
Nghĩ về công lý
Công lý là một khái niệm phức tạp, có nội hàm tương đối năng động và luôn là chủ đề gây tranh cãi trong các học thuyết về triết học pháp quyền phương Tây.
Theo quan niệm truyền thống, ý niệm về công lý chỉ hiện hữu trong quá trình tương giao xã hội, khi các cá nhân có hành động hướng tới người khác. Câu hỏi về công lý và bất công chỉ xuất hiện khi có nhiều cá nhân hợp quần trong cộng đồng hay một khu vực địa lý, và trong quá trình tương tác giữa họ đã nảy sinh ra những sự kiện thực tế cần giải quyết.
Một Robinson sống trên hoang đảo sẽ không cần đến công lý và cũng chẳng cần phải bận tâm đến câu hỏi công lý là gì.
1. Các quan niệm khác nhau về công lý.
Aristotle: Công lý là bình đẳng.
Người đầu tiên đưa ra ý niệm công lý mang tính hệ thống và được xem là có sức ảnh hưởng sâu rộng đến các học thuyết triết học pháp quyền sau này, là triết gia người Hy Lạp - Aristotle.
Mệnh đề mang tính công thức của ông “Đối xử như nhau với những gì giống nhau và không như nhau với những gì khác nhau” cho đến nay vẫn là xuất phát điểm của nhiều học thuyết triết học pháp quyền phương Tây.
Với quan niệm “Hạt nhân của công lý là bình đẳng” Aristotle đã phân biệt hai loại công lý, trong đó sự bình đẳng thể hiện ở hai hình thức khác nhau. Đó là, “công lý cải tạo - nơi mà tòa án sửa chữa một lỗi lầm do một bên phạm phải đối với bên khác, và công lý phân phối – thể hiện cách thức, nỗ lực để bảo đảm công bằng cho mọi người, đúng theo những gì mà mỗi người xứng đáng được hưởng”(1)
Tuy nhiên, theo Arthur Kaufmann (1923 – 2001) triết gia người Đức, chuyên về triết học pháp quyền, thì nguyên tắc bình đẳng trên của Aristotle chủ yếu mang tính hình thức. Bởi nó chỉ nói rằng, những gì giống nhau phải được đối xử như nhau và những gì khác nhau phải được đối xử khác nhau, nhưng nó lại không cho biết cái gì giống nhau và cái gì khác nhau. Trong khi đây lại là vấn đề có tầm quan trọng đặc biệt cho việc xây dựng các quy phạm pháp luật.
Ngoài ra, nguyên tắc bình đẳng tương xứng trên, cũng không nói rằng phải đối xử với cái giống nhau như thế nào và với cái không giống nhau như thế nào, mà vấn đề này lại quan trọng đối với việc quy định hậu quả pháp lý.
Cũng theo Kaufmann, không có gì trên thế gian này là hoàn toàn giống nhau và hoàn toàn khác nhau, mà chỉ ít nhiều giống nhau và khác nhau căn cứ vào một điểm so sánh… Không có một giới hạn logic giữa sự giống nhau và sự tương tự. Sự giống nhau bao giờ cũng chỉ là sự tương tự ở một góc độ nào đó.
Như vậy, sự giống nhau luôn luôn là một hành vi đánh đồng (xem như nhau) hành vi này không chỉ dựa trên nhận thức duy lý mà còn dựa trên quyền lực.
Chẳng hạn, nhà lập pháp dựa trên quyền lập pháp của mình đánh đồng trẻ sơ sinh cho đến trẻ em dưới 7 tuổi, vị thành niên từ 7 đến dưới 18 tuổi và những người trưởng thành từ 18 tuổi trở lên với nhau ở góc độ năng lực hành vi. Mặc dù ở góc độ năng năng lực hành vi thì một người 7 tuổi khác xa với một người 17 tuổi. Và trong mối quan hệ giữa ba nhóm này thì điều đó cũng còn là sự đối xử bất bình đẳng. Bởi ở đây, một người 17 tuổi một ngày trước khi tròn 18 tuổi và một người sau sinh nhật lần thứ 18 một ngày được pháp luật đối xử không giống nhau.
