Luật sư Hồ Ngọc Diệp - Đoàn Luật sư Thành Phố Hồ Chí Minh

Thiết chế phản biện xã hội (1)

09/12/2016, 08:55

1. Xã hội dân sự với vai trò phản biện và vai trò trọng tài : Xã hội dân sự là một xã hội tự cân bằng. Chính sự tự cân bằng của xã hội đã tạo ra nhà nước và đặc biệt là tạo ra chức năng và nội dung của hoạt động nhà nước. Ở mỗi một thời đại, mỗi một thể chế chính trị hoặc mỗi một trình độ phát triển, nội dung của xã hội dân sự khác nhau.

Gần đây, khi nói đến xã hội dân sự người ta vẫn nói đến các tổ chức độc lập với nhà nước, tức là các tổ chức phi chính phủ. Tôi có phát biểu tại Singapore trong một cuộc hội thảo rằng tôi không đồng ý với cách định nghĩa này, vì các tổ chức phi chính phủ chỉ là một biểu hiện của xã hội dân sự chứ không phải là toàn bộ xã hội dân sự. Nó là biểu hiện ở một trạng thái phát triển nào đó, ở một số quốc gia nào đó của xã hội dân sự chứ không phải là xã hội dân sự.

Xã hội dân sự là xã hội phi nhà nước. Xã hội dân sự tồn tại song song với nhà nước. Nó có các quy tắc văn hóa để hạn chế tất cả sự cực đoan, tất cả những hành vi không phù hợp với lợi ích công cộng. Trong đời sống dân sự hàng ngày con người ít cần đến nhà nước, con người có những tổ chức phi chính phủ để thể hiện những loại hình ý chí khác nhau của cộng đồng, họ thương thảo với nhau và tạo ra sự đồng thuận xã hội. Người Á Đông chúng ta không quen với xã hội dân sự cho nên định nghĩa về xã hội dân sự của chúng ta hiện nay vẫn không đúng. Xã hội dân sự mà chúng ta định nghĩa vẫn là cái gì đó có tính chất tôn trọng nhân dân nhưng lại không tôn trọng quyền tự cân bằng của xã hội. Ở một số quốc gia, nhà nước là tất cả, luôn luôn tồn tại nhà nước để giải quyết một loạt các vấn đề mà nhà nước cho rằng xã hội dân sự không làm được. Việc pháp luật không thừa nhận tình trạng không có nhà nước trong một loạt các khu vực khác nhau của đời sống làm cho nó mất đi những điều kiện tồn tại của xã hội dân sự.

Cần phải nhấn mạnh rằng, bản chất của xã hội dân sự là tính tự lập của xã hội, tức là xã hội phải giải quyết các vấn đề của nó. Nhà nước là một bộ phận của xã hội nhằm giải quyết những vấn đề có chất lượng chiến lược của đời sống chứ không phải là người giải quyết tất cả các vấn đề của đời sống. Xã hội dân sự là một xã hội tự quản lấy mình và đến một mức độ mà nó không có khả năng để tự quản nữa thì phần còn lại đó rơi vào nhà nước chuyên nghiệp. Hay nói cách khác, nhà nước chuyên nghiệp là bộ phận nối dài của xã hội dân sự để giải quyết những công việc mà bản thân xã hội không tự giải quyết được.

Sẽ không thể có hoạt động phản biện xã hội nếu xã hội dân sự không được tôn trọng hoặc không có được địa vị hợp pháp của nó. Bởi thứ nhất, phản biện là một quyền tự nhiên, là tiếng nói của xã hội dân sự, xã hội không có địa vị hợp pháp thì có nghĩa là quyền ấy cũng không hợp pháp. Vậy làm thế nào để xã hội thực hiện quyền phản biện? Thứ hai, xã hội cũng chính là trọng tài của các cuộc phản biện, hay nói đúng hơn là trọng tài giữa các khuynh hướng khác nhau tranh luận với nhau thông qua phản biện, Sự đánh giá đúng sai được thể hiện bằng sự hoan hô của xã hội đối với từng loại ý kiến, đối với từng mức độ chất lượng của ý kiến. Nếu xã hội không được tôn trọng, xã hội không có địa vị hợp pháp thì liệu xã hội có thể tự do thể hiện sự hoan hô của mình đối với những ý kiến có chất lượng không? Và khi đó phản biện xã hội liệu có còn tác dụng? Cho nên, vấn đề ở đây là chúng ta cần phải xác định rõ vai trò và địa vị của xã hội dân sự để có được quan niệm đúng đắn về xã hội dân sự, dựa vào đó mà thức tỉnh xã hội về những quyền hợp pháp của mình, đồng thời thức tỉnh nhà nước về việc tôn trọng địa vị hợp pháp của xã hội dân sự.

