Luật sư Hồ Ngọc Diệp - Đoàn Luật sư Thành Phố Hồ Chí Minh

Những nhân vật cải cách trong lịch sử : 2 - Lý Công Uẩn

10/09/2016, 07:28

Sự nghiệp đổi mới của Lý Công Uẩn là sự mở đầu và có hiệu quả lâu dài nhất trong lịch sử dân tộc: Từ “Đổi mới triều đại đến đổi mới đế đô, đổi mới xã hội", trong đó đổi mới đế đô là cơ bản. Nhìn lại có thể coi đó là: “Nắm khâu chủ yếu để tiến hành đổi mới mà trước hết là đổi mới tư duy (biểu hiện ở "Chiếu dời đô”).

Đổi mới triều đại

Đầu thế kỷ XI, triều Tiền Lê lâm vào khủng hoảng sâu sắc, từ khủng hoảng xã hội dẫn đến khủng hoảng cung đình. Năm 1005, Lê Long Việt được Lê Đại Hành truyền ngôi cho, lên ngôi được 3 ngày đã bị em (con thứ cùng mẹ) là kẻ tham ô, tàn bạo Lê Long Đĩnh giết. Các em là Long Ngận và Long Kính chiếm giữ Phù Lan (sau là xã Phù Vệ huyện Đường Hào) vẫn chống lại triều đình. Long Đĩnh cho vây thành, lương cạn, Long Ngận bắt Long Kính đem nộp. Long Kính bị chém, Long Ngận được tha tội. Long Đĩnh lại cho quân đi đánh Ngự - Man Vương Long Đinh đang chiếm giữ Phong Châu. Long Đinh đầu hàng. Long Đĩnh (Lê Ngọa Triều) chiếm được quyền hành thi hành những chính sách tàn bạo: Lê Văn Hưu đã ghi “Ngọa Triều giết anh, tự lập làm vua, bạo ngược với dân chúng để thỏa lòng hung ác...”. Ngô Sĩ Liên viết: “Vua làm việc càn dở, vua cướp ngôi thích dâm đãng...”. (Đại Việt sử ký toàn thư, quyển 1). Khủng hoảng xã hội, khủng hoảng cung đình đòi hỏi phải giải quyết. Lịch sử tất yếu phải dẫn đến “đổi mới triều đại": Nhà Lý thay Tiền Lê.

Từ đổi mới đế đô đến đổi mới xã hội

Năm 1010, Lý Công Uẩn lên ngôi. Đó cũng là thời điểm lịch sử mà sự nghiệp “đổi mới đế đô" đã đến độ chín muồi. Đổi mới đế đô là một sự kiện lịch sử trọng đại, có quan hệ đến tiền đồ, vận mệnh của quốc gia. “Chiếu dời đô” của Lý Thái Tổ đã nêu rõ: “Ngày xưa nhà Thương đến đời Bàn Canh 5 lần dời đô, nhà Chu đến đời Thành Vương 3 lần dời đô, há phải các vua đời Tam Đại ấy theo ý riêng tự dời đô xằng bậy đâu. Làm thế nào cốt để mưu nghiệp lớn, chọn chỗ ở giữa, làm kế cho con cháu muôn vạn đời, trên kính mệnh trời, dưới theo ý dân, nếu có chỗ tiện thì dời đổi, cho nên vận nước lâu dài, phong tục giàu thịnh".

Dời đô “cốt để mưu nghiệp lớn..., cho vận nước lâu dài, phong tục giàu thịnh". Rõ ràng việc dời đô ra Thăng Long có ý nghĩa kinh tế sâu sắc. Và thực tế là, Thăng Long với thế “Rồng cuộn, hổ ngồi bốn phương tụ hội" như Chiếu dời đô nói, đã góp phần đưa kinh tế Việt Nam, sau hơn 100 năm độc lập tự chủ (từ Khúc đến Tiền Lê, 907-1009) tiến lên đáng kể. Giao thông vận tải đã có dấu hiệu mở mang. Để thông thương giữa miền Bắc và miền Trung các đoạn sông đào (được gọi chung là “Kênh nhà Lê”) cứ tiếp nối nhau hoàn thành. Trước đã đào đến núi Đồng Cổ; năm 983 lại đào từ Đồng Cổ đến sông Bà Hòa (Thanh Hóa), đến năm 1003 lại vét kênh Đa Cái thông tới Hoan Châu (Nghệ An). Năm 1009, đào sông từ cửa ải Chi Long qua núi Đinh Sơn đến sông Vũ Lũng (Thanh Hóa). Có thể nói, một thị trường dân tộc thống nhất tiền tư bản chủ nghĩa xuất hiện đòi hỏi phải có một đô thị trung tâm là đế đô. Nơi đó không đâu hơn là Thăng Long.

“Chiếu dời đô" đã từ đổi mới tư duy kinh tế dẫn đến “đổi mới đế đô" - một tất yếu lịch sử phải diễn ra, tạo tiền đề thuận lợi cho đổi mới chính trị, kinh tế, văn hóa xã hội, đánh dấu một bước phát triển mới của xã hội Đại Việt, củng cố vương nghiệp nhà Lý, giữ gìn cho được độc lập dân tộc, thống nhất đất nước.

Những thành công trong dựng nghiệp của triều Lý là nguyên nhân dẫn đến thắng lợi kháng chiến chống Tống của Lý Thường Kiệt với sự ra đời của bài thơ nổi tiếng “Nam quốc sơn hà” - một bài thơ được các sử gia coi như “Bản tuyên ngôn độc lập đầu tiên" của Đại Việt.

Đó cũng là một trong những nguyên nhân để triều Lý tồn tại hơn 200 năm (1010-1225) một triều đại tồn tại lâu dài nhất trong lịch sử dân tộc. Tất cả không tách rời khỏi kết quả của sự nghiệp “đổi mới” ban đầu kể trên của Lý Công Uẩn, trong đó nổi bật nhất là “đổi mới đế đô”.

GS. VĂN TẠO
Nguồn: BÁO QUẢNG NAM

Thích và chia sẻ bài viết này

Tin tức khác