Tương tự như vậy, động cơ của những kẻ giết người rất khác nhau, nhưng họ đều bị đối xử giống nhau, nghĩa là đều bằng hình phạt tù chung thân hoặc tử hình
Từ những lập luận trên, Kaufmann cho rằng, nguyên tắc bình đẳng chỉ mang tính hình thức và trong những trường hợp cụ thể, nguyên tắc trên có thể gây ra những bất công. (2)
Tuy nhiên, sự chỉ trích của Kaufmann đối với quan niệm của Aristotle về bình đẳng, xem ra có phần “cực đoan” và không được thoả đáng. Bởi lẽ như chúng ta đã biết, các ý niệm về tự do, công bằng hay bình đẳng, là những phạm trù triết học mang tính lý tưởng, và con người chỉ cố gắng tiệm cận ở mức độ gần nhất có thể, chứ không bao giờ đạt đến trạng thái tự do, công bằng hay bình đẳng tuyệt đối.
Vì vậy, cũng sẽ không bao giờ có một tiêu chí chung cho việc xác lập tính công bằng của pháp luật, mà tiêu chí chung đó hoàn hảo đến mức có thể đưa lại sự công bằng hay bình đẳng tuyệt đối theo đúng ý nghĩa của các khái niệm này.
John Rawls: Công lý là tự do.
Bước sang thời hiện đại, vấn đề công bằng và công lý tiếp tục được các học giả phương Tây đề cập đến trong nhiều tác phẩm nổi tiếng về triết học pháp quyền. Trong số đó, đáng chú ý là quan niệm của John Rawls (1921 – 2002) - cựu giáo sư triết học tại Harvard, người được xem là triết gia Tây phương hàng đầu về triết học pháp quyền của thế kỷ 20.
Trong tác phẩm “Một luận thuyết về công lý” (1971) Rawls cho rằng, công lý phải được xem là giá trị cốt lõi của con người. Mọi định chế xã hội và luật pháp phải được xây dựng trên cơ sở hướng tới mục tiêu tối hậu là đảm bảo công bằng và thực thi công lý. Ông viết:
“ Công lý là đức hạnh thứ nhất cho các định chế xã hội, cũng như chân lý là của các hệ thống tư tưởng. Một lý thuyết dù có lộng lẫy hay tiết độ gì đi nữa, nhưng mà nếu nó sai thì phải bị bác bỏ; cũng như thế, luật pháp và định chế dù có hiệu năng hay hoàn chỉnh đến đâu cũng cần phải được cải tổ hay dẹp bỏ nếu chúng là bất công” (3)
Với quan niệm, công lý phải được đặt trên nền tảng các quyền căn bản của con người, Rawls khẳng định, những quyền hạn được bảo đảm bởi công lý là một thứ quyền năng tuyệt đối, bất khả xâm phạm, và không có bất kỳ một lý do gì có thể biện minh cho sự gia giảm các quyền năng này.
“ Mỗi người đều có quyền bất khả xâm phạm trên nền tảng công lý cho dù quyền lợi của cả xã hội cũng không thể bị phủ quyết. Vì lý do đó, công lý từ chối sự phủ nhận tự do của một số người có thể được bù trừ bởi lợi ích của kẻ khác (…) Từ đó, trong một xã hội công bằng, quyền tự do bình đẳng của công dân là chuyện phải được chấp nhận; những quyền hạn bảo đảm được bởi công lý không thể được gia giảm vì lý do chính trị hay là về những tính toán cho lợi ích xã hội (…) Khi là những đức hạnh hàng đầu của sinh hoạt con người, chân lý và công lý là hai điều không thể được nhân nhượng” (4)
Như vậy, trong khi Aristotle lấy ý niệm về bình đẳng làm hạt nhân cho công bằng và công lý, thì John Rawls cho rằng, nền tảng của công lý là tự do và chỉ có công lý khi có tự do. Vì vậy, nếu vấn đề tiên khởi là tự do không được giải quyết, thì công lý cũng chỉ là một sự ảo tưởng.