2. Nhà nước với chức năng quản lý hoạt động phản biện

Như đã nói ở trên, phản biện là một đặc trưng của nền dân chủ. Chỉ có những nhà nước mạnh mẽ thì mới thừa nhận một cách công khai và rõ ràng các quyền tham gia vào đời sống chính trị của người dân. Nếu quyền tham gia vào đời sống chính trị của người dân không được khẳng định một cách tự nhiên thì đó là biểu hiện của sự bất lực hoặc sự ép của nhà nước. Tuy nhiên, khi nhà nước thừa nhận cái quyền ấy mà xã hội vẫn không tham gia thì nó thể hiện tính chậm phát triển về chính trị của xã hội. Trong tình trạng như vậy nếu nói là nhà nước không cho thì không đúng vì nó không khoa học. Trong mọi trường hợp, chúng ta đều phải phân tích một cách khoa học. Quyền tham gia một cách tự nhiên vào đời sống chính trị phải được kiểm soát một cách an toàn bởi nhà nước, bởi vì nhà nước mà không kiểm soát sự an toàn chính trị trong quá trình các lực lượng xã hội tham gia vào quá trình ấy thì nhà nước không hoàn thành chức năng của nó là bảo vệ sự yên ổn của xã hội. Nhưng nếu nhà nước làm quá lên thì nhà nước tiêu diệt năng lực sống của xã hội hay hạn chế các quyền sống tự nhiên của xã hội. Cái sai ở đây là nhà nước nhận thức sai về vùng ảnh hưởng của mình đối với sự phát triển. Anh tưởng là người dân tham gia vào các tiến trình chính trị thì đất nước sẽ không ổn định thì đó là nghĩ sai. Bắt đầu từ nghĩ sai cho nên dẫn đến làm sai. Nên hiểu rằng nếu nhân dân tham gia một cách tích cực trong khuôn khổ điều chỉnh của pháp luật vào các tiến trình chính trị thì đấy chính là mở rộng động lực phát triển của xã hội. Khi chúng ta đi khám bệnh mà không định hướng được căn bệnh thì chúng ta sẽ phạm sai lầm. Để hoàn tất các chức năng chính trị đảm bảo yên ổn xã hội, một số nhà nước đã làm quá nên làm cản trở tiến trình phát triển, cho nên, nhiệm vụ của nhà nước là phải xác định được ranh giới hợp lý của quản lý. Đo đếm cái ranh giới hợp lý giữa tự do và quản lý là toàn bộ trí tuệ của nhà cầm quyền.

Gần đây, trong xã hội chúng ta cũng xuất hiện nhiều tranh luận về vấn đề phản biện xã hội. Về phía nhà nước cũng có những chính sách vĩ mô khuyến khích phản biện xã hội, cụ thể là Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã được giao thực hiện phản biện xã hội. Đấy là những dấu hiệu tích cực. Tuy nhiên có một vấn đề nên xem xét đó là liệu có nên giao cho Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thực hiện một hoạt động vốn dĩ là quyền tự nhiên của xã hội? Như đã phân tích, phản biện xã hội là hoạt động tự nhiên của xã hội, nó thể hiện quyền tự nhiên của xã hội. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam không đủ cơ sở pháp lý cũng như khoa học để có thể thực hiện chức năng phản biện. Nó có thể lãnh đạo hoạt động phản biện nhưng nó không phải là tổ chức phản biện. Phản biện là xã hội nói tiếng nói của mình để những người đưa ra các chính sách buộc phải uốn nắn lại chính sách của mình, buộc phải cân bằng lại khuynh hướng của mình cho phù hợp với đòi hỏi của xã hội. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam không phải là một tổ chức làm được việc ấy và cũng không nên làm việc ấy. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là tổ chức tập hợp các lực lượng quần chúng của xã hội Việt Nam, có nghĩa là Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là một tổ chức nối dài của nhà nước trong đời sống quần chúng, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam bắt sâu rễ trong đời sống xã hội, do đó, nó có điều kiện để nắm bắt nguyện vọng và tổ chức cho các nguyện vọng khác nhau có tiếng nói. Cho nên, nếu nói rằng Mặt trận Tổ quốc Việt Nam hỗ trợ nhà nước trong việc tổ chức và lãnh đạo hoạt động phản biện thì mới nhất quán với hệ thống chính trị hiện nay chúng ta đang thừa nhận.

