Luật sư Hồ Ngọc Diệp - Đoàn Luật sư Thành Phố Hồ Chí Minh

Khiếu nại quyết định kháng nghị giám đốc thẩm, được không?

10/06/2017, 11:43

Một luật gia vừa có đơn khiếu nại quyết định kháng nghị giám đốc thẩm của TAND Tối cao liên quan đến một vụ án dân sự về “Tranh chấp hợp đồng hứa thưởng”.

Từ phương diện tố tụng, vấn đề đặt ra là, đương sự trong vụ án dân sự có quyền khiếu nại đối với quyết định kháng nghị giám đốc thẩm không?

Luật không có quy định.

Kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm là một trong những thủ tục tố tụng được quy định tại chương XX thuộc phần thứ năm của BLTTDS quy định về thủ tục xét lại bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật.

Khác với thủ tục giải quyết vụ án dân sự tại tòa án hai cấp sơ thẩm và phúc thẩm, cho phép đương sự có quyền khiếu nại đối với một số hành vi và quyết định tố tụng nhất định. Các quy định của pháp luật về thủ tục giám đốc thẩm, hoàn toàn không có điều khoản nào ghi nhận đương sự có quyền khiếu nại đối với quyết định kháng nghị giám đốc thẩm của người có thẩm quyền kháng nghị.

Tuy nhiên, theo tinh thần quy định tại khoản 1 điều 330 BLTTDS thì đương sự có quyền cung cấp tài liệu, chứng cứ cho người có thẩm quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, nếu tài liệu, chứng cứ đó chưa được tòa án cấp sơ thẩm, tòa án cấp phúc thẩm yêu cầu đương sự giao nộp hoặc đã yêu cầu giao nộp nhưng đương sự không giao nộp được vì lý do chính đáng…

Như vậy, trong mọi trường hợp, khi người có thẩm quyền ra quyết định kháng nghị đối với bản án, quyết định đã có hiệu lực của tòa án để xem xét lại theo thủ tục giám đốc thẩm. Các bên đương sự không có quyền khiếu nại đối với quyết định này, mà chỉ có thể cung cấp hoặc giải trình thêm về nguồn gốc cũng như tính hợp pháp của chứng cứ nói chung.

Vì sao luật không quy định quyền khiếu nại ?

Để trả lời câu hỏi trên, trước hết chúng ta cần hiểu rõ tính chất của thủ tục giám đốc thẩm.

Điều 325 BLTTDS quy định: giám đốc thẩm là xét lại bản án, quyết định của tòa án đã có hiệu lực nhưng bị kháng nghị giám đốc thẩm khi có căn cứ quy định tại điều 326 của Bộ luật này.

Từ quy định nêu trên, có thể thấy, giám đốc thẩm thực chất là hoạt động xét lại bản án, quyết định đã có hiệu lực, chứ không phải hoạt động xét xử vụ án như thủ tục tố tụng tại tòa án hai cấp sơ thẩm và phúc thẩm.

Khi nói đến hoạt động GĐT, nhà làm luật không dùng khái niệm “xét xử” mà là “thủ tục xét lại bản án”. Bởi lẽ GĐT là xem xét về tính hợp pháp trong quy trình tố tụng vụ án của nội bộ hệ thống tư pháp chứ không phải phán quyết (xử) về quyền và nghĩa vụ của đương sự. Vì vậy, các đương sự không có quyền khiếu nại quyết định kháng nghị vốn là một thủ tục bắt buộc và mang tính tiền đề cho việc mở phiên tòa GĐT nhằm xét lại tính hợp pháp trong quy trình tố tụng một vụ án của nội bộ hệ thống tòa án.

Như vậy, khi một bên đương sự cho rằng, quyết định kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, có thể gây ảnh hưởng đến quyền lợi hợp pháp của mình (như không được tiếp tục thi hành bản án chẳng hạn) thì họ cũng không có quyền khiếu nại quyết định này, mà chỉ có thể cung cấp thêm tài liệu, chứng cứ để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình trong phiên tòa giám đốc thẩm sau đó mà thôi.

Luật sư HỒ NGỌC DIỆP

Thích và chia sẻ bài viết này

Tin tức khác