2. Sự biểu đạt công lý bằng hình tượng.
Có một điều khá thú vị là, trong khi các triết gia, các nhà tư tưởng lỗi lạc từ cổ chí kim vẫn chưa tìm được một tiếng nói chung, một định nghĩa khả hữu về công lý, thì ý niệm công lý được biểu đạt thông qua hình tượng (như hình ảnh của chiếc cân hay hình tượng nữ thần công lý) từ lâu đã được nhiều dân tộc, nhiều nền văn hoá trên thế giới chia sẻ như một cảm thức chung về công lý và công bằng.
Theo quan niệm từ xa xưa, hình tượng nữ thần công lý đã được khắc hoạ, miêu tả với ba biểu tượng đặc trưng: Một thanh gươm tượng trưng cho quyền lực cưỡng chế và uy quyền của toà án; một chiếc cân biểu tượng cho lẽ phải, sự công bằng, không thiên vị; và một chiếc khăn bịt mắt, tượng trưng cho ý tưởng công lý “mù loà” nhằm đề kháng lại với những áp lực, ảnh hưởng hay tác động từ bên ngoài vào tiến trình thực thi công lý.
Như vậy, với cách biểu đạt công lý thông qua hình tượng, ý niệm về công lý không đồng nghĩa với khái niệm công bằng. Mà nó được hiểu như một sự điều chỉnh của luật pháp, một hành động “sửa sai” của toà án khi một cá nhân hoặc một chủ thể pháp lý vi phạm vào nguyên tắc công bằng. Nói khác, khi nguyên tắc công bằng trong tương giao xã hội bị xâm phạm thì người ta mới cầu viện đến luật pháp để khôi phục lại trạng thái công bằng. Và tiến trình xác lập lại trạng thái công bằng này được gọi là công lý.
Chẳng hạn, một người tự nguyện trả một khoản nợ mà họ đã vay mượn của người khác, được xem là cách hành xử đương nhiên, không liên quan gì đến ý niệm công lý cả. Chỉ khi nào họ tìm cách chiếm đoạt số tiền vay mượn đó thì trái chủ mới cầu viện đến sự can thiệp của luật pháp, và khi toà án sử dụng quyền lực tư pháp để buộc con nợ phải thi hành nghĩa vụ trả nợ thì ý niệm công lý mới hình thành.
Cũng như thế, một người tuân thủ luật pháp của cộng đồng nơi anh ta sinh sống, là điều bình thường theo trách nhiệm công dân. Chỉ khi nào trật tự luật pháp đó bị anh ta xâm phạm (như có hành vi trộm cắp, giết người…) thì tiến trình thực thi công lý mới diễn ra, và khi đó công lý mới có thể được xác lập.
Như vậy, công lý có thể được hiểu, là những gì thuộc về lẽ phải, sự công bằng mà con người tìm thấy hay đạt được thông qua một tiến trình tư pháp độc lập, khách quan và tuân thủ pháp luật.
3. Công lý và sự thật.
Chúng ta vừa đưa ra một giới thuyết về công lý với ý nghĩa như một nổ lực của tiến trình tư pháp nhằm mang lại lẽ phải hay phục hồi lại trạng thái công bằng trong các tương giao xã hội.
Thế còn đối với vấn đề sự thật thì sao? Việc xác lập công lý trong một vụ án hình sự hay một tranh chấp dân sự, có đồng nghĩa với việc xác định sự thật của vụ án hình sự hay tranh chấp dân sự đó không?
Để trả lời các câu hỏi trên, chúng ta cùng xem xét trường hợp dưới đây.
Trong một vụ kiện dân sự về tranh chấp hợp đồng vay tài sản, bị đơn thừa nhận có vay tiền của nguyên đơn và chưa trả được số tiền vay này, nên toà án đã ra phán quyết buộc bị đơn phải thực hiện nghĩa vụ trả nợ theo luật định. Trong trường hợp này, việc xác lập công lý được xem là đồng nghĩa với xác định sự thật vụ án. Tức là, có sự kiện bị đơn vay tiền và chưa trả số tiền vay.