3. Giải pháp cho phản biện xã hội

Tìm kiếm sự phát triển trong thời đại ngày nay đã trở thành động cơ của tất cả các nghiên cứu khoa học. Chúng ta đi tìm các giải pháp khoa học để góp ý với giới cầm quyền trong việc tìm kiếm sự phát triển, nhưng để cho giải pháp mà chúng ta nghiên cứu trở thành giải pháp trong thực tế thì phải có giải pháp của giải pháp. Giải pháp của giải pháp là các quyền tự do. Nghiên cứu phản biện xã hội chính là nghiên cứu về quyền tự do ngôn luận, một trong những quyền tự do cơ bản. Không có quyền này thì các quyền tự do khác khó có thể trở thành hiện thực. Bởi vì như đã phân tích, ngôn luận chính là quyền tự do lựa chọn và bày tỏ về sự lựa chọn của xã hội, nếu xã hội không có quyền lựa chọn thì xã hội sẽ không có tự do. Do đó, trong quá trình tổ chức và rèn luyện nền dân chủ phản biện xã hội cần phải được biến thành một quyền phổ biến. Như đã phân tích ở những phần trên, xã hội phải có khả năng nói tiếng nói của mình nhưng nhà nước với chức năng chủ yếu của nó là đảm bảo an ninh xã hội vẫn cần có những hoạt động quản lý. Cho nên, vấn đề cần nghiên cứu là làm thế nào để hoạt động quản lý của nhà nước không lấn át xã hội đến mức tạo ra nguy cơ đẩy xã hội vào tình trạng bất hợp pháp hoặc mất năng lực phản biện. Tôi cho rằng để giải quyết được vấn đề này, chúng ta phải nhận thức một cách rõ ràng về vai trò của xã hội dân sự và mối quan hệ biện chứng giữa sự phát triển của xã hội dân sự và qui mô của nhà nước.

