Luật sư Hồ Ngọc Diệp - Đoàn Luật sư Thành Phố Hồ Chí Minh

Vì sao quyền “xét xử” Tổng thống không thuộc Tòa án Hoa Kỳ?

26/09/2019, 16:16

Chủ Tịch Hạ Viện Mỹ Nancy Pelosi hôm thứ ba, ngày 24/9, tuyên bố khởi sự cuộc điều tra chính thức nhắm vào Tổng Thống Donald Trump thông qua thủ tục luận tội tại Hạ Viện nước này.

Quy trình luận tội Tổng thống.

Theo Hiến pháp Mỹ , Hạ Viện là cơ quan duy nhất có quyền tiến hành thủ tục luận tội đối với Tổng thống.

Trong khi đó, quyền phán xét đối với mọi Nghị quyết luận tội thuộc về Thượng viện. Chánh án Tòa án Tối cao có nhiệm vụ chủ trì các phiên tòa luận tội tại Thượng viện.

Tổng thống có thể bị bãi nhiệm vì tội phản quốc, hối lộ, hoặc các tội danh khác. Tuy nhiên, trên thực tế chưa từng có Tổng thống Mỹ nào bị loại bỏ do kết quả trực tiếp của việc luận tội. Tổng thống Andrew Johnson và Bill Clinton từng bị Hạ viện luận tội, nhưng không bị Thượng viện kết án.

Cuộc luận tội bắt đầu tại Hạ viện, bao gồm việc  tranh luận và bỏ phiếu về việc có nên đưa ra cáo buộc chống lại Tổng thống hay không thông qua Nghị quyết luận tội, hoặc các bài viết luận tội bởi 435 thành viên từ Hạ viện.

Nếu Hạ viện chấp thuận một Nghị quyết  về luận tội,  tiếp theo đó sẽ là một phiên tòa được tổ chức tại Thượng viện. Trong phiên tòa này, Thành viên Hạ viện đóng vai trò là công tố viên; các Thượng nghị sĩ với tư cách là Hội thẩm; Chánh án của Tòa án Tối cao Mỹ giữ vai trò chủ tọa phiên tòa.

Để kết án và bãi nhiệm một Tổng thống, bắt buộc phải có sự nhất trí của hai phần ba thành viên Thượng viện (gồm 100 ghế). Tuy nhiên, đây là vấn đề chưa từng xảy ra trong lịch sử lập quốc của Hoa Kỳ.

Vì sao không phải là Tối cao Pháp viện?

Được xem là quốc gia có hình mẫu lý tưởng về chế độ “Tam quyền phân lập”, trong đó quyền tư pháp (tài phán) là một quyền tối thượng của hệ thống tòa án Hoa Kỳ.

Vậy, lý do nào Hiến pháp Mỹ lại trao quyền “xét xử” Tổng thống cho Thượng viện mà không phải là Tối cao Pháp viện? Tại sao cơ quan lập pháp lại có quyền tư pháp? Phải chăng quy định này đã vi phạm nguyên tắc phân chia quyền lực?

Để trả lời các câu hỏi trên, chúng ta cần phải quay về với bối cảnh ra đời của Hiến pháp Mỹ.

Vào năm 1787 khi Hiến pháp Mỹ được soạn thảo, chính giới Hoa Kỳ phân chia thành hai nhóm có quan điểm khác nhau. Nhóm thứ nhất gồm những người chủ trương thành lập một chính quyền liên bang mạnh, bao gồm rất nhiều quyền lực. Đại biểu cho nhóm này (còn gọi là nhóm Federalists) là James Madison, Alexander Hamilton và John Jay.

Nhóm thứ hai gồm những người chủ trương bảo vệ quyền của tiểu bang, dù cũng nhận thức được nhu cầu phải có một chính quyền liên bang mạnh. Đại biểu cho nhóm này (còn gọi là nhóm anti – Federalists) là Patrick Henry và George Mason.

Khi bản Hiến pháp được trình cho các tiểu ban phê chuẩn, phe anti – Federalists cho in trên báo chí các luận cương chống lại chủ trương liên bang. Phe ủng hộ liên bang cũng cho ấn hành các luận cương để phản bác lập luận của phe anti – Federalists.

Luận cương về chính quyền Liên bang (the Federalists Papers) được xem là một lý thuyết chính trị về Hiến pháp trị, và người ta tìm thấy ở đó lý do tại sao Hiến pháp Mỹ lại trao quyền “xét xử” Tổng thống cho Thượng viện, thay vì Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ. Theo tác giả Lý Ba (một luật sư - nhà nghiên cứu luật học hiện làm việc tại New York) có mấy lý do cơ bản sau đây.

Thứ nhất, việc luận tội và cách chức một vị Tổng thống về bản chất là một vấn đề chính trị. Vấn đề chính trị cần phải được giải quyết bằng quá trình chính trị trong chiều hướng có trách nhiệm một cách dân chủ. Luận tội (một viên chức dân cử) bằng Thẩm phán vốn không được dân bầu lên, không phải là một giải pháp dân chủ.

Thứ hai, Tổng thống do dân bầu lên nhưng quan tòa lại không phải vậy. Đối diện với vấn đề cực kỳ khác thường này (xét xử và cách chức một Tổng thống tuyển cử dân chủ) các quan tòa không được dân bầu sẽ thiếu hẳn sự vững mạnh, uy tín và phong thái quyền lực để ra quyết nghị.

Thứ ba, cần phải vô cùng thận trọng khi quyết định xem có nên cách chức Tổng thống không. Đối diện với vấn đề quan trọng như thế, cách hay nhất là nên làm cho quá trình tạo ra quyết định càng an toàn càng tốt. Càng có nhiều người tham gia vào quá trình tạo quyết nghị, càng an toàn hơn. Trong khi đó, Tối cao Pháp viện lại có quá ít thành viên.

Cuối cùng, một phiên tòa tố tụng được điều khiển bởi Thượng viện sẽ ngăn ngừa được tình trạng “bất khả trùng tố” (một người không thể bị xử hai lần về cùng một tội). Nói cách khác, Tổng thống sẽ không bị xét xử hai lần bởi tòa án. Vì nếu Tổng thống bị cách chức, ông ta vẫn “có khả năng bị khởi tố và trừng phạt theo tiến trình luật pháp thông thường”

 Luật sư HỒ NGỌC DIỆP

 

Thích và chia sẻ bài viết này

Tin tức khác