Thế nhưng nếu bị đơn cho rằng, trên thực tế họ đã trả xong số tiền vay, nhưng do sơ xuất không thu hồi lại giấy vay tiền, nên nguyên đơn đã sử dụng chứng cứ này để tiếp tục khởi kiện họ.
Với tình huống này, rất có thể toà án cũng sẽ đưa ra phán quyết buộc bị đơn thực hiện nghĩa vụ trả nợ, nhưng rõ ràng việc xác lập công lý trong trường hợp này không đồng nghĩa với việc xác định sự thật vụ án. Vì không ai dám đoan chắc, sự thật là bị đơn đã trả tiền hay chưa.
Tương tự như thế, khi toà án tuyên bố một người không phạm phải tội danh “giết người” hay “trộm cắp tài sản” vì lý do chưa đủ chứng cứ để kết tội họ, thì trên nguyên tắc, công lý đã được xác lập, nhưng sự thật về vụ án thì vẫn còn bỏ ngỏ. Những câu hỏi liên quan đến việc xác định sự thật, như: bị cáo có phải là hung thủ không, nếu bị cáo không phải là hung thủ thì ai là người thực hiện hành vi tội phạm... hoàn toàn chưa có lời giải từ phán quyết của toà án.
Như vậy, nếu nhìn một cách tổng thể thì bản chất của tiến trình thực thi công lý là mang lại lẽ phải và sự công bằng, chứ không phải tìm kiếm sự thật cho tất cả các vụ án. Và lẽ phải hay sự công bằng đó, không chỉ được đảm bảo cho nạn nhân hay người có quyền lợi bị xâm phạm, mà còn phải được bảo đảm cho chính nghi phạm trong các vụ án hình sự. Bao lâu các cơ quan tố tụng còn chưa chứng minh được bị can (bị cáo) phạm tội, thì theo nguyên tắc công bằng, họ phải được xem là không phạm tội, bất luận trên thực tế họ có thực hiện hành vi tội phạm hay không.
Đây cũng là lý do các nước có nền tư pháp tiên tiến luôn xem việc xác lập công lý phải được đặt trên nền tảng của các thủ tục công bằng. Và công lý do một tiến trình tư pháp mang lại phải là công lý theo thủ tục, chứ không phải công lý theo bản thể.
Vậy, công lý theo thủ tục là gì?
Trong khoa học pháp lý phương Tây, công lý theo thủ tục cũng được gọi là tư pháp theo thủ tục, là một tiến trình tư pháp nhằm đạt đến công lý trên căn bản thường nghiệm.
John Rawls đã cho ta một ví dụ khá dễ hiểu về công lý theo thủ tục (cũng gọi là theo quy trình) như sau:
Có một nhóm người (khoảng 10 người chẳng hạn) cùng muốn cắt chia một chiếc bánh. Muốn công bằng thì hãy để cho người cầm dao quyết định cắt bánh như thế nào, sẽ là người cuối cùng nhận lấy phần bánh của mình.
Như vậy, công lý theo thủ tục không có tham vọng truy tìm bằng được sự thật, cũng như không bảo đảm cho một kết quả công bằng tuyệt đối trên thực tế, mà nó được hiểu như một tiến trình công bằng trong việc xác lập công lý. Nói khác, khi các thủ tục được thực hiện một cách trong sáng, vô tư, công bằng thì kết quả của nó được xem là công bằng, cho dù trên thực tế nó có thực sự công bằng hay không.
Cũng như người cắt bánh trong ví dụ trên, phần bánh mà họ nhận được có thể ít hơn hoặc nhiều hơn so với người khác, nhưng kết quả đó được xem là công bằng, vì nó được thực hiện theo một phương pháp công bằng, và không ai có thể thắc mắc hay nghi ngờ gì về tính khách quan, vô tư của sự phân chia này.
Theo quan niệm của các nhà luật học phương Tây, công lý theo thủ tục bao gồm nhiều nguyên tắc. Thứ nhất, hệ thống pháp lý bắt buộc phải có một bộ luật toàn vẹn và công bằng về thể thức quyết nghị và thủ tục. Thứ nhì, những luật lệ công bằng về quyết nghị và thủ tục phải được định trước và thông báo trước. Thứ ba, những luật lệ công bằng về quyết nghị và thủ tục này phải được áp dụng một cách trong sáng. Và cuối cùng, những luật lệ về quyết nghị và thủ tục này phải được áp dụng một cách nhất quán.