Đã từ lâu, tất cả chúng ta quá quen thuộc với quan điểm nhà nước là một hiện tượng lịch sử có đầu và có cuối, có nghĩa là nhà nước sẽ biến mất khi không còn giai cấp, đến mức chúng ta tin chắc rằng đó là quy luật bất di bất dịch. Đấy chính là một trong những bế tắc trong lý luận về nhà nước. Theo quan điểm của tôi, nhà nước tồn tại vĩnh viễn bởi vì xã hội tồn tại vĩnh viễn. Xã hội dân sự tồn tại vĩnh viễn, sự nối dài, sự chuyên nghiệp hoá trong việc điều hành xã hội là vai trò của nhà nước, do nhà nước thực hiện và nó tồn tại vĩnh viễn. Nhà nước không biến mất cùng bất kỳ cái gì cả trừ khi biến mất loài người. Tôi cũng không nghĩ rằng có một quy luật là xã hội càng phát triển thì vai trò của nhà nước càng thu hẹp lại. Bởi vì cuộc sống có nhiều pha, trong đó có thể sắp xếp thành hai pha cơ bản là bình thường và khủng hoảng. Trong sự phát triển bình thường, nhà nước quả thật có thể thu hẹp chức năng lại. Nhưng trong những giai đoạn khủng hoảng của đời sống phát triển, nhà nước sẽ có những chức năng mở rộng ra. Ví dụ, ở Mỹ chúng ta thấy rằng nhà nước dưới thời của Tổng thống Bill Clinton là một nhà nước thông thường. Các quyền tự do thông thường của người dân được đảm bảo và được tôn trọng một cách đầy đủ. Nhưng khi đến thời Tổng thổng Bush, sau sự kiện 11/9 thì xã hội khủng hoảng, do đó, chính phủ Mỹ buộc phải thay đổi và nó lấn át một số quyền đương nhiên của xã hội dân sự. Vì thế, tổng thống có quyền nghe lén điện thoại không phải để phục vụ những mục tiêu riêng của tổng thống mà phục vụ chức năng quản lý xã hội trong thời chiến. Cho nên, không phải là càng ngày nhà nước càng thu hẹp mà các yêu cầu của xã hội dân sự đối với vai trò của nhà nước trong mỗi một pha khác nhau của đời sống phát triển là rất khác nhau. Vì thế, không có quy luật xã hội càng phát triển thì nhà nước càng thu hẹp vai trò. Xã hội càng phát triển thì càng dễ có những sự bùng nổ, những sự bùng nổ của đời sống phát triển tạo ra những đòi hỏi mới, những đòi hỏi có thể là thu hẹp, có thể là mở rộng nhà nước. Nói cách khác, quy mô của nhà nước cũng như những chức năng của nó phát triển nhịp nhàng với sự đòi hỏi về vai trò của nhà nước của đời sống. Ở đây không có sự mâu thuẫn, vai trò của nhà nước đến đâu là do đòi hỏi điều hành của xã hội chứ không phải là nhà nước đòi hỏi xã hội phải mở rộng hoặc thu hẹp vai trò của mình. Nhà nước là một hệ thống chính trị mang chất lượng bị động đối với sự phát triển.

Theo một kết quả khảo sát thì hiện nay ở các nước phát triển, mỗi năm chính phủ giải quyết khoảng từ 350 – 450 đầu việc. Một số nước đang phát triển như Trung Quốc thì một năm chính phủ giải quyết khoảng 1200 đầu việc, ở Việt nam là khoảng 6000 – 6500 đầu việc. Nhìn nhận một cách đơn giản thì có vẻ như những kết quả nghiên cứu như vậy phản ánh rằng trình độ của xã hội càng cao thì nhà nước càng ít việc đi, nhưng nhà nước chỉ ít những việc thông thường chứ không hề ít việc trong việc tìm kiếm con đường phát triển của xã hội. Nghiên cứu vai trò của Nhà nước thông qua đầu việc chỉ là một loại nghiên cứu về trạng thái phát triển của xã hội chứ không thể là nghiên cứu về trạng thái phát triển của Nhà nước. Trạng thái phát triển của nhà nước là nó đảm bảo khả năng hướng dẫn sự phát triển xã hội của nó chứ không phải là nó làm thay xã hội những công việc hằng ngày. Kết luận rằng xã hội càng phát triển, nhà nước càng ít việc thì tôi không đồng ý. Tôi cho rằng xã hội càng phát triển thì vai trò của nhà nước càng lớn bởi vì nhà nước không còn là một bộ máy để làm những việc thông thường mà nhà nước trở thành bộ não chỉ đạo sự phát triển xã hội. Đấy chính là mục tiêu mà các nhà nước cần hướng tới.

Để đi đến mục tiêu ấy, trước hết cần phải tạo ra một tiền đề cho nó, đó chính là đưa xã hội ra khỏi tình trạng lạc hậu phổ biến của nó. Chúng ta không thể khăng khăng đổ hoàn toàn lỗi cho nhà nước rằng xã hội lạc hậu vì nhà nước tồi được, bởi vì nhà nước sản sinh ra từ chính xã hội. Ở những xã hội lạc hậu, con người không có khả năng phản biện, thậm chí cũng không có năng lực phản đối và họ thay thế sự phản đối bằng sự bất mãn yếm thế. Sự bất mãn yếm thế tạo ra trạng thái lãn công chính trị, sự lãn công chính trị dần dần tạo ra sự lười biếng chính trị, sự lười biếng chính trị là nguồn gốc của tất cả mọi sự chậm phát triển. Khi xã hội không tham gia vào các quá trình chính trị thì có hai nguyên nhân: thứ nhất là nó không đủ năng lực và trí tuệ để tham gia vào các khuynh hướng chính trị và thứ hai là nó không có quyền tham gia. Nhưng như đã nói ở trên, trong trường hợp nguyên nhân thứ hai đã được loại trừ mà xã hội vẫn không tham gia thì nó thể hiện tính chậm phát triển về chính trị của xã hội. Chính vì vậy chúng ta cần phải thức tỉnh về một thực tế là tư duy cần cho một xã hội chậm phát triển bây giờ là tư duy vượt lên trên trạng thái lạc hậu.

