chúng mến phục.

Cuối thế kỷ 9, chính quyền trung ương nhà Đường suy yếu nghiêm trọng. Nạn cát cứ của quân phiệt địa phương ngày càng ác liệt. Khởi nghĩa Hoàng Sào (874-884) đã làm triều đình nhà Đường rung chuyển.

Cuối thế kỷ 9, đầu thế kỷ 10, nhà Đường suy yếu, rơi vào tay quyền thần Chu Toàn Trung, các thế lực cát cứ nổi lên đánh giết lẫn nhau, tạo ra thế chia cắt 5 đời 10 nước (Ngũ đại Thập quốc). Ở An Nam (lúc đó nhà Đường đổi gọi là Tĩnh Hải quân), Tiết độ sứ Chu Toàn Dục đã rất độc ác mất lòng người, bị gọi là "Ngục Thượng thư" (thượng thư ác). Sau đó Độc Cô Tổn thay Chu Toàn Dục, ông lại không cùng phe với Chu Ôn nên chỉ vài tháng lại bị Chu Ôn dời tiếp ra đảo Hải Nam và giết chết. An Nam do đó không có người của nhà Đường cử đến cai quản.

Khúc Thừa Dụ, khi đó là Hào trưởng Chu Diên, được dân chúng ủng hộ, đã tiến quân ra chiếm đóng phủ thành Đại La (Tống Bình cũ - Hà Nội), tự xưng là Tiết độ sứ.

Việt sử thông giám cương mục (Tiền biên, quyển 5) viết: "Họ Khúc là một họ lớn lâu đời ở Hồng Châu. Khúc Thừa Dụ tính khoan hòa, hay thương người, được dân chúng suy tôn. Gặp thời buổi loạn lạc, nhân danh là hào trưởng một xứ, Thừa Dụ tự xưng là Tiết độ sứ...".

Sau khi đã nắm được quyền lực thực tế trên đất Tĩnh Hải quân, ông đã cho xây dựng chính quyền dựa trên danh xưng của chính quyền đô hộ nhà Đường, nhưng thực chất là một chính quyền độc lập và do người Việt quản lý. Ông khéo léo dùng danh nghĩa "xin mệnh nhà Đường" buộc triều đình nhà Đường phải công nhận chính quyền của ông. Ngày 7 tháng 2 năm 906, vua Đường phong thêm cho Tĩnh Hải quân Tiết độ sứ Khúc Thừa Dụ tước "Đồng bình chương sự". Sau đó, Khúc Thừa Dụ tự lấy quyền mình, phong cho con là Khúc Hạo chức vụ "Tĩnh Hải hành quân tư mã quyền tri lưu hậu", tức là chức vụ chỉ huy quân đội và sẽ kế vị quyền Tiết độ sứ.

Ngày 23 tháng 7 năm 907, Khúc Thừa Dụ mất. Con ông là Khúc Hạo lên kế vị. Dù ông không xưng vương xưng đế, nhưng đời sau nhớ ơn và gọi ông là Khúc Tiên chủ..

Khúc Thừa Dụ được xem là người mở đầu cho chính sách ngoại giao khôn khéo của người Việt đối với triều đình phương Bắc: "độc lập thật sự, thần thuộc trên danh nghĩa". Tuy còn chính quyền vẫn còn mang danh hiệu của nhà Đường, nhưng về thực chất, Khúc Thừa Dụ đã xây dựng một chính quyền tự chủ, về cơ bản kết thúc ách thống trị hơn 1.000 năm của phong kiến phương Bắc. Lịch sử ghi nhận công lao của ông như là người đầu tiên đặt cơ sở lấy lại nền độc lập dân tộc từ khi nước Nam Việt rơi vào tay nhà Hán.

Nguồn: BÁO QUẢNG NAM

Thích và chia sẻ bài viết này

Tin tức khác