Khi cả bốn điều kiện trên đều thoả đáng, các thẩm phán và luật sư phương Tây cho rằng, họ đã đạt được công lý, gọi là công lý theo thủ tục.
Một ví dụ có thể làm sáng tỏ điểm khác biệt giữa công lý theo thủ tục với công lý theo bản thể, đó là: Nếu thực sự có người đã giết hại một người khác, công lý theo bản thể đòi hỏi hung thủ phải bị trừng phạt theo đúng luật.
Tuy nhiên, nếu hung thủ bị cảnh sát tra tấn đến độ phải thú tội, và nhờ vào bản thú tội này, cảnh sát tìm được chứng cứ thuyết phục, như vũ khí gây án, xác nạn nhân… để toà kết án kẻ phạm tội (dẫn đến kết quả là lập được công lý theo bản thể) nhưng lại không đạt được công lý theo thủ tục, vì quá trình tìm ra tội phạm đã vi phạm quyền căn bản của con người. Một công dân trước khi bị kết án vẫn được hưởng trọn vẹn sự bảo vệ của các đạo luật bảo vệ dân quyền.
Trong trường hợp này, dựa theo thủ tục của hình luật đã được thiết lập, một chánh án Hoa Kỳ sẽ không cho phép bản thú tội (lấy được nhờ tra tấn) và bất cứ thứ gì tìm được trực tiếp từ bản thú tội (như vũ khí gây án hay xác nạn nhân) trở thành chứng cứ tại toà. Do đó, bồi thẩm đoàn sẽ không được coi những thứ này là vật chứng, và nếu công tố viên không có bằng chứng tốt nào khác, hung thủ rất có thể được trắng án, cho dù công lý có tính cách bản thể đòi hỏi hung thủ phải bị trừng phạt. (5)
Có lẽ nhiều người trong chúng ta sẽ cho rằng, việc quá chú trọng vào công lý theo thủ tục, đến mức chấp nhận cả việc bỏ lọt tội phạm như thế, là điều không hợp lý. Nhưng chúng ta nên nhớ cho rằng, công lý theo thủ tục cũng như tinh thần của pháp luật nói chung, không chấp nhận sự hy sinh luật pháp cho mục đích tìm ra sự thật, cũng như không vì bất cứ một trường hợp phạm tội cụ thể nào mà chấp nhận sự phá vỡ tính nghiêm minh và nhất quán của luật pháp.
Một hành vi xâm phạm vào hoạt động tư pháp của ngày hôm nay, nếu được chấp nhận hoặc bỏ qua, sẽ có cơ hội lặp lại trong tương lai. Lâu dần sẽ trở nên một việc làm phổ biến, và sự cấm đoán của luật pháp về vấn đề này đương nhiên sẽ không còn ý nghĩa nữa.
Mặt khác, như chúng ta đã biết, tiến trình tư pháp là một tiến trình dựa trên các thủ tục công bằng và hợp pháp. Vì vậy, nếu không có thủ tục công bằng và hợp pháp thì không thể bảo đảm sẽ có kết quả hợp pháp.
Trong ý nghĩa đó, công lý theo thủ tục được xem là điều kiện thiết yếu cho công lý theo bản thể. Đây cũng chính là lý do những quốc gia có nền tư pháp văn minh, hiện đại luôn xem trọng công lý theo thủ tục hơn công lý theo bản thể - là khuynh hướng công lý vốn chú trọng đến yếu tố trừng phạt hơn là tuân thủ các nguyên tắc công bằng của luật pháp.
4. Tính kịp thời của công lý.
Khi đứng trước câu hỏi, luật pháp đem lại công lý cho ai? câu trả lời đương nhiên là, cho chính bản thân người đi tìm công lý, người cần được công lý bảo vệ, chứ không phải cho người thân hay gia đình họ.