Trong khi nghiên cứu về Tự do, tôi thấy rằng các xã hội phương Đông không phát triển bằng phương Tây vì phương Đông thiếu tự do. Người Trung Quốc chẳng kém gì người Tây, nền văn minh Trung Hoa có trước nền văn minh châu Âu, nhưng vì không có tự do cho nên họ không ra khỏi trạng thái lạc hậu của chính mình được. Anh nghĩ về những điều cá nhân anh tâm đắc mà không biết rằng sự nghĩ của riêng anh không tạo ra sự phát triển được vì nó không tạo ra cảm hứng xã hội. Đến bây giờ, người viết về trăng hay nhất của nước Trung Hoa chỉ có hai nhà thơ là Lý Bạch và Đỗ Phủ. Một tỉ ba người dân Trung Hoa không làm thơ về trăng hay được như họ, vì con người không thể có cảm hứng trong khi người ta đang nghĩ về miếng bánh. Trong bộ phim "Phải sống" của đạo diễn Trương Nghệ Mưu, ông bác sĩ, nạn nhân của cách mạng văn hoá, mà gia đình ông Phú Quý đón về để cứu con gái mình đã chết vì ăn liền một lúc bảy cái bánh bao. Trong khi người ta mải nghĩ về cái bánh bao thì trăng chẳng có nghĩa gì cả. Cho nên, cần phải trả lại cho đời sống Tự do và làm cho con người thức tỉnh một cách tập thể về giá trị của Tự do. Và những nhà lãnh đạo mọi nước trên thế giới cần phải hiểu rằng Tự do là nguồn gốc của sự sống, nguồn gốc của việc hình thành các giá trị con người, nguồn gốc của phát triển. Không có tự do thì không có giải pháp nào, không có trí khôn nào có thể đưa một đất nước ra khỏi tình trạng chậm phát triển được.

Mặc dù là một yếu tố rất quan trọng, phản biện xã hội cũng chỉ là một trong các biểu hiện của cơ chế tập trung dân chủ, nó chỉ có ý nghĩa và giá trị khi nằm trong các tổng thể cơ chế tập trung dân chủ. Phản biện xã hội áp dụng tràn lan và cứng nhắc có thể làm mất đi tính năng động và kịp thời của quá trình điều hành xã hội. Nếu tổ chức không tốt quá trình phản biện xã hội, dẫn đến bị lợi dụng, thì có thể làm tê liệt nhất thời sự điều hành của Nhà nước. Do đó, nhìn nhận phản biện xã hội phải theo tư duy nguyên tắc, nhưng cũng phải biện chứng. Điều này rất quan trọng khi chúng ta bàn về phương thức phản biện xã hội.

(còn tiếp…)

TRÍCH DẪN TỪ TÀI LIỆU THAM KHẢO “VỀ PHẢN BIỆN XÃ HỘI” CỦA TRUNG TÂM THÔNG TIN KHOA HỌC – VIỆN NGHIÊN CỨU LẬP PHÁP

SOURCE: CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ VIÊN NGHIÊN CỨU LẬP PHÁP CỦA QUỐC HỘI

DẪN LẠI TỪ THÔNG TIN PHÁP LUẬT DÂN SỰ

 

Thích và chia sẻ bài viết này

Tin tức khác

Theo Dõi Trên FACEBOOK

Theo Dõi Trên Google Plus

Thống Kê