Một tử tù bị hàm oan, cần sự hiện diện kịp thời của công lý để cứu lấy mạng sống và danh dự cho chính mình; một công dân bị tước đoạt tài sản bất hợp pháp, cần sự can thiệp kịp thời của công lý để được trả lại tài sản cho chính mình, chứ không phải cho con cái hay gia đình họ sau này.
Quan niệm “Công lý đến muộn còn hơn không” ở một mức độ nào đó, phản ánh sự nỗ lực của các cơ quan tư pháp trong việc hạn chế oan sai, nhưng nó cũng thể hiện sự gian nan, vất vả của người dân trong hành trình đi tìm công lý và lẽ phải. Và đó, không phải là cái đích cho một nền tư pháp văn minh, hiện đại hướng tới.
Thông thường, sứ mệnh của các tòa án được nhìn nhận từ góc độ chất lượng xét xử. Theo đó, người ta cho rằng, điểm mấu chốt trong hệ thống tư pháp là sự hiện diện của một đội ngũ thấm phán vô tư và giỏi về luật để giải quyết các tranh chấp tại tòa án một cách độc lập, nhằm đảm bảo quyền lợi chính đáng của các bên đương sự cũng như không để xảy ra các trường hợp oan sai.
Tuy nhiên, với một nền tư pháp ưu việt, các yêu cầu và đòi hỏi như trên là chưa đủ, mà những khía cạnh khác cũng cần phải được tính đến trong việc thực thi công lý. Đó là, các tòa án phải ra quyết định một cách không chậm trễ, thủ tục tố tụng không gây phiền hà, tốn kém cho công dân. Đồng thời, chất lượng và tính chặt chẽ, mạch lạc của các bản án, quyết định của tòa án phải bảo đảm sự rõ ràng về mặt pháp lý.
Thực tiễn tố tụng ở ta cho thấy, hành trình tố tụng trong các vụ án dân sự là một hành trình lê thê. Có vụ án kéo dài hàng chục năm, trong khi đương sự là những người đã lớn tuổi, già yếu, nên không theo đuổi được vụ kiện đến cùng. Và cứ mỗi lần có đương sự chết, vụ án lại càng trở nên phức tạp, thậm chí bế tắt.
Cũng có trường hợp, khi vụ án có quyết định giám đốc thẩm thì tài sản của người phải thi hành án đã được cơ quan thi hành án phát mãi giao cho bên được thi hành án hoặc tài sản là nhà ở, công trình xây dựng trên đất bị tháo dỡ để bàn giao quyền sử dụng đất cho bên được thi hành án…
Trong khi đó, quá trình tố tụng lại vụ án với kết quả sau cùng là người phải thi hành án thắng kiện. Thế nhưng tài sản, nhà cửa đất đai của họ đã không còn nữa, quyền và lợi ích hợp pháp của họ đã không được pháp luật bảo vệ một cách kịp thời…
Thành ngữ phương Tây có câu “Công lý bị trì hoãn là công lý bị từ chối” hay “ Chậm có công lý là không có công lý”. Điều đó cho thấy, công lý không chỉ là việc xét xử công bằng, đúng pháp luật mà còn phải bao hàm cả việc thực thi một cách nhanh chóng và kịp thời.
Mọi sự chậm trễ trong việc thực thi công lý, tự bản thân nó đã vi phạm nguyên tắc công bằng, và như vậy cũng không còn là công lý theo đúng ý nghĩa của khái niệm này.
Luật sư HỒ NGỌC DIỆP
Rút trong sách "Những suy nghiệm về luật pháp" sắp xuất bản.
---------------------------------
(1) Raymond Wacks, Triết học luật pháp (Phạm Kiều Tùng dịch), Nxb. Tri Thức, năm 2011.
(2) Ngô Thị Mỹ Dung: “Khái niệm công bằng trong triết học pháp quyền Arthur Kaufmann” – Tạp chí Khoa học xã hội, Viện KHXH vùng Nam bộ, số 05/2014
(3) và (4) Nguyễn Hữu Liêm “Giới thiệu luận thuyết công lý của John Rawls”
(5) Lý Ba – “Pháp trị là gì?”